Trang chủ » BÀN LUẬN » TÌM CÁC DNA NGOẠI BÀO ĐỂ PHÁT HIỆN SỚM NHIỀU LOẠI UNG THƯ

TÌM CÁC DNA NGOẠI BÀO ĐỂ PHÁT HIỆN SỚM NHIỀU LOẠI UNG THƯ

    I. LỜI MỞ

   Thế kỷ 21 này là thế kỷ của các bệnh không lây nhiễm. Trong bốn nhóm bệnh không lây nhiễm hay gặp, ung thư đứng hàng đầu. 

   Với căn bệnh ung thư quái ác, phát hiện càng sớm thì khả năng chữa khỏi càng cao. Vì thế, những xét nghiệm sàng lọc chẩn đoán ung thư sớm là mong đợi của mọi người, bác sĩ điều trị, người thân và bệnh nhân.

   Với công nghệ gene di truyền hiện đại, các nhà khoa học đã phát triển kỹ thuật phân tích DNA khối u tuần hoàn và sinh thiết lỏng (liquid biopsy) nhằm hiện các đoạn ADN ngoại bào (cell-free DNA) của khối u giúp bác sĩ điều trị chẩn đoán sớm nhiều loại ung thư khác nhau của con người. 

   II. DNA KHỐI U TUẦN HOÀN (circulating tumor DNA, ctDNA)

  Quá trình hoại tử hoặc chết theo chương trình của mô tế bào dẫn đến sự phát tán tế bào và các mảnh vụn của nó vào khoảng gian bào và máu. Các tế bào tuần hoàn và các đoạn DNA này có thể phát hiện bằng các kỹ thuật phân tử khác nhau.

  Phần DNA ngoại bào này thường được gọi là DNA tự do tuần hoàn ( cell-free DNA cfDNA). Thuật ngữ chung “cfDNA” bao gồm các loại DNA tuần hoàn khác nhau, bao gồm DNA không tế bào (cell-free DNA, cfDNA), DNA bào thai không tế bào (cell-free-fetal DNA, cffDNA) và DNA khối u tuần hoàn (ctDNA).

                        

    Khác với các mảnh DNA từ tế bào bình thường, ctDNA là phân mảnh có nguồn gốc từ khối u được tìm thấy trong máu và các dịch sinh học của cơ thể.

     III.  SINH THIẾT LỎNG

    Sinh thiết lỏng (liquid biopsy) là từ gọi cho việc lấy mẫu phân tích tế bào học khối u trên máu ngoại vi. Mục tiêu của phương pháp sinh thiết lỏng này là thay thế sinh thiết mô bằng các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu.

  Các nhà khoa học đã chứng minh rộng rãi rằng, qua mẫu sinh thiết lỏng có thể phục hồi cfDNA lên đến 100 ng/mL ở người khỏe mạnh và lên đến 1000 ng/mL ở bệnh nhân ung thư. Hơn nữa, lợi ích của việc sử dụng sinh thiết lỏng là tính đặc hiệu và hiệu quả cao trong việc theo dõi sự thay đổi của khối u hoặc tiến triển của bệnh.

   Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng sinh thiết lỏng có thể phát hiện các đột biến DNA tuần hoàn chính xác liên quan trực tiếp đến một khối u cụ thể. Các nghiên cứu giải thích rằng, vì thời gian bán hủy của ctDNA ngắn, từ 16 phút đến 13 giờ, cho phép biết ngay lập tức tương quan tình trạng tế bào khối u và mang lại khả năng theo dõi động liên tục, ngược với sinh thiết mô cổ điển.                       Các mẫu ctDNA lấy từ huyết tương/huyết thanh không bị phân hủy cho đến khi phân tích, trong khi các chế phẩm mô bắt buộc phải được cố định, bằng formalin hoặc parafin, điều này tạo ra nguy cơ liên kết ngang và phân mảnh DNA, do đó vi phạm tính toàn vẹn cấu trúc của DNA và cản trở trình tự của nó. Đây là một trong những ưu điểm của sinh thiết lỏng so với sinh thiết mô.

  IV. GALLERI: XÉT NGHIỆM SỚM PHÁT HIỆN ĐA UNG THƯ

    1. GALLERI LÀ GÌ ?  HOẠT ĐỘNG RA SAO? 

   Galleri là xét nghiệm phát hiện sớm đa ung thư (multi-cancer early detection test MCED). Theo giới thiệu của  nhà sản xuất, xét nghiệm chỉ sử dụng một mẫu máu nhưng có thể xác định đến 50 loại ung thư khác nhau.

   Galleri hoạt động bằng cách tìm kiếm các protein hoặc yếu tố di truyền có liên quan đến ung thư trong mẫu máu. Phòng thí nghiệm sẽ sử dụng trình tự DNA và học máy (DNA sequencing and machine learning) để phân tích các DNA ngoại bào (cell-free DNA) là loại DNA được giải phóng khỏi tế bào và đang hiện diện trong máu.

   Vì DNA ngoại bào của tế bào khỏe mạnh và tế bào ung thư khác nhau, nên Galleri test tìm kiếm các kiểu thay đổi cụ thể trong các DNA ngoại bào đồng nghĩa phát hiện báo hiệu sự hiện diện của bệnh ung thư. Galleri cũng nhằm mục đích xác định nơi ung thư khởi phát..

   Khi phát hiện tín hiệu liên quan đến ung thư, các xét nghiệm bổ sung được thực hiện để giúp xác nhận chẩn đoán.

     2. GALLERI CÓ THỂ PHÁT HIỆN CÁC LOẠI UNG THƯ NÀO ?

  Hãng sản xuất GRAIL giới thiệu rằng, xét nghiệm Galleri có thể xác định hơn 50 loại ung thư, bao gồm một số loại ung thư phổ biến nhất hiện nay như:

    * Ung thư vú

    * Ung thư phổi

    * Ung thư tuyến tiền liệt

    * Ung thư đại tràng và trực tràng

   Galleri cũng có thể xác định các bệnh ung thư ít phổ biến hơn như ung thư bóng Vater và một số sarcoma mô mềm.

   V. ĐÔI LỜI BÀN LUẬN

   Ung thư đứng vị thứ hai trong các bệnh không lây nhiễm NCDs.Trên toàn cầu, có hơn 21 triệu ca ung thư mới hàng năm. Ở Việt Nam,  có hơn 182.000 ca mắc mới và hơn 122.000 ca tử vong do ung thư.

   Trong căn bệnh ung thư quái ác, chẩn đoán càng sớm khả năng chữa khỏi càng cao. Điều đáng buồn là đến 75% bệnh nhân ung thư được phát hiện ở giai đoạn muộn, trong đó phương pháp điều trị không hiệu quả. Trong khi việc phát hiện sớm giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót của bệnh ung thư lên tới 90% đến 95% so với 5% đến 20% ở giai đoạn muộn. Vì thế, những xét nghiệm sàng lọc chẩn đoán ung thư sớm là mong đợi của mọi người, bác sĩ điều trị, người thường, lẫn bệnh nhân.

  Công nghệ sinh thiết lỏng SPOT-MAS để định lượng DNA khối u lưu hành là một cải tiến mang tính đột phá có thể sử dụng để chẩn đoán, tiên lượng, theo dõi và điều trị. Nhiều nghiên cứu về DNA ngoại bào lưu hành trong các dịch sinh học của con người (huyết tương, huyết thanh, nước tiểu, v.v.) đã được thực hiện với mục tiêu cuối cùng là cải thiện thực hành về bệnh ung thư.

   Hai điều cần hết sức lưu ý

  1. Việc phân tích ctDNA không phát hiện tất cả các bệnh ung thư. Do đó, nên được dùng bổ sung, chứ không thay thế cho các tầm soát ung thư thường quy quan trọng được khuyến cáo. Ngay cả xét nghiêm Galleri, phân tích các ct DNA được giới thiệu rất hấp dẫn là phát hiện sớm trong giai đoạn I thì các nghiên cứu khoa học lại cho thấy, độ nhạy Se trong giai đoạn I chỉ là 17%, giai đoạn II là 40%, giai  đoạn III là 77% và giai đoạn IV là 90%, nghĩa là trong giai đoan sớm (giai đoạn I) Galleri  chỉ nhận ra 17 người trong số 100 người bị ung thư. Việc cho kết quả âm tính giả, trong khi thực sự bị ung thư, tạo cảm giác an toàn sai lầm và trì hoãn các phương pháp điều trị kịp thời cho người bệnh.

  2. Do đó, khi quyết định làm xét nghiệm chẩn đoán sớm ung thư như test Galleri, cần:  Tìm hiểu kỹ và được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn để nắm bắt các thông tin khoa học chuẩn xác về các lợi ích và rủi ro liên quan đến xét nghiệm này; và Không vội vàng tin tưởng vào những giới thiệu, tiếp thị  “có cánh”, vì rằng xét nghiệm nào cũng có giới hạn độ nhạy và độ đặc hiệu của nó.

 VI. THAM KHẢO

[1] What is liquid biopsy?

https://www.roche.com/stories/liquid-biopsy-in-oncology

[2] Translational Application of Circulating DNA in Oncology: Review of the Last Decades Achievements

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6829588/

[3] Vietnam-based startup Gene Solutions makes early cancer detection possible

https://www.biospectrumasia.com/news/94/19864/vietnam-based-startup-gene-solutions-makes-early-cancer-detection-possible.html

[4] Gene Solutions Makes Earlier Detection of Cancer A Possibility of the Future

https://finance.yahoo.com/news/gene-solutions-makes-earlier-detection-013600311.html

[5] Multi-cancer Early Detection (MCED) Tests

https://www.cancer.org/cancer/screening/multi-cancer-early-detection-tests.html

[6] Go further with cancer screening

https://www.galleri.com/

[7] The Galleri Blood Test for Multiple Cancers: What to Know

https://www.healthline.com/health/cancer/galleri-cancer-test

[8] Multi-Cancer Early Detection Test

https://www.mercy.net/service/multi-cancer-early-detection-test/

[9] Galleri Multi-Cancer Early Detection Test

https://hr.princeton.edu/galleri-multi-cancer-early-detection-test

[10] Cell-Free DNA-Based Multi-Cancer Early Detection Test

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/36230741/

[11] Multi-cancer early detection test in symptomatic patients referred for cancer investigation in England and Wales: a large-scale, observational cohort study

https://www.thelancet.com/journals/lanonc/article/PIIS1470-2045(23)00277-2/fulltext

[12] Clinical validation of a targeted methylation-based multi-cancer early detection test using an independent validation set

https://www.annalsofoncology.org/article/S0923-7534(21)02046-9/fulltext

[13] How does the Galleri Test work?

                        TS.BS Trần Bá Thoại 

                Uỷ viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM