I. LỜI MỞ
Viêm, thoái khớp có tỷ lệ tăng dần theo tuổi, dưới 35 tuổi 30% thì trên 65 tuổi 60%, trên 75 tuổi 70% và trên 80 tuổi lên tới 85%, và nhu cầu chữa bệnh cũng tăng theo.
Ngoài hai phương pháp kinh điển là nội và ngoại khoa, hiện nay việc dùng liệu pháp tế bào gốc đang được giới thiệu “có cánh”. Thực hư thế nào ?
II. TỔNG QUAN VỀ VIÊM, THOÁI KHỚP
1* Viêm, thoái khớp rất phổ biến
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, thoái khớp có tỷ lệ khá cao trong các bệnh cơ khớp, 80% ở Mỹ, 28% ở Pháp, 10.41% ở Việt Nam. Do đó, WHO chọn thập niên 2011 – 2020 là “Thập niên xương và khớp”.
Ở Hoa Kỳ, theo Nghiên cứu sức khỏe quốc gia (National Health Interview Survey NHIS), năm 2008 bệnh xương khớp mãn tính ở người trưởng thành cao hơn 60% so với bệnh tim mạch và gấp hai lần bệnh hô hấp mãn tính. Cụ thể, tần suất của bệnh cơ xương khớp trong dân số trưởng thành chiếm gần 50%, còn tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch là 30% và hô hấp khoảng 24%.
Ở Việt Nam, trước đây thoái hóa khớp thường gặp ở những người 50 tuổi trở lên do quá trình lão hóa tự nhiên. Nhưng hiện nay, tình trạng thoái hóa khớp ngày càng trẻ hóa, có thể xảy ra ở người mới 35 tuổi, thậm chí trẻ hơn. Thống kê sơ bộ cho thấy, thoái khớp có tỷ lệ 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên 65 và đến 85% người trên 80 tuổi bị thoái hóa khớp, đây đang là thách thức y tế lớn của nước ta. Tổ chức Y tế Thế giới WHO chọn thập niên 2011 – 2020 là “Thập niên xương và khớp” và WHO cũng đã xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ dân số mắc bệnh xương khớp cao nhất thế giới.
2* Hai nguy cơ chính là béo phì và loãng xương
Các nhà khoa học chỉ ra rằng, nguyên nhân gây gia tăng thoái khớp là gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì, loãng xương, vận động quá mức, đi giày cao gót liên tục… Kết quả nghiên cứu cho thấy, cứ tăng 0,45kg cơ thể thì khớp gối sẽ phải chịu thêm 1,5kg khi đi hay chạy, và trọng lượng cơ thể đè lên khớp gối tăng thêm đến 4,5kg.
III. THUỐC, THỰC PHẨM PHÒNG TRỊ VIÊM THOÁI KHỚP
Trong điều trị nội khoa bệnh khớp, ngoài các thuốc giảm đau để điều trị triệu chứng, các thực phẩm chức năng, thực phẩm thuốc, đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Những thuốc, thực phẩm chức năng này sẽ có các tác dụng: (1) cung cấp chất tạo hình, (2) thêm các yếu tố tăng trưởng, (3) cung cấp các enzyme bảo vệ để giúp tái tạo phần hư hỏng và kéo dài quá trình lão hóa tự nhiên.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng với những dược chất như Glucosamin, Chondroitin, MSM (methyl sulfonyl methane); Collagen, Hyaluronic..
IV. PHẪU THUẬT TẠO HÌNH VÀ THAY THẾ
Hiện nay, có 6 loại phấu thuật đã được áp dụng để điều tri viêm, thoái khớp
1* Phẫu thuật nội soi làm sạch ổ khớp
Thường được chỉ định cho thoái hóa khớp gối nguyên phát, điều trị nội khoa ít thuyên giảm, giai đoạn 2 và 3, có dấu hiệu kẹt khớp, viêm dày bao hoạt dịch. Chống chỉ định ở thoái hóa giai đoạn 4 khi khớp đã biến dạng, hẹp khe khớp hoàn toàn…
2* Phẫu thuật nội soi tạo tổn thương dưới sụn
Áp dụng cho những thoái hóa khớp gối thứ phát sau chấn thương ở người trẻ, có vùng khuyết sụn nhỏ hoặc vừa. Hiện nay, phương pháp này được áp dụng phối hợp với ghép tế bào gốc tự thân để điều trị thoái hóa khớp gối nguyên phát giai đoạn 2 và 3 cho kết quả tốt hơn.
3* Ghép tế bào sụn tự thân
Áp dụng cho người trẻ, tổn thương sụn mới do chấn thương, diện tích vùng khuyết sụn nhỏ và vừa. Sụn phục hồi nhanh, đàn hồi, bền vững giống sụn bình thường.
4* Ghép xương sụn tự thân
Nếu ghép mảnh sụn đơn thuần sẽ không tạo được sự liền sụn tại vị trí giáp ranh giữa mảnh ghép và nơi nhận (sụn không có mạch nuôi). Để khắc phục nhược điểm đó, ghép xương sụn (mảnh ghép bao gồm phần xương liền sụn) để tạo được sự liền xương tại vị trí ghép, nhờ đó sụn ghép sống, bám chặt và vẫn đảm bảo được chức năng của sụn.
5* Đục xương sửa trục
Mục đích của đục xương sửa trục là làm thay đổi trục cơ học hay trục chịu lực của chân, chuyển trọng tâm chịu lực của khớp gối từ khoang thoái hóa sang khoang lành theo trục sinh lý, làm giảm tải lên bề mặt khớp thoái hóa, giúp bệnh nhân giảm đau, làm chậm lại quá trình thoái khớp.
6* Thay khớp
Phẫu thuật thay khớp được chỉ định khi thoái hóa khớp gối ở giai đoạn 3 và 4 và không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
V. LIỆU PHÁP TẾ BÀO GỐC TRONG VIÊM, THOÁI KHỚP
1* Đặc điểm của tế bào gốc
Tế bào gốc (stem cell) nằm khắp cơ thể. Chúng có 2 đặc điểm: (1) có thể phân chia, tự sao chép, (2) có thể biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau, chẳng hạn như phân chia biệt hóa thành tế bào sụn hoặc tế bào xương.
Hiện nay, tế bào gốc phổ biến nhất được sử dụng để điều trị viêm thoái khớp là các tế bào gốc của trung mô. Các tế bào gốc trung mô thường được thu thập từ: (1) các tế bào gốc mỡ qua bằng phẫu thuật hoặc hút mỡ; (2) các tế bào gốc máu ngoại vi, thu được bằng cách lấy từ mẫu máu từ bệnh nhân; (3) tế bào gốc tủy xương từ một trong những xương của bệnh nhân.
2* Liệu pháp tế bào gốc trong thoái khớp
Theo lý thuyết, tế bào gốc có thể phân chia và biệt hóa ra nhiều loại tế bào khác nhau. Do đó, những người ủng hộ liệu pháp tế bào gốc luận thuyết rằng, khi được đặt vào một môi trường nhất định, tế bào gốc có thể biến đổi để đáp ứng nhu cầu nhất định. Cụ thể, khi các tế bào gốc được đặt gần sụn bị hư hỏng nó sẽ biệt hóa và phát triển thành mô sụn.
Hiện nay, dù chưa được công nhận và chuẩn hóa, nhiều trung tâm, chuyên gia đã và đang nghiên cứu liệu pháp tế bào gốc để điều trị viêm thoái khớp. Các tế bào gốc thường được đưa vào khớp ngay trong khi phẫu thuật sửa chữa sụn khớp hoặc được tiêm trực tiếp vào khớp tổn thương. Nhờ các phương tiện thăm dò, chẩn đoán hình ảnh hiện đại, bác sĩ điều trị xác định rõ vị trí, kích thước tổn thương sụn khớp và sẽ tiêm chính xác lượng tế bào gốc cần thiết cho từng bệnh nhân riêng rẽ.
VI. ĐÔI ĐIỀU BÀN LUẬN
Hiện nay, vì chưa có hướng dẫn y tế chính thức về chỉ định và chống chỉ định dùng liệu pháp tế bào gốc cho viêm, thoái khớp. Do đó, quyết định có điều trị tế bào gốc hay không đều từ thỏa thuận giữa bác sĩ và bệnh nhân. Một số bác sĩ chuyên khoa hay cơ sở y tế tự xây dựng một số tiêu chuẩn để áp dụng liệu pháp tế bào gốc, như chỉ áp dụng cho những bệnh nhân trẻ, khỏe, tổn thương sụn ít diện tích nhỏ…
Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ FDA đang xem xét có nên thắt chặt các quy định về liệu pháp tế bào gốc sau khi nhận báo cáo về những tổn hại cho bệnh nhân. Hiện tại, FDA chỉ duy nhất chấp thuận cho dùng tế bào gốc từ dây rốn để điều trị các bệnh ung thư máu và các rối loạn khác. Trên The New England Journal of Medicine, các quan chức FDA cảnh báo việc thiếu bằng chứng của liệu pháp tế bào gốc là “đáng lo ngại” với hai trường hợp mù vì thoái hóa điểm vàng và một bệnh nhân đột quỵ và liệt sau khi tiêm tế bào gốc. FDA cũng lưu ý liệu pháp tế bào gốc cũng có thể gây mất an toàn khác, chẳng hạn như gây phát triển các khối u và là phương pháp điều trị chưa chính thức nên cũng khó theo dõi tác dụng phụ.
Dù nhiều bác sĩ cho rằng liệu pháp tế bào gốc là hiệu quả và ít biến chứng, nhưng họ đều đồng ý là cần thiết phải có nhiều nghiên cứu hơn. GS.TS Wellington Hsu, Khoa Phẫu thuật chỉnh hình ĐH Y khoa Northwestein Feinberg, nói: “Vẫn chưa có đủ bằng chứng cho thấy tế bào gốc nên được điều trị đại trà, thường xuyên cho viêm xương khớp gối” dù “tiêm tế bào gốc vào khớp gối khá an toàn trong các phẫu thuật chỉnh hình”. Tiến sĩ Harvey E. Smith, Bệnh viện ĐH Pennsylvania, cho rằng “Liệu pháp tế bào gốc có giá trị điều trị, nhưng có nhiều tác dụng chưa được lý giải rõ ràng chẳng hạn cơ chế giảm đau, giảm viêm …”
Tóm lại, dù đã có một số bằng chứng cho thấy những người mắc bệnh viêm khớp nặng có thể được hưởng lợi từ liệu pháp tế bào gốc, đặc biệt với những trường hợp đã có chỉ định thay khớp. Nên khá nhiều ý kiến khoa học đánh giá liệu pháp tế bào gốc hứa hẹn có nhiều triển vọng. Nhưng y khoa là ngành khoa học có bằng chứng (evidence based), nên cần phải có thêm các nghiên cứu sâu rộng hơn và đặc biệt phải được các cơ quan thẩm quyền phê chuẩn.
VII. TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Người trẻ mắc bệnh xương khớp đang ngày càng gia tăng
https://baomoi.com/nguoi-tre-mac-benh-xuong-khop-dang-ngay-cang-gia-tang/c/23533633.epi
[2] Hơn 20% dân số bị thoái hóa khớp
http://www.sggp.org.vn/hon-20-dan-so-bi-thoai-hoa-khop-508951.html
[3] Bệnh xương khớp đe dọa Việt Nam bởi dân số già
[4] Hiểu, dùng đúng collagen
https://tranbathoaimdphd.wordpress.com/2015/07/22/hieu-dung-dung-collagen/
[5] Type II collagen oral tolerance; mechanism and role in collagen-induced arthritis and rheumatoid arthritis.
http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/19697097
[6] MSM for arthritis pain: Is it safe?
http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/arthritis/expert-answers/msm/faq-20058526
[7] Role of hyaluronic acid in joint lubrication.
http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1006265/
[8] Arthritis Supplements
http://www.webmd.com/arthritis/osteoarthritis-women-12/arthritis-supplements
[9] Hyaluronic Acid Injections for Osteoarthritis
[10] 6 phương pháp phẫu thuật trị thoái hóa khớp gối
https://suckhoedoisong.vn/6-phuong-phap-phau-thuat-tri-thoai-hoa-khop-goi-n127936.html
[11] Stem Cell Therapy for Arthritis
https://www.arthritis-health.com/treatment/injections/stem-cell-therapy-arthritis
[12] Osteoarthritis and stem cell therapy: a systematic review.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/29544858
[13] Stem cell-based therapy for cartilage regeneration and osteoarthritis
[14] Stem Cell Treatments For Osteoarthritis
[15] Stem Cells for Knees: Promising Treatment or Hoax?
[16] Stem Cell Therapy for Hip Injuries and Arthritis
https://stemcellarts.com/commonly-treated-conditions/stem-cell-therapy-hip-injuries-arthritis/
[17] Thực hư liệu pháp tế bào gốc trong điều trị thoái khớp
https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/thuc-hu-lieu-phap-te-bao-goc-trong-thoai-khop-20181102065626893.htm TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM