“BẤM GIỜ” MÀ UỐNG THUỐC!
Câu hỏi:
Tôi bị béo phì và tăng huyết áp đã lâu. Gần đây đi xét nghiệm kiểm tra tổng quát, bác sĩ phát hiện tôi bị thêm bệnh đái tháo đường thể 2.
Vì nhiều bệnh như thế, tôi phải uống đến 4 loại thuốc: Captopril 25mg (thuốc huyết áp), Clazic SR 30mg, Siofor 500mg (thuốc đái tháo đường) và Lipanthyl 300mg (rối loạn lipid máu).
Bác sĩ dăn rất kỹ là phải uống thuốc đúng giờ giấc: Captopril buổi sáng, Clazic uống cả 3 viên một lần buổi sáng trước ăn, Siofor 3 viên lại chia 3 lần uống sau ăn và Lipanthyl phải uống buổi chiều sau ăn. Nói chung, vì là bệnh nhân tôi cố gắng theo hướng dẫn của bác sĩ, dần dần uống cũng quen, dù thấy rắc rối quá.
Tôi xin hỏi vì sao phải uống gộp chung, chia nhỏ, trước ăn, sau ăn, buổi sáng, buổi chiều rắc rối như vậy?
Xin cám ơn nhiều. kieungan67@gmail.com
Trả lời:
Việc uống thuốc tuân theo giờ giấc thật sự có cơ sở khoa học, chứ không đơn thuần là tuân theo “ý muốn” của bác sĩ điều trị.
Hai lý do để bệnh nhân cần phải tuân thủ thời gian uống thuốc theo hướng dẫn:
Một là: Tuân theo nhịp sinh học của con người. Cơ thể con người cũng là một bộ máy sinh học, nên các hoạt động của “bộ máy cơ thể” đó đều theo một nhịp, chu kỳ nhất định gọi là nhịp sinh học, hay “đồng hồ sinh học”. Trong các nhịp sinh học quan trọng nhất là nhịp ngày đêm – nhịp 24 giờ, circadian rhythm, từ gốc tiếng La-tinh circa là “vòng quanh” và dies là “ngày”. Ngoài nhịp ngày đêm trong sinh vật sống còn có nhiều nhịp sinh học khác như: nhịp nhiều ngày (infradian), nhịp ngắn (supradian) và nhịp dạng sóng (tidal rhythm). Ở thực vật có: quá trình quang tổng hợp, quá trình hô hấp, chu kỳ ra hoa, rụng lá…. Ở động vật: chu kỳ thức ngủ, ngủ đông, rụng trứng, kinh nguyệt, động dục…. Trong cơ thể con người nhiều quá trình hoạt động: nhịp tim, tần số thở, chu kỳ kinh nguyệt, chu kỳ chế tiết các hóc-môn, nhịp ngày đêm của hệ thần kinh tự động, chu kỳ chuyển hóa trao đổi chất.v.v..y học đã xác định rõ là cũng có chu kỳ sinh học riêng.
Do đó, cũng như mọi hoạt động khác trong cơ thể, ăn uống (kể cả uống thuốc) cần theo nhịp sinh học:
(1) Thuốc hormone steroid nên uống buổi sáng sau ăn.
(2) Thuốc huyết áp, lợi tiểu nên uống buổi sáng trước ăn.
(3) Thuốc vitamin, giảm lipid máu nên uống buổi chiều.
(4) Thuốc ngừa thai uống theo lịch cả chu kỳ ( ghi trên vỉ thuốc).
Hai là: Phù hơp với dược động học của thuốc bao gồm các vấn đề:
(1) Cơ chế tác dụng của thuốc thế nào?
(2) Chu trình chuyển hóa thuốc ra sao?
(3)Thời gian phân hủy thuốc bao lâu?
(4)Thuốc thải trừ ở đâu? Qua cơ chế gì?…v.v…;
Trong các yếu tố trên; “Thời gian bán hủy” của thuốc là một thước đo quan trọng, giúp bác sĩ ấn định thời gian, số lần dùng thuốc. Những loại thuốc có thời gian bán hủy ngắn được chỉ định dùng nhiều lần trong ngày. Ví dụ insulin nhanh, kháng sinh thải nhanh (như penicillin), thuốc hạ sốt…; những loại thuốc có thời gian bán hủy dài thường cho dùng ít lần hơn thậm chí chỉ một lần mỗi ngày, ví dụ thuốc kháng giáp, thuốc điều tri lao…
Trở lại câu hỏi cụ thể của bạn; Câu trả lời là: Bác sĩ đã cho thuốc huyết áp (captopril) và thuốc giảm lipid máu (lipanthyl) là theo “thời sinh học” của cơ thể con người; còn thuốc đái tháo đường lại được cho dùng dựa theo “dược động học” của thuốc.
Chúc bạn chữa bệnh thành công.
TS.BS Trần Bá Thoại (Bệnh viện Đà Nẵng)