Trang chủ » ẨM THỰC » GỎI MÍT TRỘN: DÂN DÃ, DỄ CHẾ BIẾN, KHÁ “BẮT MỒI” !

GỎI MÍT TRỘN: DÂN DÃ, DỄ CHẾ BIẾN, KHÁ “BẮT MỒI” !

  GIỚI THIỆU

Mít non trộn là món ăn dân dã, phổ biến khắp các vùng quê, với các nguyên liệu đơn giản và cách chế biến không quá cầu kỳ.

  Ngày trước, khi kinh tế còn khó khăn, món mít trộn chỉ đơn giản với mít non luộc, đậu phộng rang, rau thơm, nước mắm, chanh, ớt, tỏi…

  Hiện nay, dĩa mít trộn rất phong phú, hấp dẫn nhờ các đầu bếp gia thêm nhiều món chất lượng như tôm, thịt, cá, mực.v.v….

   Du lịch xứ Quảng, ngoài thăm thú danh lam, thắng cảnh, quý khách nhớ dùng qua món mít trộn Đà Nẵng khá nối tiếng nơi đây bởi vẻ mộc mạc nhưng hương vị đầy lôi cuốn, lạ miệng.

   LÀM ĐĨA MÍT TRÔN

   Làm dĩa mít trộn khá đơn giản qua các khâu:

  1. Luộc mít non

  Chọn quả mít non, trái suông không khuyết sẹo, chưa nở gai, cắt ra có màu trắng ngà.

  Gọt bỏ phần vỏ gai xanh, lấy phần da trắng và thịt, cắt bỏ phần cùi, xẻ theo chiều dài của cuốn mít.

  Cắt thành miếng lớn, rửa với nước sạch hoặc dùng lá lau sạch mủ dính (người trước thường lá chuối khô, lá ngái nhám…).    

  Khi nồi nước sôi cho các miếng mít vào luộc, trở đều hai mặt. Khi mít đã ngã màu tím nhạt, dùng đũa xiên để biết múi mít đã mềm hay chưa.

  Thái miếng mít luộc đã để nguội thành từng sợi nhỏ vừa ăn theo sớ thích.

  1. Trộn gỏi mít

  Ngoài mít luộc, món mít trộn cần thêm các nguyên liệu khác như thịt, tôm, cá, mực luộc,.. cũng được thái thành sợi nhỏ như mít luộc, và một số gia vị. phụ gia thực phẩm như đậu phộng rang, mè rang, nước mắm, chanh, tỏi, tiêu ớt, rau thơm, răm thái nhỏ,..

  Cần lưu ý, linh hồn của món gỏi mít trộn chính là phần nước mắm được pha với tỉ lệ vừa đủ, với những hương vị đậm đà đan xen giữa vị chua cay mặn ngọt thích hợp.

   Khi đã chuẩn bị xong các nguyên liệu, cho mít cùng thịt, tôm,.. đã sơ chế vào tô to, rưới nước mắm, dùng đũa trộn đều. Sau đó thêm vào đậu phộng rang, các loại rau thơm, đảo đều và nêm nếm lại tùy theo khẩu vị.

  1. Thưởng thức

  Thường dùng bánh tráng nướng, bánh phồng tôm để xúc mít trộn. Bẻ miếng bánh tráng vừa miệng, xúc một ít gỏi cho vào miệng dùng ngũ quan để thấy nhiều màu sắc xanh đỏ trắng vàng, nghe tiếng bánh tráng vỡ rào rạo, ngửi mùi thơm của các phụ gia vị, nếm vị mít, tôm, thịt, mực, cá….có thêm một ít nước”cay cay” thì còn gì bằng.

                                                                                                                    Trần Bá Thoại