Trang chủ » Chưa phân loại » NGỘ ĐỘC XYANUA, CYANIDE INTOXICATION

NGỘ ĐỘC XYANUA, CYANIDE INTOXICATION

MĂNG XYANUA tuoitre

NGỘ ĐỘC XYANUA: CÒN ĐÓ NỖI LO!

TS.BS TRẦN BÁ THOẠI (Bệnh viện Đà Nẵng)

Bình Chánh, TP HCM, một buổi chiều, 10 phút sau buổi nhậu với “mồi” là măng xào ba đệ tử lưu linh đều lên cơn co giật, khó thở, tím tái …Dù đã được đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu, nhưng hai anh V.V.T (37t) và Ph.V. Ch (29t) đã tử vong còn anh V.V.Ch (32t) nhờ vào bàn nhậu sau và ăn ít nên may mắn được cứu sống. Thủ phạm gây độc là chất xyanua chứa trong măng tre. Tại Phước Sơn, Quảng Nam cháu Ng.Ng.D (7t) uống nhầm nước “phân kim” của bố đã tử vong ngay lập tức sau đó, nguyên nhân cũng là bị ngộ độc chất xyanua có trong dung dịch để khai thác sa khoáng lấy vàng.

Xyanua theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là màu “xanh”, chất axít xanh. Axít xyanua và các muối hòa tan của nó là chất cực độc, liều chết người L100 dưới 50 mg. Từ xa xưa xyanua đã được xử dụng làm thuốc độc giết người: phát xít Đức đã dùng hơi xyanua để giết người hàng loạt trong các trại tập trung, nhưng sau đó nhiều nhân vật phát xít lại dùng chính xyanua để tự tử như Rommel, Goering và nghe đâu cả Eva Braun cùng với Hitler !!!.

Tuy là chất cực độc nhưng xyanua lại rất cần thiết và được nhiều ngành công nghiệp xử dụng: (1) trong mạ vàng, bạc, đồng…(2) khai thác vàng sa khoáng (3) sản xuất các chất màu pigment để chế tạo sơn, thuốc vẽ, nhuộm…(4) sản xuất thuốc trừ sâu…

Con người có thể bị nhiễm độc xyanua qua 3 đường: đường tiêu hóa thông qua thức ăn và nước uống, đường hô hấp vì axít xyanua có thể bay hơi và sau cùng xyanua cũng có thể xâm nhập xuyên qua da. Vào cơ thể xyanua sẽ gắn kết chặt “không thể hồi phục” với gốc sắt nhị Fe ++của men cytochrom oxidase trong “chuỗi hô hấp vàng” Warburg. Cytochrom oxidase  là nơi chủ chốt để trao đổi oxy cho cơ thể, cho nên khi men cytochrom oxidase này bị khóa cơ thể không hô hấp được và sẽ bị “ngạt” dù vẫn có đầy đủ dưỡng khí oxy !!!!

Ngoài bị nhiễm xyanua công nghiệp; một số thực vật có chứa gốc xyanua nguy hiểm có thể gây độc cho người. Ví dụ: hạnh nhân đắng, nhân quả mận, lá trúc đào, củ sắn (nhất là sắn trồng ở đất mới khai hoang), măng tre nứa (càng đắng càng nhiều xyanua), đậu rựa, đậu mèo, cây sakê (bread-fruit), một số loại nấm…và trong cánh hoa hồng đỏ (đặc biệt hồng nhung ).

Nước ta trữ lượng vàng nói chung không lớn và rải rác. Một vài địa phương trên vùng rừng núi, thượng nguồn các con sông như Quảng Nam, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Nghệ An…có vàng sa khoáng đang được khai thác đều dùng các công nghệ có xử dụng xyanua. Do chưa xử lý chất thải tốt, một phần vì doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận và quản lý tài nguyên môi trường kém nên nhiều vụ nhiễm độc môi trường nước và ngộ độc cho người đã xảy ra.

Xyanua rất độc, nhưng may mắn là nó lại dễ bị phân hủy bởi nhiều tác nhân lý hóa, trong đó việc oxy hóa với những hóa chất thông thường như clo, nước oxy già, phóc môn, thuốc tím…và ngay cả với oxy trong khí trời. Xyanua trong thực phẩm dễ dàng bị phá hủy bởi nhiệt độ, đun sôi trong 20 phút đã giảm gần 70 phần trăm, dễ bốc hơi bay đi hay được rửa sạch bằng nước. Các thực phẩm có chứa xyanua nếu được chế biến kỹ như luộc sôi nhiệt độ cao, thời gian đun sôi kéo dài, thái thực phẩm ra lát mỏng đem phơi khô, ngâm ủ kỹ…gần như có thể loại bỏ hoàn toàn chất độc chết người này. Ngay cả khi khai thác, bóc tách vàng sa khoáng bằng xyanua xong, nếu chúng ta xử lý chất thải kỹ hoặc  tái sinh để quay vòng công nghệ thì việc ô nhiễm môi trường và gây ngộ độc hầu như không thể xảy ra. Câu kết luận là: Nếu lưu tâm để ý chúng ta hoàn toàn tránh được và tránh dễ dàng các ca chết thảm vì ngộ độc xyanua!!!