Trang chủ » Endocrinology & Metabolism » ESTROGEN, XENOESTROGEN, THUỐC NGỪA THAI VÀ NHỮNG LIÊN QUAN…

ESTROGEN, XENOESTROGEN, THUỐC NGỪA THAI VÀ NHỮNG LIÊN QUAN…

     I. LỜI MỞ

   Mới đây, tờ The Paper (Thượng Hải, Trung Quốc) gây rúng động dư luận khi đăng tải phóng sự điều tra “Đôi dép nhựa nguy hiểm cho trẻ em”. Theo đó, đến 85% mẫu dép lê trẻ em bằng nhựa dẻo có hàm lượng chất hóa dẻo ester phthalate vượt quá tiêu chuẩn cho phép, có mẫu vượt mức đến 805 lần [1a]; [1b]

    Phthalate là nhóm chất estrogen ngoại sinh vì chúng một có tác dụng tương tự như hormone nữ estrogen. Trẻ mang những đôi dép nhựa vượt chuẩn phthalate này sẽ bị phơi nhiễm xenoestrogen sẽ bị ảnh hưởng chung đến cả hệ thống sinh dục, giới tính (dậy thì sớm), hen, rối loạn tăng động…,

    Bài viết nhằm cung cấp một số thông tin khoa học về estrogen, hóc môn nữ quan trọng bậc nhất trong hệ thống nội tiết sinh dục nữ và những vấn  đề liên quan. 

     II. ESTROGEN VÀ SINH DỤC NỮ

   Trong cơ thể con người, tất cả các hormon sinh dục đều được sinh tổng hợp (biosynthesis) từ tiền chất đầu tiên là cholesterol. Về cấu trúc hóa học, các hormon sinh dục đều có nhân chung là nhân pregnane; chúng khác nhau là do các dây nhánh và cầu nối hoá học.

 ESTRADIOL

   Estrogen là nhóm hóc môn nữ do noãn nang (nang trứng), thể vàng (hoàng thể) và nhau thai chế tiết ra. Estrogen gồm  3 dạng: 17β-estradiol, estron và estriol (E1, E2 và E3). Trong đó 17β-estradiol (E2) được chế tiết nhiều nhất và có tác dụng sinh học mạnh nhất.

   Estrogen rất quan trọng trong sinh dục nữ: hỗ trợ sự phát triển của nang trứng, rụng trứng, phóng noãn, làm tổ, phát triển thai…v.v….

  III. THUỐC NGỪA THAI

   1. Cơ chế tác dụng

 Trong cơ thể phụ nữ, hệ nội tiết rất phức tạp liên quan rất nhiều hóc môn như  Estrogen, FSH, LH, RF.., thay đổi một hóc môn sẽ kéo theo rối loạn hệ thống. Thuốc ngừa thai, có chứa các estrogen ngoại sinh, khi cho vào cơ thể sẽ làm rối loạn chu kỳ sinh lý của kinh nguyệt, rụng trứng, phóng noãn….nên việc thụ tinh không xảy ra.

  2. Những tác dụng phụ 

  Thuốc ngừa thai có thể làm tăng cân, buồn nôn, mệt ngực, rối loạn kinh nguyệt, còn có những tác dụng phụ cần lưu ý như (1) Ra máu âm đạo  chiếm khoảng 50% , hay gặp nhất trong vòng 3 tháng đầu sau khi dùng thuốc. May mắn, tình trạng ra máu thường tự hết trên 90% ; (2) Cục máu đông  chiếm tỷ lệ 0.3-1 phần ngàn. Theo Ủy ban Sản phụ khoa Mỹ (ACOG) cục máu đông là một trong những tác dụng phụ hiếm nhưng nghiêm trọng khi dùng thuốc tránh thai; (3) Đau nửa đầu nghiên cứu năm 2014 tại Italia cho thấy có mối liên hệ giữa việc thay đổi nồng độ estrogen với chứng đau nửa đầu; (3) Bệnh lý mắt khô mắt, một số các vấn đề ở mắt khác; (4) Trầm cảm khá nhiều phụ nữ trong gia đình mắc chứng rối loạn tâm trạng, mắc chứng trầm cảm trong thời gian dùng thuốc; (5) Đau khi giao hợp thường do tâm lý giảm ham muốn tình dục, giảm tiết dịch…

    IV. XENOESTROGEN

    1. Xenoestrogen là gì?

   Xenoestrogen, estrogen ngoại lai.(xeno=foreign), estrogen môi trường, là những chất có cấu trúc tương tự, có tác dụng giống như estrogen  có trong tự nhiên hay được tổng hợp nên có tác dụng “bắt chước” estrogen trong cơ thể con người.

   2. Hai loại xenoestrogen

     * Xenoestroge thực vật, phytoestrogen

    Là những estrogen ngoại lai có trong thực vật. Tiêu biểu là các xenoestrogen trong đậu nành

     * Xenoestrogen tổng hợp

  Nhóm xenoestrogen này rất nhiều, bao gồm hóa chất công nghiệp, thuốc trừ sâu, nhựa và dược phẩm: bisphenol A (BPA) và phthalates trong nhựa, atrazine và DDT trong thuốc  trừ sâu. Ngoài ra, một số loại dược phẩm, như thuốc tránh thai và liệu pháp thay thế hormone, có chứa estrogen tổng hợp cũng có thể hoạt động như xenoestrogen khi chúng xâm nhập gây ô nhiễm môi trường.

    3. Phthalate là xenoestrogen

  Bis2-ethylhexylphthalate_e2482b7ee4ec6c91656541f118c4dc6d

                  DEHP  xenoestrogen.(xeno=foreign)

   Đây là những xenoestrogen tổng hợp có nhân hóa học chung là phthalate. Chúng gồm nhiều chất như: như monobutyl phthalate (MBP), diethylhexyl phthalate (DEHP), diethyl phthalate (DEP), dibutyl phthalate (DBP), diisodecyl phthalate (DIDP), diisononyl phthalate (DINP), benzylbutyl phthalate (BZBP), monomethyl phthalate (MMP)…

    Chúng ta khá quen với DEP (diethyl phthalate) trước đây vì được nhiều bác sĩ chuyên khoa Da liễu dùng làm thuốc bôi bệnh ghẻ (scabies); gần đây mọi người dân đều biết và rất lo lắng vì thực phẩm bị phơi nhiễm hóa chất công nghiệp DEHP từ Đài Loan, và mới đây thuốc bột kháng sinh uống quen thuộc Augmentin bị thu hồi không cho lưu hành vì có chứa DIDP và DINP (diisodecyl phthalate và diisononyl phthalate).

 dehp

  Trước đây, khi các dẫn chất phthalate được dùng làm chất hóa dẻo cho các bao bì nhựa như chai, can, túi, bao, gói, đầu núm vú, bình sữa, trong đồ chơi trẻ em v.v… Vì thế trong quá trình sử dụng, các dẫn chất phthalate ít nhiều thôi ra và theo đường tiêu hóa vào cơ thể con người. Trẻ dùng bình sữa, bát nhựa, đồ chơi bằng nhựa có chứa hàm lượng cao các phthalate sẽ có nguy cơ bị nhiễm chất này.
   Nguy hại hơn, một số nhà sản xuất bất lương đã cố tình dùng DEHP làm chất tạo đục cho thực phẩm, và như thế nguy cơ nhiễm độc gấp cả trăm lần.

    4.  Tác hại của xenoestrogen

   Vì có cấu trúc và tác dụng giống như estrogen, các xenoestrogen.không chỉ ảnh hưởng đến sinh dục nữ (estrogen) mà còn ảnh hưởng chung đến cả hệ thống sinh dục, giới tính chung của cơ thể.

   Các xenoestrogen là những chất làm rối loạn nội tiết (endocrine disruptors), cụ thể là làm rối loạn hệ thống hormon giới tính và gây ra dậy thì trước tuổi ở cả bé gái lẫn trai. Ở bé gái, khi cơ thể chưa dậy nhưng bị tác động của một lượng lớn dẫn xuất phthalate, các xenoestrogen ngoại lai này cũng sẽ kích hoạt vùng dưới đồi và tuyến yên tiết ra các hormon hướng dục (gonadotropins) “đánh thức” buồng trứng làm việc và gây ra dậy thì sớm. Biểu hiện của dậy thì sớm ở bé gái thể hiện qua: phát triển vú, sau đó mọc lông nách, lông trên xương mu và xuất hiện kinh nguyệt. Ở trẻ trai, cũng có dậy thì sớm nhưng dấu hiệu thường kín đáo hơn.

   Ở phụ nữ, nhiều nghiên cứu khoa học nghiêm túc cho thấy các phthalates làm tăng nguy cơ lạc nội mạc tử cung (endometriosis) cũng như ung thư vú. 

    Đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này và một số nghiên cứu lại được tiến hành tại chính Đài Loan, nơi các nhà sản xuất “đen” tung ra thị trường chất DEHP nguy hại. Gần đây nhất là công trình nghiên cứu của Chou YY và cộng sự thực hiện tại khoa y Đại học Quốc gia Chen Kung Đài Loan năm 2009. Các tác giả đã nghiên cứu trên 30 bé gái dậy thì sớm đối chứng với 33 bé gái bình thường cho thấy trong nước tiểu bé gái dậy thì sớm chứa lượng MMP cao hơn nhiều so với bé gái bình thường.

 Những nghiên cứu trên loài cá cho thấy, các xenoestrogens sẽ làm rối loạn giai đoạn sinh tinh trùng (spermatogenesis), hậu quả là cả  số lượng lẫn hoạt động của tinh trùng đều giảm thấp.

    V. ĐÔI ĐIỀU BÀN LUẬN 

 Hiện nay, vì tác hại của các dẫn chất phthalate, Nghị viện châu Âu không cho phép dùng DBP, DEHP có trong đồ chơi trẻ em và cả mỹ phẩm.

  Là người tiêu dùng, chúng ta cũng nên:

  (1) Tuyệt đối không sử dụng những đồ ăn, thức uống bị các nhà sản xuất dùng DEHP làm phụ gia,

   (2) Cẩn thận khi dùng các sản phẩm nhựa, chất dẻo…là những sản phẩm có thể chứa các dẫn chất phthalate;

   (3) Không cho thức ăn quá nóng vào tô, chén, bao bì bằng nhựa chất dẻo….nhiệt độ quá nóng các phthalate dễ thôi ra; nên thay bằng vật đựng bằng sứ, thuỷ tinh. Dùng lá chuối hoặc giấy làm bao bì thay vì dùng bao bì bằng nhựa, plastic…

VI. THAM KHẢO

[1a] Phát hiện hàng loạt dép nhựa độc gây dậy thì sớm, dư luận Trung Quốc rúng động

https://khoahoc.tv/phat-hien-hang-loat-dep-nhua-doc-gay-day-thi-som-du-luan-trung-quoc-rung-dong-134806

[1b] Phát hiện hóa chất độc hại trong sản phẩm của SHEIN

https://hanoionline.vn/video/phat-hien-hoa-chat-doc-hai-trong-san-pham-cua-shein-240504.htm

[2] Estrogen, xenoestrogen và liên quan

https://tranbathoaimdphd.wordpress.com/2015/10/09/estrogen-xenoestrogen-thuoc-ngua-thai-va-nhung-lien-luy/

[3] Xenoestrogen

https://en.wikipedia.org/wiki/Xenoestrogen

[4] Xenoestrogens: an Environmental Estrogens

Xenoestrogens: What are Xenoestrogens?

[5] Risks and benefits related to alimentary exposure to xenoestrogens

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6104637/

[6] Biological effects of xenoestrogens and the functional mechanisms via genomic and nongenomic pathways

https://cdnsciencepub.com/doi/10.1139/er-2016-0075

[7] What is a xenoestrogen? 

    TS.BS Trần Bá Thoại    

Uỷ viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM