Trang chủ » BÀN LUẬN » ĐỘT QUỴ THẦM LẶNG: HAY XẢY RA, DỄ BỊ BỎ QUA, VẪN GÂY TÁC HẠI !

ĐỘT QUỴ THẦM LẶNG: HAY XẢY RA, DỄ BỊ BỎ QUA, VẪN GÂY TÁC HẠI !

     I. LỜI MỞ

   Thông thường, đột quỵ dễ dàng nhận ra với ba dấu cơ bản là “méo cười, ngọng nói, xuội tay”. Đột quỵ thầm lặng có thể có những triệu chứng mơ hồ, rất khó nhận biết, đặc biệt đối với những người không có chủ tâm lưu ý.

    Thống kê y học cho thấy, tần suất đột qụy thầm lặng dao động từ 8% đến 28% ở người cao tuổi nói chung [9].

   Dù không hay ít  triệu chứng, đột quỵ thầm lặng cũng có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho não và cũng phải cần được các chuyên gia y tế giải quyết càng sớm càng tốt.

    II. ĐỘT QUỴ THẦM LẶNG LÀ GÌ ?

    Đột quỵ thầm lặng có thể xảy ra khi nguồn cung cấp máu lên não đột ngột bị cắt đứt, làm tổn thương các tế bào não. Vì thường không có dấu hiệu cảnh báo hoặc triệu chứng đáng chú ý nào dẫn đến tình trạng này và nhiều người bệnh không nhận ra mình đã bị một cơn đột quỵ thầm lặng cho đến khi trải qua quá trình chụp quét não.

   Vì đột quỵ thầm lặng không tạo ra các triệu chứng thông thường liên quan đến các cơn đột quỵ khác nên biến cố tim mạch này không được ghi nhận và dễ dàng bị bỏ qua. Do đó, nguowif bệnh có thể bị thêm các cơn đột quỵ nghiêm trọng khác và suy giảm nhận thức nặng hơn.

  III.  NHỮNG DẤU HIỆU CẦN ĐỂ Ý

    Dù đột quỵ thầm lặng chỉ được xác định qua chụp quét não CT hoặc MRI. Vì thế, những cơn đột quỵ thầm lặng thường không được chú ý và không được điều trị đúng mức.

   Các triệu chứng gợi ý đột quỵ thầm lặng thường bị nhầm lẫn với các dấu hiệu của lão hóa, tuổi già như sau:

    * Các vấn đề về kỹ năng và khả năng nhận thức

    * Mất tạm thời khả năng vận động của cơ (bao gồm cả bàng quang)

    * Mất thăng bằng cơ thể.

    * Thay đổi tính cách hoặc tâm trạng.

    * Vấn đề với lời nói

    * Mất thị lực, sức lực và cảm giác

    * Ngất xỉu trong thời gian ngắn

   IV. ĐIỀU TRỊ ĐỘT QUỴ THẦM LẶNG

    Nói chung, rất khó khôi phục hoạt động của vùng não bị tổn thương do đột quỵ thầm lặng. Trong một số ít trường hợp, các vùng khác của não có thể thay thế đảm nhận chức năng của vùng bị tổn thương.

   Người bị đột quỵ thầm lặng có thể lấy lại một số chức năng bị mất hoặc bị hạn chế bằng các liệu pháp phục hồi chức năng như:

     * Vật lý trị liệu giúp phục hồi chức năng vận động của cơ thể

     * Tham khảo bác sĩ về ngôn ngữ và lời nói để cải thiện khả năng giao tiếp hàng ngày

     * Sử dụng các biện pháp tâm lý và xã hội học đối với các rối loạn tâm lý sau đột quỵ.

     * Dùng thuốc điều trị Alzheimer cho người sa sút trí tuệ sau nhiều cơn đột quỵ thầm lặng

     * Hình thành thói quen trong sinh hoạt hàng ngày, giúp người bệnh đột quỵ rèn luyện bản thân để phục hồi trí nhớ, như  Ttập thói quen xếp đặt vật dụng cá nhân (chìa khóa, thuốc men, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, v.v). Lập danh sách việc cần làm trong ngày. Giữ mỗi loại thuốc riêng biệt trong túi hoặc hộp có ghi tên và công dụng của chúng. Tham gia một số trò chơi có thể cải thiện trí nhớ.

     V. PHÒNG NGỪA ĐỘT QUỴ THẦM LẶNG

   Đột quỵ thầm lặng tuy khó phát hiện nên có khả năng gây ra tổn thương không thể phục hồi ở một số vùng não nhất định. Tuy nhiên, chúng có thể được ngăn chặn hoàn toàn bằng cách:

    * Thường xuyên kiểm tra huyết áp và các bệnh lý liên quan như béo phì, mỡ máu, đái tháo đường…

    *  Tập thể dục thường xuyên

    *  Sử dụng chế độ ăn lành mạnh: Ngũ cốc nguyên hạt, Giảm mỡ động vật, Giảm muối, Nhiều rau, Hạn chế đồ ăn nhanh..

    *  Không hút thuốc và uống ít bia, rượu.

    VI. ĐÔI LỜI BÀN LUẬN

     Đột quỵ thầm lặng cũng khá phổ biến hơn hầu hết chúng ta suy nghĩ. Các chuyên gia cho biết, ở Mỹ có 8 đến 11 triệu người bị đột quỵ im lặng mỗi năm. Và cứ 4 người trên 80 tuổi thì có 1 người đã phải chịu ít nhất một cơn đột quỵ thầm lặng trong đời. 

    Dù khó phát hiện, nhưng đột quỵ thầm lặng cũng gây ra những tác hại lớn, lâu dài, và nguy cơ tái đột quỵ cao. Do đó, điều trị đúng cách và phòng ngừa hợp lý qua kiểm tra sức khỏe thường xuyên cùng với việc cải tiến lối sống lành mạnh có thể giúp những người sống sót sau đột quỵ cải thiện sinh hoạt, giảm bớt tác hại  và ngăn ngừa đột quỵ trong tương lai. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2018 cho thấy những người ăn chế độ Địa Trung Hải đã giảm hơn 22% nguy cơ đột quỵ. 

    Các chuyên gia lưu ý, nhanh chóng sử dụng tuần tự FAST (face, arm, speech, time) để nhanh chóng nhận ra  người bị đột quỵ. Để dễ nhớ hơn tôi có làm hai câu lục bát sau: Méo cười, ngọng nói, xuội tay. Đúng là đột quỵ, cứu ngay giờ vàng [10]

3 DẤU HIỆU ĐỘT QUỴ QUA 2 CÂU LỤC BÁT: “MÉO CƯỜI, NGỌNG NÓI, XUỘI TAY, ĐÚNG LÀ ĐỘT QUỴ, CỨU NGAY GIỜ VÀNG”

   Hiện nay, CT Scan và MRI được coi là công cụ “vàng” trong sàng lọc đột quỵ não. y thần kinh cột sống. Đặc biệt, với độ phân giải cao và độ tương phản tốt, hình ảnh MRI cho phép phát hiện những bất thường ẩn sau các lớp xương mà các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác khó phát hiện trong chẩn đoán các bệnh lý đột quỵ,…. Do đó, chuyên gia đề nghị dùng MRI để xác định chẩn đoán các ca nghi ngờ “Đột quỵ thầm lặng” này.

 VII. THAM KHẢO

[1] Silent Stroke

https://en.wikipedia.org/wiki/Silent_stroke

[2] Silent Stroke: Symptoms, Causes, & When To Seek Care

https://www.cardio.com/blog/silent-stroke

[3] Silent Stroke: What you need to know

https://www.vinmec.com/vi/cardiology/health-news/silent-stroke-what-you-need-to-know/

[4] What is a silent stroke?

https://www.health.harvard.edu/heart-health/what-is-a-silent-stroke

[5] Silent Stroke: What You Need to Know

https://www.webmd.com/stroke/silent-stroke-you-need-to-know

[6] What are silent strokes?

https://www.medicalnewstoday.com/articles/silent-strokes

[7] What It Means if You Have a Silent Stroke

https://www.verywellhealth.com/silent-stroke-3145944

[8] Đột quỵ thầm lặng – Vì sao nguy hiểm?

 [9] Silent Stroke

https://www.ahajournals.org/doi/full/10.1161/strokeaha.112.666461

 [10] 3 dấu đột quỵ trong 2 câu lục bát

 https://phulenghia.com/3-dau-hieu-dot-quy-qua-2-cau-luc-bat-meo-cuoi-ngong-noi-xuoi-tay-dung-la-dot-quy-cuu-ngay-gio-vang/

                  TS. BS Trần Bá Thoại

       Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM