I. LỜI MỞ
Thỉnh thoảng lại có thông tin ngộ độc do dùng mật động vật để chữa bệnh hay nâng cao sức khỏe, và đã có trường hợp tử vong. Mới hôm qua, 28/11, báo Tuổi trẻ đưa tin, một cụ bà ở Thái Bình và người đàn ông ở Phú Thọ nuốt mật cá trắm và cả hai đều phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì ngộ độc [1]
Theo sinh học, mật chỉ là một dịch thải qua đường tiêu hóa của các chất cặn bã, chất chuyển hóa, chất độc…ra khỏi cơ thể động vật. Ngoài ra dịch mật có thể chứa các mầm bệnh vi trùng, siêu vi, ký sinh trùng gây bệnh…
II. VÌ SAO LẠI KHÁO NHAU DÙNG MẬT ĐỘNG VẬT ?
Lấy lý do tân dược, thuốc tây, là những hóa chất tổng hợp có nhiều tác dụng không mong muốn hay phản ứng phụ, người ta kháo nhau, truy tìm và sử dụng những bài vị thuốc y học cổ truyền để “không bổ ngang cũng bổ dọc” không chữa bệnh cũng nâng cao sức khỏe sinh lý….
Mật động vật là một trong nhiều loại thuốc nam, thực phẩm chức năng đó. Người ta truyền miệng nhau nuốt sống hoặc uống rượu có pha các mật của ba ba, bò tót, cá trắm, cóc, gấu, khỉ, mèo, rắn, rùa, trăn… với hy vọng sẽ cải thiện sức khỏe, tăng cường sinh lực, phòng chống bệnh tật, ngừa chữa ung thư… Đặc biệt, ngưu hoàng, sỏi mật của trâu bò, được “lăng xê” nhiều nhất. Vị thuốc An cung ngưu hoàng với nhiều nguồn gốc và biệt dược, đã được nhiều vị “nhiều tiền lắm của” sưu tầm, tích trữ để biếu xén hay sử dụng cho chính bản thân gia đình, mà rõ nguồn gốc và cơ chế tác dụng.
III. THÀNH PHẦN MẬT ĐỘNG VẬT
Mật động vật thường có chung các thành phần như:
(1) Các axít mật: có 4 loại axít mật đều được tổng hợp từ cholesterol là a. cholic, a. chenodeoxycholic, a. deoxycholic và a. lithocholic. Các axít mật là những chất hoạt tính bề mặt và khử mạnh, nhưng không có tác dụng trong sự tiêu hóa thức ăn;
(2) Muối mật: là muối kali hoặc natri của 4 axít mật với glycine hoặc taurine. Muối mật là thành phần duy nhất trong dịch mật có tác dụng tiêu hóa, bằng cách nhũ tương hóa các chất béo trong thức ăn để các enzyme lipase trong dịch tràng (ruột non) phân giải và hấp thus au đó. Ngoài ra tiêu hóa chất béo chung, muối mật cũng giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu A, D, E và K. Muối mật còn giúp cho cholesterol tan dễ dàng trong nước dịch mật cản trở sự hình thành sỏi mật. Khi xuống đến hồi tràng, hầu hết muối mật được tái hấp thu trở lại vào máu rồi được đưa đến gan, chu trình ruột-gan;
(3) Sắc tố mật: chính là bilirubin liên hợp với a xít glucuronic, bilirubin diglucuronide. Bilirubin là sản phẩm thoái hóa của nhân heme trong quá trình thoái hóa huyết cầu tố hemoglobin của hồng cầu. Sauk hi được bài tiết bình thường vào ruột, sắc tố mật còn được biến đổi nhiều lần cuối cùng thành stercobilin khiến phân có màu vàng. Khi bị tắc mật do viêm gan, sỏi mật, u đầu tụy.. sắc tố mật không đi được xuống ruột mà bị hấp thu vào máu và bài tiết ra trong nước tiểu khiến phân trắng (phân cò), da vàng và tiểu sậm vàng;
(4) Cholesterol: Cholesterol trong dịch mật là nguyên liệu để sản xuất muối mật. Đồng thời cũng có thể đây là đường đào thải cholesterol của cơ thể để điều hòa lượng cholesterol máu. Bình thường, lượng cholesterol bài tiết tương quan với muối mật nên muối mật giúp cholesterol tan được trong dịch mật;
(5) Những thành phần khác: Đa số các chất thải, chất độc, thuốc, hóa chất..được gan chuyển hóa, khử độc và được thải ra khỏi cơ thể qua hai đường chính là mật và nước tiểu, một số ít thải qua hơi thở, phân và mồ hôi, và
(6) Các vi sinh vật gây bệnh: giun sán, vi khuẩn, siêu vi…
IV. CÁC BÀI THUỐC ĐÔNG Y CÓ MẬT ĐỘNG VẬT
1* Sỏi mật trâu bò-ngưu hoàng
Theo Đông y, An cung ngưu hoàng với (1) thành phần chính (quân) gồm ngưu hoàng, sừng tê giác, xạ hương, (2) thành phần hỗ trợ (thần) gồm hùng hoàng; hoàng liên; hoàng cầm, chi tử; uất kim, (3) thành phần phụ theo (tá) gồm chu sa, trân châu và (4) phần kèm theo (sứ) là mật ong dùng để hòa vị.
Nhiều tài liệu Trung y, ca ngợi An cung ngưu hoàng là thuốc để cấp cứu đột quỵ, viêm não màng não, não nhiễm độc, co giật do sốt cao cũng như phục hồi tổn thương tế bào thần kinh sau tai biến mạch máu não.
2* Mật gấu
Mật gấu, hùng đởm, khá quen thuộc với người Việt Nam chúng ta. Theo Đông y mật gấu vị đắng, ngọt mát, tính hàn, mùi thơm dịu, có tác dụng đặc hiệu giảm các chứng đau, tiêu viêm tán ứ, diệt trừ vi khuẩn. Mật gấu dùng để chữa viêm tấy, đau nhức, tụ máu bầm tím do ngã hay chấn thương.
3* Mật cá trắm
Theo Đông y, mật cá trắm, thanh ngư đởm, có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thoái ế minh mục…Mật cá trắm được dùng để chữa các chứng bệnh như cổ họng sưng đau, đau mắt đỏ, viêm âm hộ, đau nhức nhiều, trẻ em đờm dãi ủng trệ…Mật cá trắm thường được trộn với hạt gấc và thổ đại hoàng sấy khô, tán mịn, trộn đều rồi bôi vào vết viêm loét…
4* Mật trăn
Theo Đông y, mật trăn, nhiêm xà đởm hoặc mang xà đởm, có vị ngọt đắng, tính lạnh, hơi độc, có công dụng táo thấp, sát trùng, làm sáng và chữa viêm mắt có màng, chống phù nề và giảm đau. Mật trăn được dùng để chữa đau mắt đỏ, tiêu hoá kém, nhọt lở, kiết lỵ, trĩ, viêm lợi răng, miệng.
V. CÁC TRƯỜNG HỢP NGỘ ĐỘC MẬT ĐỘNG VẬT
1* Ngộ độc mật gấu
Tại Việt Nam, đã có một số trường hợp đã tử vong do uống mật gấu quá liều. Mật gấu cũng có thể gây ra tổn thương gan, thận.
Theo ông Phạm Hinh Còn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam, mật gấu xưa nay chỉ được dùng để chữa chấn thương, trật đả, xung huyết… chứ ít được dùng để uống. Hơn nữa, mật gấu không phải là thuốc bổ, thuốc tăng cường sức khỏe, sức đề kháng như được “rêu rao”
2* Ngộ độc mật cá trắm
Mật của cá trắm có chứa độc tố steroid là cyprinol. Đây là độc chất gây tổn thương nhiều phủ tạng, đặc biệt là gan, thận. Rất nhiều trường hợp suy thận cấp rất nặng sau khi uống mật cá trắm; có trường hợp đã tử vong hay phải chạy thận suốt đời.
VI. ĐÔI ĐIỀU BÀN LUẬN
Theo thành phần cấu tao, mật động vật thường có chứa các axit mật, muối mật nên có tác dụng giảm viêm, tan máu bầm, giảm đau và ít nhiều tính sát trùng, kháng khuẩn. Về hệ tiêu hóa, mật chỉ có một tác dụng là nhũ tương hóa chất béo. Do đó, để trợ tiêu hóa hiện chúng ta có nhiều cách, thuốc an toàn vệ sinh hơn mật rất nhiều.
Cần nhớ rằng, mật cũng như nước tiểu, mồ hôi và phân, là những chất thải của cơ thể không hơn không kém. Do đó, bên cạnh những chất thải do chuyển hóa thông thường như axit mật, muối và sắc tố mật trong mật còn có những chất độc, vi khuẩn, siêu vi, ký sinh trùng, giun sán… có thể gây hại cho người nếu chúng ta cho “chất thải” này trở vào cơ thể.
Bàn về mật gấu, BS Nguyễn Xuân Hướng, Thầy thuốc nhân dân, Chủ tịch BCH Hội Đông y Việt Nam khẳng định: “Mật gấu rất nóng và độc. Gấu ăn hàng yến thịt sống mà vẫn tiêu hoá được trong khi con người không ăn được thịt sống, dù chỉ là một miếng cỏn con. Hay gấu uống được hàng lít mật ong, trong khi con người không thể làm được điều đó. Đó là nhờ mật con gấu tiêu hoá tốt. Còn con người, nếu uống mật gấu vào, sẽ bị phá tế bào gan và thận, gây suy gan suy thận dẫn tới tử vong”.
Ngưu hoàng với bản chất là viên sỏi mật của trâu bò bị bệnh, hiện các thầy thuốc đột quỵ trên thế giới, kể cả Trung và Hàn Quốc là nơi sản sinh sản xuất ra thuốc, khuyến cáo không nên sử dụng trong điều trị và phòng ngừa đột quỵ. Các Đông y sĩ cũng khuyến cáo cẩn trọng khi sử dụng vì nguồn gốc thuốc,tác dụng và độc tính. Trong viên An cung ngưu hoàng có 3 loại chất có độc tính là chu sa (có thủy ngân), hùng hoàng (có asen) và xạ hương có độc tính cao..Tiến sĩ Lê Lương Đống, Phó Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, cả chục năm nay ông không dám dùng bài thuốc này hay giới thiệu cho ai nữa vì “không còn niềm tin vào An cung ngưu hoàng”.
Theo nguyên tắc cơ bản của y học chứng cứ (evidence based medicine), các loại thuốc khi sử dụng cho bệnh nhân phải trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt, phải chứng minh rõ tác dụng chữa bệnh, liều lượng tác dụng, liều đôc.v.v…để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân. Do đó, dù mật động vật cũng có một số tác dụng dược lý nhỏ như làm tan máu bầm, làm giảm đau tại chỗ…nhưng khi tính toán kỹ thì hại quá nhiều so với lợi ích. Hơn nữa, với những tiến bộ y dược học như hiện nay, chúng ta có quá nhiều thuốc mới, đặc trị, hiệu quả để lựa chọn, thì cớ gì phải dùng mật động vật theo “kinh nghiệm”, cảm tính thô sơ, thiếu khoa học.
VII. THAM KHẢO
[1] Nguy kịch vì ăn mật cá trắm ‘tẩm bổ’
https://tuoitre.vn/nguy-kich-vi-an-mat-ca-tram-tam-bo-20231128173649557.htm
[2] Người đàn ông suy gan, thận nặng do uống mật cá éc trị bệnh
https://tuoitre.vn/nguoi-dan-ong-suy-gan-than-nang-do-uong-mat-ca-ec-tri-benh-20230323151202598.htm
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM