I. ĐỊNH DANH
Cúm, flu, cúm mùa, flu, influenza, là một dạng bệnh nhiễm vi rút cấp tính. Bệnh phát triển khi vi rút cúm lây nhiễm và tấn công vào hệ hô hấp đường mũi, cổ họng, phế quản và phổi.
Cúm tấn công mọi đối tượng, người lớn tỷ lệ là 5-10%, trẻ em là 20-30%. Điểm nguy hiểm của cúm là khả năng lây nhiễm cao dẫn đến nguy cơ bùng dịch. Ở các vùng nhiệt đới như Việt Nam, cúm thường xảy ra vào mùa mưa, nên được gọi là cúm mùa, nhưng vẫn có thể phát tán vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Cúm phần lớn diễn biến nhẹ và người bệnh có thể tự hồi phục trong khoảng 2-7 ngày. Tuy nhiên ở một số trường hợp đặc biệt như người bị suy giảm miễn dịch, người mắc các bệnh mạn tính,… cúm có thể trở nên nguy hiểm và gây ra các biến chứng nặng có thể dẫn tới tử vong.
II. BỆNH NGUYÊN & CÁCH LÂY TRUYỀN
Bệnh cúm gây ra do vi rút cúm (Influenza virus). Có 3 loại vi rút cúm A,B,C gây ra các loại cúm khác nhau:
- Cúm A: Còn được gọi là cúm mùa, được tìm thấy ở nhiều loài động vật. Vi rút cúm A thường xuyên thay đổi tạo nên nhiều biến chủng mới; được biết đến như là nguyên nhân gây ra đại dịch cúm có khả năng cao lây nhiễm cao. Các phân nhóm cúm A đang được lưu hành hiện nay bao gồm A (H1N1) và A (H3N2).
- Cúm B: Giống như cúm A, vi rút cúm B cũng có thể bùng phát gây bệnh theo mùa. Về khác biệt, vi rút cúm B nói chung thay đổi chậm hơn về đặc tính di truyền và kháng nguyên so với cúm A. Vi rút cúm B chỉ gây bệnh ở người và không được phân chia theo loại như cúm A; cũng không gây ra những đợt lây nhiễm lớn.
- Cúm C: Vi rút cúm C cũng được tìm thấy ở người nhưng gây bệnh với các triệu chứng hô hấp nhẹ hơn so với cúm A và B và ít hình thành biến chứng nguy hiểm.
Vi rút cúm tồn tại trong không khí và có thể xâm nhập vào cơ thể khi chúng ta chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Vi rút cúm có khả năng lây lan trực tiếp qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện khiến các giọt bắn của dịch tiết mũi họng có chứa vi rút xuất hiện trong không khí và tồn tại trên các bề mặt, đồ vật. Nếu tiếp xúc phải các dịch bắn này sẽ có nguy cơ nhiễm cúm.
Ở những nơi tập trung đông người, tình trạng tiếp xúc trực tiếp là điều kiện lý tưởng để cúm lây lan nhanh. Người bị cúm có thể lây nhiễm cho người khác ngay trong thời gian ủ bệnh từ 1 ngày trước khi có triệu chứng cho đến 5-7 ngày sau khi phát bệnh. Riêng với trẻ nhỏ hoặc người có sức khỏe kém, thời gian lây nhiễm có thể kéo dài hơn cho tới khoảng 2 tuần.
Bất cứ ai cũng có thể nhiễm cúm. Trong đó các đối tượng có nguy cơ cao bao gồm: Trẻ em và người lớn tuổi; Người béo phì, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa; Người bị suy giảm miễn dịch; Người mắc bệnh mạn tính; Phụ nữ mang thai và đang cho con bú
III. TRIỆU CHỨNG
Thường xuất hiện khoảng 1-7 ngày thông thường là 48-72h sau khi tiếp xúc với vi rút cúm. Triệu chứng cúm gồm:
- Sốt cao từ 39 đến 41 độ C
- Đau đầu
- Cảm thấy ớn lạnh, đổ mồ hôi
- Ho khan
- Đau rát họng
- Nghẹt mũi, chảy nước mũi
- Mệt mỏi, khó thở
- Nôn mửa, tiêu chảy (thường gặp ở trẻ em)
Hầu hết các triệu chứng của bệnh cúm sẽ dần biến mất sau khoảng 4-7 ngày. Ho khan, mệt mỏi phần lớn kéo dài hàng tuần bên cạnh việc bị sốt đi sốt trở lại. Nếu các triệu chứng cúm dần trở nên nặng hơn hoặc dai dẳng, không có dấu hiệu giảm bớt sau 1 tuần cần đến cơ sở y tế đề phòng cúm chuyển biến nghiêm trọng hơn như viêm phổi.
IV. BIẾN CHỨNG
Nhìn chung, người trẻ tuổi và người có nền tảng sức khỏe tốt, bệnh cúm thường không ảnh hưởng quá nghiêm trọng và thường biến mất sau nhiều nhất 2 tuần mà không để lại tác động lâu dài.
Ở trẻ em dưới 5 tuổi hay người cao tuổi, người có sức khỏe kém, cúm có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi do cúm hoặc bội nhiễm vi khuẩn, viêm não, viêm màng não, nhiễm trùng tai, nhiễm trùng xoang, viêm cơ hay hủy cơ vân, tổn thương đa cơ quan như thận hay suy hô hấp và làm trầm trọng thêm tình trạng các bệnh mãn tính như suy tim sung huyết, hen suyễn hoặc đái tháo đường.
V. CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH
Sau khi có các triệu chứng gợi ý cúm, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm nhằm phát hiện vi rút cúm trong bệnh phẩm hô hấp như:
- RT-PCR: Là phương pháp có độ đặc hiệu cao và đặc trưng nhất để kiểm tra và phân loại virus cúm. Phương pháp này cho ra kết quả trong vòng 4-6 giờ.
- Miễn dịch huỳnh quang: Có độ nhạy và đặc hiệu thấp hơn phương pháp RT-PCR, nhưng cho ra kết quả chỉ sau vài giờ nhận mẫu bệnh phẩm.
- Xét nghiệm nhanh (RIDTs): Có kết quả sau 10-15 phút nhưng không chính xác như các loại xét nghiệm cúm khác, do đó vẫn có thể bị cúm mặc dù kết quả xét nghiệm nhanh là âm tính. Xét nghiệm nhanh có độ nhạy và đặc hiệu thấp nên cần kết hợp với những phương pháp xét nghiệm chẩn đoán khác khi kết quả xét nghiệm nhanh âm tính.
- Phân lập virus: Không phải là xét nghiệm sàng lọc, nhưng trong thời gian bệnh cúm hoạt động nên thực hiện trên mẫu bệnh phẩm thu thập từ những người nghi ngờ mắc cúm, đặc biệt là những đối tượng có yếu tố dịch tễ với cúm.
VI. ĐIỀU TRỊ
1. Nghỉ ngơi, dinh dưỡng, nâng cao thể trạng
Thông thường bệnh cúm có thể tự khỏi sau thời gian ngắn khi người bệnh dành thời gian nghỉ ngơi và uống nhiều nước để cơ thể dần chống lại sự nhiễm trùng. Không nên hút thuốc lá hoặc uống rượu trong thời gian này; cũng nên hạn chế trà, cà phê, các đồ uống có chất kích thích,… để tránh làm cơ thể thêm mệt mỏi.
Về dinh dưỡng, người bệnh cúm nên tăng cường, bổ sung các loại rau và trái cây có màu xanh đậm, đỏ và vàng để nâng cao hệ miễn dịch, hỗ trợ hồi phục sức khỏe nhanh chóng.
2. Dùng thuốc hạ sốt, giảm đau
Người bệnh cúm có thể sử dụng các loại thuốc trị cảm, thuốc nhỏ hoặc thuốc xịt không kê đơn để giảm bớt một số triệu chứng cúm khó chịu như ho, sổ mũi, nhức đầu,…
3. Dùng thuốc kháng vi rút
Hiện có 3 loại thuốc kháng vi rút được khuyên dùng trong điều trị cúm bao gồm: oseltamivir (Tamiflu®), zanamivir (Relenza®) và peramivir (Rapivab®). Các thuốc này hoạt động dựa theo nguyên tắc làm gián đoạn chức năng men neuraminidase trên bề mặt vi rút và ngăn chặn sự giải phóng các phần tử vi rút từ các tế bào vật chủ bị nhiễm bệnh.
4. Dùng thuốc kháng sinh khi cần
Cúm có thể làm suy yếu hệ miễn dịch khiến người bệnh dễ mắc các bệnh nhiễm trùng khác do vi khuẩn, thuốc kháng sinh có thể sẽ cần dùng đến để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng.
VII. PHÒNG NGỪA
1. Tiêm vaccine ngừa cúm
Do vi rút cúm biến đổi liên tục, nên cách tốt nhất để phòng ngừa cúm chính là thực hiện tiêm ngừa cúm hằng năm. Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, vaccine có tỷ lệ bảo vệ rất cao lên tới 90%. Ở người lớn tuổi, tiêm vaccine cúm giúp giảm tới 60% tỷ lệ mắc bệnh và 70-80% tỷ lệ tử vong từ các vấn đề có liên quan tới bệnh cúm.
Một số loại vaccine cúm đang được lưu hành tại Việt Nam như Vaxigrip 0.25ml, Vaxigrip 0.5ml, Influvac 0.5ml
2. Cải thiện lối sống
Xây dựng và duy trì các thói quen sinh hoạt lành mạnh giúp giảm nguy cơ lây nhiễm cúm:
- Rửa tay thường xuyên.
- Hạn chế tiếp xúc nơi đông người khi có triệu chứng cúm.
- Làm sạch bề mặt vật dụng.
- Tập thể dục đều đặn.
VIII. THAM KHẢO
[1] Flu (Influenza)
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4335-influenza-flu
[2] Signs and Symptoms of Flu
https://www.cdc.gov/flu/signs-symptoms/index.html
[3] Flu (Influenza)
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/flu/symptoms-causes/syc-20351719
[4] Bệnh cúm (flu)
https://www.health.nsw.gov.au/Infectious/Influenza/Pages/flu-vietnamese.aspx
[5] Flu (influenza): Symptoms and treatment
https://www.canada.ca/en/public-health/services/diseases/flu-influenza.html
[6] Cảnh báo cúm mùa, nguy cơ tử vong nếu chủ quan
https://laodong.vn/video/canh-bao-cum-mua-nguy-co-tu-vong-neu-chu-quan-1458334.ldo
[7] Bệnh cúm: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM