Trang chủ » Chưa phân loại » TẢN MẠN VỀ DỊCH THUẬT

TẢN MẠN VỀ DỊCH THUẬT

             DỊCH THUẬT và “DỊCH BỌP”   

                           TRẦN BÁ THOẠI

      Ngày nay khi thông tin, liên lạc đã mở rộng toàn cầu; cả thế giới thành một ngôi nhà chung, một “thế giới đại đồng”. Tiếng Anh không còn là ngoại ngữ nữa mà đã trở thành ngôn ngữ giao tiếp quốc tế, đặc biệt trong lãnh vực khoa học kỹ thuật. Có thể nói không ngoa rằng Anh ngữ là ngôn ngữ khoa học quốc tế chung (international scientific language, language of science). Trên 30 năm công tác trong ngành y, tôi có một nhận xét rằng đã là một bác sĩ không thể và không được kém ngoại ngữ, hiện nay tiêu chuẩn bắt buộc của NCS phải có ít nhất bằng Cử nhân Anh văn, nếu có văn bằng ngoại ngữ cao hơn càng tốt.

     Vì lý do đó, nhu cầu dich Anh-Việt và Việt-Anh chuẩn xác là bắt buộc, đặc biệt trong các từ chuyên ngành, phức tạp….

     *Trong tin học: 

 delete, cut, erase, cancel…cần phải hiểu, dịch khác nhau.

      *Trong y khoa:  

 -cloning đang được dịch là nhân bản, dễ nhầm với humanity, vì nguyên gốc chữ clone là một dòng, quần thể (người, vi khuẩn..) có cùng “tính chất gien”, có đặc thù như nhau, do đó cho nên cloning nên dịch là nhân dòng mới đúng hơn.

 -tumour marker hiện đang dịch là dấu ấn ung thư, nên dịch là chỉ dấu ung thư, dấu chỉ ung thư.

 -insulin resistance hiện đang dịch đề kháng insulin, nên dịch là lờn insulin, kháng insulin hoặc cản insulin.

 -organic food hiện đang được dịch là thực phẩm hữu cơ, có lẽ không đúng vì chữ organic ở đây vốn gốc là từ chữ organism để phân biệt với chemical, chứ không phải để phân biệt với inorganic (vô cơ). Cần nhớ rằng các  organic foods được sản xuất từ phương pháp “organic farming”, nông trang organic được quan niệm như là một cơ thể sống (organism); do đó nên dịch là thực phẩm cơ hữu hay thực phẩm sinh học, xin nhắc thêm từ sinh học lại có thể nhầm với từ biologic.             

   Thận Niệu học nên dịch là Nephro-Urology hay đơn giản là Nephrology là xong!!!!

   Tai Mũi Họng nên dịch là ORL (OtoRhinoLaryngology) hoặc ENT (Ear Nose Throat)

    …..

    *Có những từ nên để nguyên; ví dụ feedback, in situ, in vitro, in vivo, plasma (vật lý khác y học), download (tin học)…

   * Tiếng Việt có rất nhiều từ gốc tiếng Hán ; trong khi tính từ tiếng Việt nằm ở sau danh từ thì tiếng Hán lại nằm ở trước; nếu không cẩn thận chắc sẽ nhầm lẫn. ví dụ: plasma cell hay plasmocyte được dịch là tương bào trong khi cytoplasma được dịch là bào tương; yếu điểm tiếng Hán dịch ra Việt là điểm quan trọng (trọng yếu) khác hoàn toàn với điểm yếu (yếu kém).v.v… 

      Tiếc rằng đây đó, kể cả trong những ngành chuyên sâu, cũng có những kiểu dịch thuật “tùy tiện”, dịch kiểu chữ ra chữ “word to word”, “không giống ai”, đặc biệt tự tra từ trên mạng vi tính để dịch.v.v….

 

“TO INTRODUCE VIETNAM LITERATURE”  

      tuanvannguyen.blogspot.com

    Hôm nọ, tôi có vài bình luận chung quanh vấn đề tiếng Anh của Bộ Ngoại giao trong hội nghị về lãnh hải. Hôm nay, nhân đọc bài này (Những chuyện lôm côm tại Hội nghị văn học quốc tế) tôi lại có thêm vài dòng ghi thêm.

      Giới văn học mới tổ chức một hội nghị có tên là “Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam”, nhưng dịch tên hội nghị sang tiếng Anh mới là vấn đề. Bàn cãi đâu đó xong xuôi, họ cho ra cái tên chính thức là “International Conference to Introduce Vietnam Literature”. Chưa bao giờ trong đời tôi nghe đến tên một hội nghị nào mà có cả động từ!

    Tôi hoàn toàn đồng ý với dịch giả Dương Tường khi ông chỉ ra 3 cái sai trong tên gọi đó: cái sai thứ nhất là không ai dùng “to + động từ” trong tên gọi các hội nghị; cái sai thứ hai là động từ “Introduce” không phản ánh cái ý đồ quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới; và cái sai thứ ba là “Văn học Việt Nam” không thể dịch là “Vietnam Literature” mà chính xác phải là “Vietnamese Literature”. Đúng như dịch giả Hoàng Hưng nói cách dịch của ban tổ chức thật là nôm na và quê mùa. Điều đáng nói đây là giới văn học, tức là đáng lẽ họ phải biết văn chương chữ nghĩa chứ. Ấy thế mà họ dịch thật là tức cười. Tôi tự hỏi tại sao họ không nghĩ ra một cái tên nào văn chương hơn, tại sao cứ khăng khăng dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh sát nghĩa như vậy?

    Viết đến đây tôi chợt nhớ đến một qui định cho các nghiên cứu sinh trong nước là tên gọi đề tài nghiên cứu phải có động từ, và tên đề tài không được thay đổi trong suốt thời gian học. Ghi danh sao thì ra trường y như vậy. Chưa bao giờ tôi thấy một qui định nào máy móc và quái gở như thế. Phải cho người ta cái tư duy tự do khám phá, tự do suy nghĩa, tự do tìm hiểu thì mới sáng tạo, chứ cái gì cũng theo công thức thì làm sao phát huy được tính sáng tạo.