Trang chủ » Chưa phân loại » TẢN MẠN NGÀY 20/11

TẢN MẠN NGÀY 20/11

    TẢN MẠN NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

                       Trần Bá Thoại 

      Lâu nay, giáo dục là lãnh vực có nhiều vấn đề “bức xúc” nhất: cải cách giáo dục quá nhiều (chương trình học, sách giáo khoa), giáo dục “nói không với tiêu cực”, trường đại học được thành lập tràn lan, Việt Nam sẽ có Đại học đẳng cấp “quốc tế” …Riêng những ngày qua, trên các phương tiên thông tin đại chúng nổi cộm hai việc: Chính quyền Nghệ An và Quảng Bình -hai tỉnh tương đối nghèo- từ chối tiếp nhân Thạc sĩ Phan Thị Cảnh và Cử nhân Trần Thị Diệu Hương với lý do “không thể hiểu nỗi”: đây là những người “học cao quá mức cần tuyển dụng”.

    “Con người là sản phẩm của xã hội”, những bất cập lâu nay của ngành giáo dục không còn cá biệt, mà thật sự đã tràn lan trong xã hội chúng ta hiện nay. Đây có lẽ là hậu quả tất yếu khi những người có chức, có quyền lại là những người  “thiếu cả tâm lẫn tầm”.

      Tôi sinh vào thập niên 50 của thế kỷ trước, lớn lên và học tập ở Huế, “cố đô” văn vật của miền Trung. Nhân ngày nhà giáo thử bàn về một số khía cạnh giáo dục, có thể rất nhỏ, nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giáo dục học sinh thời đó.

    1. Ngay lúc mới tập tểnh vào bậc Tiểu học, học sinh dần dần thuộc lòng những câu châm ngôn treo ở trong lớp học: “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Tổ quốc là trên hết”, “Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Không thầy đố mầy làm nên”, “Học thầy không tày học bạn”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Giấy rách giữ lấy lề”…

     Chính những câu cách ngôn ngắn gọn, rõ ràng và dễ hiểu đó đã giúp đứa trẻ sớm nhận thức được bổn phận, trách nhiệm, tư cách làm người…

   2. Cách nộp đơn xin thi đại học trước đây rất đơn giản: Sau khi đậu Tú tài phần 2 xong, muốn thi trường nào thí sinh mang hồ sơ nộp vào trường đó, có thể nộp rất nhiều trường rồi sau đó chọn lại, nộp càng nhiều đơn, càng nhiều trường, thí sinh càng phải tốn nhiều tiền lệ phí. Sau khi thi, các trường đại học sẽ chọn sinh viên theo vị thứ bảng điểm từ “trên xuống” cho đến đủ chỉ tiêu, không chọn những thí sinh không nộp đơn vào trường và cũng không chuyển nguyện vọng 1, 2, 3 rắc rối như hiện nay.    

     Tất cả trường đại học chỉ tuyển chọn sinh viên trong số thí sinh nộp đơn trực tiếp vào  trường mình.

      3. Trong mọi ngành học khi vào và khi ra trường, học viên giỏi giang bao giờ cũng được trọng vọng và có chính sách khuyến khích cụ thể. Tôi học trường Y khoa, Viện Đại học Huế, đây là những điều ghi nhận:

     +Đầu vào: Dựa vào bảng vị thứ nhà trường có chính sách “đãi ngộ” khác nhau qua hình thức học bổng. Tân sinh viên có vị thứ “đầu vào” từ 1 đến 5 sẽ được học bổng toàn phần cả 12 tháng, mỗi tháng 4.000 đồng, vậy là mỗi năm sẽ nhận học bổng được gần 50.000 đồng; sinh viên vị thứ 6 đến 10 được học bổng bán phần; những sinh viên còn lại, có thể hưởng những học bổng khác như gia cảnh, “hội đoàn”…

       Để dễ hình dung cái giá trị của học bổng, tôi xin đưa ra những so sánh: Giá vàng là gần 14.000 đồng/ một lượng. Chiếc xe Honda nữ mới cứng “trong thùng” chỉ có giá 32.000 đồng.  Một sinh viên ngoại tỉnh nếu đến Huế trọ học, toàn bộ chi phí ăn, ở, đi lại…cho mỗi tháng khoảng 4.000 đồng.

      Thời đó, đã là  sinh viên -không kể giàu nghèo, có học bổng cao hay thấp- đều phải đi dạy kèm thêm, đây là một cách để sinh viên “chứng tỏ” mình và “rà soát” lại kiến thức…chứ không hẳn chỉ là kiếm tiền thêm. Giá dạy kèm hồi đó cũng phản ảnh cái nhìn chung của xã hội với sĩ tử, giá trung bình 4.000 đồng/tháng, nhưng những sinh viên giỏi , xuất sắc thường được mời chào “quyết liệt” và được trả giá cao hơn.

     + Đầu ra: Cũng tương tự, tất cả các “tân” bác sĩ được xếp hạng trong một bảng vị thứ, bảng vị thứ này cũng là cơ sở để chọn nhiệm sở: Nhà trường tổ chức buổi chọn nhiệm sở “công khai”, sinh viên ra trường có quyền “đổi” nhiệm sở cho nhau sau khi chọn. Theo thứ tự thủ khoa là người danh dự chọn đầu tiên, tiếp đến là á khoa, rồi dần theo vị thứ cho đến cuối…như vậy anh đậu chót đành nhận nhiệm sở duy nhất còn lại, không được chọn gì.

     Hồi đó lớp tôi có hai anh em ruột là con của Đại tá Tỉnh trưởng -tương đương Chủ tịch UBND bây giờ- theo học, họ cũng phải theo đúng quy định vào ra như mọi học viên, kể cả học viên con dân cùng đinh khác.  

      Như vậy những học viên giỏi thì cả đầu vào lẫn đầu ra đều được ưu ái, trọng vọng, đặc biệt là những đãi ngộ này đều được công khai minh bạch, người được hoặc không được đều thỏa mãn, an lòng.     

    4. Theo tôi, vấn đề chạy chức, chạy việc chắc mọi nơi trên thế giới đều có, nhưng cần phân biệt “vận động hành lang” (lobby) với “hối lộ”, “mua quan bán chức” như hiện nay. Một mặt cơ quan, công ty có quyền phỏng vấn để chọn người, mặt kia người xin việc được phép thuyết minh, “vận động”, nhưng tất cả trên cơ sở chung là để “làm việc” chứ không phải “làm tiền” . Chọn việc, nhận việc đều trên cơ sở “học thức” và “khả năng chuyên môn”. Người giao việc và người nhận, xin việc đều vì cái chung mà hành xử.

     Tính “mẫn cán” của công chức thời xưa có lẽ bắt nguồn từ những câu cách ngôn học từ hồi tấm bé.