Trang chủ » Khuyến cáo » XÉT NGHIỆM CHỈ ĐIỂM KHỐI U VÀ GENE UNG THƯ

XÉT NGHIỆM CHỈ ĐIỂM KHỐI U VÀ GENE UNG THƯ

 I. LỜI MỞ

  Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, các bệnh không lây nhiễm là tiêu đích y học của thế kỷ 21. Đây là sát thủ thầm lặng của con người, chịu trách nhiệm cho gần 3 phần 4 cái chết trên toàn cầu hằng năm.

  Trong các bệnh không lây nhiễm, ung thư đứng vị thứ hai chỉ sau bệnh lý tim mạch. Vì thế, làm sao để xác định nguy cơ và chẩn đoán sớm ung thư là mối quan tâm hàng đầu của cả xã hội, chứ không riêng cho ngành y tế.

  Xét nghiệm tìm chỉ điểm khối u và nguy cơ ung thư sẽ giúp chúng ta chẩn đoán và dự đoán các vấn đề này.

 II. XÉT NGHIỆM CHỈ ĐIỂM KHỐI U

           

   1. ĐỊNH DANH

 Chỉ dấu khối u, tumor marker, TM, là các chất dấu sinh học (biomarkers) trong máu, nước tiểu, mô cơ thể tăng lên khi có sự hiện diện của một hoặc nhiều loại ung thư. Theo bản chất hóa học, TM u có thể là protein, protein liên hợp, peptide và carbohydrate. Protein hoặc protein liên hợp có thể là các enzyme, hormone hoặc các phân đoạn protein.

  Các chỉ dấu ung thư có thể được sản xuất trực tiếp bởi khối u hoặc bởi các tế bào khác như một phản ứng đối với sự hiện diện của khối u. Các chỉ dầu khối u trong những tình huống này được cho là có giá trị dương tính giả. Vì thế, nhiều chuyên gia xếp chỉ điểm ung thư vào 3 nhóm:

             

  • Nhóm 1: Các kháng nguyên đặc hiệu cho mỗi một loại ung thư, không có ở các khối u khác có cùng loại tế bào học.
  • Nhóm 2: Các kháng nguyên sản sinh từ nhiều/hay hầu hết các khối u có cùng hay khác gốc tế bào học.
  • Nhóm 3: Các kháng nguyên sản sinh từ cả tế bào thường lẫn tế bào ung thư ở mô tế bào người lớn.

 2. CÁC CHỈ ĐIỂM THÔNG DỤNG

  * M2-PK, CEA, CA 19–9, CA 125 (đại, trực tràng)

  * CEA, CA 15–3, Cyfra 21-1 (vú)

  * CEA, CA 19–9, CA 125, AFP, BHCG (buồng trứng)

  * CEA, CA 19–9, CA 125, Cyfra 21–1, SCC (tử cung)

  * PSA, FPSA (tuyến tiền liệt)  

  * AFP, BHCG (tinh hoàn)

  * CEA, CA 19–9, CA 72-4 (tụy tạng, dạ dày)

  * CEA, AFP (gan)

  * CEA, Cyfra 21-1 (thực quản)

  * CEA, NSE (tuyến giáp)

  * CEA, CA 19–9, CA 125, NSE, Cyfra 21-1 (phổi)

  * CEA, Cyfra 21–1, TPA (bàng quang)

       3. CÁC ỨNG DỤNG

   Các xét nghiệm chỉ dấu khối u, giúp chẩn đoán các loại ung thư cụ thể và lên kế hoạch điều trị. Cụ thể thường được sử dụng nhất để: 

     

 * Góp phần trong chẩn đoán ban đầu.

 * Hướng dẫn chọn phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị, miễn dịch…

 * Kiểm tra tiến trình điều trị. Những thay đổi về mức độ chỉ dấu khối u giúp đánh giá phương pháp điều trị đang tác dụng tốt, xấu thế nào.

  * Dự đoán cơ hội phục hồi. Qua chỉ điểm khối u, bác sĩ điều trị phán đoán  đáp ứng điều trị, từ đó có thể dự đoán cơ hội phục hồi.

  * Dự đoán hoặc theo dõi khả năng tái phát. Vì thế, cần xét nghiệm chỉ điểm ung thư sau khi kết thúc điều trị để sớm phát hiện tái phát.

  * Có thể sử dụng để tìm ung thư ở những người có nguy cơ cao.

     4. CHỈ DẤU KHỐI U LÝ TƯỞNG

  Chất chỉ điểm khối u lý tưởng cần có 5 tiêu chuẩn sau:

  * Độ nhạy và độ đặc hiệu cao;

  * Không phát hiện ở bệnh nhân lành tính và người khoẻ mạnh;

  * Có thể phát hiện rất sớm, khi chỉ có vài tế bào ung thư xuất hiện;

  * Đặc hiệu cho cơ quan, giai đoạn của khối u;

  * Có giá trị dự đoán tin cậy.

      5. NHỮNG HẠN CHẾ

   Một số giới hạn của các xét nghiệm chỉ dấu khối u gồm:

 * Dương tính giả: tình trạng hoặc căn bệnh không phải là ung thư có thể làm tăng mức độ đánh dấu khối u.

 * Nồng độ chỉ dấu khối u có thể thay đổi theo thời gian.

 * Nồng độ chỉ dấu khối u có thể không tăng lên cho đến khi ung thư trở nên tồi tệ hơn. Điều này cho thấy, chỉ điểm ung thư có thể không giúp phát hiện ung thư sớm hoặc ở những người có nguy cơ cao, và cũng không giúp tìm ra sự tái phát.

 * Một số ung thư không tạo ra các chỉ dấu khối u trong máu. 

 * Âm tính giả: Nồng độ chỉ dấu khối u không tăng lên tỷ lệ với loại ung thư đặc hiệu.

        III. XÉT NGHIỆM GENE UNG THƯ

     

    1. ĐỊNH DANH

   Dù ung thư không phải là bệnh di truyền, nhưng một số loại ung thư,  như ung thư vú, buồng trứng, đại trực tràng và tuyến tiền liệt, có thể bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi gene và có yếu tố gia đình.

  Cơ thể con người đều mang một số gene bảo vệ chống lại sự phát triển ung thư. Những gene này sẽ sửa chữa các tổn thương của chuối DNA xảy ra một cách tự nhiên trong quá trình phân chia tế bào.

  Những người mang các phiên bản lỗi hoặc các gene “biến chủng” (variant gene) sẽ bị tăng nguy cơ phát triển ung thư, bởi vì các gene đột biến này thiếu khả năng sửa chữa các tổng thương của đoạn DNA và các tế bào bị tổn thương tích tụ lại và hình thành khối u.

    2. BRCA1, BRCA2 VÀ CÁC BIẾN CHỦNG

     

   BRCA1 (BReast CAncer gene 1) và BRCA2 (BReast CAncer gene 2) là những gene sản xuất protein giúp sửa chữa DNA bị hư hỏng. Mọi người đều có hai bản sao của mỗi gen này—một bản sao được thừa hưởng từ bố và mẹ.

  BRCA1 và BRCA2 là gene ức chế khối u vì khi chúng có những thay đổi nhất định, biến thể hoặc đột biến, ung thư có thể phát triển.

  Những người thừa hưởng các biến thể có hại ở một trong những gen này đã tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như vú và buồng trứng, và một số loại ung thư khác, và cũng có xu hướng phát triển ung thư trẻ hơn, sớm hơn so với những người không có đột biến thể này.

     3. AI CẦN KIỂM TRA BRCA1, BRAC2

   Hiện có các thử nghiệm xác định đột biến có hại BRCA1 và BRCA2. Tuy nhiên, thử nghiệm không được khuyến nghị sử dunngj rộng rãi cho công chúng, mà chỉ nên tập trung vào những người có khả năng mang biến thể  cao, như những người có tiền sử gia đình mắc một số bệnh ung thư.

   Mạng lưới Ung thư Quốc gia (NCCN) cũng nêu các tiêu chí xét nghiệm gen BRCA1 và BRCA2 cũng như một số gen khác như CDH1, PALB2, PTEN và TP53 liên quan đến nguy cơ ung thư vú và/hoặc buồng trứng. 

  Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (American Society of Clinical Oncology) khuyến cáo, tất cả phụ nữ được chẩn đoán ung thư biểu mô buồng trứng nên được xét nghiệm di truyền đối với các biến thể di truyền trong BRCA1, BRCA2 và các gen nhạy cảm với ung thư buồng trứng khác, bất kể các đặc điểm lâm sàng của bệnh hoặc tiền sử gia đình của họ.

  Các hiệp hội chuyên ngành đều khuyến nghị không xét nghiệm đột biến BRCA1 và BRCA2 cho trẻ em dưới 18 tuổi, vì rất khó phát triển ung thư liên quan đến biến thể BRCA ở trẻ em.

  Những người có tiền sử gia đình gợi ý, tốt nhất nên đi xét nghiệm đột biến có hại BRCA1 hoặc BRCA2.

     4. PHÂN TÍCH KẾT QUẢ

  Xét nghiệm đột biến BRCA1 và BRCA2 có thể cho kết quả dương tính,  âm tính hoặc không chắc chắn.

  * DƯƠNG TÍNH

   Có một biến thể có hại BRCA1 hoặc BRCA2 và có nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư cao hơn.

   Cả nam lẫn nữ thừa hưởng biến thể BRCA1 hoặc BRCA2 có hại, cho dù bản thân họ có phát triển ung thư hay không, đều có thể truyền biến thể này cho con cái của họ.

    Tất cả những người có quan hệ huyết thống với một người đã thừa hưởng biến thể BRCA1 hoặc BRCA2 có hại đều có nguy cơ cao mắc biến thể đó.

  * ÂM TÍNH

  Nếu một người họ hàng gần mang biến thể BRCA1 hoặc BRCA2 có hại, người được xét nghiệm không thừa hưởng biến thể có hại có trong gia đình và không thể truyền nó cho con. Họ là người âm tính thực sự, có nguy cơ mắc bệnh ung thư tương tự như người bình thường khác.

  Nếu người được xét nghiệm không có tiền sử cá nhân mắc bệnh ung thư và gia đình của họ không biết có mang biến thể có hại hay không, kết quả xét nghiệm âm tính này được coi là “không có thông tin”.

  * KHÔNG CHẮC CHẮN (Variant of Uncertain Significance, VUS)

  Xét nghiệm di truyền có sự thay đổi BRCA1 hoặc BRCA2 nhưng không thấy liên quan đến ung thư trước đây và không phổ biến, nên không rõ sự thay đổi gene này có gây hại hay không.

  Những người có kết quả “không chắc chắn” này cần được thường xuyên kiểm tra lại  để biết các cập nhật về cách diễn giải kết quả xét nghiệm của mình.

       IV. ĐÔI ĐIỀU BÀN LUẬN

    1. VỀ CHỈ ĐIỂM KHỐI U

    Các chỉ dấu ung thư có thể được sản xuất tử 3 nguồn: trực tiếp bởi khối u, từ các tế bào khác, và là chất  phản ứng đối với sự hiện diện của khối u.

    Một chỉ dấu lý tưởng để chẩn đoán bệnh ung bướu cần có hai đặc điểm: một là ĐỘ NHẠY (sensibility Se) là khả năng phát hiện chất chỉ dấu được chế tiết vào máu với một nồng độ thấp nhất có thể định lượng được khi khối u chuyển sang “ác tính” và hai là ĐỘ ĐẶC HIỆU (SPECIFICITY Sp) xét nghiệm chất chỉ dấu này cho phép thầy thuốc định vị được khối u ở đâu.

    Trong thực tế không có chỉ dấu ung thư nào đạt được hai chỉ tiêu lý tưởng vì: (1) chỉ dấu phải có độ đặc hiệu đến 100% và sai số dương giả là 0% , tức là chỉ cho kết quả dương khi phát hiện khi có ung thư  và (2) chỉ dấu phải có độ nhạy đến 100% và sai số âm giả  là 0%, tức là có thể phát hiện rất sớm trong giai đoạn đầu của ung thư và không hề bỏ sót.

   

   Trong thực tế, chưa có một chất chỉ điểm khối u lý tưởng có đầy đủ 100% tiêu chuẩn về độ nhạy, độ đặc hiệu, độ tin cậy chắc chắn, tính đặc hiệu cơ quan và chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh. Vì thế, chỉ riêng sự hiện diện của các chất chỉ dấu khối u không đủ cơ sở để chẩn đoán xác định ung thư. Do đó, thầy thuốc thường phải phối hợp hai hay nhiều thử nghiệm với các triệu chứng lâm sàng để bổ sung chẩn đoán. .

     2. VỀ NGUY CƠ UNG THƯ

  Các xét nghiệm gene di truyền (genetic test) để phát hiện các đột biến BRCA1 hoặc BRCA2 có hại có tác dụng chỉ ra nguy cơ mắc bệnh. Kết quả xét nghiệm dù có dương tính, chúng ta cũng không thể biết cá nhân được xét nghiệm có phát triển ung thư hay không hoặc khi nào bệnh sẽ phát triển, và cũng có người dương tính, thừa hưởng biến thể BRCA1 hoặc BRCA2 có hại, nhưng không bao giờ phát triển ung thư.

  Hiện nay, một người thừa hưởng đột biến gene BRCA1 hoặc BRCA2 có hại có thể tùy chọn cách giảm nguy cơ ung thư như: (1) sàng lọc nâng cao (enhanced screening); (2) phẫu thuật giảm thiểu rủi ro,  phẫu thuật dự phòng (risk-reducing surgery, prophylactic surgery) và (3) hóa chất phòng ngừa (chemoprevention).

    3, TÓM LẠI

  Vì không có chất chỉ dấu ung thư “lý tưởng”, chúng ta cần hiểu “ý nghĩa xử dụng” của các chỉ dấu ung thư:

    *1. Xét nghiệm định lượng chất chỉ dấu không thể dùng quá “đơn giản”, quá dễ dàng để sàng lọc và xác định chẩn đoán bệnh, bệnh nhân không thể  tự bỏ tiền đi làm xét nghiệm để biết bệnh được, mà cần phải có bác sĩ kinh nghiệm đánh giá, phối hợp độ nhạy, độ đặc hiệu cũng như các yếu tố lâm sàng khác mới có thể kết luận toàn diện và thích hợp. Ví dụ: Chúng ta không thể đơn thuần đi làm xét nghiệm AFP để kết luận có ung thư gan nguyên phát (HCC) hay không, mà cần phải có các xét nghiêm, các thăm dò chẩn đoán khác như Chức năng gan, Siêu âm bụng, chụp CT scan hoặc MRI….

    *2.  Dù chất chỉ dấu ung thư rất cần thiết cho bác sĩ điều trị để đánh giá đúng tình trạng bệnh, diễn tiến và hiệu quả điều trị cũng như khả năng tái phát, nhưng bác sĩ điều trị cũng cần có phân tích, sử dụng nhiều xét nghiệm thủ thuật khác đôẻ bổ sung chẩn đoán, ngõ hầu có phương cách xử trí thích hợp cho bệnh nhân ung thư .

     V. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Tumor Marker

https://cancer.ca/en/treatments/tests-and-procedures/tumour-markers

[2] Tumor Marker

https://en.wikipedia.org/wiki/Tumor_marker

[3] Tumor Marker: a diagnostic tool

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5242068/

[4] Tumor Marker Tests

https://www.cancer.net/navigating-cancer-care/diagnosing-cancer/tests-and-procedures/tumor-marker-tests

[5] BRCA Gene Mutations: Cancer Risk and Genetic Testing

https://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/genetics/brca-fact-sheet

[6] Predictive genetic tests for cancer risk genes

https://www.nhs.uk/conditions/predictive-genetic-tests-cancer/

[7] BRCA gene test for breast and ovarian cancer risk

https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/brca-gene-test/about/pac-20384815

[8] Tumor Marker: Definition of Tumor Markers, Staging and Grading

https://labpedia.net/tumor-marker-part-1-definition-of-tumor-markers-staging-and-grading/

[9] Tumour Markers in Gynecology

https://www.contemporaryobgyn.net/view/tumour-markers-gynecology

[10] Các chỉ điểm sinh học khối u

http://www.impe-qn.org.vn/impe-qn/vn/portal/InfoPreview.jsp?ID=11189

[11] Tumor markers

https://www.youtube.com/watch?v=-AbR8t3sqnE

[12] Tumor marker now simplified

https://www.youtube.com/watch?v=QDAikPKUsBQ

[13] Xét Nghiệm Máu Tầm Soát Ung Thư

                                                                                         TS.BS Trần Bá Thoại 

                                                                      Uỷ viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM