I. LỜI MỞ
Bàn chân đái tháo đường là biến chứng hay gặp của bệnh đái tháo đường, cũng là một trong những gánh nặng lớn đối với bản thân người bệnh, thân nhân, và cả hệ thống y tế,.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, 15% bệnh nhân có bệnh lý bàn chân, 20% người đái tháo đường phải nhập viện do nguyên nhân bị loét chân, và trên thế giới cứ mỗi 30 giây sẽ có 1 ca đoạn chi do bàn chân đái tháo đường.
II. ĐỊNH DANH BÀN CHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Bàn chân đái tháo đường (diabetic foot) là tình trạng bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng nhiễm trùng gây loét và/hoặc phá hủy mô da sâu ở bàn chân người bệnh.
Đây là kết quả của tổn thương dây thần kinh và mạch máu, khiến da chân dễ bị tổn thương và hình thành các vết loét, có thể dẫn đến viêm nhiễm, sưng tấy và trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể dẫn đến hoại tử và phải cắt bỏ các mô hoặc chi.
III. NGUYÊN NHÂN & NGUY CƠ
1 Bệnh thần kinh ngoại biên
Gây mất cảm giác bảo vệ, khiến bệnh nhân không biết mình bị tổn thương dẫn đến không chăm sóc và vết thương lớn hơn nhiễm trùng nặng hơ thậm chí gây hoại tử.
Cụ thể, bệnh thần kinh ngoại biên lên (1) dây thần kinh cảm giác khiến người bệnh không nhận biết được cảm giác đau, nóng, lạnh…. (2) dây thần kinh vận động gây biến dạng bàn chân, các ngón chân co quắp bất thường, vòm bàn chân quá cao hoặc quá bẹt, và tăng áp lực bất thường tại các vùng xương nhô ra của bàn chân, làm xuất hiện nhiều điểm tì đè mới, và (3) dây thần kinh tự chủ làm giảm tiết mồ hôi gây khô da, nứt nẻ, chai sần.
2. Bệnh động mạch ngoại biên
Gây biến chứng mạch máu tham gia vào sự phát triển của vết loét trong 50% trường hợp. Đây cũng là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến đoạn chi dưới của bệnh nhân có bàn chân đái tháo đường.
3. Chấn thương
Là một trong những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khiến bàn chân người tiểu đường dễ bị loét và nhiễm trùng. Có hai dạng chấn thương khiến da gồm: (1) Chấn thương do tác nhân bên ngoài: bỏng, giày chật, giẫm phải vật nhọn, tai nạn…(2) Chấn thương do yếu tố nội tại của bàn chân: vết chai sần, biến dạng bàn chân, móng mọc ngược…
4. Các yếu tố khác
Ngoài ba yếu tố nguy cơ trên, còn có một số yếu tố khác có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ loét bàn chân tiểu đường, điển hình như:
* Thị lực kém
* Hút thuốc lá
* Bệnh thận đái tháo đường, phải chạy thận nhân tạo
* Tuân thủ điều trị kém, không chăm sóc bàn chân đúng cách
* Các yếu tố xã hội khác: sống một mình, kinh tế khó khăn, học vấn thấp, khó tiếp cận với các dịch vụ y tế…
IV. TRIỆU CHỨNG
* Đau nhức hoặc ngứa trên chân.
* Tê chân hoặc giảm cảm giác chân.
* Sưng phù, thay đổi màu sắc da chân.
* Vết thương hoặc loét không lành.
* Xuất hiện của mủ hoặc phù nước.
V. ĐIỀU TRỊ
Điều trị bàn chân đái tháo đường bao gồm ba mục tiêu sau:
1. Chăm sóc vết thương
Rửa sạch và bảo vệ vết thương để ngăn ngừa nhiễm trùng.
2. Điều trị nội khoa
* Kháng sinh chống nhiễm trùng
* Kiểm soát đường huyết ổn định, hiệu quả.
* Dinh dưỡng, hổ trợ…
3. Phẫu thuật
Trong những trường hợp nặng, nghiêm trọng, có thể cắt lọc các mô tổn thương, khi không thể bảo tồn thì phải cắt cụt chi tổn thương.
VI. PHÒNG NGỪA
Hai biện pháp phòng ngừa bàn chân đái tháo đường chính:
1. Kiểm soát tốt đường huyết
Điều chỉnh cân bằng đường huyết để giảm nguy cơ tổn thương dây thần kinh và mạch máu.
2. Chăm sóc chân đúng cách
Giữ vệ sinh sạch sẽ, sử dụng giày phù hợp và kiểm tra thường xuyên để tránh tổn thương và nhiễm trùng.
VII. LỜI BÀN
Bàn chân đái tháo đường là biến chứng hay gặp của bệnh đái tháo đường, cũng là một trong những gánh nặng lớn đối với bản thân người bệnh, thân nhân, và cả hệ thống y tế,.
Vì thế, việc quản lý bàn chân đái tháo đường rất cần thiết để ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra và duy trì chất lượng sống của người bệnh đái tháo đường.
Nếu có các triệu chứng nghi ngờ, người bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán, tư vấn, điều trị hiệu quả tránh để lại các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là phải đoạn chi,
VIII. THAM KHẢO
[1] Bàn chân Đái tháo đường
[2] Bàn chân Đái tháo đường
[3] Hướng dẫn phòng ngừa và xử trí bàn chân Đái tháo đường
[4] Khám và chăm sóc bàn chân đái tháo đường
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM