ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
ĂN THANH LONG ĐƯỢC KHÔNG?
TS.BS Trần Bá Thoại (Bệnh viện Đà Nẵng)
Câu hỏi:
Mẹ tôi 62 tuổi, phát hiện đái tháo đường, béo phì và rối loạn lipid máu 3 năm nay. Mẹ tôi được điều trị thuốc uống và theo dõi thường xuyên nên hiện nay đường máu tương đối ổn định. Gần đây trên nhiều phương tiện thông tin tôi thấy nông dân chúng ta đang được mùa thanh long và xuất khẩu nhiều, kể cả loại thanh long ruột đỏ mới lai tạo giống được. Tôi được biết cây thanh long thuộc họ xương rồng; và nghe nói trái thanh long ngoài làm đẹp da chống lão hóa còn có tác dụng trợ tiêu hóa chống béo phì. Vừa qua trên tuổi trẻ tôi có đọc bài báo “ Xương rồng tai thỏ: rau và thuốc” của Tiến sĩ, bài viết rất hay và súc tích, do đó tôi liên hệ hai cây cùng họ xương rồng này với nhau.
Tôi xin phép hỏi Tiến sĩ một điều: người bị đái tháo đường có béo phì rối loạn lipid máu như mẹ tôi có ăn thanh long được không? Xin cám ơn.
kieungan67@gmail.com TP Đà Nẵng.
Trả lời:
Đúng là cây thanh long thuộc họ xương rồng. Nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ; thanh long cũng được trồng ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam ta, nhiều nơi trồng được cây thanh long, tỉnh Bình Thuận là nơi trồng nhiều nhất. Trái thanh long có ba loại: vỏ màu hồng đỏ với ruột trắng chiếm đa số, vỏ màu vàng với ruột trắng và loại vỏ màu hồng đỏ với ruột đỏ.
Về dinh dưỡng, cứ 100 gam phần ăn được của trái thanh long cung cấp 85-87g nước; 40-60 calo năng lượng; 1.1g đạm; 0.0g chất béo;11.2 g đường chung (0.57g glucose, 3.2g fructose,1.1g chất xơ, 2.7g sorbitol); 0.59g tro; nhiều vitamin và chất khoáng: 0.011mg vitamin A, 3mg vitamin C, 2.8mg vitaminPP, 10.2mg Canxi, 38.9mg Ma-nhê, 6.07mg Sắt, 27.5mg Phốt-pho, 27.2mg Kali, 2.9mg Natri. Như vậy so với một số trái cây khác trái thanh long có nhiều chất khoáng hơn; thành phần chất xơ trong trái thanh long gồm loại tan được là pectin và không tan là cellulose nên rất tốt cho người béo phì vốn chiếm hơn một nửa số bệnh nhân đái tháo đường.
Trong phác đồ điều trị đái tháo đường cần để ý ba khâu liên hệ nhau là: (1) chế độ ăn uống,(2) chế độ vận động thể lực và (3) thuốc điều trị đặc hiệu. Theo nguyên lý dinh dưỡng học thì người đái tháo đường cũng phải ăn đủ lượng và đủ chất như người bình thường; khác biệt chính là người đái tháo đường tuyệt đối không được ăn, uống đường đơn còn gọi là “đường ngọt” (sugary carbohydrates) riêng các đa đường hay“đường bột” khác người đái tháo đường được ăn thoải mái như người bình thường. Để dễ nhớ các nhà nội tiết có đưa thêm hai cách để giúp người đái tháo đường chọn thức ăn là: một là chỉ số đường huyết ( glycemic index, GI ) của thức ăn, với quy ước GI của glucose là 100 và GI càng thấp càng tốt và hai là vẽ màu thức ăn như tín hiệu đèn giao thông; thức ăn màu đỏ là không được dùng, màu vàng là dùng hạn chế và màu xanh được dùng theo nhu cầu.
Trở lại câu hỏi của bạn “ người đái tháo đường có ăn trái thanh long được không?” câu trả lời chắc chắn là được vì 3 lẽ: (1) Hàm lượng đường đơn (đường ngọt) trong trái thanh long rất thấp, 0.57% glucose và 3.2% fructose, nghĩa là ăn 100gam thanh long chỉ có 3.77gam đường đơn trong khi nhu cầu dinh dưỡng bình thường hằng ngày là từ 9 đến 12 gam đường đơn cho mỗi ký-lô cân nặng.(2) Đường fructose là loại đường đơn có chỉ số đường rất thấp dưới số 50 và (3) Trái thanh long cho rất ít năng lượng, 100gam chỉ cho từ 40 đến 60 calo, nhưng thanh long lại chứa khá nhiều chất khoáng và có lắm vitamin.