Trang chủ » Chưa phân loại » TẢN MẠN VỀ CÁI KHOÁI ĐẦU TIÊN

TẢN MẠN VỀ CÁI KHOÁI ĐẦU TIÊN

            ĂN “YẾU” ĐỂ SỐNG KHOẺ   

   Ăn nhiều còn được gọi là ăn “khỏe” hay ăn “mạnh”. Đã có thời thường được đồng hóa người ăn nhiều với người có sức khỏe, “nam thực như hổ”. Hiện nay ở nước ta, cũng như trên toàn thế giới, bệnh thừa cân béo phì đang gia tăng như bệnh dịch; thập niên 90 của thế kỷ trước tỷ lệ mắc bệnh mới khoảng 3 phần trăm nay đã tăng gấp 3 lần, cá biệt có nơi gấp cả 10 lần!!!. Đã có nhiều buổi tư vấn sức khỏe nhằm mục đích giảm cân, chống béo phì.  Dưới góc độ dinh dưỡng, thì chế độ ăn uống đúng cho cả người bình thường lẫn người bệnh đều phải đầy đủ và hài hòa, chứ không phải ăn nhiều hay đi nhịn đói. So sánh dễ hiểu là bữa ăn cần bốn thành phần cơ bản: chất bột, chất đạm, chất béo và chất khoáng &vitamin cũng như một cái áo cần phải có đủ bốn phần cơ bản: vạt trước, vạt sau, tay áo và cổ & túi áo, thiếu không được và thừa không nên. 

  “Thái quá sinh bất cập”, ăn nhiều ăn thừa thế nào cũng sinh bệnh:

  1.Nếu ăn thừa nhóm chất bột đường, nhóm thức ăn chính chuyển hóa tạo ra năng lượng cho cơ thể, chúng ta có thể mắc rất nhiều bệnh, trong đó nổi bật lên là thừa cân, béo phì và đái tháo đường…với những hệ lụy kèm theo. Hình ảnh minh họa cho chế độ ăn thừa năng lượng, thừa chất này là đứa trẻ béo phì tay cầm cái bánh “hot dog”…Tại sao ăn nhiều bột lại gây béo phì? Đơn giản là trong cơ thể con người các chu trình chuyển hóa chất bột đường, chất đạm và chất béo thường vận hành liên quan nhau chứ không hoàn toàn tách biệt riêng rẽ, phần chất bột ăn thừa mứa vào cơ thể sẽ được chuyển thành chất béo, ứ đọng lại và gây bệnh.

   2. Nếu ăn thừa chất đạm chúng ta lại đứng trước nguy cơ mắc bệnh gout hay bệnh thống phong. Chế độ ăn nhiều đạm, đặc biệt đạm động vật, hai quả thận bị “hành hạ”, bị bắt buộc phải “chạy” hết công suất để thải loại chất urê, sản phẩm độc hại chính sản sinh ra trong quá trình chuyển hóa chất đạm, về lâu về dài thận chắc chắn sẽ bị suy. Đây cũng là lý do bác sĩ khuyên người lớn tuổi chỉ ăn đạm vừa đủ và ưu tiên dùng cá hơn là thịt. Trước đây một số bệnh nhân đái tháo đường, vì chế độ ăn cấmi không được dùng “đường ngọt”, một số thầy thuốc đã sai lầm khi “sơ ý” cho dùng thực phẩm quá giàu chất đạm với ý định “bù lỗ” năng lượng, nhưng hậu quả là nhiều bệnh nhân đái tháo đường này nhanh suy thận hơn.         

   3. Nếu ăn thừa chất béo chúng ta sẽ bị thừa mỡ máu, thừa cholesterol, rối loạn lipid máu, béo phì….Chính các rối loạn chuyển hóa chất béo này là những tiền đề gây ra bệnh đái tháo đường, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp…cùng với những di hại về sau.

    4. Với nhóm các chất khoáng & vitamin dù đây là những chất vi lượng tối cần thiết cho các hoạt đông của cơ thể như dẫn truyền, co cơ…và là thành phần cấu tạo của các chất men xúc tác sinh học, “ngọn lửa của sự sống”, chúng ta vẫn quen gọi là “sinh tố” hay “thuốc bổ”. Nhưng nếu ăn quá thừa chất khoáng & vitamin thế nào cũng bệnh: ăn mặn thừa muối thế nào cũng bị tăng huyết áp và dùng quá nhiều vitamin (sinh tố, thuốc bổ) thế nào cũng bị “bổ ngữa”, bị bệnh “thừa vitamin” (hypervitaminosis). Trước đây nhiều người, kể cả y tế, vẫn thường dùng vitamin C liều cao, với ý nghĩ chống stress, tăng sức đề kháng; nhưng giờ đây y học chứng minh rõ rằng dùng như thế nguy cơ sỏi thân do lắng đọng oxalate tăng lên…

    Người xưa đã ví von:  Ăn ít no lâu,, ăn nhiều tức bụng“ Con người tự đào mồ bằng chính bộ răng của mình”. Đời sống kinh tế cao lên, thực phẩm dồi dào, liên hoan, tiệc tùng linh đình thừa mứa … thì cũng là lúc những bệnh nội tiết & chuyển hóa bùng phát như bệnh dịch.

    Lời khuyên y học cần thiết lúc này là: Ăn vừa phải,  ăn “yếu” để sống khỏe.

            

    ĂN CHẬM CÁC THỨC ĂN NHANH!

     Bộ máy tiêu hóa với nhiều cơ quan, bộ phận khác nhau hợp đồng “tác chiến” để hoàn thành chức năng cuối là tiêu hóa thức ăn thành ra những “nguyên liệu” cho tất cả tế bào của cơ thể hoạt động.

     Mọi loại thức ăn đều phải theo tuần tự vào miệng, đi qua các cửa “ải” của đường tiêu hóa và chất thải theo hậu môn ra ngoài; thức ăn nhanh cũng không ngoài quy trình đó. Miệng nhờ các cơ nhai và bộ răng đảm trách nhiệm vụ “cơ học” chính là nhai cắn, xé nát thức ăn, enzyme amylase trong nước bọt sẽ tiêu hóa một phần tinh bột (chất bột đường, carbohydrate) của thức ăn, càng nhai lâu càng tiêu hóa nhiều- ngày trước các bà mẹ cho em bé ăn cơm nhai (cơm mem) là có cơ sở khoa học và nhiều trẻ em thích “ngậm” cơm vì ngậm càng lâu cơm càng tiêu hóa sẽ càng ngọt. Dạ dày cũng co bóp làm nhuyễn thức ăn tiếp thành dịch loãng như cháo. Các enzyme tiêu hóa ở miệng, dạ dày, tụy tạng, ruột …sẽ tiếp tục xúc tác “hóa học” để tiêu hóa thức ăn. Ruột non là nơi chính để hấp thu các sản phẩm bổ dưỡng sau cùng để sau đó theo dòng máu đi nuôi toàn cơ thể. Cuối cùng các chất thải bỏ (phân) sẽ được ruột già với các nhu động co bóp sẽ được tống xuất ra ngoài.

    Các nhà dinh dưỡng học khuyên nên ăn chậm tất cả các loại thức ăn vì hai lợi ích:

  một là ăn chậm thức ăn mới đủ thời gian để qua đủ các khâu tiêu hóa và hấp thu đủ dưỡng chất cần thiết, ăn quá nhanh, dân gian gọi là “nuốt trửng”, thức ăn chưa qua đầy đủ các công đoạn nhại nghiền, tẩm nước bọt, tẩm men tiêu hóa, dịch mật…nên sẽ rất khó tiêu, buộc dạ dày phải làm việc thay răng, do đó có thể gây viêm, sa dạ dày, đi tiêu phân “sống”…

  hai là ăn chậm giúp cơ thể điều tiết lượng thức ăn đưa vào. Số là trong quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, chất bổ dưỡng và đặc biệt là chất đường glucose do tiêu hóa chất bột sẽ là chất điều hòa trung khu thần kinh “thèm ăn” ở vùng dưới đồi của hệ thần kinh não bộ. Trung tâm thèm ăn này hoạt động khá đơn giản: trong máu thiếu glucose sẽ gây thèm ăn và ngược lại trong máu thừa glucose sẽ gây chán ăn; đây chính là “cái phanh” để điều tiết lượng thức ăn vào cơ thể, không quá thừa và không thể thiếu. Ăn quá nhanh lượng thức ăn đổ “ào” vào, đặc biệt các thức ăn nhanh giàu năng lượng, cơ thể không tiết chế được chắc chắn chúng ta sẽ bị thừa năng lượng với hậu quả là sẽ thừa cân, béo phì…

   Phải bình tâm thừa nhận rằng, thức ăn nhanh, fast-food, được chế biến hoặc phục vụ nhanh, một phát kiến “xuất sắc”, rất phù hợp cho lối sống công nghiệp hiện đại, lối sống rất cần tiết kiệm thời giờ. Nhưng thức ăn nhanh cũng có mặt trái, đó là do nó quá “dinh dưỡng”, cung cấp khá nhiều năng lượng calori; nếu chúng ta lại ăn quá nhanh, vô tình là chúng ta đã nạp năng lượng “không phanh” vào cơ thể. Ăn quá nhiều, quá thừa chắc chắn sẽ bị những hệ quả có hại cho sức khỏe về sau.