Trang chủ » Chưa phân loại » VÀI THÔNG TIN MỚI VỀ ĐẢO HOÀNG SA

VÀI THÔNG TIN MỚI VỀ ĐẢO HOÀNG SA

   Trong khi người nước ngoài rất nhanh chóng và nghiêm túc, các quan chức “nội địa” cứ đủng đỉnh, từ từ, bàn bạc….từ chuyện “tàu lạ”, thủy điện, bán rừng, bán quặng, lao động phổ thông TQ ồ ạt vào VN, nhập khẩu muối (để diêm dân chết!!!) ….

       Trần Bá Thoại

HỘI ĐỊA LÝ MỸ PHÁT NGÔN VỀ VỤ BẢN ĐỒ HOÀNG SA

18/03/2010 09:28:23

LTS: Hội Địa lý Mỹ (NGS) đã có những phát ngôn chính thức liên quan tới vụ bản đồ có nội dung sai sự thật về quần đảo Hoàng Sa. Bee xin đăng Toàn văn Thông cáo báo chí của NGS đã được đưa lên trang web chính thức của tổ chức này.

 Nhằm mục tiêu thực hiện Chính sách mô tả bản đồ (Map Policy) một cách chính xác và nhất quán theo lịch sử 122 năm của NGS với tư cách là một tổ chức giáo dục khoa học hoạt động phi lợi nhuận, chúng tôi nỗ lực tham khảo các nguồn thông tin chính thống, tin cậy và đa phương để đưa ra những kết quả nghiên cứu độc lập dựa trên nền tảng việc nghiên cứu toàn diện với tư cách một tổ chức phi chính trị.

   Chúng tôi không có chủ đích tham gia hay giải quyết những tranh chấp liên quan đến vấn đề lãnh thổ hay tên gọi của các quốc gia khác mà tôn chỉ hành động của chúng tôi là đem đến cho độc giả và những người cần tra cứu bản đồ những đánh giá chất lượng nhất của chúng tôi về bản chất hiện tại của một vấn đề.

    Đối với Quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands – tên gọi truyền thống của quần đảo), NGS đã thừa nhận rằng quần đảo này (của Việt Nam – PV) đã bị quân đội chính phủ Trung Quốc chiếm đóng và quản lý từ năm 1974. Chính vì lẽ đó NGS đang thừa nhận tên địa danh theo ghi chú của Trung Quốc Quần đảo Tây Sa (Xisha Qundao). Điều này về bản chất tuân thủ chính sách Mô tả bản đồ của chúng tôi.

   Trong bản đồ khu vực và một số bản đồ có tỷ lệ đầy đủ, chúng tôi đặc biệt đã công nhận và ghi chú rõ ràng tên địa danh Hoàng Sa của Việt Nam và tên truyền thống Paracel Islands như từ trước đến nay vẫn sử dụng kèm theo ghi chú giải thích rằng: Trong khi Trung Quốc đang chiếm đóng và quản lý quần đảo phía Việt Nam đã tuyên bố quần đảo trên thuộc chủ quyền của họ. Chúng tôi tin rằng đây là thực tế mà chúng tôi đã tìm hiểu.

    Gần đây chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời phàn nàn và đề nghị liên quan đến những mô tả của chúng tôi trên World Map vì tỷ lệ của ấn bản này rất khó để chúng tôi có thể ghi chú những thông tin chi tiết về quần đảo gồm rất nhiều đảo nhỏ như trường hợp quần đảo Hoàng Sa này. Chúng tôi đã cân nhắc cẩn trọng tình hình và thừa nhận rằng NGS đã chỉ chú thích đơn giản duy nhất tên địa danh theo Trung Quốc và từ “Trung Quốc” trong ngoặc đơn mà thiếu hẳn những chú thích chi tiết dẫn đến hiện tượng hiểu lầm và cắt nghĩa sai.

   Trong tương lai, chúng tôi sẽ cung cấp các chỉ dẫn giải thích đầy đủ kèm theo những bản đồ khác được mô tả chi tiết như đã đề cập bên trên, thậm chí xoá bỏ những ghi chú sai lệch. Chúng tôi hy vọng rằng điều này sẽ đánh giá đúng tình hình thực tế trong các ấn bản bản đồ của chúng tôi.

Bình Nguyên (Theo National Geographic)

//  VỤ BẢN ĐỒ HOÀNG SA CỦA NGS: ĐỪNG CHỈ PHẢN ĐỐI!

18/03/2010 20:36:32

“Hội Trắc địa – Bản đồ – Viễn thám Việt Nam đang soạn một bức thư gửi tới Hội Địa lý Mỹ. Cùng với đó, chúng tôi dự định sẽ gửi tới họ những tư liệu lịch sử về bản đồ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa”.

      Ông Đặng Hùng Võ, Chủ tịch Hội Trắc địa – Bản đồ – Viễn thám Việt Nam trao đổi xung quanh việc Hội Địa lý Mỹ (NGS) phát hành bản đồ có nội dung sai sự thật về quần đảo Hoàng Sa.

      Vụ bản đồ của NGS chưa giải quyết xong, báo chí lại tiếp tục đưa tin Google Maps đưa lên mạng một bản đồ không thể hiện đúng đường biên giới của Việt Nam. Dù giới khoa học đều khẳng định những bản đồ trên không giá trị pháp lý nhưng rõ ràng, đó là điều bất lợi cho thông tin chủ quyền của nước ta. Quan điểm của ông như thế nào?

    NGS hay bất cứ tổ chức nghiên cứu khoa học nào phát hành bản đồ trái với quan điểm của ta đều không có ý nghĩa gì về mặt pháp lý. Tai hại ở chỗ, các bản đồ này là những tài liệu mang tính phổ biến tri thức tới mọi người. Những thông tin sai sự thật của người làm ra bản đồ sẽ tác động lên nhận thức của những người tiếp cận với thông tin đó, nhất là khi bản đồ được phát hành rộng rãi.

    Trước những vụ việc thế này, phía Việt Nam luôn luôn có phản ứng chính thức bằng con đường ngoại giao, thưa ông?

    Phản đối bằng con đường chính thức của Bộ Ngoại giao là phải làm để thể hiện quan điểm chính thức của Nhà nước ta với cộng đồng quốc tế. Nhưng sự tác động của tuyên bố đó chủ yếu hướng tới kênh ngoại giao chính thức của Nhà nước, tới người Việt Nam trong và ngoài nước và tới những người nước ngoài có quan tâm nhất định về Việt Nam. Như vậy chỉ phản đối chính thức là chưa đủ. Chúng ta cần phải có hành động.

     Những tài liệu bản đồ chứa thông tin sai do kênh phi chính phủ phát hành vẫn xuất hiện vô tình hoặc hữu ý, vẫn đi đến mọi người và tác động trực tiếp vào nhận thức của người tiếp cận với bản đồ.

    Bản đồ có chủ đề càng hữu ích thì tác động của thông tin càng mạnh, thông tin sai có điều kiện lưu lại càng dài trong nhận thức. Khi thông tin sai lặp lại nhiều lần, ở nhiều nơi thì trở thành nhận thức đúng của người tiếp nhận thông tin. Nhiều bản đồ ghi Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc thì có nhiều người nhận thức thông tin sai này là đúng.

    Điều quan trọng hơn là Việt Nam cần quảng bá được các thông tin thực về Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ. Phổ biến các thông tin thực về chủ quyền lãnh thổ bằng các ấn phẩm bản đồ hữu ích thông qua các hiệp hội của nhân dân giữa Việt Nam và các nước là cách tác động thông tin hiệu quả nhất đến cộng đồng quốc tế.

    Những việc đáng tiếc xảy ra lại là cơ hội để chúng ta phổ biến tri thức về lãnh thổ nước ta thông qua con đường ngoại giao nhân dân để mọi người trên hành tinh hiểu đúng thông tin, đúng sự thực lịch sử.

    Hội Trắc địa – Bản đồ – Viễn thám Việt Nam sẽ gửi lên NGS tài liệu lịch sử về bản đồ để chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam, có thể coi đây là một nỗ lực “hành động”?

    Không những chỉ gửi kèm tài liệu bản đồ cổ để giúp lãnh đạo và các đồng nghiệp của NGS hiểu đúng sự thực, để họ giải quyết những sai sót chuyên môn này cho phải đạo, mà chúng ta còn phải phát hành rộng rãi những bản đồ về cương vực lãnh thổ Việt Nam bằng nhiều thứ tiếng đến các nơi trên thế giới.

    Về điểm này, tôi nghĩ Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của Trung Quốc. Trong những năm đã qua, Trung Quốc xuất bản rất nhiều tài liệu về bản đồ để sử dụng trong hệ thống giáo dục quốc gia và phát hành bằng nhiều thứ tiếng để quảng bá trên giao dịch quốc tế.

     Để làm công việc quảng bá thông tin này, con đường ngoại giao nhân dân thông qua các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội là phù hợp nhất.

      Con đường này cần tới nhiệt tình đóng góp của các nhà chuyên môn, lo liệu được một lượng kinh phí cần thiết. Chúng ta cần có những bản đồ đặc sắc, những tài liệu thú vị để chuyển tài được những thông tin thể hiện đúng chủ quyền của Việt Nam sao cho dễ đến với cộng đồng quốc tế, sao cho chuyển được pháp lý thành tình cảm trong mỗi con người khi nhận thức về thông tin.

      Hội Trắc địa – Bản đồ – Viễn thám Việt Nam cũng đang có dự định làm điều gì đó đáng kể bằng cách thức này để thể hiện trách nhiệm của mình với dân tộc.

      Truyện ngụ ngôn, truyện lịch sử của rất nhiều nước đều nói đến nguyên lý tác động thông tin nhiều lần, nói một lần chưa nhận thức được thì nói hai lần, chưa được thì nói ba lần, cứ vậy nói tới mười lần chắc sẽ nhận thức được. Nguyên lý này cũng được dùng để đổi trắng thay đen, nhưng chúng ta cần dùng nguyên lý này để bảo vệ lẽ phải của sự thật.

     Ông nghĩ sao khi nhiều người băn khoăn về khả năng phát hiện của các cơ quan chuyên môn với những trường hợp nhạy cảm như thế này?

     Vai trò phát hiện những sai trái trong hoạt động của các ngành là thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành. Đáng ra, mỗi cơ quan quản lý nhà nước về ngành chuyên môn có yếu tố nhậy cảm đều phải bố trí một bộ phận giám sát để phát hiện những sự cố cần quan tâm.

     Ở nước ta, khâu này còn yếu hoặc chưa được quan tâm. Khi được ai đó phát hiện ra sự cố mới tính đến việc ta phải phản ứng theo cách nào. Trên thực tế, người dân thường là người phát hiện ra những vụ việc vi phạm pháp luật, tham nhũng, thông tin sai để báo chí sử dụng nghiệp vụ điều tra mà làm rõ hơn và sau đó các cơ quan quản lý mới vào cuộc để giải quyết.

    Đây cũng chính là nguyên lý “khuyến khích người dân tham gia quản lý”. Như vậy, đối với những vụ việc liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia, nếu nhận thức của người dân về chủ quyền lãnh thổ càng cao thì khả năng tham gia phát hiện càng lớn.

     Những trường hợp đã xảy ra như ở NGS có khi cũng xảy ra ở nhiều nước khác rồi mà chúng ta chưa phát hiện được và hoàn toàn có khả năng tiếp tục xảy ra ở đâu đó nữa. Nhận thức của lực lượng kiều bào ta ở nước ngoài, những người bạn nước ngoài của chúng ta có thể giúp chúng ta phát hiện những sai lệch về thông tin và giúp chúng ta chuyển tải những thông tin xác thực tới đó.

    Thông thường, khi NGS hay bất cứ tổ chức khoa học nào phát hành bản đồ liên quan tới những khu vực có tranh chấp đều gửi tới các cơ quan khoa học ngang cấp ở Việt Nam tham khảo ý kiến. Đây cũng là một điều cần phải lưu ý để tránh những trường hợp tương tự, thưa ông?

    Đây là cách làm chính thống của các cơ quan phát hành bản đồ. Tuy nhiên, trên thực tế, họ có thể gửi đến các cơ quan tương đương của các nước có liên quan để lấy ý kiến hoặc họ có thể không gửi mà đưa vào bản đồ những thông tin theo nhận thức của họ.

      Một quan điểm trung lập hay được sử dụng trong thể hiện bản đồ tại các vùng có tranh chấp lãnh thổ là để địa danh quốc tế và không ghi chủ quyền thuộc nước nào, hoặc để địa danh quốc tế và ghi là vùng đang có tranh chấp, hoặc để địa danh của các nước đang tranh chấp và ghi tên các nước đó. Ngoài ra, cũng có một cách thể hiện thiếu trung lập hơn là ghi địa danh và tên nước đang quản lý thực tế. Thể hiện theo cách nào hoàn toàn phụ thuộc vào tư duy và tình cảm của tác giả bản đồ. Khi ủng hộ bên tranh chấp nào thì họ ghi cho bên đó, cũng có thể vô tình hay do nhầm lẫn mà ghi. Theo như giải thích của NGS thì trên hầu hết các bản đồ khác ở tỷ lệ lớn họ đều thể hiện bản đồ theo quan điểm thực sự trung lập, chỉ có lần này do tỷ lệ bản đồ nhỏ nên không gian thể hiện hẹp mà họ phải chọn cách ghi thiếu trung lập (bất lợi cho Việt Nam). Giải thích như vậy hoàn toàn không thỏa đáng. Nếu Hội Địa lý Việt Nam có quan hệ tốt với NGS thì chắc không xảy ra chuyện vô tình hoặc hữu ý ghi thông tin sai sự thật như vậy.

     Vì vậy, sự hợp tác giữa chặt chẽ các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội của Việt Nam với các tổ chức tương đương ở các nước khác là điều hết sức quan trọng. Đó cũng là cách phát triển con đường ngoại giao nhân dân. Những ý tưởng, quan điểm của Nhà nước Việt Nam sẽ tác động rất nhanh và trực tiếp vào tri thức của mọi người trên thế giới thông qua các hiệp hội của nhân dân.

        Hoàng Hạnh (Thực hiện)

//