Trang chủ » Chưa phân loại » THÔNG TIN VÀ PHÁT TRIỂN

THÔNG TIN VÀ PHÁT TRIỂN

             PHÁT TRIỂN PHẢI CÓ THÔNG TIN

    Hội nghị Tư vấn các nhà tài trợ, họp một năm hai lần, vừa diễn ra hai ngày 03-04/ 12/ 2009 tại Hà Nội. Ý kiến nổi cộm trong hội nghị này là chúng ta cần tăng cường Tự do thông tin để  hỗ trợ phát triển.

   Đại sứ Hoa Kỳ Michael Michalak cho rằng: “Tăng trưởng kinh tế và phát triển đòi hỏi một môi trường cởi mở và minh bạch cho mọi đối tượng tham gia, cả Việt Nam và quốc tế”.

     Đại sứ Thụy Điển Rolf Bergman: “Chúng tôi khuyến cáo Việt Nam xóa bỏ mọi hạn chế đối với internet”, ông cũng mạnh mẽ yêu cầu: “Việt Nam phải cho phép báo chí được theo dõi chính quyền. Các nhà nghiên cứu, nhà báo và luật sư phải được khuyến khích lên tiếng để có thể đóng góp cho tương lai đất nước”.

     Đại sứ Canada Deanna Horton, đã thay mặt cho Na Uy, New Zealand và Thụy Sĩ  khuyến cáo: Chính phủ Việt Nam cần cân nhắc để đảm bảo rằng các quy định và hiệp định mới về vai trò của các nhóm dân sự và báo chí sẽ khuyến khích người dân tham gia mạnh mẽ hơn vào tiến trình phát triển.

    Tôi vẫn thường đùa với các em sinh viên trẻ: “ Ông trời rất có lý khi tạo ra con người có đến hai mắt, hai tai, hai chân, hai tay..để thấy nhiều, nghe đủ hướng, đi đủ nơi, tìm đủ thứ..nhưng chỉ có một cái miệng để nói, “phán” chừng mực và ăn vừa phải”.

     Thiếu thông tin chúng ta sẽ là “những thằng mù sờ voi” trong chuyện ngụ ngôn nghe từ hồi tấm bé. Ngược lại, trong cuộc sống, một vấn đề nếu đã được nghiên cứu kỹ càng, nghe phản biện nghiêm túc…tức đã có đầy đủ thông tin, thường sẽ được giải quyết thành công.

    Trong lịch sử, vào thế kỷ 19 trong khi Minh Trị Thiên Hoàng làm một cuộc canh tân “vô tiền khoáng hậu”, đưa đất nước Nhật Bản vượt lên, thì vào cùng thời đó ở Việt Nam chúng ta các vua quan triều Nguyễn với chính sách “bế quan tỏa cảng” đã kìm hãm thông tin, đưa nước ta thụt lùi so với bè bạn, vì kiến thức -sự học- “…như thuyền đi ngược nước, không tiến ắt sẽ lùi” (Vương Dương Minh).

   Đành rằng thông tin là đa giá: đúng có, sai có và cả “vô thưởng vô phạt”. Về phương diện quản lý, nhà nước cần phải có kiểm soát, sàng lọc và định hướng chung. Thói quen “quản chưa được, cấm cho khỏe”, là thói tiêu cực của những “chức sắc” bất tài.