Trang chủ » BÀN LUẬN » TRẦM CẢM: MỘT NGUYÊN NHÂN KHIẾN TRẺ TỰ TỬ !

TRẦM CẢM: MỘT NGUYÊN NHÂN KHIẾN TRẺ TỰ TỬ !

I. LỜI MỞ

  Ngày 1/4, một nam sinh cấp 3 nhảy từ tầng 28 chung cư xuống đất tại quận Hà Đông (Hà Nội), để lại đoạn thư tuyệt mệnh.

  Trước đó, ngày 21/2 tại TPHCM, một học sinh cũng đã nhảy lầu vì những kỳ vọng quá lớn từ phía gia đình và các vấn đề khó khăn trong học tập sau giai đoạn cao điểm phải học online vì dịch COVID-19.

  Đây là hai vụ điển hình học sinh tự tử vì trầm cảm, một vấn đề y tế hay gặp trong giai đoạn phát triển trẻ tâm sinh lý trẻ vị thành niên.

    Vì thế, phụ huynh, người lớn cần lưu tâm tìm hiểu để có kiến thức nhận diện, hỗ trợ và can thiệp cho con em mình.

  II. TÌNH HÌNH TRẦM CẢM

 Theo WHO, thế giới có khoảng 5% dân số, khoảng 350 triệu người bị trầm cảm, và trung bình 850.000 người chết vì trầm cảm mỗi năm. Tuổi vị thành niên từ 3- 8%, trẻ gái nhiều hơn trẻ trai, lệ 3/1, và tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai của lứa tuổi 15 – 29, chỉ sau tai nạn giao thông.

   Theo UNICEF, mỗi ngày trung bình có 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử, với nguyên nhân hàng đầu là trầm cảm.

   Tại Việt Nam, Viện sức khỏe tâm thần cho biết khoảng 30% dân số có các rối loạn về tâm thần, 25% là trầm cảm, và mỗi năm hơn 40.000 người tự tử do trầm cảm.

III. NGUYÊN NHÂN TRẦM CẢM

  (1) Di truyền

  Các nhà khoa học Mỹ chỉ cho thấy khoảng 40% trẻ trầm cảm có liên quan đến AND. Bố mẹ hoặc người thân trong gia đình bị trầm cảm thì trẻ có khả năng bệnh này cao gấp 3 lần so với trẻ thường.

 (2) Môi trường

 Trẻ em sống trong môi trường căng thẳng, stress, dễ bị trầm cảm hơn. Khoa học chỉ rõ, đại dịch COVID-19, với cách ly xã hội, học trực tuyến…trẻ bị trầm cảm  nhiều hơn.

 (3) Chấn thương tâm lý

 Các chấn động tâm lý như mất đi người thân yêu, thất bại trong học tập, bị lạm dụng tình dục…trẻ sẽ có những biểu hiện tâm lý bất thường, dẫn đến trầm cảm.

(4) Áp lực học tập

 Hiện nay, rất nhiều trẻ đang phải chịu những áp lực học tập rất lớn, nhà trường, bố mẹ, luôn áp đặt cho trẻ những mục tiêu quá cao, thời gian học quá nhiều hết thời gian vui chơi, giải trí.

 Đặc biệt, khi trẻ không đạt kết quả kỳ vọng, nhiều phụ huynh thất vọng, tức giận, nhục mạ, la mắng, xúc phạm…gây ra trầm cảm.

  (5) Bạo lực học đường

   Bị bạn bè bắt nạt, đánh đập, gia đình thiếu quan tâm, trẻ cảm giác lẻ loi, bị bỏ rơi, mất niềm tin vào cuộc sống, khép mình, nhút nhát….rồi trầm cảm. 

 IV. DẤU HIỆU NHẬN BIẾT

1- Rối loạn tính tình, cảm giác: buồn rầu, cáu kỉnh, chán nản, bi quan, lo lắng, bồn chồn, dễ kích động..

2- Thờ ơ, mệt mỏi, không tích cực với các hoạt động yêu thích trước đây

3- Suy nghĩ chậm chạp, không tập trung, khó ghi nhớ.. 

4- Rối loạn giấc ngủ: khó ngủ, hoặc ngủ quá nhiều;

5- Rối loạn ăn uống: ăn quá nhiều hoặc không muốn ăn;

6- Có ý nghĩ về chết, huỷ hoại bản thân, tự tử…

7- Có thể kèm theo các dấu chứng không giải thích được như đau lưng, đau đầu, đau bụng…

  V. LÀM GÌ KHI CON TRẺ BỊ TRẦM CẢM 

 1- Quan tâm, trò chuyện, trao đổi, gợi mở, lắng nghe trẻ.

 2Động viên, tái kết nối với xã hội, cho trẻ đi chơi, du lịch…

3- Củng cố sức khỏe thể chất, tinh thần cho trẻ.

4- Tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia y tế.

 VI. BÀN VÀ KẾT

 Trẻ em, vị thành niên do trẻ tuổi do kinh nghiệm sống chưa nhiều, chưa đủ kinh nghiệm giải quyết các căng thẳng, và một số trường hợp có kết hợp với nghiện game, cờ bạc.. nên càng làm tăng nguy cơ bị stress rồi trầm cảm.

 Nhiều phụ huynh nghĩ rất sai lầm rằng, ngăn ngừa, trừng phạt từ những lỗi nhỏ sẽ sớm ngăn chặn các lỗi lớn hơn. Thậm chí, có phụ huynh cho rằng làm cho con đau khổ và khó chịu để đứa trẻ “nhớ tới già” không dám tái phạm.

 Các nhà chuyên môn đã chỉ rõ rằng, trầm cảm tuổi vị thành niên có thể phòng ngừa được khi phụ huynh, người giám hộ để tâm áp dụng liên tục các biện pháp hạn chế các nguyên nhân gây trầm cảm như

(1) Lắng nghe trẻ chia sẻ mọi khó khăn cũng như niềm vui trẻ có trong cuộc sống;

(2) Thiết lập những thói quen tốt cho trẻ, như ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ, hoạt động thể chất và làm những việc yêu thích;

(3) Hướng dẫn con trẻ tự thiết lập những mục tiêu theo khả năng bản thân, chú ý không đặt ra quá nhiều kỳ vọng cũng như gây thêm cho trẻ các áp lực về thành tích học tập để trẻ có được tâm lý tốt;

(4) Tránh đưa trẻ vào trạng thái tâm lý tiêu cực: không quát mắng, xúc phạm khi trẻ có lỗi hoặc có kết quả học tập kém; nhẹ nhàng phân tích những lỗi lầm, không nên làm trẻ xấu hổ, bẽ mặt.

VII. THAM KHẢO

[1] Vụ nam sinh nhảy lầu tự tử: ‘Có trẻ học rất giỏi nhưng bất ngờ rơi vào vực thẳm trầm cảm’

https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/hoc-duong/vu-nam-sinh-nhay-lau-tu-tu-co-tre-hoc-rat-gioi-nhung-bat-ngo-roi-vao-vuc-tham-tram-cam-407925.html

[2] Nam sinh nhảy lầu tự tử: Trầm cảm học đường, đừng để quá muộn

https://tienphong.vn/vu-nam-sinh-nhay-lau-tu-tu-tram-cam-tuoi-hoc-duong-dung-de-qua-muon-post1427825.tpo

[3] Trầm cảm, tự tử vì bố mẹ mạt sát: “Tao xấu hổ vì mày”

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/tram-cam-tu-tu-vi-loi-mat-sat-sac-hon-dao-cua-bo-me-tao-xau-ho-vi-may-20211011072547313.htm

[4] Mình đã từng định nhảy từ lầu 2 tự tử, nhưng tất cả đều giải quyết khi nói chuyện với cha mẹ

https://kenh14.vn/hoc-sinh-tung-muon-nhay-tu-tu-tu-tang-2-khi-nhan-bang-diem-trung-binh-nhung-moi-chuyen-da-thay-doi-khi-gap-cha-me-20220402001003069.chn

[5] Trầm cảm

https://tamanhhospital.vn/tram-cam/

[6] Cần biết 10 dấu hiệu trầm cảm sớm ở trẻ

https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/sau-vu-be-12-tuoi-tu-tu-qua-doi-10-dau-hieu-tram-cam-som-o-tre-693404.html

[7]Tại sao người trầm cảm hay tự sát?

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/tai-sao-nguoi-tram-cam-hay-tu-sat/

                                                                      TS.BS Trần Bá Thoại

                                                      Uỷ viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM