I. LỜI BÀN
Qua các nghiên cứu khoa học, tế bào gốc hứa hẹn giúp con người hiểu và điều trị nhiều bệnh lý tổn thương mô, tế bào như chấn thương, thoái hóa qua ngành y học tái tạo (regenerative medicine).
Tiềm năng của tế bào gốc đã được chứng minh thông qua các hoạt động nghiên cứu và thử nghiệm trong một thời gian dài, như dùng tế bào gốc tạo máu trong điều trị bệnh bạch cầu, tế bào gốc trung mô để điều trị các bệnh hoặc tổn thương xương, da… Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng nhằm khám phá những cách thức mới để sử dụng tế bào gốc trong tương lai.
Tuy nhiên, hiện đã có nhiều phòng khám trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng tuyên bố thổi phồng rằng có thể cung cấp các phương pháp điều trị bệnh bằng tế bào gốc cho rất nhiều loại bệnh, đặc biệt bệnh mãn tính, da và thẩm mỹ, nhằm thu hút bệnh nhân.
Bài viết nhằm cung cấp các thông tin cơ bản về tế bào gốc và y học tái tạo.
II. Y HỌC TÁI TẠO LÀ GÌ ?
Thay vì cố gắng bù đắp cho các tế bào, mô, cơ cơ quan bị hư hỏng, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực y học tái tạo sẽ thay thế các bộ phận cơ thể bị bệnh hoặc bị thương bằng các phiên bản hoàn toàn mới được tạo ra trong phòng thí nghiệm.
Về cơ bản, vật liệu để tái tạo mô, cơ quan chính là tế bào gốc và vật liệu sinh học mới, thông minh, với nhiều mô hình nghiên cứu liên quan đến tế bào gốc và quy trình tái tạo.
Các nhà nghiên cứu làm việc trong lĩnh vực y học tái tạo đã đạt được tiến bộ đáng kinh ngạc, tạo ra các cơ quan nhân tạo và phòng thí nghiệm thu nhỏ trên chip. Lợi tức đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu này dự kiến sẽ rất lớn: hiểu rõ hơn về cách bệnh phát triển và lây lan, sàng lọc chính xác để thử nghiệm các loại thuốc mới và liệu pháp dựa trên tế bào cho bệnh đái tháo đường, viêm khớp, bệnh Parkinson và nhiều tình trạng khác. Các nhà nghiên cứu của NIH đã tạo ra những “trái tim” thu nhỏ đập nhịp nhàng trong đĩa nuôi cấy và chứa tất cả các loại tế bào khác nhau tạo nên trái tim con người. Các nhà khoa học cũng đã phát triển phổi trên chip. Khi áp dụng lực hút ngắt quãng, các tế bào trong thiết bị có kích thước bằng ngón tay cái này uốn cong và co giãn nhịp nhàng giống như trong phổi khi chúng ta thở. Đối với những người bị suy thận, khả năng sử dụng các tế bào da của chính họ để tạo ra một quả thận mới giờ đây có thể nằm trong tầm tay – sau nhiều năm làm việc chăm chỉ và đầu tư nghiên cứu cần thiết.
III. TẾ BÀO GỐC LÀ GÌ ?
Như tên gọi, tế bào gốc (stem cell) là nguồn dự trữ tự nhiên của cơ thể. Tế bào gốc có thể biệt hóa, phân chia ra các tế bào mới mọi lúc để giữ cho cơ thể hoạt động. Tế bào gốc được sử dụng để bổ sung các tế bào chuyên biệt đã bị hư hỏng hoặc sử dụng hết.
Tế bào gốc có 2 đặc điểm chính: (1) Khả năng phân chia liên tục để tạo ra các bản sao chính xác của chính chúng trong một quá trình gọi là tự đổi mới; và (2) khả năng chuyển đổi thành các tế bào chuyên biệt trong một quá trình gọi là biệt hóa.
Tất cả các động vật và thực vật đa bào đều dựa vào các tế bào gốc để phát triển từ một tế bào đơn lẻ thành một tế bào trưởng thành. Tế bào gốc cho phép cơ thể chúng ta tạo mô mới. Các tế bào gốc cũng liên tục thay thế nhiều tế bào chuyên biệt trong cơ thể chúng ta nếu chúng bị hao mòn hoặc hư hỏng. Điều này cho phép cơ thể chữa lành xương gãy và thay thế da bị tổn thương do vết cắt và bị bỏng.
Vì thế, tế bào gốc trở nên vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển, tái tạo tế bào và chữa bệnh.
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng hiểu biết về cách thức hoạt động của tế bào gốc sẽ giúp phát triển các phương pháp điều trị mới cho nhiều bệnh khác nhau.
IV. ĐIỀU TRỊ TẾ BÀO GỐC: ĐÃ CÓ VÀ ĐANG NGHIÊN CỨU
1. Các liệu pháp dựa trên tế bào gốc đã được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân, bao gồm cấy ghép tủy xương cho bệnh bạch cầu, ghép da cho những vết bỏng nặng và gần đây là ghép giác mạc cho những trường hợp mất thị lực do bỏng hoặc nhiễm trùng mắt.
2. Nhiều liệu pháp tế bào gốc sẽ được phát triển, tuy nhiên một số nhà khoa học và bác sĩ lâm sàng cho rằng sẽ mất ít nhất 20 năm trước khi phương pháp điều trị tế bào gốc trở nên phổ biến rộng rãi.
VI. LỜI BÀN
1. Phát triển các phương pháp điều trị y tế mới là một quá trình lâu dài với nhiều bước đảm bảo an toàn và hiệu quả.
2. Những ý tưởng mới về phương pháp điều trị trước tiên phải được phát triển và thử nghiệm nghiêm ngặt trong phòng thí nghiệm trước khi thử nghiệm lâm sàng trên người. Việc phát triển một phương pháp điều trị mới có thể mất khoảng 15 đến 20 năm, tuy nhiên, không phải các ý tưởng đều trở thành phương pháp điều trị được phê duyệt.
3. Hiện có một số cơ sở y tế cung cấp, giới thiệu các phương pháp điều trị tế bào gốc chưa được chấp thuận, không được kiểm soát, thiếu bằng chứng khoa học cho thấy chúng có hiệu quả và thậm chí có thể nguy hiểm. Do đó, bệnh nhân cần tìm hiểu, thảo luận với bác sĩ chuyên đa khoa trước khi quyết định chọn lựa.
VII. THAM KHẢO
TS.BS Trần Bá Thoại
BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM