I. LỜI MỞ
Làm việc văn phòng, với không gian môi trường trong nhà thiếu thoáng khí, phải dùng máy điều hòa, sử dụng nhiều phương tiện thông tin hiện đại phát vi sóng như máy tính, điện thoại, máy in, máy fax..
Ít vận động, lại hay dùng fast foods như “cơm hộp”, “nước lọ”…nên dễ mắc nhóm bệnh nghề nghiệp đặc thù là “bệnh văn phòng”.
Cuối thập niên 70, người ở trong nhà mới, văn phòng và vườn ươm thường bị các triệu chứng mệt mỏi khó chịu không đặc hiệu, giới truyền thông gọi là “bệnh văn phòng” (office illness).
Thuật ngữ “Hội chứng văn phòng” (sick building syndrome SBS) được WHO đặt tên năm 1986, khi họ cũng ước tính có từ 10-30% các tòa nhà văn phòng ở phương Tây bị ảnh hưởng.
Các nghiên cứu ở Đan Mạch và Anh đưa ra những triệu chứng chẩn đoán. Trong những năm 90, SBS được nghiên cứu sâu rộng, nhiều yếu tố vật lý và hóa học khác nhau trong các tòa nhà đã được thẩm tra.
Hội chứng bệnh văn phòng (sick buiding syndrome, SBS) là tập hợp các loại bệnh của những người làm việc văn phòng, cao ốc hay mắc phải.
Bệnh văn phòng có 4 điểm chung: (1) bệnh liên quan đến thời gian làm việc văn phòng, (2) bệnh hết khi nghỉ làm việc, (3) tái phát khi làm việc trở lại và (4) đồng nghiệp cùng phòng cũng bị tương tự.
Dựa theo các yếu tố nguy cơ, SBS được phân thành sáu nhóm chính: vật lý, (1) hóa học, (2) sinh học, (3) tâm lý, (4) xã hội, (5) cá nhân, và (6) linh tinh khác.
Với lao động trí óc, đa dạng, phức tạp, cường độ cao, áp lực lớn, tình trạng va chạm, căng thẳng nhiều, lại thiếu giờ giấc nghỉ ngơi, ăn uống… nhân viên văn phòng thường “không khỏe” và có nguy cơ mắc nhiều bệnh nghề nghiệp khác nhau. WHO cảnh báo đến 30% nhân viên làm việc trong cao ốc bị SBS, phụ nữ nhiều hơn. Bệnh văn phòng khiến nền nước Anh mất 24,6 triệu ngày nghỉ bệnh mỗi năm.
III. NGUY CƠ MẮC BỆNH VĂN PHÒNG
1. Môi trường làm việc ở văn phòng
Có thể gây ra hậu quả không tốt cho sức khỏe vì (1) độ ẩm không khí ẩm do máy điều hòa, thiết bị làm mát, (2) thiếu sáng do không có ánh mặt trời, (3) bụi bặm, (4) vi sóng do thiết bị điện tử máy tính, smartphone, fax, (5) hóa chất từ máy móc sử dụng, trong các loại thuốc xịt côn trùng hoặc thuốc tẩy rửa…
WHO cảnh báo đến 30% nhân viên làm việc trong cao ốc bị SBS, phụ nữ nhiều hơn. Bệnh văn phòng khiến nền nước Anh mất 24,6 triệu ngày nghỉ bệnh mỗi năm.
Điều tra xã hội học cho thấy 74% nhân viên văn phòng bị đau, khô họng, 73% nhức đầu, 80,9% đau lưng, 90,5% đau cổ, gáy, 46% đau mắt, 35% chảy nước mắt..
Một thống kê cho thấy, ngồi máy tính nhiều sẽ làm giảm thị lực (83%), tổn hại khớp xương, đau lưng, đau vai (51,1%), đau đầu (56,1%) và chán ăn (54,4%).
2. Về tính chất công việc
Đặc trưng công việc văn phòng là (1) lao động trí óc, đa dạng, phức tạp, cường độ làm việc cao, áp lực công việc lớn dễ dẫn đến stress, (2) ngồi nhiều, ít vận động, (3) thường xuyên tiếp xúc với máy tính, điện thoại, máy fax, (4) thiếu hay không giờ giấc, (5) dinh dưỡng chưa hợp lý, cơm trưa văn phòng, dùng fast foods, tiệc tùng…
IV. NHỮNG BỆNH VĂN PHÒNG THƯỜNG GẶP
1. Một số rối loạn lặt vặt
* Nhức đầu
* Ngứa mắt, mũi và họng
* Ho khan
* Da khô, ngứa, phát ban
* Chóng mặt và buồn nôn
* Mất tập trung
* Mệt mỏi
* Nhạy cảm với mùi
2. Đau cột sống và khớp
Ngồi quá lâu với tư thế không đúng sẽ dẫn đến đau lưng, mỏi cổ. Làm văn phòng sẽ thiếu vận động và tiếp xúc với ánh nắng khiến dễ bị loãng xương thoái khớp.
Theo nghiên cứu của Viện Y học lao động, người lao động phải ngồi liên tục có tỉ lệ đau mỏi lưng cao hơn hẳn so với các nhóm làm việc khác: 15-20% số lao động bị đau so với 5-7% tại các nhóm khác.
3. Đau ống cổ tay
4. Hội chứng mắt máy vi tính (computer vision syndrome, CVS)
Theo các nghiên cứu ở Hoa Kỳ, có đến 75% người thường xuyên sử dụng máy vi tính gặp các rối loạn chức năng về mắt CVS.
Các triệu chứng thường gặp của CVS là: căng thẳng về mắt hay mệt mỏi thị giác, khô mắt, cảm giác rát mắt, chói sáng, nhìn mờ, đau đầu và mỏi vai, mỏi cổ và lưng
Theo một nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội, nguyên nhân được kể đến là do giảm gần 40% tần số chớp mắt (từ 14 lần/phút xuống còn 6-7 lần), khiến mắt bị khô. Hơn nữa, khi dùng máy tính, mắt có khuynh hướng mở to hơn nên cũng nhanh khô, không đủ nước mắt và độ trơn để loại sạch bụi.
5. Da khô và bị dị ứng
Phòng điều hòa thường khô và có nhiệt độ khiến nhiệt độ trong phòng và bên ngoài có thể chênh lệch từ 5-10 độ, khiến da thường bị mất nước, khô rát, giảm sức đề kháng.
Văn phòng làm việc có nhiều tác nhân lý, hóa, sinh khiến da rất dễ dị ứng nhiễm trùng.
6. Căng thẳng thần kinh (stress)
Do áp lực và môi trường làm việc, dân văn phòng dễ bị stress với hệ lụy về rối loạn giấc ngủ, nhồi máu cơ tim, đau nử đầu, rối loạn tiền đình…
7. Đau đầu
Thường gặp với các loại đau đầu giật gõ vào đầu, kèm theo hoa mắt rối loạn tiền đình…
8. Viêm loét dạ dày mãn tính
Do áp lực công việc nhiều, thiếu ngủ hoặc thức khuya, ăn uống không điều độ vội vàng.
9. Suy tĩnh mạch ở chân và bệnh trĩ
Đây là kết quả của tình trạng ít vận động. Máu trong các tĩnh mạch trở nên ngưng trệ, gây giãn tĩnh mạch
V. CÁCH PHÒNG TRÁNH
1. Văn phòng làm việc
Đầu tiên là thiết kế xây dựng của văn phòng có chất lượng tốt, lý tưởng cho người lao động. Bao gồm hệ thống thông gió, sử dụng vật liệu xây dựng phát thấp, vị trí thích hợp lỗ thông hơi, vv
Rà soát các nguồn gây ô nhiễm để loại bỏ hoặc chỉnh lý như hệ thống sưởi ấm, điều hòa, thông gió nên được giữ sạch sẽ và thường xuyên bảo trì.
Cấm hút thuốc
Đảm bảo văn phòng thông thoáng, đủ chiếu sáng.
2. Nhân viên văn phòng
Tránh mỏi cổ, nên xoay người, cổ ở nhiều tư thế trái, phải, trước, sau… cứ mỗi tiếng ngồi làm việc.
Để khỏi khô mắt cần: để máy tính cách xa tầm mắt ít nhất 70cm, ánh sáng phòng làm việc phải tương đồng với ánh sáng màn hình. Sau 30-60 phút làm việc, nên hướng mắt nhìn “thư giãn” ra ngoài cửa sổ hoặc nhìn xuống phía dưới. Hiện nay, các bác sĩ nhãn khoa thường khuyên sử dụng “nước mắt nhân tạo” có bán ở các nhà thuốc để giảm khô mắt.
Tránh khô và dị ứng da nên: Uống đủ nước cần thiết. Sử dụng kem dưỡng ẩm để bổ sung độ ẩm cho da. Tránh tiếp xúc không cần thiết với văn phòng phẩm, thiết bị văn phòng, hóa chất….
Tránh vi sóng, bức xạ từ: Không ngồi sau màn hình máy tính, Sử dụng quá mức cần thiết các thiết bị có phát vi song, từ tính. Học người Nhật, đặt một cây cảnh nhỏ như xương rồng dưới bàn để máy vi tính để nó hút bớt lượng bức xạ phát ra.
Phòng suy dãn tĩnh mạch chi và trĩ cần: Bỏ thói quen ngồi vắt tréo chân “chữ ngũ”. Thỉnh thoảng nên nghỉ vài phút, đi lại tại chỗ, xoay bàn chân. Sau ngày làm việc, những lúc nghỉ ngơi nên để bàn chân hơi cao lên.
VI. TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Sick_building_syndrome
[2] http://www.ei-resource.org/illness-information/related-conditions/sick-building-syndrome/
[4] http://www.poplarnetwork.com/news/sick-building-syndrome-what-it-how-do-i-avoid-it
[5] https://tranbathoaimdphd.wordpress.com/2016/01/28/benh-van-phong-sick-buiding-syndrome-sbs/
[6] Sick Building Syndrome
[7] Avoid a Sick House and Sick Building Syndrome
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM