Trang chủ » Endocrinology & Metabolism » CÁCH TẦM SOÁT, CHẨN ĐOÁN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

CÁCH TẦM SOÁT, CHẨN ĐOÁN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

  I. LỜI MỞ

  Đái tháo đường là bệnh nội tiết-chuyển hoá quan trọng trong nhóm bệnh không lây nhiễm của người lớn. Hiện nay, bệnh có xu hướng tăng song hành cùng sự phát triển kinh tế xã hội. 

  Đái tháo đường diễn tiến từ Bình thường → Kháng insulin → Tiền ĐTĐ → ĐTĐ thật →ĐTĐ biến chứng. Do đó, nếu được tầm soát chẩn đoán sớm thì dự hậu sẽ khả quan hơn.

 

   II. TỔNG QUAN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

  1. ĐỊNH DANH  

  Chất đường (carbohydrate) trong thức ăn gồm đường ngọt (sugary carbohydrate) và đường bột (starchy carbohydrate) sau khi ăn vào sẽ được tiêu hóa tạo ra nhiều phân tử đường glucose. Glucose sẽ lưu hành trong máu đến mọi cơ quan, tế bào của cơ thể để sử dụng tạo ra năng lượng hoạt động của cơ thể.

                 

  Các tế bào β (bê ta) của tụy tạng (lá mía) có khả năng sinh tổng hợp rồi chế tiết vào máu hóc môn insulin để kiểm soát ổn định nồng độ đường glucose trong máu. Thường nồng độ glucose máu và nồng độ insulin luôn luôn tỷ lệ thuận với nhau: glucose máu tăng thì insulin cũng tăng theo và ngược lại đường máu giảm thì insulin cũng giảm. Khi cơ thể bị thiếu hụt insulin, sự điều hòa glucose máu không còn nữa, nồng độ glucose máu tăng lên cao và con người bị bệnh đái tháo đường.     

     Tóm lại “đái tháo đường, còn có các tên gọi khác là đái đường, tiểu đường là một tình trạng tăng đường máu bệnh lý do thiếu hóc môn insulin hoặc do insulin hoạt động không hiệu quả vì bị tình trạng kháng insulin gây ra” .

     Sự thiếu hụt insulin có thể xẩy ra do 2 nhóm nguyên nhân: 

     * tế bào bê-ta tuyến tụy bị hư hỏng không chế tiết insulin được (bệnh đái tháo đường thể 1 hay đái tháo đường lệ thuộc insulin),

     * tế bào bê-ta bị suy yếu tiết không đủ insulin cần thiết (bệnh đái tháo đường thể 2 hay đái tháo đường không lệ thuộc insulin).

   2. CÁC THỂ (TÝP) ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

     Có 4 thể đái tháo đường chính:   

 (1). ĐTĐ thể 1: Tế bào bê ta bị hư hỏng không còn tiết được insulin. Vì ĐTĐ thể 1 chỉ có cách điều trị duy nhất là chích insulin nên trước đây còn gọi là ĐTĐ lệ thuộc insulin (IDDM)

 (2). ĐTĐ thể 2: Tế bào bê ta suy kiệt không tiết đủ insulin. ĐTĐ thể 2 có thể dùng thuốc uống, chưa cần chích insulin nên trước đây còn gọi là ĐTĐ không lệ thuộc insulin (NIDDM)

  (3). ĐTĐ thể 3: Các thể dạng đặc biệt, trung gian giữa 1 và 2.

  (4). ĐTĐ thai nghén: Là những ca ĐTĐ phát hiện trong khi mang thai.

  

  III. CÁC XÉT NGHIỆM XÁC ĐỊNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

  Tuy có tên gọi là đái tháo đường: đái tháo (tiểu nhiều), đường (nước tiểu có đường glucose), nhưng các tiêu chuẩn chính để chẩn đoán lại là các xét nghiệm máu.

  Hiện nay, nhiều nước lấy tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO để chẩn đoán đái tháo đường, Theo đó, chúng ta có thể dựa vào 1 trong 4 tiêu chuẩn sau đây:

  (1). Đường máu đói Go 

   Đường glucose máu đo khi đã nhịn không ăn ít nhất 8 giờ.

  (2). Đường máu 2 giờ trong nghiệm pháp dung nạp glucose G2 .

    Nghiệm pháp dung nạp glucose phải được thực hiện theo đúng mô hình của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, sử dụng 75 gam glucose.

  (3). Đường máu bất kỳ Gc

   Là nồng độ glucose đo bất kỳ,ngẫu nhiên

  (4).HbA1c

   Là tỷ lệ % HbA1 glycate hoá (gắn glucose) so với HbA1 tổng thể.

                   

   Trong hồng cầu của máu có chứa các phân tử hồng cầu tố hemoglobin ký hiệu là Hb. Ở người Hb chủ yếu là loại HbA1. Khi máu đi lên phổi, các phân tử hông cầu tố Hb này sẽ gắn với oxy tạo thành máu “đỏ” theo dòng máu đến cung cấp cho mô cơ thể.

   Một lượng nhỏ HbA1 này bị glycate hoá, tức là được gắn với phân tử glucose ở gốc N cuối chuỗi protein globin, hiện tượng glycate hóa, sẽ tạo ra Hb glycated ký hiệu là HbA1c.

                     

   Nồng độ glucose trong máu càng cao thì tỷ lệ HbA1c càng lớn, người đái tháo đường nặng thì tỷ lệ HbA1c càng cao.

                   

   Xét nghiệm HbA1c là tỷ lệ % của HbA1c so với tổng lượng HbA1 trong máu, ví dụ HbA1c là 5% có nghĩa là trong 100 phân tử HbA1 có 5 phân tử HbA1c. Ưu điểm lớn nhất của xét nghiệm này là có thể lấy máu xét nghiệm bất cứ lúc nào vì không thay đổi theo bữa ăn.

  Vì hồng cầu có đời sống khoảng 100 ngày nên HbA1c cũng thay đổi chậm, trên lâm sàng chỉ xét nghiệm HbA1c một lần trong 2-3 tháng mới có giá trị theo dõi.

 

   IV. TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN 

      A. TIỀN (SẮP) ĐÁI THÁO ĐƯỜNG (Tiền ĐTĐ) 

     (1) HbA1c từ 5,7 đến 6,4 %

     (2) Rối loạn glucose lúc đói, RLGMĐ ( impaired fasting glucose, IFG),

        Đường máu đói Go từ 5,6 – 6,9 mmol/L (100 – 125 mg/dL) và

     (3) Rối loạn dung nạp glucose, RLDNG (impaired glucose tolerance, IGT),

       Đường máu 2 giờ G2 đo từ 7,8 – 11 mmol/L (140 – 199 mg/dL). 

    B * ĐÁI THÁO ĐƯỜNG (ĐTĐ)

     Theo Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM (VADE) chẩn đoán ĐTĐ dựa vào 1 trong 4 tiêu chuẩn sau:

     (1).HbA1c ≥ 6,5%.

        Xét nghiệm phải được làm ở labo sử dụng phương pháp chuẩn.

     (2). Đường máu đói Go ≥ 7.0 mmol/ L ( ≥ 126 mg/dL).

        Đường máu đói Go đo khi đã nhịn không ăn ít nhất 8 giờ.

     (3). Đường máu 2 giờ trong nghiệm pháp dung nạp glucose G2 ≥ 11,1 mmol/L ( ≥ 200 mg/dL).

        Nghiệm pháp dung nạp glucose phải được thực hiện theo đúng mô hình của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, sử dụng 75 gam glucose.

     (4). Đường máu bất kỳ ≥ 11,1 mmol/L ( ≥200 mg/dL)

   C* ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI NGHÉN  

     (1) Glucose đói   Go ≥  5, 1  mmol/L ( 92 mg/dL).

    (2) Glucose máu 1 giờ sau OGTT   G1 ≥  10,0 mmol/L (180 mg/dL).

    (3) Glucose máu 2 giờ sau OGTT   G2 ≥    8,5  mmol/L  (153 mg/dL).

 

   V. CÁCH TẦM SOÁT ĐÁI THÁO ĐƯỜNG GIẢN TIỆN

  Trước đây xét nghiệm HbA1c được đánh giá là một trong những xét nghiệm tốt nhất để theo dõi hiệu quả kiểm soát đường huyết của thuốc điều trị trong suốt 2-3 tháng.

   Vào những năm đầu của thế kỷ 20 này, nhiều nghiên cứu dài hơi, đa trung tâm cho thấy có thể dùng xét nghiệm HbA1c để tầm soát bệnh cho cộng đồng. Từ năm 2008, Tổ chức Y tế Thế giới WHO chấp nhận cho dùng xét nghiệm HBA1c đại trà để chẩn đoán

    Vì việc lấy máu khi đói, ít nhất là 8 giờ sau bữa ăn sau cùng, thường được thực hiện buổi sáng trước khi ăn điểm tâm có thể gây khó khăn cho những người làm ca đêm phải ăn khuya, người ở xa phòng xét nghiệm, người già hay lú lẫn.. Do đó, chúng ta nên chọn xét nghiệm định lượng HbA1c hay đo đường máu bất kỳ (mọi thời điểm) cho bệnh nhân.

                                                             TS.BS Trần Bá Thoại

                                               Ủy viên BCH Hội Nội Tiết Việt Nam