Trang chủ » Ý kiến & Bình luận » VÀO BỆNH VIỆN THĂM NGƯỜI ỐM: NÊN TIẾT GIẢM !

VÀO BỆNH VIỆN THĂM NGƯỜI ỐM: NÊN TIẾT GIẢM !

TS.BS Trần Bá Thoại Uỷ viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM

 Dân trí Thăm hỏi, chia sẻ với người ốm đau là một nét đẹp, truyền thống, nên làm. Nhưng do không làm khéo, không phù hợp, việc thăm viếng đông người, kéo nhau vào tận phòng, giường bệnh nhiều lúc khiến “người bệnh mệt nhoài, người thăm rước bệnh”.

       

 

    Vì sao nên đi thăm bệnh

   Người Việt Nam chúng ta có thói quen, tập tục là cứ nghe người ốm là phải sắp xếp để viếng thăm: sinh đẻ thăm, mổ xẻ thăm, tai biến hôn mê thăm, cấp cứu cũng thăm…

  Với tâm lý phải vào tận nơi thăm thì mới khỏi áy náy, và thấy mình làm tròn bổn phận, nên nhiều khi không chỉ đi cá nhân, mà đi toàn thể gia đình hay cả một đoàn thể, biến việc thăm viếng thành buổi biểu dương lực lượng.

      

    Hai nhu cầu chính đáng

  Thông thường, việc đi thăm bệnh nhằm giải quyết hai nhu cầu:   

(1) Đáp ứng tình cảm của người bệnh, với ý muốn tránh cho người bệnh đang trong tình cảnh đau ốm, có thể bị tâm lý cô đơn, cô độc, cần có người thân để ý, chăm sóc, và 

 (2) Lui tới, thăm hỏi, cũng giúp thể hiện sự quan tâm lẫn nhau. 

    

   Hai phản tác dụng đi kèm 

 Tuy nhiên, việc thăm viếng người bệnh cũng có hai phản tác dụng:

 (1) Khá nhiều bệnh nhân có tâm lý không muốn để người khác thấy bản thân mình trong tình trạng sức khỏe yếu đuối, xuống dốc, dung nhan tiều tụy, kém chỉn chu…Do đó, vô hình trung ý định “quan tâm”, “chăm sóc” lại làm cho người bệnh không thoải mái, khó xử, phật lòng..; 

  (2) Trong khi sức khỏe suy yếu, đề kháng cơ thể giảm, cần được nghỉ ngơi, thậm chí cách ly với môi trường bên ngoài, việc thăm viếng sẽ vô tình phá vỡ “vòng bảo vệ” an toàn này, khiến bệnh nhân có thể bội nhiễm thêm cho mình hay lây nhiễm chéo cho người thân đến viếng  

   

   Ý kiến từ ngành y tế

  Nhiều chuyên gia y tế đưa ra ý kiến cá nhân là không nên duy trì thói quen tới thăm người bệnh:

  * PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc Phó Hiệu trưởng, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết “Người bệnh cần nghỉ ngơi và dành thời gian cho nhân viên y tế chăm sóc nên chúng ta nên tôn trọng sự riêng tư ấy. Tôi đã chứng kiến nhiều người muốn giấu bệnh, không muốn người khác biết mình bị bệnh, hoặc họ không có tình cảm, không thích chính người đến thăm. Chứ không phải ai cũng sẵn sàng muốn đón khách. Nhưng về tâm lý, dù đang bị bệnh mà có người tới thăm mình thì vẫn phải vui vẻ hay miễn cưỡng tiếp. Tại sao khi ở khách sạn, một người khách đến thì tiếp tân phải hỏi khách có đồng ý tiếp không thì mới kết nối. Còn ở bệnh viện thì người bệnh không được bảo vệ quyền riêng tư, quyền nghỉ ngơi ?!”.

   Ông Bắc còn đưa ra các hệ lụy xã hội khác: “Đôi khi chỉ có 1 người nằm viện mà tới 20 người, tạo thành 1 đoàn tới thăm, gây quá tải trong bệnh viện. Thậm chí còn có bệnh nhân “bị” nhiều đoàn thăm trong một ngày, lối đi, thang máy đều quá tải nặng nề. Điều này lại gián tiếp tăng chi phí cho bệnh viện, cho xã hội, cho ngành giao thông?”.

   Và PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc mạnh dạn đề nghị  ‘Cần từ bỏ thói quen thăm viếng người ốm tại bệnh viện’ và trước khi đi thăm người bệnh cần tự hỏi: ‘Thăm bệnh để làm gì? Giải quyết được vấn đề gì?’.

   * ThS.BS Trương Thanh Thiết, khoa Ngoại Lồng ngực, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, nơi chữa bệnh lao, phổi, cho biết:  “Không chỉ người bệnh, mà cả nhân viên y tế cũng bị “làm phiền” bởi những người tới thăm bệnh. Hơn nữa, việc thăm viếng còn có thể mang môi trường nhiễm khuẩn bên ngoài vào bệnh viện, hoàn toàn không có lợi cho người bệnh cần thăm và những người bệnh khác”, “Đặc biệt, trong môi trường lây nhiễm như ở khoa Nhiễm hay mùa dịch bệnh như Covid-19 như hiện nay, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cũng không cho khách tới thăm bệnh”.

  * BS.CK2 Trần Như Hưng Việt, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực mạch máu – bướu cổ, Bệnh viện Gia Định, TP.HCM, cho biết, nên dừng thói quen đi thăm người bệnh mang tính chất xã giao. Tùy theo mối quan hệ thân thiết và hoàn cảnh tâm lý bệnh nhân, nếu là người nhà và bệnh tình chuyển biến tốt, sẵn sàng đón khách thì khi người bệnh xuất viện có thể ghé thăm trò chuyện. Còn nếu không, có thể thể hiện sự quan tâm khác, gián tiếp mà vẫn chân tình.

  * PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng, nguy cơ lây nhiễm chéo có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở bất cứ loại bệnh nào. Đó là sự lây truyền vi khuẩn hoặc virus giữa người với người. Sự lây nhiễm chéo có thể xảy ra trong bệnh viện, giữa người bệnh Covid-19 với người bệnh bình thường, giữa người bệnh với thầy thuốc, giữa thầy thuốc và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân…Người nhà vào thăm bệnh rồi mang virus từ bệnh viện về nhà, lây cho gia đình và cộng đồng.

  * GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong giai đoạn xuất hiện “ổ dịch” COVID-19 Đà Nẵng, có khoảng 11.000 người đã đến bệnh viện Đà Nẵng để khám chữa bệnh, thăm và chăm sóc người nhà và rất nhiều những trường hợp lây nhiễm chéo.

 * Rất nhiều chuyên gia y tế khác, trong đó có tôi, cho biết không nên duy trì thói quen tới thăm người bệnh. Đã có những người thăm bệnh, ngoài hỏi han về bệnh lý còn “dài tay” bày vẽ cảm tính các bài thuốc “truyền miệng” khiến bệnh nhân rối tập trung vào các phương cách chữa trị của bệnh viện, thậm chí tự ý ngưng uống thuốc bác sĩ để theo uống bài thuốc “nghe nói” này.

     

   Thay lời kết

  Thăm hỏi, chia sẻ với người ốm đau là một nét đẹp, một việc nên làm. Nhưng chúng ta phải làm khéo, phù hợp, chứ không nhất thiết cứ phải kéo nhau đến bệnh viện, vào tận phòng bệnh khiến “người bệnh mệt nhoài, người thăm rước bệnh” như hiện nay. 

   Cụ thể, với những ca phải nằm viện lâu ngày, buồn, cô đơn, mong có người viếng, thì có thể một hai người vào thăm, trò chuyện ngắn. Còn với những ca nặng, nằm phòng chăm sóc đặc biệt, hậu phẫu rất hạn chế người thăm. Hợp lý nhất là đến thăm sau khi bệnh nhân ra viện.

   Kinh nghiệm thời xưa: Sản phụ mới sinh, đứa bé được đầy tháng thì mới thăm nom, vì lúc này mẹ còn yếu, con còn non, cần được nghỉ ngơi, hạn chế tiếp xúc với môi trường bên ngoài. 

   Ngay tại khách sạn, lễ tân buộc phải hỏi ý khách có đồng ý tiếp những người đến viếng không trước khi dẫn lên phòng.

   Trong đại dịch COVID-19, nhiều bệnh viện quy định “Mỗi bệnh nhân, một người chăm”; Nhiều bệnh nhân đã đề nghị thăm viếng “online” đơn giản, an toàn phòng bệnh, mà vẫn đạt yêu cầu tình cảm cá nhân.

  Tóm lại, linh hoạt, uyển chuyển là cách vận hành cần thiết của một xã hội tiến bộ. Và sự thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân sẽ khiến cuộc sống được hoàn thiện và toàn vẹn hơn.

 

   TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Thói quen thăm người ốm tại bệnh viện: Duy trì hay bỏ?

https://baomoi.com/thoi-quen-tham-nguoi-om-tai-benh-vien-duy-tri-hay-bo/c/36029485.epi

[2] Văn hóa thăm bệnh – Từ nét đẹp thành nỗi lo

http://kinhtedothi.vn/van-hoa-tham-benh-tu-net-dep-thanh-noi-lo-bai-1-bao-dong-do-tu-nhung-o-dich-sieu-lay-nhiem-392117.html

[3] Chết cười hội bạn thân thăm bệnh: uống sữa, mở tiệc mặc người ốm

https://kienthuc.net.vn/cong-dong-tre/chet-cuoi-cach-hoi-ban-than-tham-benh-uong-sua-mo-tiec-mac-nguoi-om-1323199.html

[4] Vào bệnh viện thăm người ốm tuyệt đối phải nhớ 7 điều này 

https://ngoisao.vn/suc-khoe/cham-soc-suc-khoe/vao-benh-vien-tham-nguoi-om-tuyet-doi-phai-nho-7-dieu-nay-neu-khong-muon-hoi-han-ve-sau-242547.htm

[5] Bỏ thói quen cũ: thăm người ốm 

https://baodantoc.vn/bo-thoi-quen-cu-1596809337521.htm

[6] Thăm người bệnh: Những điều nên lưu ý

https://nld.com.vn/suc-khoe/tham-nguoi-benh-nhung-dieu-nen-luu-y-20161023212935429.htm

[7] Những điều không nên làm khi đến thăm người nằm viện

http://vienyhocungdung.vn/nhung-dieu-khong-nen-lam-khi-den-tham-nguoi-nam-vien-2017070710152708.htm