Trang chủ » Chưa phân loại » TẢN MẠN VỀ “NGỘ NHẬN”

TẢN MẠN VỀ “NGỘ NHẬN”

TẢN MẠN VỀ NHỮNG NGỘ NHẬN

Trần Bá Thoại

1.Hồi còn bé tí, mẹ tôi kể cho anh chị em tôi câu chuyện ngụ ngôn “Con gà trống và ông mặt trời”. Chuyện kể rằng: Có một anh gà trống nọ sáng nào cũng đều dậy sớm cất tiếng gáy ó o…sau đó anh ta thấy mọi người dậy theo. Một hôm trời mưa, mây âm u che khuất ánh bình minh, anh gà trống cũng ngủ dậy muộn và đương nhiên là cũng gáy muộn hơn thường ngày. Anh ta phân bua, khoe mẽ: “Hôm nay tao thử dậy muộn, gáy trễ…nên ông mặt trời cũng dậy trễ luôn”. Sau một hồi thử, hỏi…mẹ tôi đưa ra kết luận: Chú gà trống vì kém cõi nên đã ngộ nhận, ngược với suy nghĩ của chú, chính ánh bình minh đã gọi chú và muôn loài tỉnh giấc. Cuối cùng mẹ tôi khuyên: “Ở đời, các con cần tránh ngộ nhận như anh gà “tồ” kia…..”.

2. Thời Trung học, nhờ câu chuyện vui “Sét đánh vì ăn cơm trước kẻng” của thầy dạy vật lý chúng tôi nhớ mãi cho đến bây giờ cách phòng ngừa sét đánh. Chuyện kể rằng: Có một anh nông dân đi cày ruộng buổi chiều. Chị vợ soạn cho chồng một mo cơm vắt rất ngon và dặn: “Cày giữa bữa hẳn ăn, không được ăn trước nhé”. Không may, khi vừa đến ruộng trời mưa giông quá to không thể cày được; anh nông dân bèn ngồi nghỉ dưới gốc cây cao duy nhất trên bờ ruộng. Chờ mãi mưa vẫn chưa tạnh, anh tính toán và sắp xếp: “…tranh thủ núp mưa   ta ăn cơm, tạnh mưa cày luôn một lèo…”; chẳng dè đang ăn nửa chừng anh nông dân vì ngồi dưới cây cao giữa đồng trống, nên bị sét đánh chết. Trong đám tang chị vợ than trách  “…ối anh ơi, đã dặn rồi sao vẫn xơi cơm trước “kẻng”, trời giận cho thiên lôi đánh chết, khổ thân tôi…”. Thầy tôi giải thích; “Khi mưa giông hay có sét, đây là sự phóng điện từ những đám mây tích điện xuống mặt đất. Ngọn cây cao giữa đồng lúa là vị trí gần nhất từ đất lên đến đám mây tích điện, và anh nông dân bị sét đánh là do ngồi dưới gốc cây cao khi trời giông chứ không phải là do “ăn cơm trước kẻng” như chị vợ nghĩ oan !!!

3. Khi vào đại học, mới “tò te” nghiên cứu khoa học, để dặn dò sinh viên thầy tôi kể câu chuyện tiếu lâm Tương quan giữa thính giác loài gián và số chân của nó. Nội dung câu chuyện như sau: Có một anh nghiên cứu sinh về loài côn trùng, làm đề tài trên với một mô hình tiến cứu. Tác giả bẻ chân lần lượt từ 1 cho đến 8 chân sau đó để con gián lên bàn rồi đập bàn xem gián có chạy (có nghe) không, số liệu được phân tích sau đó để tìm ra  mối tương quan giữa số chân với thính lực. Sau nghiên cứu, anh ta đưa ra kết luận chắc nịch: Thính giác của loài gián tỷ lệ thuận với số chân chúng hiện có; khi mất hết chân chúng sẽ “điếc đặc”, lúc này đập “bể bàn” nó cũng không chạy vì chẳng còn nghe được gì.

4. Cách đây khoảng hai năm, Tiến sĩ Bộ trưởng Y tế, ngành tôi đang phục vụ, đã đưa ra chỉ thị cấm ăn thịt chó mắm tôm vì nó gây bệnh “ỉa chảy cấp nguy hiểm”, tương đương bệnh tả; báo hại cho tôi và các đồng nghiệp khác rất bí vì không tìm ra tài liệu y học nào đề cập đến con vi khuẩn tả có thể sống trong môi trường muối chỉ mới 3% chứ  không phải 13% như của mắm tôm !!! để có cơ sở giải thích cho bệnh nhân.

Sau đó vị này cũng ra quy định phải có chiều cao, có vòng ngực to..mới được đi xe máy và căng nhất là không được ăn rau thực phẩm bán lẽ mà phải vào mua có nhãn mác,  đát điếc” hẳn hoi… trong siêu thị.. May mà sau đó thấy “chướng” nên tự “rút êm”.

5. Gần đây nhất là các vị quan chức, đại biểu …khoái món đường sắt cao tốc cứ ra rả: xứng tầm thời đại, đi trước đón đầu, đánh thức tiềm năng đang còn yên ngủ, tiết kiệm thời gian, giảm tai nạn giao thông…nhưng căng nhất là vào đầu tuần này một vị, chắc học rất giỏi, thần đồng lúc trẻ cũng nên, tuyên bố “xanh rờn” rằng “ Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc” !!!  Tôi tạm gọi có học “chút chút”, cũng hay lên mạng tìm đọc linh tinh…nhưng chưa thấy đề tài khoa học nào nghiên cứu về mối tương quan giữa sở thích và trí thông minh cả!!! Không biết người chọn uống rượu Henessy chỉ số IQ có cao hơn người uống bia Heineken không nhỉ ?

Xin nhắc ông Trần Tiến Cảnh, vị đại biểu “IQ cao” này có nhiều chỉ số khác quan trọng hơn để đánh giá, một chỉ số ngày nay người ta chú ý hơn là EQ (Emotional Quotion) đấy nhé….