Trang chủ » Khuyến cáo » VACCINE COVID-19 ASTRAZENECA VÀ CỤC MÁU ĐÔNG

VACCINE COVID-19 ASTRAZENECA VÀ CỤC MÁU ĐÔNG

     I. LỜI MỞ

   Gần đây, dư luận xôn xao khi gã khổng lồ dược phẩm AstraZeneca thừa nhận vaccine COVID-19 do mình sản xuất, trong những trường hợp rất hiếm, có thể gây ra huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu.

   Đặc biệt, ngày 7/5, AstraZeneca cho biết họ đã bắt đầu thu hồi vaccine ngừa COVID-19 trên toàn thế giới do “dư thừa các loại vaccine thế hệ mới có tác dụng tốt hơn với các biến chủng mới”, nhiều người đã tiêm chủng vaccine AstraZeneca lo lắng không biết mình có bị khối máu đông hay không? Cách phát hiện như thế nào? Chữa trị ra sao?

    II. TỔNG QUAN VỀ CỤC MÁU ĐÔNG (huyết khối)

   1. ĐỊNH DANH

   Huyết khối tĩnh mạch sâu là cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch, trong đó máu chuyển sang trạng thái rắn. Biến chứng hay gặp, đe dọa tính mạng của cục máu đông là thuyên tắc (embolize): cục huyết khối tĩnh mạch vỡ ra,  di chuyển theo máu và làm tắt nghẽn dòng máu phổi (thuyên tắc phổi), ..

   2. DẤU HIỆU 

   Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), các triệu chứng của huyết khối chỉ xảy ra ở khoảng 50% số người bệnh này.

  Tùy theo tĩnh mạch bị huyết khối sẽ có triệu chứng khu trú, vị trí khác nha. Các triệu chứng chung bao gồm đau, sưng, tấy đỏ và giãn tĩnh mạch ở vùng bị ảnh hưởng, nhưng một nửa số ca huyết khối không có triệu chứng.

   3. NGUYÊN NHÂN VÀ NGUY CƠ

* Chấn thương
* Phẫu thuật: Mạch máu có thể bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật, dẫn đến hình thành cục máu đông. Nghỉ ngơi tại giường mà ít hoặc không cử động sau phẫu thuật cũng có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
* Giảm hoặc không vận động
* Một số loại thuốc, như thuốc tránh thai, hormone, glucocorticoid và thuốc chống trầm cảm.
* Tuổi: huyết khối có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng tỷ lệ mắc bệnh tăng lên ở độ tuổi lớn hơn. Chỉ có 1/10.000 ở người dưới 20 tuổi, và 1/100 người trên 70 tuổi..
* Thừa cân,Béo phì.
* Mang thai có nguy cơ bị huyết khối cao gấp 5-10 lần so với những người không mang thai.
* Tiền sử gia đình: Có người thân bị DVT có thể khiến bạn dễ mắc bệnh này hơn.
*  Hút thuốc lá.
* Rối loạn đông máu di truyền.
* Ung thư.

    Ngoài ra, một số tình trạng sức khỏe khác có thể làm tăng nguy cơ

*  Các vấn đề về tim như huyết áp cao và suy tim
* Nhiễm trùng huyết
*  COVID-19, Lao và các bệnh do virus hoặc vi khuẩn khác
* Chứng ngưng thở lúc ngủ
* Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
* Đái tháo đường

     4. ĐIỀU TRỊ

   Huyết khối tĩnh mạch  một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Cần lập tức đến cơ sở y tế, phòng cấp cứu gần nhất.

  Phương pháp điều trị huyết khối tập trung vào (1) Ngăn ngừa cục máu đông phát triển, (2) Phòng ngừa thuyên tắc phổi và (3) Giảm nguy cơ có nhiều cục máu đông hơn.

   * Thuốc

+ Thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp như rivaroxaban (Xarelto) hoặc apixaban (Eliquis).

+ Các loại thuốc khác do bác sĩ sử dụng bao như heparin, warfarin (Coumadin), enoxaparin (Lovenox), fondaparinux (Arixtra)

+ Thuốc làm loãng máu khiến máu khó đông hơn.

+ Thuốc tan huyết khối hoạt động bằng cách phá vỡ cục máu đông. .

   * Bí tất (vớ) nén

  Để ngăn chặn sưng tấy và có thể làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.

    * Phẫu thuật

   Thường chỉ được khuyến nghị với các cục máu đông rất lớn hoặc cục máu đông gây ra các vấn đề nghiêm trọng, như tổn thương mô.

   III. VACCINE ASTRAZENECA VÀ CỤC MÁU ĐÔNG

    1. VACCINE COVID-19 ASTRAZENECA

   AZD1222 là tên gọi của loại vaccine phòng COVID-19 nổi tiếng do AstraZeneca và Đại học Oxford đồng phát triển. Đây cũng là một trong những loại vaccine COVID-19 đầu tiên được đưa vào tiêm chủng.

   Vaccine AstraZeneca sử dụng vector chính là virus adeno đã mất khả năng sao chép từ tinh tinh, để vận chuyển protein gai bề mặt S protein của SARS-CoV-2. Vaccine sẽ kích thích hệ thống miễn dịch sản xuất kháng thể chống lại protein S, “cái chân” giúp SARS-CoV2 bám vào màng té bào con người để xâm chiếm bộ máy tổng hợp protein trong nhân tế bào rồi phát triển và gây bệnh.

    2. NGUYÊN NHÂN VACCINE ASTRAZENECA GÂY HUYẾT KHỐI 

   Nhiều nhà khoa học và tổ chức y tế đã tham gia vào công tác nghiên cứu, để giải mã nguyên nhân gây ra tình trạng đông máu ở một số trường hợp tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca.

   Theo The Conversation, ở những người có tình trạng này, có vấn đề xảy ra ở phản ứng miễn dịch. Việc này khiến cơ thể tạo ra kháng thể có thể kết dính vào một trong những protein tự nhiên của cơ thể.

   Protein này được gọi là yếu tố tiểu cầu 4 (PF4). Trên thực tế, khi bị nhiễm trùng, nhiều người tạo ra kháng thể có thể dính vào PF4 như một phần của phản ứng miễn dịch, nhưng những kháng thể này thường có độ dính yếu.

   Với những người bị đông máu khi tiêm vaccine, kháng thể hình thành có thể dính rất chặt vào PF4, tạo thành cấu trúc lớn hơn gọi là “phức hợp miễn dịch”.

   Những phức hợp này kết dính với nhau và kích hoạt tiểu cầu. Thông thường, tiểu cầu trôi nổi trong máu ở trạng thái không hoạt động, nhưng một khi kích hoạt, chúng sẽ tạo nên một “tấm lưới” hình thành các cục máu đông.

   Cuối tháng 5/2021, Guardian đưa tin, một nhóm nhà khoa học ở Đức tin rằng họ dường như đã tìm ra nguyên nhân vì sao một số người tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca và Johnson & Johnson bị đông máu.

   Theo GS Rolf Marschalek từ Đại học Goethe và các cộng sự, mấu chốt ở đây nằm ở virus adeno. Các nhà khoa học Đức tin rằng, vấn đề nằm ở cơ chế đưa gai protein của virus SARS-CoV-2 vào cơ thể người sử dụng vector của virus adeno. ADN của gai protein được đưa vào phần nhân tế bào người, thay vì vùng dịch tế bào. Khi xâm nhập vào nhân tế bào người, một số thành phần của gai protein hoặc liên kết, hoặc tách rời và có nguy cơ tạo nên các chuỗi protein đột biến đi vào cơ thể người và có thể gây ra hiện tượng đông máu.

     IV. ĐÔI LỜI BÀN LUẬN

  PGS.TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trong thời gian đầu loại vaccine này được triển khai tiêm chủng ở các nước châu Âu, người ta đã nhận thấy một tỷ lệ nhất định người sau tiêm có hiện tượng xuất hiện huyết khối. Do đó, Ủy ban Dược châu Âu đã ngừng tiêm chủng để tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra kết quả cho thấy sự chênh lệch về tỷ lệ người bị huyết khối trước và sau khi triển khai chiến dịch tiêm chủng là rất thấp và gần như không có ý nghĩa thống kê [1].

  Theo PGS Thái, đã có hàng chục triệu liều vaccine của AstraZeneca được tiêm chủng tại Việt Nam nhưng chỉ mới ghi nhận một vài trường hợp có phản ứng phụ liên quan đến huyết khối sau tiêm. “Đây là một tỷ lệ vô cùng thấp. Tại Việt Nam chưa ghi nhận sự chênh lệch có ý nghĩa trong cộng đồng. Do đó, hiện vẫn chưa có khuyến cáo những người tiêm vaccine có nguy cơ huyết khối cao hơn so với những người không tiêm” [1],

   PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế. khẳng định, Vấn đề huyết khối sau khi tiêm vaccine cơ bản chỉ xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi tiêm. Hầu hết người dân đã tiêm vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 được vài năm, đến hiện tại cũng đã hết tác dụng. Do đó, người dân không cần quá lo ngại tác dụng phụ dẫn đến đông máu của vaccine này [2].

   Theo thông tin từ Cục quản lý dược phẩm của Úc, cứ 100,000 người tiêm Vaxzevria thì có 2-3 người bị chứng đông máu. Thường, chứng đông máu phát sinh trong 4-42 ngày sau khi tiêm vaccine [3].

   Các nhà nghiên cứu đưa ra một thống kê thú vị: Xác suất mà một người nhiễm SARS-Cov-2 (chưa tiêm vaccine) mắc chứng đông máu cao gấp 10 lần so với xác suất đông máu ở những người tiêm vaccine AstraZeneca [4].

    Tóm lại, nguy cơ đông máu rất hiếm và nó chỉ xảy ra trung bình trong vòng 1 tháng (28 ngày) sau khi chích vaccine. Hơn nữa, khoa học chỉ rõ cục huyết khối liên quan đến COVID-19 hơn là liên quan đến vaccine ngừa nó của AstraZeneca.

   Theo tôi, từ hai năm qua, gần như chúng ta không chích ngừa vaccine nữa nên đừng “lăn tăn” về vấn đề này !

  V. THAM KHẢO

[1] Vaccine AstraZeneca có thể gây đông máu: Việt Nam có ghi nhận?

https://dantri.com.vn/suc-khoe/vaccine-astrazeneca-co-the-gay-dong-mau-viet-nam-co-ghi-nhan-20240503120915234.htm

[2] Có nên lo ngại vấn đề huyết khối khi tiêm vaccine AstraZeneca đã lâu?

https://baotintuc.vn/giai-ma-muon-mat/co-nen-lo-ngai-van-de-huyet-khoi-khi-tiem-vaccine-astrazeneca-da-lau-20240504111332608.htm

[3] Vaxzevria (AstraZeneca) vaccine and thrombosis with thrombocytopenia (TTS)

https://www.health.gov.au/our-work/covid-19-vaccines/advice-for-providers/clinical-guidance/tts

[4] Cerebral venous thrombosis and portal vein thrombosis a retrospective cohort study of 537,913 COVID-19 cases

https://osf.io/a9jdq

                 TS.BS Trần Bá Thoại

    Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM