Lời mở
Những năm gần đây, phong trào “anti-vaccine” (chống vaccine) đã diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới. Những lời kêu gọi tẩy chay tiêm chủng, những bình luận, xúi giục nghi ngờ hiệu quả của vaccine xuất hiện trên khắp các trang mạng xã hội. Các chuyên gia y tế cho rằng, phong trào này sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường cho cộng đồng xã hội, đặc biệt lgây nhiều hiểm họa với trẻ em.
Phong trào “anti-vaccine” dậy sóng
Theo CNN, phong trào “anti-vaccine” bắt nguồn từ năm 1974 khi một báo cáo được công bố tại Anh cho rằng, 22 trẻ sau khi tiêm vaccine ho gà có triệu chứng chậm phát triển và có triệu chứng động kinh. Dù không hề được xác thực, thông tin này làm tỷ lệ tiêm chủng ho gà ở Anh giảm mạnh từ 81% xuống 31% trong nhiều năm sau đó, khiến khoảng 100.000 trẻ mắc bệnh ho gà, trong đó có 31 trẻ tử vong.
Không chỉ gây ảnh hưởng tại Anh, phong trào “anti-vaccine” sau đó cũng đã lan rộng ở Nhật Bản, Thụy Điển và Xứ Wales (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland). Nhiều nghiên cứu đối chứng đã được tiến hành cho thấy, tỷ lệ chậm phát triển và động kinh ở trẻ sau khi tiêm vaccine ho gà tương tự như trẻ không tiêm vaccine, và nhiều trường hợp trong số này thật ra mắc một dạng nguy hiểm của bệnh động kinh ở trẻ, gọi là hội chứng Dravet.
Mọi tranh cãi gần như rơi vào dĩ vãng cho đến năm 1998, khi một bài báo của bác sĩ người Anh Andrew Wakefield đăng tải trên tờ The Lancet. Trong đó ông này công bố một nghiên cứu cho rằng vaccine sởi, quai bị, rubella có thể gây bệnh tự kỷ. Tuyên bố này sau đó bị giới chức y tế thế giới bác bỏ, cho là vô căn cứ, thiếu trung thực và vô trách nhiệm. Sau các cuộc điều tra kéo dài, năm 2011 Andrew Wakefield đã bị các cơ quan có thẩm quyền của Anh tước giấy phép hành nghề. Dù vậy, từ đó đến nay, những nghi ngờ về tác dụng của vaccine vẫn luôn tồn tại đối với không ít người.
Thời gian gần đây, phong trào “anti-vaccine” lại bắt đầu dậy sóng trở lại, đặc biệt ở những nước phát triển. The New York Times cho biết, kể từ năm 2014, dịch sởi bắt đầu bùng phát trở lại tại Mỹ với 644 ca mắc bệnh ở 27 bang, nhất là ở các khu “ổ chuột”. Khoảng 90% số người nhiễm bệnh là do không tiêm vaccine phòng bệnh. Tháng 5 vừa qua, trào lưu chống tiêm chủng vaccine lại tiếp tục xuất hiện trong cộng đồng người Mỹ gốc Somalia tại bang Minnesota, khiến bang này hứng chịu dịch sởi được cho là tồi tệ nhất trong gần 30 năm.
Không chỉ tại Mỹ, chỉ trong năm 2015, khoảng 134.200 người đã chết vì bệnh sởi, chủ yếu là trẻ em dưới năm tuổi dù vaccine phòng sởi được chứng minh an toàn và hiệu quả. Ước tính, chỉ trong tháng 1-2017, 559 ca nhiễm sởi đã được phát hiện tại châu Âu, trong đó Pháp, Đức, Italia, Romania, Ba Lan, Thụy Điển là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 474 ca nhiễm. Sau đó Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết mọi nguyên nhân khiến dịch sởi bùng phát tại đây là do phong trào “anti-vaccine”.
Phong trào này đã phát triển một cách mạnh mẽ đến mức tại chín bang của Mỹ, chỉ có chưa đến hai phần ba trẻ em từ 19 đến 35 tháng tuổi được tiêm chủng đầy đủ bảy bệnh cơ bản (bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, sởi, quai bị và viêm gan B). Cũng như Mỹ, tỷ lệ này ở Anh, Pháp cũng chỉ đạt dưới 95%.
Hệ lụy từ thiếu hiểu biết
Theo các chuyên gia y tế thế giới, vaccine là phát minh vĩ đại của khoa học. Đây là chế phẩm có tính kháng nguyên dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một tác nhân gây bệnh cụ thể. Một thống kê của WHO cho thấy, việc tiêm chủng vaccine đã giúp 2 – 3 triệu người thoát khỏi tử vong mỗi năm, đặc biệt là trẻ em, cũng như giúp kéo dài tuổi thọ con người và phát triển kinh tế. Ước tính cứ mỗi USD bỏ ra cho việc tiêm vaccine, xã hội sẽ tiết kiệm 16 USD chi phí cho chăm sóc sức khỏe và giảm năng suất lao động do bệnh tật.
Dù vậy, tính hiệu quả của vaccine vẫn luôn bị nghi ngờ. Theo Reuters, cùng với sự phát triển của internet, phong trào “anti-vaccine” càng dễ dàng lan rộng và trở nên nghiêm trọng. Trên các mạng xã hội, nhiều fanpage, hội, nhóm “anti-vaccine” đã đưa ra hàng loạt thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng về hiệu quả của vaccine. Những người theo trào lưu này cho rằng việc chủng ngừa vaccine có thể sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của con em họ. Thay vì chủ động chích ngừa để bảo vệ cơ thể khỏi tác động của virus gây bệnh, họ để hệ thống miễn dịch của cơ thể tự đề kháng với dịch bệnh.
Các chuyên gia cho rằng những người theo phong trào “anti-vaccine” thường vin vào những trường hợp tai biến sau khi tiêm vaccine. Tuy nhiên, những trường hợp này chỉ mang tính cá thể, chiếm chưa đến 1% trong tất cả trường hợp đã tiêm vaccine. Ngoài ra, xu hướng này cũng thường phát triển mạnh do sự thiếu thông tin, hiểu biết và bảo thủ của người dân. Chỉ cần một thông tin chưa được xác thực, có quan điểm đi ngược lại thành tựu của khoa học xuất hiện trên mạng xã hội cũng khiến họ bị dao động. Việc không tiêm chủng được cảnh báo sẽ tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát, nếu không cứu chữa kịp thời thậm chí sẽ gây nguy hại đến tính mạng. Dù vậy, phong trào bài vaccine vẫn chưa thể giảm nhiệt.
Trước tình trạng “anti-vaccine” lan tràn trên thế giới, giới chức những khu vực mà phong trào này diễn biến phức tạp nhất đã đề ra hàng loạt biện pháp mạnh tay. Tại Đức, Quốc hội đã thông qua một đạo luật về việc bắt buộc tiêm vaccine cho trẻ, áp dụng kể từ ngày 1-6 vừa qua. Theo đó, các trường mầm non, mẫu giáo sẽ buộc phải báo cáo cho các cơ quan chức năng về các trường hợp bố mẹ không chứng minh được là đã tiêm vaccine hoặc từ chối tiêm chủng cho con. Những phụ huynh không tuân thủ lịch tiêm chủng phải chấp nhận mức phạt lên tới 2.800 USD.
Trong khi đó, Chính phủ Italia và Pháp – hai nước có dịch sởi bùng phát mạnh mẽ nhất thời gian qua cũng bắt buộc các bậc phụ huynh và những người nuôi dưỡng trẻ em phải cho trẻ đi tiêm vaccine phòng 12 loại dịch bệnh cơ bản kể từ năm 2018. Nếu không có giấy chứng nhận tiêm chủng, trẻ em sẽ không được nhận vào trường học. Quy định này áp dụng cho trẻ em từ 6 đến 16 tuổi. Các nhà chức trách Anh cũng coi việc bài vaccine là một vấn đề nghiêm trọng và sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để nâng cao nhận thức của người dân đối với tính hiệu quả của vaccine.
Theo The Independent, dù nhiều nước đã có các biện pháp cưỡng chế việc tiêm chủng, dư luận thế giới cho rằng điều quan trọng là cần có những chiến dịch tuyên truyền, quảng bá thiết thực hiệu quả của vaccine để có thể loại bỏ hoàn toàn sự hoài nghi của những người có tư tưởng bài trừ loại chế phẩm này.
https://nhandan.vn/hiem-hoa-tu-phong-trao-anti-vaccine-post298122.html