Trang chủ » Chưa phân loại » TẤT CẢ CŨNG CHỈ VÌ TIỀN

TẤT CẢ CŨNG CHỈ VÌ TIỀN

    Hôm nay có hai trận cầu hay: 21 giờ Anh- Đức và 1 giờ 30 sáng là Argentina- Mexico. Bài này được viết trong khoảng giữa hai trận đấu.

    Số là lâu nay quá nhiều bài báo, điều tra than phiền việc các hãng dược phẩm “mua chuộc” nhân viên y tế để nâng giá thuốc cao hơn quá nhiều….  

CHUYỆN “THỔI PHỒNG” ĐẠI DỊCH CÚM”  VÀ CÁCH “TIẾP THỊ” CỦA CÁC HÃNG DƯỢC PHẨM

                                 Trần Bá Thoại

     Trong ngành y tế chuyện các hãng dược phẩm liên doanh “ma quỷ” với nhau và chuyện các nhân viên y tế câu kết, đúng hơn là bị “mua chuộc”, với các hãng dược phẩm hay hãng thực phẩm chức năng là chuyện “thường ngày ở huyện”; sai nhưng làm riết rồi “bình thường hoá”. 

 *Ở Âu Mỹ: Nhân viên FDA, EMEA, WHO…đều có nhận lương từ các hãng dược phẩm.

    Cuối năm rồi, Uỷ ban Y tế của EU  thành lập Ban điều tra về những tố giác rằng dịch cúm A H1N1 bị “thổi phồng” quá đáng về tính chất nghiêm trọng và khả năng lây lan.

   Gần đây tạp chí British Medical Journal (Y học Anh, BMJ) và British Investigation Journal ( Tổ chức báo chí điều tra Anh, BIJ) cũng phối hợp nhau nhập cuộc.

    Kết luận cuối cùng của cả hai nơi là giống nhau: Các chuyên gia hàng đầu của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) đã ăn tiền của các hãng dược phẩm, cụ thể là hai hãng dược phẩm Roche và Glaxo Smith Kline, để “thổi phồng” dịch bệnh cúm A H1N1 lên quá mức thực tế, với mục đích cuối cùng là các hãng này bán rất nhiều thuốc Tamiflu, Relenza và hàng triệu liều vắc xin phòng chống cúm A H1N1.

  Thật ra những nghi ngờ đã có manh mối từ năm 1999, khi WHO lên một kế hoạch chống đại dịch cúm toàn cầu và công bố tài liệu “Kế hoạch dịch cúm: vai trò của WHO và các hướng dẫn cho việc lên kế hoạc quốc gia và khu vực”. Trong những người soạn thảo tài liệu này thấy có tên René Snacken (thuộc Bộ Y tế Bỉ) và Daniel Lavanchy (nhân viên của WHO), đây chính là hai vị  “trình dược” của Roche. Ngay trong nhóm ESWI (Chống cúm Châu Âu), cũng thấy có tên Karl Nicholson (ĐH Leicester, Anh) và Abe Osterhaus (ĐH Erasmus, Hà Lan), cũng là những GS “ăn lương” của Roche.

   Trong Cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu (EMEA) có hai chuyên gia tư vấn: một là René Snacken (Bỉ) đã đề cập ở trên và hai là Annike Linde (Thuỵ Điển) cũng là những người có “ăn tiền” hãng Roche.

   Năm 1999, Tamiflu (oseltamivir) của Roche và Relenza (zanamivir) của Glaxo SmithKline được tung ra thị trường, Giáo sư Abe Osterhaus cũng là người viết khá nhiều bài báo cổ xuý việc dùng hai loại thuốc “đặc biệt” này trong các đại dịch cúm.     

   Cuối năm 1999, sau nhiều lần bị ban cố vấn của Cơ quan quản lý Thực và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) bác bỏ, cuối cùng Relenza cũng đựoc cho phép lưu hành. Một năm sau 2000, Tamiflu cũng được FDA đồng ý cấp phép.

   Tháng 10/2002  WHO tổ chức cuộc họp các chuyên gia tại Geneva, để đề ra Hướng dẫn xử dụng vắcxin phòng cúm. Ngoài các chuyên gia của WHO có “quen biết”, đại diện các hãng Roche, Aventis ..cũng được mời. Đến năm 2004 WHO công bố “Các hướng dẫn của WHO năm 2004 về việc sử dụng vắc xin và thuốc chống vi rút khi đại dịch cúm xảy ra.  Chỉ chờ có thế các hãng dược phẩm dựa vào hướng dẫn này, cùng những kêu gọi, khuyến nghị của các chuyên viên “thầy dùi” ăn lương “hai cơ quan”, bung ra kiếm được lợi tức khổng lồ, nghe đâu đến 7 tỷ USD, nhờ bán vắc xin và thuốc.

   Câu kết luận đã rõ ràng: Nhờ những chuyên viên “mình là của WHO, hồn ở hãng dược phẩm”, dịch cúm đã được thổi phồng theo ý đồ thao túng, có lợi cho ông chủ, “người chi tiền” !!!

   *Ở Việt Nam: Khuyến mãi, chiết khấu, phần trăm..là cách các hãng dược phẩm hè nhau “lách luật” là chuyện bình thường.

   Các hãng dược phẩm hoạt động ở Việt Nam, cũng không ngoài kiểu thức “quen thuộc” nêu trên: lấy tiền mua chuộc !!!

    Đã có quá nhiều bài báo, nhiều thanh tra vào cuộc….nhưng rốt cục đâu lại vào đấy, chuyện đã ăn sâu vào “não trạng” và đã bình thường trong đời sống xã hội.

 * Đôi điều bàn thêm:

   Ở các nước Tây Mỹ, luật pháp tương đối chặt chẽ, ý thức công dân cũng cao, các hãng dược phẩm vẫn còn “lèo lái”, “uốn nắn” được.

   Nước ta với nạn tham nhũng tràn lan và tình trạng pháp luật kiểu “đánh trống bỏ dùi” như hiện nay, còn rất lâu việc phân phối thuốc mới vào nề nếp.

  Chắc bệnh nhân đành phải “chịu khó” dùng thuốc với giá “ngất ngưỡng” thêm nhiều năm nữa.

…………………………………………………………

Báo THANH NIÊN ngày 27.6.2010

 LOẠN” GIÁ THUỐC TRONG BỆNH VIỆN 

         Liên Châu

        Hàng loạt các vấn đề bất cập trong cung ứng thuốc vào bệnh viện (BV) được đưa ra mổ xẻ tại cuộc hội thảo do Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức ngày 26.6, tại Vĩnh Phúc.  

Thuốc vào bệnh viện cao hơn giá bán lẻ

    Ông Lê Bạch Hồng, Tổng giám đốc BHXH VN, cho biết hằng năm Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả hàng ngàn tỉ đồng cho khám chữa bệnh (KCB), trong đó chi cho mua thuốc đến hơn 60% tổng chi phí. Cơ cấu chi phí này là chưa hợp lý. Bởi lẽ, dù giữ vai trò quan trọng nhưng thuốc chỉ là một trong nhiều dịch vụ y tế cần có trong một quy trình điều trị tối ưu. Nhiều nước trong khu vực, tiền thuốc trong cơ cấu chi phí dịch vụ y tế thấp hơn nước ta rất nhiều. “Tại Trung Quốc là 45%, Indonesia 38%, Thái Lan 35%…”, ông Hồng dẫn chứng.

    Theo ông Hồng, không ít thuốc đấu thầu vào BV cao hơn khoảng 10 – 30% so với giá bán lẻ. Mua nhiều, số lượng lớn nhưng lại chịu giá đắt hơn thuốc bán lẻ số lượng nhỏ, đây là điều hết sức bất hợp lý.

    Ông Nguyễn Đức Thụ, Phó vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội, cho biết qua thực hiện giám sát, khảo sát về giá thuốc cũng như tiếp nhận ý kiến của một số chuyên gia, cử tri là bệnh nhân, cho thấy giá một số loại thuốc nhập khẩu, biệt dược tăng cao, có loại lên đến 150 – 300% so với giá gốc (kể cả trong một số BV công lập). Giá thuốc đấu thầu vào BV cao hơn giá thị trường là có thật. Việc tăng giá một số loại thuốc đã ảnh hưởng đến người bệnh cũng như đến Quỹ BHYT. Tương tự, việc tăng giá bất hợp lý từ 150 – 300% một số loại thuốc (trong số 500 loại thuốc thông dụng) tại BV dù đã qua đấu thầu cũng có thật và được chính các BV xác nhận.

Giá đắt lại trúng thầu

Theo ông Tạ Văn Bằng, Phó trưởng ban Thực hiện chính sách  BHYT, thuộc BHXH VN, do hầu hết các BV đều tự đứng ra tổ chức thầu dẫn đến tình trạng cùng hoạt chất, thành phần nhưng các cơ sở KCB lựa chọn thuốc thành phẩm khác nhau với giá khác nhau, có khi chênh lệch giá đến vài lần. Ông Bằng dẫn chứng ở địa bàn TP.HCM trong năm 2009, cùng một thuốc Ginkgo biloba nhưng mỗi BV lại lựa chọn các thành phẩm khác nhau (khoảng 10 loại) nên giá bán loại thuốc này ở các BV chênh lệch nhau lớn (từ 500 – 3.300 đ/viên). Hay với thuốc Cefaclor 125 cũng có ít nhất 5 thành phẩm khác nhau, giá bán chênh lệch từ 1.000 – 8.000 đ/viên. Theo các chuyên gia, do đấu thầu riêng lẻ, nên không ít nơi thuốc giá đắt lại trúng thầu.

Ngoài ra, còn tình trạng cùng một thuốc, cùng nhà sản xuất nhưng giá bán lại khác nhau khi đấu thầu vào các BV. Cụ thể, trong năm 2009, giá thuốc Amitriptyline/viên 25 mg có mức chênh lệch giá lên đến 31% khi cung ứng vào các BV. Cùng thời điểm này, thuốc Allopurinol 300 mg có giá chênh lệch 16% về giá cung ứng giữa các BV.

Theo ông Lê Bạch Hồng, ngoài giá cao, tại nhiều BV còn diễn ra tình trạng lạm dụng thuốc. Chính ngành y tế đã đưa ra ví dụ: cụ ông 70 tuổi được bác sĩ kê đến 9 thuốc/đơn. Với đơn thuốc bất hợp lý, người bệnh không chỉ tốn thêm tiền mà có thể phải chịu thêm tương tác có hại của thuốc. “Nếu có được giải pháp phù hợp, chỉ cần giảm 10% chi phí tiền thuốc thì đã tiết kiệm được 1.000 tỉ đồng/năm. Với khoản tiền này, có thể cấp thêm thẻ BHYT cho 2,5 triệu người nghèo”, ông Hồng nhấn mạnh.

Cần mở rộng đấu thầu tập trung

Ông Nguyễn Đức Thụ cho rằng đa số BV đang thực hiện phương thức thanh toán kinh phí KCB theo giá từng dịch vụ y tế, rất ít BV thực hiện phương thức thanh toán theo ca bệnh, nên khó có thể kiểm soát được tình trạng lạm dụng thuốc, nhất là thuốc biệt dược, chuyên dụng. Việc đấu thầu thuốc riêng lẻ từng BV, từng tỉnh với hàng trăm hội đồng xét thầu thuốc khác nhau, do đó xảy ra sự khác nhau về giá là tất yếu. Hiện tại, quy định đấu thầu mới chỉ gắn trách nhiệm của người quản lý việc sử dụng  thuốc KCB mà chưa có cơ chế gắn trách nhiệm của BHXH – cơ quan quản lý và chi trả tiền thuốc.

Đồng quan điểm trên, ông Hồng nói: “Hiện chưa có cơ chế để BHXH tham gia kiểm soát giá thuốc cung ứng vào BV nên bên bỏ tiền mua thuốc nhưng lại phải chấp nhận giá của y tế phê duyệt, người mua lại không được tham gia kiểm soát, quyết định về giá”.

Ông Tạ Văn Bằng cho rằng, cần mở rộng việc thí điểm mô hình đấu thầu cung ứng thuốc và thanh toán thuốc theo phương thức tập trung quy mô cấp tỉnh để có được giá thuốc thống nhất. Còn để tránh nguy cơ thuốc bị đội giá bất hợp lý, liên bộ nên quy định thặng số giá thuốc bán buôn so với giá nhập khẩu, thặng số giá theo khu vực để làm căn cứ đấu thầu thuốc cho phù hợp.

Vừa qua, BHXH VN đã thí điểm thực hiện đấu thầu, cung ứng sử dụng thuốc và thanh toán chi phí thuốc BHYT theo hướng tập trung, bước đầu khắc phục được tình trạng một loại thuốc nhưng có giá bán khác nhau. Bác sĩ Lưu Văn Tuấn, Trưởng phòng Giám định BHYT thuộc BHXH Vĩnh Long, cho biết thí điểm phương thức trên trong năm 2009, giá thuốc vào cơ sở điều trị ổn định, không cao hơn thị trường bán lẻ; thuốc cung cấp đủ, đảm bảo chất lượng; cùng một mặt bằng giá tại địa phương nên thuận lợi cho thanh quyết toán với các cơ sở KCB BHYT từ tuyến huyện, thành phố và xã, phường. 

 

………………………………………………………

Thực tế ở nước ta, người mua lại không được hưởng hoa hồng như các nước khác mà tất cả tiền hoa hồng lại chi cho khâu trung gian như: đại lý thuốc, trình dược viên, bác sĩ kê đơn, nên làm tăng tình trạng lạm dụng thuốc và tăng giá thuốc. Nhiều chuyên gia cho rằng việc tổ chức đấu thầu thuốc tại bệnh viện công chỉ là đấu giá chứ chưa đấu thầu theo đúng nghĩa và khó kiểm soát tình trạng chạy cửa trước, cửa sau”

 Ô. Nguyễn Đức Thụ, P.Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, VP. Quốc hội.