Trang chủ » Chưa phân loại » VIỆT NAM KHÔNG THIẾU TÀI NĂNG

VIỆT NAM KHÔNG THIẾU TÀI NĂNG

NGƯỜI VIỆT NAM CŨNG THÔNG MINH ĐẤY CHỨ!!!

  Chiều nay trên Sài gòn tiếp thị, đọc tin này cũng hay, vui đầu năm. Xin post lên …

 AIKO  nàng “robot”

 AIKO và “cha đẻ” .

   Kỹ sư LÊ TRUNG

Ngày 04.01.2010 Giờ 17:00

Câu chuyện khoa học

Kỹ sư gốc Việt chế tạo robot giống người

SGTT – Những ngày cuối năm 2009, báo chí nước ngoài đã đưa tin khá đậm về robot giống y như người của Lê Trung, một kỹ sư người Việt Nam đang định cư tại Canada chế tạo. Cộng tác viên của Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trò chuyện với nhà khoa học trẻ này.

    Năm nay Lê Trung 35 tuổi, là kỹ sư phần mềm người Canada gốc Việt. Anh sinh ra ở TP.HCM. Năm 1977, khi mới hai tuổi, Trung cùng gia đình đến Nhật sinh sống và khi tám tuổi, cả nhà anh sang định cư ở Canada.

   Chàng trai bị robot quyến rũ

    Chế tạo robot là ước mơ của Trung từ nhỏ. Lên lớp bốn, Trung đã tự mày mò thiết kế được một con robot dạng người đầu tiên, biết nói dăm ba câu và biết bắn “bùm bùm” để tham gia một hội chợ khoa học cho thiếu nhi. Tuy nhiên robot của Trung bị loại vì anh là thí sinh… quá tuổi. Hai sản phẩm robot ra đời tiếp sau đó để thoả mãn nỗi đam mê của Trung cũng bị bố mẹ cấm, vứt vào sọt rác vì muốn cậu sau này sẽ làm bác sĩ hay một nghề gì đó “nghiêm túc” hơn. Tốt nghiệp phổ thông, Trung mất 11 năm học hoá học tại đại học New York (Toronto) và có ba bằng: khoa học đại cương, hoá phân tích và hoá sinh. Vừa học, anh vừa bỏ ra nhiều thời gian viết các chương trình, chuẩn bị phần mềm để thực hiện giấc mơ chế tạo robot của mình. Không tìm được việc làm thích hợp, anh đành làm chuyên viên tư vấn cho hãng Logitech và dành dụm tiền để theo đuổi đam mê.

   Kiếm được một số tiền kha khá, tháng 8.2007, Trung xin nghỉ việc, dành toàn bộ thời gian để lắp ráp một cô nàng người máy như ý anh muốn, “Tôi đã mất hai tuần để nghĩ ra cái tên. Aiko theo tiếng Nhật có nghĩa là người được yêu mến. Đây cũng là tên một cô bạn nhỏ thời thơ ấu của tôi, đã năm năm chưa gặp lại”, Trung kể.
    Trong hơn một năm trời nghiên cứu với sự kiên nhẫn hiếm thấy, “người đẹp” Aiko đã ra đời dưới tầng hầm của ngôi nhà và lập tức thu hút sự chú ý của thế giới. Khi mới hoàn thành, Aiko chưa đi lại được, chỉ mới di chuyển trong nhà trên xe lăn. Tiếp tục hoàn thiện chức năng cho cô nàng người máy này, phải đến cuối năm 2009, việc Lê Trung tái giới thiệu Aiko đã làm ngạc nhiên giới chế tạo robot về sự thuần thục của một người máy chẳng khác gì người thật. Sự thành công này đã móc hầu bao của của Trung tổng cộng trên… 25.000 USD!.

 

   Robot có cảm xúc như người

   Aiko là một cô gái chừng 20 tuổi, mắt nâu, tóc đen. Khuôn mặt Á Đông hiền dịu, làn da bằng silicon mịn màng, giấu trong bụng hàng trăm mét dây nhợ, động cơ điện bé xíu và rất nhiều linh kiện cùng cảm biến điện tử. Cô cao 1,52m với số đo khá lý tưởng: 82, 57 và 84cm. Không muốn Aiko giống các con búp bê cơ học thường thấy, Trung đã viết một phần mềm về trí tuệ nhân tạo để cài đặt cho cô bạn của mình. Kết quả Aiko đã biết nhận ra 300 nét mặt quen thuộc trong một giây, nói được 13.000 từ tiếng Anh và tiếng Nhật. Với vốn từ ấy, Aiko có thể ghép để thành những câu trả lời khi được hỏi. Người đẹp robot này còn biết phân biệt màu sắc, một số đồ ăn thức uống, đọc báo (với cỡ chữ nhất định), ghi nhận dự báo thời tiết trong ngày để nhắc nhở mọi người, thuộc một số thuốc để hướng dẫn sử dụng. Đặc biệt “nàng” còn biết nhột khi bị thọc lét, biết tức giận khi bị ai đó cợt nhả đụng chạm vào… ngực.
   Cuối năm 2008, Aiko đã có cuộc trả lời phỏng vấn lần đầu tiên trên đài truyền hình Global News, sau đó xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng tại trung tâm quốc tế Toronto và trung tâm khoa học Ontario. “Mục đích của tôi là muốn tạo ra một robot càng giống người càng tốt để giúp việc gia đình, chăm sóc những người già trong vai trò một cô y tá tận tuỵ, hoặc một hướng dẫn viên sân bay, tiếp tân ở các văn phòng, khách sạn hoặc một kế toán viên làm việc không nghỉ ngơi, không ăn uống, chơi đùa, chẳng bao giờ tức giận và đòi chủ tăng lương”, Trung chia sẻ. Để hoàn thiện các khả năng này, Lê Trung nhẩm tính sẽ phải mất ít nhất 12.000 đôla nữa, “tối thiểu cũng phải trang bị thêm cho Aiko 14 chiếc động cơ để đi đứng như một người bình thường. Dung nhan Aiko cũng cần được nâng cấp lại cho da dẻ mịn màng hơn và để có thể biểu cảm các cung bậc cảm xúc trên nét mặt”, Trung tiết lộ. Nếu như trước đây rất “dị ứng” robot thì bây giờ cha mẹ Trung đã rất thích trò chuyện với robot Aiko và đôi khi quên cô chỉ là người máy thông minh.

   Lê Trung không muốn nói đến chuyện “bán” Aiko, song anh đang có những món nợ lớn và vẫn đang cố gắng tìm nhà tài trợ để triển khai tiếp nghiên cứu của mình. Gặng hỏi, anh mới nói: “Nếu sau khi hoàn thiện và có hãng nào đỡ đầu để sản xuất công nghiệp thì lúc đó, ai muốn có được Aiko, có lẽ phải bỏ ra cỡ 30.000 bảng Anh”.

      Hải Hà

     Sẽ đưa Aiko về Việt Nam    Lê Trung cho biết sau khi công bố sản phẩm robot Aiko, một công ty ở Trung Quốc đã đặt hàng anh chế tạo những cô người máy giống Aiko với giá khoảng 20.000 USD/robot nhưng anh chưa nhận lời. “Nguyện vọng của tôi là mong muốn được những công ty Việt Nam đặt hàng hoặc thuê Aiko, vì Việt Nam là quê hương tôi” – Lê Trung nói. Cũng theo Lê Trung, sắp tới anh sẽ viết thêm phần mềm bằng tiếng Việt và nếu có điều kiện, anh sẽ đưa Aiko về ra mắt tại Việt Nam.