Lời mở
Hiện nay trên mạng thông tin, thực dưỡng Ohsawa được giới thiệu “có cánh” là một chế độ ăn ưu việt giúp bảo vệ sức khỏe. Đặc biệt, thực dưỡng còn được tuyên truyền như một “thần dược” chữa được bá bệnh, kẻ cả bệnh nan giải thời đại là ung thư.
Nhưng thực tế, đã có nhiều bệnh nhân nặng như ung thư, suy thận… đã tin theo chế độ thực dưỡng này khiến cơ thể vừa bệnh, vừa kiệt và có người đã tử vong.
Chế độ ăn thực dưỡng là gì?
Chế độ ăn uống thực dưỡng được phát triển vào những năm 1920 bởi một triết gia người Nhật tên là George Ohsawa. Theo ông, bằng một chế độ ăn uống đơn giản, lành mạnh, chúng ta có thể sống hòa hợp với thiên nhiên, ngăn ngừa được ung thư và các bệnh nghiêm trọng khác.
Ăn thực dưỡng, macrobiotic, Oshawa, là chế độ ăn với chủ lực là các loại ngũ cốc, bổ sung các loại thực phẩm khác như rau quả địa phương, và tránh sử dụng các loại thực phẩm chế biến hoặc tinh chế cao và các sản phẩm động vật. Chế đô ăn thực dưỡng cũng hơi khác chế độ ăn chay là có thể cho dùng một ít thức ăn nguồn động vật như cá nhỏ, một vài loại thịt..
Một chế độ ăn thực dưỡng trung bình có 40-60% là các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lức, lúa mạch, yến mạch, kiều mạch; khoảng 20-30% thực phẩm là trái cây và rau quả; và khoảng 10% – 25% là đậu và các sản phẩm từ đậu như đậu phụ, tương miso, tempeh cũng như các loại rau biển như rong.
Các nhà thực dưỡng Nhật Bản cho rằng các loại ngũ cốc địa phương nguyên hạt , đậu , rau, rong biển, các sản phẩm đậu nành lên men và trái cây, kết hợp vào bữa ăn theo các nguyên tắc âm dương của Trung Quốc cổ đại. Chế biến thức ăn thực dưỡng cho phép dùng các gia vị tự nhiên. Các thức uống kèm là những loại không kích thích như trà cả cành lẫn lá, trà bancha, và nước quả, trái cây thông thường khác.
Điểm khác biệt nhất mà George Ohsawa, người sáng tạo ra chế độ thực dưỡng, nhấn mạnh là cân bằng yếu tố âm, dương của thực phẩm:
* Dương là nhỏ gọn, dày đặc, nặng, nóng, mặn… và
* Âm là mở rộng, ánh sáng, lạnh, nhạt, và khuếch tán.
Theo lý thuyết âm dường này, gạo lức và các loại ngũ cốc khác như lúa mạch, kê, yến mạch, lúa mạch đen… là âm dương cân bằng; còn cà chua, ớt, khoai tây, cà tím, củ cải đường và bơ không nên hoặc rất hạn chế dùng trong nấu ăn chay vì chúng rất âm.
Một điểm quan trọng của thực dưỡng là phương cách nhai thức ăn. Theo lý thuyết Oshawa, thức ăn càng được nhai nhiều lần sẽ khiến thức ăn càng “dương” nhiều hơn, do đó chế độ thực dưỡng khuyên nên nhai mỗi miếng ăn từ 50 lần trở lên. Người thực dưỡng cũng nên giữ một tinh thần tích cực, vui vẻ, một thái độ biết ơn và tập thể dục thường xuyên.
Ưu điểm của thực dưỡng
Chế độ thực dưỡng gần giống ăn chay, với thức ăn chủ yếu nguồn thực vật, và hạn chế chất béo động vật. Vì thế, chế độ ăn thực dưỡng tiện lợi cho người có bệnh nội tiết chuyển hóa đặc biệt béo phì, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp và đái tháo đường.
Nhờ có tỷ lệ rau củ quả nhiều, các thức ăn thực dưỡng thường có hàm lượng phytoestrogen cao. Theo một vài nghiên cứu, phytoestrogen cao sẽ có tác dụng phản hồi (feedback) khiến buồng trứng giảm sinh tổng hợp khiến nồng độ estrogen lưu hành trong máu thấp, điều này có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú.
Chế độ ăn uống thực dưỡng giúp tránh các thực phẩm có chứa độc tố do phơi nhiễm trong quá trình chăn nuôi, canh tác như phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc hóc-môn tăng trọng…
Nguy cơ của chế độ ăn thực dưỡng
Nguy cơ lớn nhất của chế độ thực dưỡng là tình trạng suy dinh dưỡng do thiếu protein calo (protein energy malnutrition PEM). Tình trang thiểu dưỡng này thường xảy ra ở hai nhóm đối tượng: (1) Trẻ sơ sinh và nhũ nhi trong “1000 ngày vàng” đầu đời. Các trường hợp PEM này ghi nhận trong các gia đình theo chế độ ăn thực dưỡng; (2) Những bệnh nhân ung thư ăn thực dưỡng với số lượng quá ít, với quan điểm rằng, khi bị “bỏ đói” các tế bào ung thư sẽ không phát triển được và bị chết.
Chế độ ăn uống thực dưỡng có phòng chống ung thư?
Từ những báo cáo của Viện nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ (American Institute for Cancer Research AICR) và Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới (World Cancer Research Fund WCRF) năm 1997 rằng: Nếu tăng lượng rau trái tiêu thụ hàng ngày từ 250g lên 400g có thể giúp giảm 20% các trường hợp ung thư trên toàn thế giới; Tăng sử dụng ngũ cốc nguyên hạt có thể làm giảm nguy cơ ung thư ở nhiều vị trí giải phẫu khác nhau; Các nghiên cứu trên chuột cho thấy ăn nhiều rong biển có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú, các nhà nghiên cho rằng chế độ ăn thực dưỡng với các thực phẩm rau củ hạt rong biển cũng sẽ làm giảm nguy cơ ung thư.
Các nghiên cứu trên hai quần thể phụ nữ, nhóm người ăn chay hoặc ăn thực dưỡng và nhóm ăn chế độ Mỹ điển hình, cho thấy quần thể ăn chay hoặc thực dưỡng làm giảm lượng estrogen máu kéo theo sự giảm nguy cơ mắc các dạng ung thư phụ thuộc hormone, như ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.
Đôi điều bàn luận
Khả năng ngừa chống ung thư của chế độ thực dưỡng suy diễn dựa theo những câu chuyện “người thật việc thật” được lan truyền, điển hình là câu chuyện Bác sĩ Sattilaro 49 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt di căn đến nhiều vị trí xương, tự điều trị bằng chế độ thực dưỡng đạt kết quả thần kỳ là hết cả di căn xương lẫn ung thư sau ba năm, và theo những cuốn sách: Healing Miracles from Macrobiotics của TS J Kohler (1979); The Cancer Prevention Diet của M Kushi (1983) ; Macrobiotic Miracle: How a Vermont Family Overcame Cancer của V Brown và S Stayman (1984) ; Physician, Heal Thyself của H Faulkner (1993) ; Recovery from Cancer của E Nussbaum (1992) ; Who Triumphed Over Cancer Naturally của A Fawcett và C Smith, The East West Foundation (1991)
Nhưng cho đến nay, chưa có phân tích, cơ chế, bằng chứng khoa học xác đáng để chứng minh chế độ ăn uống thực dưỡng có thể phòng ngừa và điều trị ung thư.
Đa số các lý lẽ ủng hộ đều suy diễn đều dựa qua cơ cấu thành phần của món ăn thực dưỡng: nguồn thực vật, thức ăn hữu cơ, hơn là những bằng chứng thực nghiệm.
GS-TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K trung ương nhận định: “Hiện nhiều người bệnh bị ung thư có quan điểm hết sức sai lầm là ăn kiêng, ăn chay để hy vọng khối u sẽ bị “chết đói” hoặc ăn uống, chữa bệnh theo lời đồn thổi. Điều này khiến bệnh nhân bị kiệt sức, bệnh nặng hơn”.
Tài liệu tham khảo
[1] Macrobiotic diet
https://en.wikipedia.org/wiki/Macrobiotic_diet
[2] The macrobiotic diet: definition, foods & diet basics
https://www.medicinenet.com/macrobiotic_diet/views.htm
[3] George Oshawa and the Macrobiotic diet
http://www.healthandharmonyquest.com/single-post/George-Oshawa-and-his-number-7-diet
[4] The Macrobiotic Diet: Pros and Cons
https://www.healthline.com/health/food-nutrition/macrobioticdiet
[5] Macrobiotic diet: Complementary and alternative therapies
[6] Macrobiotic diet as treatment for cancer: Review of the evidence
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6220645/
[7] Sống lâu nhờ chế độ ăn “Okinawa”
https://khoahoc.tv/song-lau-nho-che-do-an-okinawa-21314
[8] Ăn mặn, ăn chay đâu hay bằng ăn đúng!
https://dantri.com.vn/suc-khoe/an-man-an-chay-dau-hay-bang-an-dung-20160414105700559.htm
[9] Ăn uống đúng mức, góp sức chữa bệnh
https://benhvien199.vn/an-uong-dung-muc-gop-suc-chua-benh_dt_3042
[10] Vai trò quan trọng của dinh dưỡng trong điều trị bệnh tật
[11] Bắt bệnh nhân ung thư điều trị theo thực dưỡng là độc ác
[12] “Thực dưỡng” không trị được ung thư!
https://dantri.com.vn/suc-khoe/thuc-duong-khong-tri-duoc-ung-thu-20191116193241159.htm
[13] Video What is macrobiotics
https://www.youtube.com/watch?v=9epR_7iC-9s
TS.BS Trần Bá Thoại
Uỷ viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM