Trang chủ » ẨM THỰC » THƯỞNG TRÀ GỪNG VỚI BÁNH KHÔ MÈ CẨM LỆ

THƯỞNG TRÀ GỪNG VỚI BÁNH KHÔ MÈ CẨM LỆ

    I. LỜI MỞ

  Từ lâu đời, ngoài là thức uống quen thuộc, trà còn được cho là một vị thuốc giúp sống lâu. Các danh y đời Đường, Trung Quốc, đã ví von: “Thuốc chữa từng bệnh, trà là thuốc chữa trăm bệnh”, để tôn vinh tác dụng của trà.

  Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại trà pha chế, ướp tẩm hương hoa, dược liệu như cam thảo, chanh, cúc, sen, nhài, actisô, gừng…

  Bánh khô mè Cẩm Lệ, Khuê Trung, Hải Châu, Đà Nẵng là một đặc sản được chế biến và sử dụng vào các dịp lễ, tết… Hiện nay, khô mè được sản xuất quanh năm, được nhiều người thích, thưởng thức, đặc biệt để dùng kèm khi uống trà buổi sáng.

   Nhiều chuyên gia dinh dưỡng, y tế, khuyên rằng, trong cái lạnh đầu xuân, việc thưởng thức trà gừng nóng với khô mè Cẩm Lệ vào buổi sáng là khoa học, hợp lý. Vì sao ?

   II. TRÀ GỪNG

 Nước trà có thành phần dinh dưỡng phong phú: caffeine, theophylline, tinh dầu thơm, hydratcacbon, vitamin, protid, chất khoáng, chất chống oxy-hóa…

 

  Củ gừng cũng có nhiều thành phần dinh dưỡng: Các vitamin thiết yếu như C, B2, B3, B6, B9, Các khoáng chất thiết yếu: natri, sắt, kali, magiê, phốt pho và kẽm; Các chất chống viêm và chống oxy hóa: axit pantothenic , beta-carotene, capsaicin , curcumin, axit caffeic và salicylate trong đó; Các hợp chất khác: shogaol, zerumbone, terpenoids, flavonoid, zingibain,, paradol, gingerol và gigerone. Hầu hết các lợi ích có được từ củ gừng là do sự hiện diện của một thành phần tạo nên vị cay đặc trưng gingerol này.

   Nhiều nhà dinh dưỡng chỉ ra rằng, trà gừng nhờ phối hợp được hai thành phần dinh dưỡng nên rất có ích cho sức khỏe: (1) Lợi tiểu, tốt cho tim mạch, (2) Sát khuẩn, giảm đau, kháng viêm; (3) Tiêu thực, trợ tiêu hóa; (4) Dãn phế quản, bình suyễn, trợ hô hấp; (5) Đẹp da, chống lão hóa; (6) Răng chắc, xương khỏe; (7) Sảng khoái, tỉnh não, giảm stress; (8) Tác dụng giải độc; (9) Kiểm soát cân nặng và đường máu; (10) Hỗ trợ hệ thống miễn dịch; (11) Phòng chống ung thư .

    III. BÁNH KHÔ MÈ CẨM LỆ

  Bánh khô là một đặc sản xứ Quảng. Khởi đầu người ta thường dùng lúa  hay nếp rang cho phồng lên, ngào với đường rồi đóng khuôn để ăn dần, đây là “bánh khô nổ”. Không biết từ bao giờ, những bà nội trợ ở làng Cẩm Lệ, phường Khuê Trung, quận Hải Châu, phía cực nam thành phố Đà Nẵng sáng tạo ra một loại bánh khô với nguyên liệu chính là bột gạo nếp và mè, một đặc sản cực kỳ độc đáo, nổi tiếng toàn quốc: bánh khô mè Cẩm Lệ.    

   Cũng như mọi loại bánh truyền thống Việt Nam khác, nguyên liệu để làm bánh khô mè rất đơn giản bao gồm: bột gạo tẻ hay gạo nếp, đường, mè với một ít bột quế Trà My hay nước ép của củ gừng để tăng thêm hương vị. Tuy nguyên liệu đầu vào đơn giản như thế, nhưng muốn có thành phẩm bánh khô mè ngon, bổ và đúng “gu” đất Quảng, người làm bánh cũng khá mất thời gian, đi qua rất nhiều khâu chế biến phức tạp, dài dòng.

    Có hai công đoạn chính để “ra đời” chiếc bánh khô mè.

  * Đầu tiên việc nấu nướng bánh: người ta rây bột vào những khuôn với nhiều ô vuông, kích cở bằng cái cái bánh in, rồi đem chưng cách thủy cho chín. Sau khi chưng chín, bánh sẽ được chuyển qua công đoạn nướng. Cái độc đáo, cái “hồn” của bánh khô mè chính là ở khâu nướng này. Nướng khô mè vốn rất lích kích và tốn thời gian, phải nướng từ lửa than lớn đến lửa than nhỏ để cho bánh được chín đều từ trong ra ngoài và cũng nhờ đó bánh rất khô giòn và tơi xốp như tên gọi. Do phải thực hiện nhiều thao tác trong công đoạn nướng như thế bánh khô mè còn được gọi tên là “bánh bảy lửa”.

  * Công đoạn tiếp theo là tẩm mè cho bánh; công đoạn này thật sự cũng nhiêu khê không kém: đầu tiên phải rang mè độ vừa chín, có mùi thơm, nhưng vẫn giữ được màu trắng ngà và không được cháy. Tiếp đến phải ngào, thắng nước đường trên lò than nóng, nước đường này được dùng để “áo” cho bánh. Sau đó bánh được bao phủ mè rang hay “khoác áo” kín chung quanh; cái bánh hình thành như một khối mè san sát và đường thắng đóng vai trò chất keo kết dính lại. Chưa hết, phủ mè xong bánh lại được đem sấy lần cuối cho thật khô để đóng gói, bảo quản lâu dài.

  Thực phẩm con người sử dụng rất đa dạng và nhiều chủng loại. Các nhà dinh dưỡng học đã hệ thống lại và xếp thực phẩm thành bốn nhóm là: chất đường bột, chất đạm hay chất thịt, chất béo và các chất muối khoáng, vitamin. Một thức ăn tốt cần phải có đủ 4 thành phần này. Theo phân tích thành phần các nguyên liệu để chế biến ra bánh, thì rõ rang bánh khô mè Cẩm Lệ đạt tiêu chuẩn của một thực phẩm tốt, đầy đủ thành phần các chất cơ bản và có giá trị dinh dưỡng rất cao.

 Thành phần dinh dưỡng trên 100g ăn được (Viện Dinh dưỡng quốc gia). 

  TÊN THỨC ĂN                                
    % kcal g g g g mg mg mg mg mg mg mcg mcg mg mg
Ngũ cốc
1 Gạo nếp cái 1 346 8,6 1,5 74,9 0,6 0 32 98 1,2 3 282 0 0 0,14 0,0
2 Gạo tẻ 1 344 7,9 1,0 76,2 0,4 0 30 104,0 1,3 5 241 0 0 0,10 0,0
Hạt, quả giàu protein, chất béo và chất khoáng
26 5 568 20,1 46,4 17,6 3,5 0 1200 379,0 10,0 49 508 15 0,0 0,30 0,0

  Ngày trước, bánh khô mè Cẩm Lệ chỉ được chế biến và sử dụng vào các dịp Lễ, Tết… hiện nay bánh được sản xuất quanh năm, không chỉ người Quảng Nam, Đà Nẵng mà nhiều địa phương khác trên cả nước cũng đã biết tiếng và thích sử dụng bánh khô mè; người ta có thể dùng bánh để thưởng trà, nhâm nhi với nước giải khát hoặc ăn như các loại bánh thông thường.

 

  IV. ĐÔI ĐIỀU BÀN LUẬN

   Trà gừng là món ẩm thực quen thuộc, có thể dùng làm liệu pháp tự nhiên và ngon miệng để tăng cường sức khỏe. Việc ngồi lại với một cốc trà gừng ấm, hít hà mùi thơm, nhâm nhi miếng khô mè Cẩm Lệ ngoài thưởng thức, ẩm thực, còn là cách thư giãn, xả stress hiệu quả.

  Xét về tính bắt mắt và khẩu vị, thì bánh khô mè Cẩm Lệ cũng được xếp vào loại “xuất sắc”. Giáo sư Trần Văn Khê, tuy là chuyên gia âm nhạc, nhưng ông có một nhận xét “ẩm thực” rất dí dỏm rằng “Một món ăn được gọi là ngon khi nó “đánh thức” được cả ngũ quan của thực khách”. Theo đó, bánh khô mè Cẩm Lệ có thừa đủ tiêu chí này: (1) mắt nhìn nhiều màu: trắng ngà của mè rang, vàng mơ của những tơ đường thắng (2) mũi ngửi được nhiều mùi: mè rang, hương quế Trà My, mùi thơm dịu của gừng (3) lưỡi nếm lắm vị: ngọt của đường, bùi của bột nếp và béo của mè rang, cay thơm của gừng và quế (4) miệng nhai thấy: mềm, cứng, xốp, dòn và (5) tai nghe âm vỡ sào sạo của bánh ..và cũng có thể nghe nhạc khi thưởng trà với bánh khô mè.

   Với các dữ liệu như trên; chúng ta có thể kết luận rằng: Bánh khô mè Cẩm Lệ ngoài là món ăn đặc sản Quảng, còn rất có giá trị dinh dưỡng vì nó kết hợp đủ cả 4 thành phần và ít nhiều có màu sắc văn hóa văn hóa ẩm thực.   

   Cũng cần lưu ý, trà gừng có thể gây những tác dụng không mong muốn khi chúng ta uống quá nhiều, vượt hơn 5 gam, gừng mỗi ngày. Uống quá nhiều trà gừng, sẽ bị ợ chua, đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn hoặc kích thích dạ dày, như khi ăn ớt hoặc các thức ăn cay khác. Nhiều gừng quá có thể làm giảm huyết áp, gây choáng váng. Gừng cũng chứa chất làm loãng máu, có thể gây ra vấn đề cho những người bị rối loạn đông máu hay những bệnh nhân đang uống thuốc huyết áp, thuốc giảm đông.

V. THAM KHẢO

[1] Bánh khô mè Cẩm Lệ

https://tuoitre.vn/banh-kho-me-cam-le-360578.htm

[2] Bánh khô mè Cẩm Lệ

http://www.amazingvietnam.vn/2013/01/banh-kho-me-cam-le.html

Bánh khô mè Cẩm Lệ: Đặc sản giá trị dinh dưỡng cao !

Bánh khô mè Cẩm Lệ: Đặc sản giá trị dinh dưỡng cao !

             TS.BS  Trần Bá Thoại 

    Uỷ viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM