Trang chủ » Endocrinology & Metabolism » MÔ MỠ CŨNG LÀ MỘT TUYẾN NỘI TIẾT !

MÔ MỠ CŨNG LÀ MỘT TUYẾN NỘI TIẾT !

  I. LỜI MỞ

 Trước nay, mô mỡ thường được xem kho chứa chất béo, dạng dự trữ năng lượng cho cơ thể, đơn thuần. Nhưng gần đây, nhiều nhà khoa học của các trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới đều thống nhất rằng “Mô mỡ cũng là một tuyến nội tiết” liên quan đến nhiều chức năng, căn bệnh trong cơ thể người… 

  II. KHÁC BIỆT TUYẾN NGOẠI VÀ NỘI TIẾT 

  Tuyến là một tập hợp một nhóm tế bào tạo thành một nang với cùng chức năng là chế tiết ra các chất sinh học. Tùy theo tính chất và cách thức chế tiết, nang tuyến  được chia làm hai loại: (1) tuyến ngoại tiết: chất tiết thường chứa nước, các enzyme, chất khoáng, chất nhầy nhớt theo ống dẫn trực tiếp đến cơ quan mà không ngấm vào máu. Các chất sinh học trong dịch ngoại tiết không tác động trên tế bào sống mà thường tác dụng trên sinh chất trong quá trình tiêu hóa, dinh dưỡng, thải bã, thải độc..(2) tuyến nội tiết: chất tiết là những hormone (nội tiết tố) được chế tiết vào máu và được đưa đến các cơ quan đích còn sống để điều hòa các quá trình trao đổi và chuyển hóa vật chất thông qua các enzyme tại đây.

 Vì các hormone có tác dụng trên các mô tế bào sống, qua trung gian các enzyme, nên một tuyến nội tiết bao giờ cũng có cơ chế feedback (hồi chỉnh, phản hồi ngược) để điều hòa hoạt động của nó, giữ cho hệ thống nội tiết của cơ thể luôn luôn đạt trạng thái cân bằng động (homeostasis).

        TRỤC YÊN-TUYẾN NỘI TIẾT

  Mô mỡ là một tuyến nội tiết

  Năm 1987, người ta đã biết mô mỡ trắng sản xuất các steroid sinh dục và adipsin, một yếu tố nội tiết làm giảm cân rõ ở loài gặm nhấm bị béo phì. Đến năm 1994, leptin được phát hiện, khẳng định mô mỡ trắng như một cơ quan nội tiết.

  Đến nay, các nhà khoa học phát hiện mô mỡ trắng chế tiết khá nhiều hormone peptide khác nhau. Đây là những adipokine có nhiều tác dụng tại chỗ cũng như toàn thân. Trong các hormone này, leptin và adiponectin đang được quan tâm nghiên cứu hơn cả, đặc biệt trên các đối tượng thừa cân, béo phì, đái tháo đường.

    * Leptin

   Hormone leptin được phát hiện năm 1994. Tên gọi leptin có từ gốc Hy Lạp leptos có nghĩa là gầy.

   Leptin được tiết ra bởi các mô mỡ dưới da và nội tạng; một lượng nhỏ leptin được chế tiết từ biểu mô của dạ dày và nhau thai.

  Leptin có các chức năng như: (1) Điều hòa trọng lượng cơ thể qua thái độ ăn uống, cảm giác đói, thân nhiệt và sự tiêu hao năng lượng cơ thể. Tiêm leptin hằng ngày cho chuột làm giảm ăn một cách trầm trọng sau vài ngày và có thể làm thể trọng giảm đến 50% sau 1 tháng. Sự giảm thể trọng này do giảm đói và giảm tiêu thụ thức ăn, tăng tiêu hao năng lượng qua sự tiêu thụ oxy tăng, thân nhiệt cao hơn và giảm khối lượng mô mỡ; (2) Tác dụng trên hệ nội tiết – thần kinh. Thiếu leptin làm tăng hoạt trục dưới đồi-yên-thượng thận và ức chế trục dưới đồi – yên – giáp cũng như trục sinh dục; (3) Tác dụng trên tim mạch. Leptin làm tăng huyết áp thông qua sự hoạt hóa giao cảm, tăng tái hấp thu natri ở thận, và người béo phì thường tăng huyết áp vì lý do này; (4) Chức năng sinh sản. Phụ nữ có lượng mỡ cơ thể quá thấp, leptin cũng thấp, chu kỳ kinh nguyệt thường dừng lại, (5) Các chức năng khác. Leptin còn có nhiều vai trò về nội tiết khác như: điều hoà chức năng miễn dịch, tạo huyết, tân sinh mạch máu và phát triển xương.

  Adiponectin

 Adiponectin được phát hiện vào thập niên 90 bởi bốn nhóm nghiên cứu độc lập, và được đặt các tên khác nhau (Acrp30 (adipocytes complement-related protein of 30 kDa), AdipoQ, GBP28 (gelatin binding protein of 28 kDa), ApMl (adipose most abundant gen transcript 1).

  Hormone adiponectin là một protein giống collagen, được tiết bởi tế bào mỡ trắng. Nồng độ adiponectin máu giảm ở người béo phì, đái tháo đường.

  Adiponectin có các chức năng như (1) Điều hòa trọng lượng cơ thể, ngăn ngừa béo phì; (2) Điều hòa glucose máu. Adiponectin làm tăng nhạy cảm của tế bào gan đối với insulin, tăng dung nạp glucose của tế bào; (3) Giảm kháng insulin do ức chế tân tạo glucose ở gan và làm tăng vận chuyển glucose ở cơ; (4) Các chức năng khác. Adiponectin có tác dụng trên chuyển hóa lipid, chống viêm và chống vữa xơ động mạch.

III. LỜI BÀN

  Ngày nay, trong y khoa và dinh dưỡng học, chất béo đang thu hút rất nhiều nghiên cứu. Theo Tiến sĩ Aaron Cypess, ĐH Harvard, Trung tâm Đái tháo đường Joslin, Boston cho biết: “Chất béo là vấn đề hấp dẫn nhất trên thế giới” và “Chúng ta mới chỉ bắt đầu hiểu được chất béo”. Còn Tiến sĩ Rachel Whitmer, Phòng nghiên cứu Kaiser Permanente, Oakland, California, nhận định: “Chất béo có nhiều chức năng trong cơ thể hơn chúng ta tưởng”.

  Dưới nhãn quan mô mỡ là một tuyến nội tiết, nhiều vấn đề khá hóc búa  về nội tiết và chuyển hóa đã dần dần sáng tỏ: Người béo phì tăng huyết áp ngoài nguy cơ xơ vữa động mạch mà còn do nồng độ leptin cao làm tăng tái hấp thu muối ở thận; Người béo phì có nguy cơ mắc đái tháo đường thể 2 cao; Sự rối loạn các trục thần kinh nội tiết, não-tuyến yên-tuyến nội tiết (mô mỡ), sẽ làm rối loạn cơ chế điều hòa việc chuyển đổi thức ăn thành năng lượng hoặc thành mỡ dự trữ, và gây ra béo phì. 

  IV. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] The Truth About Fat

https://www.webmd.com/diet/features/the-truth-about-fat#1

[2] What’s the Difference Between White Fat and Brown Fat?

https://www.womenshealthmag.com/health/fat-facts

[3] Obesity fight: Fat-regulating ‘switch’ in brain may not work on obese people

http://www.abc.net.au/news/2017-08-02/fat-regulating-switch-in-brain-may-not-work-in-obese-people/8764876

[4] Could our brain instruct our bodies to burn more fat?

http://www.monash.edu/medicine/news/latest/2015-articles/could-brain-instruct-body-to-burn-fat.html

[5] ‘Good fat’ could help manage type 2 diabetes

http://www.monash.edu/news/articles/8098

[6] ‘Switch’ in brain of obese people stays on all the time, researchers say

https://www.theguardian.com/australia-news/2017/aug/02/switch-in-brain-of-obese-people-stays-on-all-the-time-researchers-say

[7] Brain ‘switch’ tells body to burn fat after a meal

https://www.sciencedaily.com/releases/2017/08/170801193339.htm

[8] Biochemistry of adipose tissue: an endocrine organ

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3648822/

[9] Adipose tissue as an endocrine organ

http://www.doctorschierling.com/blog/adipose-tissue-fat-as-an-endocrine-organ 

                                                           

                                                          TS.BS Trần Bá Thoại   

                                              Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM

     http://dantri.com.vn/suc-khoe/mo-mo-la-mot-tuyen-noi-tiet-20171022055309061.htm