BÁC SĨ GIA ĐÌNH: GIẢI PHÁP CĂN CƠ CHO NGÀNH Y TẾ
Mô hình bác sĩ gia đình có từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Đầu tiên là ở Mỹ và Anh sau đó nhân rộng ra các nước khu vực châu Âu, bắc Mỹ rồi lan ra khắp thế giới.
Ở Canada có hơn 50% dân số được chăm sóc bởi các bác sĩ gia đình. Còn ở Mỹ tỷ lệ là trên 35% nên các bệnh viện của họ không bao giờ quá tải.
Ở Việt Nam, từ năm 2000, Bộ Y tế đã cho phép thành lập thêm chuyên khoa mới Y học gia đình tại ba trường đại học: Y Hà Nội, Y Thái Nguyên và Y Dược TP.HCM, nhưng cho đến nay vẫn còn “loay hoay” xây dựng mô hình, đường lối, chính sách…nên chưa phát huy hiệu quả.
Nhận diện hệ thống bác sĩ gia đình?
Bác sĩ gia đình là bác sĩ trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho người bệnh như là thành viên của “gia đình” họ. Do đó, ngoài chăm sóc y tế một cách liên tục và toàn diện, người bác sĩ gia đình còn phát triển mối quan hệ lâu dài và bền vững với bệnh nhân.
Để là một bác sĩ gia đình đúng nghĩa, trước hết phải là bác sĩ đa khoa, hiểu biết cả nội, ngoại, sản, nhi, lây nhiễm… Ngoài kiến thức chuyên môn, bác sĩ gia đình cũng phải có kiến thức tổng quát về xã hội, tâm lý, kinh tế, văn hóa, quản lý y tế… để có thể hành nghề vượt ngoài phạm trù y tế, chăm sóc điều trị bệnh mà còn có thể tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân kiến thức tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, hỗ trợ về tâm lý và về mặt xã hội. Cũng nhờ có kiến thức đa khoa, bác sĩ gia đình biết chính xác chuyên khoa nào cần thiết để hướng dẫn bệnh nhân khám đúng bệnh, đúng lúc. Ví dụ với người lớn tuổi, bác sĩ gia đình, sẽ để ý các bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, thoái hóa xương khớp…; phụ nữ mang thai cần theo dõi sức khỏe thai kỳ, chế độ ăn cho sản phụ.., trẻ em như chăm sóc trẻ sơ sinh, chu sinh, chủng ngừa vacxin, chế độ dinh dưỡng…
Bệnh nhân được hưởng lợi những gì?
Nhờ các BSGĐ có sẵn hồ sơ bệnh lý, nắm biết rõ bệnh sử (được quản lý trong bệnh án có cây phả hệ gia đình), nên việc xử trí bệnh sẽ nhanh chóng, đúng đắn và sát sao hơn. Bác sĩ gia đình cũng đưa ra dự báo nguy cơ phát bệnh, phương cách dự phòng, và các biện pháp can thiệp để nâng cao sức khỏe các thành viên trong gia đình một cách phù hợp nhất.
Mô hình bác sĩ gia đình có từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Đầu tiên là ở Mỹ và Anh sau đó nhân rộng ra các nước khu vực châu Âu, bắc Mỹ rồi lan ra khắp thế giới, hệ thống bác sĩ gia đình đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cả cộng đồng. Hiệp hội bác sĩ gia đình thế giới đã được thành lập năm 1972, đến nay đã có khoảng 100 quốc gia thành viên tham dự.
Ở Canada có hơn 50% dân số được chăm sóc bởi các bác sĩ gia đình. Còn ở Mỹ tỷ lệ là trên 35% nên các bệnh viện của họ không bao giờ quá tải.
Mô hình bác sĩ gia đình cũng đã được áp dụng thành công ở các nước đang phát triển thuộc khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Philippine…
Hệ thống bác sĩ gia đình ở nước ta
Theo PGS.TS Lê Hoàng Ninh, Trung tâm Đào tạo BSGĐ, Đại học Y dược TPHCM, từ năm 2000, Bộ Y tế đã cho phép thành lập thêm chuyên khoa mới Y học gia đình tại ba trường đại học: Y Hà Nội, Y Thái Nguyên và Y Dược TP.HCM. Riêng TPHCM, Trung tâm đào tạo BSGĐ thuộc ĐH Y dược TPHCM đã được thành lập vào năm 2002, có chức năng đào tạo BSGĐ cho khu vực phía Nam và đã tuyển sinh đào tạo khóa đầu tiên (2002-2004) được 17 bác sĩ.
Tại TPHCM, có hai hình thức mà người ta quen gọi là bác sĩ gia đình: (1) là những bác sĩ nhận bệnh qua điện thoại, đến tận nhà bệnh nhân để khám bệnh, kê đơn thuốc và (2) là các công ty tư nhân chuyên cung cấp dịch vụ y tế có các gói dịch vụ bác sĩ gia đình để theo dõi và chăm sóc sức khỏe tận nhà cho bệnh nhân.
Theo TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, trưởng bộ môn Bác sĩ gia đình Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, BSGĐ phải là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh và phải có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh nên biết rõ vấn đề sức khỏe của từng người bệnh trong hoàn cảnh, lối sống, gia đình và cộng đồng của họ, cho nên những hình thức trên chưa đúng hẳn một BSGĐ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, khi đi kiểm tra mô hình Bác sĩ gia đình tại một số phòng khám trên địa bàn thành phố HCM năm 2015 cũng đã thẳng thắn nhìn nhận “Mô hình Bác sĩ gia đình ở nước ta còn mới nên chưa được quan tâm, đầu tư tương xứng, hoạt động còn tản mạn, nhiều hạn chế bất cập, hiệu quả chưa cao”.
Ở Hà Nội, một số bệnh viện có tổ chức hệ thống Bác sĩ gia đình với kiểu “gói dịch vụ Bác sĩ gia đình” để theo dõi và chăm sóc sức khỏe tận nhà cho bệnh nhân. Đến nay, số phòng khám, bệnh viện có mô hình bác sĩ gia đình hoạt động độc lập mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Năm 2015, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết: “Nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại, một số phòng khám bác sĩ y học gia đình còn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác”; “việc cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình còn gặp khó khăn nên các đơn vị triển khai bác sĩ gia đình cán bộ tham gia chưa có chứng chỉ hành nghề dẫn đến chưa được cấp phép thành lập phòng khám”.
Theo kế hoạch trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2020, Sở Y tế các thành phố sẽ có mô hình chuẩn phòng khám bác sĩ gia đình. Mô hình này được triển khai đến 100% trạm y tế phường, xã và các phòng khám tư nhân. Sở cũng sẽ hoàn thiện việc xây dựng các biểu mẫu khám, xét nghiệm và chuyển bệnh viện; xây dựng mạng quản lý thông tin, bệnh án điện tử, hệ thống chuyển bệnh viện cũng như các thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế cho người bệnh.
Đôi điều bàn luận
Hệ thống y tế gia đình là một giải pháp căn cơ, khoa học và thực tế đã được áp dụng thành công ở các nước Âu, Mỹ tiên tiến. Không ai bàn cãi gì về sự tiện dụng, hợp lý mà hệ thống Bác sĩ gia đình này mang lại.
Ở Việt Nam, hai vấn đề y tế “nổi cộm”, cần cấp bách giải quyết hiện nay là
(1) sự quá tải bệnh viện vô cùng trầm trọng, ở nhiều bệnh viện lớn, ngay ở trung tâm như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, người bệnh vẫn còn nằm đôi, nằm ba và cả nằm dưới đất và
(2) nhân lực ngành y quá thiếu, hiện nay chúng ta chỉ có gần 7,5 bác sĩ/vạn dân, trong khi Philippine, Trung Quốc, Brunei, Singapore có 15-20 và các nước phát triển có đến 30 bác sĩ/ vạn dân, trong khi việc đào tạo cần phải có tài chánh và thời gian mới đảm bảo đủ số lượng và chất lượng được. Thiết nghĩ, nếu nhanh chóng vận hành hệ thống y học gia đình theo định hướng thị trường của nó chắc chắn chúng ta tháo gỡ được hai vấn đề “vướng mắc” nêu trên.
Đi sau thế giới cả nửa thế kỷ, nếu cứ còn “loay hoay” xây dựng mô hình, đường lối, chính sách thì còn lâu mới theo kịp thế giới và người dân sẽ còn đau khổ và chê trách dài dài.
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM
# Insulin và thuốc điều trị
Bị đái tháo đường uống thuốc gì tốt nhất?
Tiêm insulin là liệu pháp điều trị hàng đầu cho bệnh đái tháo đường typ 1. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ sẽ tiêm các dạng insulin khác nhau. Trong trường hợp đái tháo đường typ 2, phần đông người bệnh nên ưu tiên điều trị thông qua thói quen sống lành mạnh. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc uống để hỗ trợ quá trình kiểm soát mức glucose huyết, ngăn ngừa các biến chứng tim mạch có thể xảy ra. Bạn không được tự ý uống thuốc, và nên tư vấn trực tiếp với bác sĩ để xác định cách điều trị tốt nhất.
Có phải bị đái tháo đường typ 2 là nên tiêm in-su-lin thường xuyên?
Tiêm hay không tiêm insulin là tùy thuộc vào tình trạng bệnh và chẩn đoán của bác sĩ. Không phải trường hợp nào bị đái tháo đường cũng cần tiêm insulin. Trên thực tế, nếu sớm phát hiện và điều trị đái tháo đường typ 2, bạn chỉ cần rèn luyện thói quen sống lành mạnh là đã có thể giữ mức glucose huyết trong ngưỡng cho phép. Để chắc chắn về liệu trình điều trị, bạn nên đến bác sĩ để được tư vấn chi tiết.
Tiêm in-su-lin có bị tăng cân không?
Insulin là hormone giúp chuyển hóa glucose thành năng lượng cho tế bào hoạt động mỗi ngày. Nói cách khác, insulin giúp chuyển hóa calories trong cơ thể. Chính vì vậy, insulin không nhất thiết khiến cơ thể bạn tăng cân. Đặc biệt khi kết hợp tiêm insulin với thói quen sống lành mạnh, bạn chắc chắn vẫn giữ cân nặng lẫn mức glucose huyết trong ngưỡng an toàn.
# Kiến thức chung
Đái tháo đường có chữa được không?
Đái tháo đường là một căn bệnh mãn tính nên bạn không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bạn vẫn có thể sống khỏe mạnh, lạc quan cùng căn bệnh này. Cách kiểm soát glucose huyết nói riêng, và bệnh đái tháo đường nói chung, là áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường tập thể dục, nghỉ ngơi thư giãn và tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Đái tháo đường có mấy loại?
Về lý thuyết, bệnh đái tháo đường có thể chia ra thành 3 loại:
– Đái tháo đường typ 1 chiếm khoảng 10-15% số trường hợp và thường xảy ra ở trẻ em, trẻ vị thành niên. Do rối loạn từ hệ miễn dịch, cơ thể không sản sinh đủ lượng insulin để chuyển hóa đường thành năng lượng cần thiết.
– Đái tháo đường typ 2 chiếm đến 90% số trường hợp, thường xảy ra ở người trưởng thành. Cơ thể bệnh nhân không sản sinh đủ lượng insulin, hoặc không thể sử dụng insulin để chuyển hóa đường thành năng lượng.
– Đái tháo đường trong thai kỳ ảnh hưởng gần 10% số trường hợp mang thai. Thông thường bệnh sẽ thuyên giảm sau khi sinh con. Tuy nhiên nếu không được điều trị phù hợp, đái tháo đường dễ tác động xấu đến cả mẹ và bé.
Triệu chứng của bệnh đái tháo đường là gì?
Cả đái tháo đường typ 1 và typ 2 đều có một số triệu chứng phổ biến như sau:
– Đi tiểu nhiều lần
– Thường xuyên thấy khát và đói dù bạn mới vừa ăn
– Mệt mỏi, kiệt quệ và mắt mờ
– Vết thương sưng tấy, lâu lành
– Sụt cân dù bạn ăn nhiều hơn (typ 1)
– Đau hoặc mất cảm giác tạm thời ở tay, chân (typ 2)
Đặc biệt, trường hợp phụ nữ mang thai bị đái tháo đường thường không biểu hiện triệu chứng cụ thể, nên cần được kiểm tra định kỳ trong suốt thời gian mang thai.
Mức glucose huyết bao nhiêu là an toàn?
Mức glucose huyết (blood glucose level hoặc blood sugar level) là chỉ số dùng để biểu thị lượng đường có trong máu của bạn. Mức glucose huyết thường xuyên dao động trong ngày và được tính theo đơn vị mmol/L.
Một người được chẩn đoán glucose huyết an toàn khi đáp ứng các tiêu chí:
– glucose huyết khi mới thức dậy từ 3.8 – 5.5 mmol/L
– glucose huyết đo được trong vòng 2 tiếng sau bữa ăn là dưới 7.8 mmol/L
Đái tháo đường có nguy hiểm không?
Đái tháo đường là căn bệnh mãn tính, đang ảnh hưởng khoảng 422 triệu người trên toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam, ước tính có 7 triệu người bị đái tháo đường, 65% trong số đó không được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Về lâu về dài, đái tháo đường kéo theo nhiều biến chứng về tim mạch, đột quỵ, mù lòa, phẫu thuật chi hay thậm chí là mất mạng.
# Phòng ngừa và kiểm soát
Tôi vừa được chẩn đoán đái tháo đường, giờ tôi nên làm gì?
Điều đầu tiên bạn cần làm là tuân thủ chỉ định của bác sĩ, tìm hiểu thêm thông tin về bệnh đái tháo đường để hỗ trợ quá trình điều trị. Bạn có thể hỏi trực tiếp bác sĩ, tra cứu trên các cổng thông tin trực tuyến đáng tin cậy, và tuyệt đối không tin vào lời đồn thổi bên ngoài. Đừng lo lắng, tuyệt vọng vì bạn có thể kiểm soát bệnh và tiếp tục sống lạc quan, khỏe mạnh. Bạn nên nói thật với người thân, bạn bè để mọi người động viên, hỗ trợ bạn sống tốt cùng bệnh đái tháo đường.
Tôi có được dùng chung thiết bị đo glucose huyết với người thân không?
Bản thân bệnh đái tháo đường không lây nhiễm theo bất kỳ đường nào. Tuy nhiên, đo đường huyết tùy tiện sẽ khiến bạn dễ bị bệnh truyền nhiễm qua đường máu. Chính vì vậy, không được dùng chung các thiết bị đo glucose huyết tại nhà. Mỗi người nên có một bộ dụng cụ đo của riêng mình.
Có thật là kiểm tra bàn chân mỗi ngày giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường không?
Đúng vậy, chăm sóc bàn chân mỗi ngày là việc nên làm khi kiểm soát bệnh đái tháo đường. Ở người bệnh đái tháo đường, bàn chân và ngón chân thường bị lạnh do luồng máu lưu thông đến chân bị gián đoạn. Những vết trầy xước, sưng, bầm tím ở chân cũng lâu hoặc khó lành. Đây là những dấu hiệu bạn nên kiểm tra mỗi ngày.
# Thói quen tốt
Giảm cân nhiều có giúp tôi hết bệnh đái tháo đường không?
Không, vì bệnh đái tháo đường là bệnh mãn tính, không chữa khỏi hoàn toàn được. Tuy nhiên, giảm cân đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp bạn kiểm soát bệnh và tiếp tục tận hưởng cuộc sống. Theo nghiên cứu, chỉ cần giảm trọng lượng đi 7% là bạn đã hạn chế nguy cơ biến chứng đái tháo đường đến 58%. Cách giảm cân tốt nhất là ăn uống lành mạnh, tập thể dục thể thao và thư giãn tinh thần.
Người bị đái tháo đường nên ăn uống như thế nào?
Khác với quan niệm thường thấy, người bị đái tháo đường không nhất thiết phải ăn uống khác với gia đình mình. Mục tiêu chính của bạn khi ăn uống là giảm cân nặng, kiểm soát mức đường huyết trong ngưỡng an toàn. Bạn có thể đạt được mục tiêu này bằng cách:
- Chia đều các bữa ăn trong ngày để cơ thể không bao giờ quá đói.
- Chọn các loại thực phẩm nguyên hạt, tự nhiên, giàu dưỡng chất.
- Tránh xa chất béo, thực phẩm quá ngọt hoặc chứa nhiều calories.
- Ăn rau củ để bổ sung chất xơ cho cơ thể.
- Hạn chế hấp thụ muối ăn xuống dưới 2300 mg mỗi ngày.
Bị đái tháo đường có được uống rượu bia không?
Người bị đái tháo đường vẫn có thể uống rượu bia với lượng vừa phải. Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, giới hạn chuẩn về rượu bia cho mỗi người là:
- Không quá 2 ly mỗi ngày cho đàn ông dưới 40 tuổi
- Không quá 1 ly mỗi ngày cho đàn ông từ 40 tuổi trở lên
- Không quá 1 ly mỗi ngày cho phụ nữ
Tuy nhiên nếu thuộc nhóm người nghiện rượu bia, bạn cần cai nghiện ngay lập tức để kiểm soát đái tháo đường lẫn nhiều nguy cơ sức khỏe khác.
Người bệnh đái tháo đường nên tập thể dục như thế nào?
Người bị đái tháo đường nên rèn luyện thể lực suốt tuần, mỗi lần kéo dài khoảng 30 phút. Ba nhóm bài tập rất hiệu quả cho bạn bao gồm:
- Bài tập tăng cường thể lực (aerobics) như đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe…
- Bài tập co giãn (stretching) giúp giảm stress, tránh đau nhức cơ thể.
- Bài tập rèn luyện cơ bắp như tập tạ cường độ nhẹ, khoảng 2 lần mỗi tuần.
Không tìm thấy câu hỏi cần tìm
Bạn, hoặc người thân trong gia đình, đang có mong muốn được hỗ trợ về thông tin sức khỏe? Đừng ngần ngại gửi câu hỏi trực tiếp cho chúng tôi theo mẫu bên dưới. Chúng tôi sẽ tổng hợp và phản hồi trong thời gian sớm nhất.