Thuật ngữ “BRAT” là từ viết tắt các chữ cái đầu của 4 thực phẩm chính trong chế độ ăn này, gồm: B (banana, chuối), R (rice, cơm), A (apple, táo) và T (toast, bánh mì nướng).
Phân tích thành phần dinh dưỡng cho thấy, thực phẩm trong chế độ ăn BRAT có rất ít chất đạm, chất béo và chất xơ, khiến chúng giúp dễ tiêu hóa, giảm các triệu chứng của bệnh dạ dày ruột như buồn nôn, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy; và thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng sau bệnh.
BRAT có tác dụng tốt trong điều trị bệnh dạ dày ruột nhờ:
(1) Thực phẩm nhiều tinh bột và ít chất xơ như cơm, bánh mì nướng, khiến phân lỏng dễ kết dính lại hơn, giảm tiêu chảy. Đặc biệt, chuối chứa pectin, một loại tinh bột kháng (resistant starch) có lợi cho đường tiêu hóa.
(2) BRAT chứa rất ít chất béo và protein, nên không có khả năng gây kích ứng dạ dày và gây căng thẳng cho hệ tiêu hóa,
(3) Chuối là loại trái cây rất nhiều Kali, vốn bị mất rất nhiều ở các bệnh nhân rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói,
(4) Do hương vị nhạt và không có mùi mạnh, thực phẩm BRAT không có xu hướng gây buồn nôn hoặc nôn ói.
Cần lưu ý 2 điều sau:
(1) BRAT là chế độ ăn điều trị các bệnh dạ dày ruột cấp, nên chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn sẽ không có khả năng gây hại,
(2) Chế độ ăn BRAT không đúng nguyên lý dinh dưỡng, ô vuông thức ăn, vì không đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể gồm: chất đạm, chất béo, chất xơ, chất khoáng và vitamin (A, B12). Do đó, chế độ ăn BRAT này không khuyến nghị sử dụng cho trẻ bị viêm dạ dày ruột cấp (tiêu chảy) vì có thể làm trẻ suy dinh dưỡng.
TS.BS Trần Bá Thoại