Trang chủ » NỘI TIẾT & CHUYỂN HOÁ » BƯỚU GIÁP NHÂN: NÊN MỖ HAY KHÔNG ?

BƯỚU GIÁP NHÂN: NÊN MỖ HAY KHÔNG ?

     CÂU HỎI

   Tôi là nữ giáo viên 53 tuổi, đã lập gia đình và có con cái. Vừa qua các bác sĩ ở Đà Nẵng hội chẩn và chẩn đoán tôi bị bướu giáp nhân bình giáp và được hướng dẫn nhập viện để mổ cắt nhân giáp. Sau khi nhập viện làm thủ tục để chuẩn bị thì có bác sĩ lại giải thích không cần thiết phải mổ rồi cho tôi ra viện và không cho thêm thuốc gì. Vậy trong trường hợp của tôi xin cho biết nên mổ hay không? Nếu không mổ thì phải theo dõi điều trị tiếp như thế nào?

     (buianhchung@gmail.com)

         giap-don

     TRẢ LỜI

    Bạn đi khám bệnh vì có bướu cổ. Bác sĩ đã cho làm 3 xét nghiệm cơ bản:

   (1) siêu âm tuyến giáp để xác định kích thước tuyến giáp, chúng tôi vẫn gọi đùa là “số hóa” thể tích tuyến giáp, và xem cấu trúc bên trong tuyến,

    (2) xét nghiệm đo nồng độ hóc-môn tuyến giáp và tuyến yên (T3, T4,fT3, fT4 và TSH )  và

    (3) sinh thiết chủ mô tuyến giáp

    Như vậy là rất đúng quy trình. 

   Với các kết quả xét nghiệm và thăm dò đã có thì chẩn đoán cuối cùng là Bướu giáp đơn nhân loại bình giáp chưa có biến chứng trên các cơ quan của bác sĩ là hoàn toàn chính xác.

    Tuy nhiên để toàn diện hơn cần phải siêu âm Doppler để đánh giá huyết động tại tuyến giáp và cũng nên xạ hình tuyến giáp để rõ hơn về tính chất của nhân tuyến giáp mà bạn đang bị bệnh.

    Phương pháp phẫu thuật cắt giảm tuyến giáp (PTCGTG) nhằm mục đích là cắt bỏ bớt đi các nhu mô tuyến giáp hoặc vì bị bệnh (ung thư, thoái hóa) hoặc vì phát triển, tăng chức năng quá mức bình thường (bướu giáp phì đại, bệnh Basedow..). Do đó PTCGTG thường được chỉ định trong những tình huống như sau: Ung thư tuyến giáp, Bướu giáp to quá chèn ép chung quanh, Bướu giáp độc Basedow, Bướu giáp đơn nhân hoặc đa nhân độc và lý do cuối cùng đơn giản là phẫu thuật thẩm mỹ.

    Trở lại trường hợp cụ thể bướu giáp đơn nhân lành tính của bạn có hai ý kiến khác nhau khi chọn phương pháp PTCGTG:

    Một là nên mổ ngay để tránh nguy cơ chuyển thành bướu độc hoặc ung thư và một phần nữa là vì thẩm mỹ;

    Hai là vì bướu giáp đơn nhân bình giáp lành tính chỉ khoảng một phần ba (1/3) số trường hợp bệnh là có khả năng chuyển sang ác tính trong vòng 3 năm nghĩa là đa số còn lành tính. Do đó, không nhất thiết phải chỉ định cắt bỏ vội vàng, có thể theo dõi sát để xử trí khi cần thiết.

   Trong y học khi chưa có chỉ định tuyệt đối hay chỉ định bắt buộc, thầy thuốc thường phải tham khảo ý kiến, nguyện vọng của bệnh nhân. Bạn cùng gia đình nên tự phân tích để quyết định  nên hay không mỗ, sau đó nên trình bày cụ thể với bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho mình.

  Theo góp ý kiến bản thân, tôi tuy là bác sĩ nội khoa, chúng ta nên chấp nhận PTCGTG khi đang còn chưa biến chứng.

  Hiện tại không có thuốc uống đặc trị cho bướu giáp nhân, cho nên bác sĩ đã không kê toa thuốc cho bạn

  Chúc bạn thoải mái và vui vẻ.

     TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM