Trang chủ » Chưa phân loại » THỰC PHẨM QUÁ HẠN: LOẠI BỎ

THỰC PHẨM QUÁ HẠN: LOẠI BỎ

   THỰC PHẨM QUÁ “ĐÁT”: LOẠI BỎ !

TS.BS TRẦN BÁ THOẠI (Bệnh viện Đà Nẵng)

     Hai lý do phải loại bỏ những thực phẩm quá hạn -thực phẩm “bẩn”- vì chúng nhiễm vi trùng, nhiễm độc chất hoặc cả hai. Trong đó nhiễm độc chất gây nhiều tác hại và hậu quả nghiêm trọng hơn. Ngoài ra nước uống hoặc các loại dược phẩm “chức năng” cũng là những con đường độc chất đi vào cơ thể.

     Chúng ta thường nhanh chóng để ý đến các độc chất có sẵn như độc tố cá nóc, nhựa cóc, trong các loại cây thuốc, nấm độc …nhưng lại thường hay “bỏ quên”, ít khi lưu ý đến các chất độc tạo ra trong quá trình chế biến, bảo quản thức ăn; đặc biệt hiện nay có tình trạng ngộ độc do tự ý dùng các thuốc “ngoại khoa”, các loại cây lá “mách miệng”…

     Trong thực tế, vì không thể loại trừ hẳn, nên sự hiện diên của độc chất trong thực phẩm thường được chấp nhận với một giới hạn cho phép”. Nhưng người tiêu dùng “khôn ngoan” cũng cần chủ động bảo vệ mình bằng nhiều biện pháp tương đối dễ thực hiện như: (1) Chiên rán đúng cách để chất độc acrylamide không hoặc sản sinh ra rất ít, vì cơ quan nghiên cứu ung thư thế giới (IARC) cảnh báo acrylamide gây ung thư cao cho người. (2)Tìm kiếm những quy trình công nghệ thủy phân tốt để sản xuất được nước tương ngon, nhưng chứa ít chất độc 3-MCPD. (3) Bón phân đạm cho cây và chế biến dưa muối đúng cách để tiết giảm chất nitrite và nitrosamine sản sinh ra. (4)Kiểm soát hàm lượng aflatoxin -là thủ phạm hàng đầu gây ung thư gan vốn rất nhiều ở vùng châu Á- dưới mức cho phép khi làm tương, chao với nguyên liệu khô đậu phộng, đậu nành không ẩm mốc…..  

     Nhưng quan trọng hơn, xã hội phải kiểm tra an toàn thực phẩm, phải xử lý hình sự và chế tài nghiêm khắc những cá nhân đã vì đồng tiền, lợi nhuận nhẫn tâm cho những chất “cấm”, chất độc vào thực phẩm kinh doanh. Đã một thời rộ lên bánh phở được “phụ gia” bằng phóc môn, giò chả thêm hàn the, rượu pha thuốc “trừ sâu”, “đại họa” sữa pha trộn melamine… và gần đây là cả ngàn tấn thực phẩm đông lạnh “quá đát” được nhập về Việt Nam.

     Với các loại thực phẩm đông lạnh quá hạn và ô nhiễm này, không thể nghĩ đơn giản rằng đem cho xử lý chiếu xạ, đun nấu…diệt khuẩn là xong. Các tia xạ chỉ diệt được những vi khuẩn gây bệnh, tuyệt nhiên không có tác dụng phá hủy các độc chất trong thực phẩm và các độc tố do vi khuẩn sinh ra. Lấy ví dụ đơn giản là Bệnh ngộ độc thịt (botulism), vi khuẩn Clostridium botulisnum sẽ tiết ra độc chất botox, độc tố này vẫn còn nguyên tác dụng sau khi đã chiếu xạ thực phẩm. Với các lý do này Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) đã buộc tiêu hủy cả trăm, ngàn tấn thực phẩm đông lạnh quá hạn, dù nhà nhập khẩu “nằng nặc” xin chiếu xạ rồi mới đem ra xử dụng.

    Ăn uống là con đường chính để “nạp” năng lượng cho cơ thể, nhưng nếu chúng ta “dinh dưỡng” bằng những thực phẩm “ô nhiễm” kém chất lượng, đặc biệt thực phẩm nhiễm độc chất, thì thay cho bồi dưỡng chúng ta lại “ đầu độc” chính bản thân mình. Chủ động loại trừ độc chất trong thực phẩm sẽ đem lại ý nghĩa tốt đẹp của món “tứ khoái” đầu tiên này.