Sứa biển, hải triết, thạch kính, thủy mẫu, tiếng Anh jellyfish, ngành ruột khoang (Coelenrata), thuộc loài Cridanian, lớp Medusozoa, là loài động vật nhuyễn thể (thân mềm), không xương, có hình chiếc dù, có nhiều xúc tu dùng để bắt mồi. Kích thước sứa biển thay đổi từ 5 đến – 100cm, nặng tối đa đến 50kg
Sứa biển sống ở khắp nơi từ các vùng nước nhiệt đới đến vùng biển giá lạnh, nhưng nhiều nhất là ở các vùng biển nhiệt đới trong đó có biển Việt Nam.
Chỉ một vài loài sứa có thể gây độc, còn đa số đều có thể ăn được. Có hai cách sử dụng sứa biển biển là dùng sứa tươi (mới mua về), và dùng sứa khô (sứa qua bảo quản):
* Dùng sứa tươi: Thường đã được người bán sơ chế để làm sạch độc tố. Đầu bếp cần ngâm sứa với nước pha muối và phèn chua 3 lần, mỗi lần khoảng 10-15 phút cho đến khi nào thịt sứa chuyển sang màu đỏ hoặc vàng nhạt thì vớt ra, để ráo.
* Bảo quản sứa:
+ Cách 1: Ngâm sứa biển với muối; Sứa sau sơ chế sạch sẽ và cắt thành các miếng vừa ăn, rồi xếp vào thùng, hộp đựng với công thức 1 lớp sứa và 1 lớp muối. Đậy kín thùng/hộp lại rồi để ở nơi khô ráo, thoáng mát hoặc cho vào tủ lạnh. Khi cần ăn lấy từng lớp ra rửa sạch nhiều lần với nước rồi mang đi chế biến.
+ Cách 2: Ngâm sứa biển với phèn chua: Sứa sau sơ chế sạch sẽ và cắt thành các miếng vừa ăn, rồi xếp vào thùng, hộp đựng. Pha hỗn hợp phèn chua, muối với nước sôi, theo công thức cứ 500gam sứa sẽ dùng 50 gam muối và 5gam phèn chua. Để nguội, rồi đổ vào thùng/hộp đựng sứa, đậy kín nắp lại.
Thành phần dinh dưỡng của sứa: Co thể sứa trong suốt, với 98% là nước. Trong 100g thịt sứa có:12,3g chất đạm, 3,9g đường, 0,1g chất béo, 9,5g sắt, 1,32g iốt, 0,182g canxi, và còn chứa B1, B2, phốt pho, magie và đặc biệt là collagen.
Theo Đông y, sứa biển có vị mặn, tính bình nên có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Có thể dùng sứa để: Hỗ trợ chữa viêm loét dạ dày; Hỗ trợ trị viêm phế quản mạn tính, ho có đờm lâu ngày. Bồi bổ cho người có sức đề kháng yếu…
Các nhà bếp có thể dùng sứa biển để chế biến ra nhiều món ngon, độc đáo, như xào thịt bò, xào cần tây, làm bún sứa, lẫu sứa, nấu canh…
Đặc biệt, là các món salad như nộm sứa, gỏi sứa. Các món gỏi, nộm thường được dùng kết hợp sứa với các loại rau sống như rau thơm, húng lủi, tía tô…và trái cây như xoài, đu đủ, dưa chuột, hoa chuối, tạo nên hương vị tươi mát và giòn giòn độc đáo.
Để ngừa tránh một số rủi ro tiềm tàng khi ăn sứa biển, cần: Tránh dùng sứa chưa được chế biến kỹ để loại bỏ hết độc tố. Lưu ý nguy cơ dị ứng hải sản, đặc biệt với những người ăn lần đầu. Không nên cho trẻ em ăn để tránh rủi ro ngộ độc.
Giới thiệu hai món sứa đặc biệt
SỨA ĐỎ MẮM TÔM MIỀN BẮC
Sứa đỏ cũng là giống sứa thường được đánh bắt ở vùng biển Hải Phòng, Nam Định là những khu vực tập trung nhiều rừng ngập mặn nhiều cây đước, sú, vẹt.
Đánh bắt về, ngư dân đem ngâm sứa vào nước có vỏ hoặc rễ của cây sú vẹt để khử mùi tanh, loại bỏ độc tố và tăng thêm màu đỏ cho chúng. Sau đó đem chế biến như các loại sứa biển thông thường.
NUỐC CHẤM MẮM RUỐC HUẾ
Nuốc là một loài nhuyễn thể cùng họ với sứa biển, nhưng nhỏ hơn, kích cỡ bằng quả quýt. Ở Huế, con nuốc thường được đánh bắt ở vùng đầm phá nước lợ trong vùng. Vào mùa hè, những con nuốc sẽ nổi lên thành từng mảng trên mặt nước, và người dân vớt lên, ngâm nước và mang ra chợ bán.
Thưởng thức món nuốc chấm mắm ruốc này rất đơn giản: ăn sống cùng mắm ruốc Huế có vắt chanh, đường, và vài lát ớt tươi, cùng với trái vả xắt lát, chuối chát, khế chua, rau thơm, húng lủi, tía tô…
Trần Bá Thoại