Trang chủ » BÀN LUẬN » SUY GIÃN TĨNH MẠCH CHÂN: NHỮNG THÔNG TIN CẦN BIẾT

SUY GIÃN TĨNH MẠCH CHÂN: NHỮNG THÔNG TIN CẦN BIẾT

        I. TỔNG QUAN

     Suy giãn tĩnh mạch  khá phổ biến, đến khoảng 30% người trưởng thành mắc phải, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao gấp 3 lần nam giới.

   Hầu hết các trường hợp suy giãn tĩnh mạch không nguy hiểm, chỉ gây mất thẩm mỹ, khiến người bệnh mất tự tin, kèm với đó là cảm giác ngứa ran, nhức chân…,Tuy nhiên, nếu giãn tĩnh mạch nặng có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm nhiễm trùng, hình thành cục máu đông, huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi gây nguy hiểm đến tính mạng.

   Với phụ nữ mang thai, suy giãn tĩnh mạch thường tự khỏi trong vòng 2-3 tuần sau khi sinh. Tuy nhiên, tốt hơn hết mẹ bầu vẫn nên thăm khám để được hướng dẫn cách khắc phục, giảm triệu chứng và giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn.

     II. TRIỆU CHỨNG

    1. Tĩnh mạch giãn có thể không gây đau, với các triệu chứng:

   * Tĩnh mạch có màu tím sẫm, xanh lam hoặc cùng màu với da. Tùy thuộc vào màu da, những thay đổi này có thể khó hoặc dễ nhìn thấy hơn.
   * Tĩnh mạch trông xoắn và phồng lên. Chúng thường trông giống như dây chằng ở chân.

    2. Khi tĩnh mạch giãn đau có thể có các triệu chứng:

   * Cảm giác đau nhức hoặc nặng nề ở chân.
   * Cảm giác nóng rát, nhói, chuột rút cơ và sưng ở cẳng chân.
   * Đau nặng hơn sau khi ngồi hoặc đứng trong thời gian dài.
   * Ngứa xung quanh một hoặc nhiều tĩnh mạch.
   * Thay đổi màu da xung quanh tĩnh mạch giãn.
   * Tĩnh mạch giãn như mạng nhện, tĩnh mạch mạng nhện nằm gần bề mặt da.

  III. CÁC GIAI ĐOẠN (MỨC ĐỘ) TIẾN TRIỂN

  Hiện nay, phân loại CEAP ( C: clinical findings  dấu lâm sàng, E: etiological factors yếu tố nguyên nhân, A: anatomical cause nguyên nhân giải phẫu, P: pathophysiological cause nguyên nhân sinh lý bệnh) dựa  theo kích thước của tổn thương, các ảnh hưởng về huyết động và cấu trúc chi dưới mà bệnh suy giãn tĩnh mạch chân được chia thành 6 giai đoạn khác nhau:

  • Giai đoạn 1 (C1): đây là giai đoạn đầu tiên và nhẹ nhất của bệnh với các tổn thương giãn tĩnh mạch hình mạng nhện hay mạng lưới.
  • Giai đoạn 2 (C2): kích thước của một tĩnh mạch chân dưới da bị giãn trên 3mm.
  • Giai đoạn 3 (C3): chân có giãn tĩnh mạch bắt đầu bị phù cứng do máu bị ứ trệ nhiều. Triệu chứng phù sẽ rõ hơn vào buổi chiều, sau khi người bệnh đứng hoặc ngồi lâu.
  • Giai đoạn 4 (C4): có sự biến đổi cấu trúc da và mô dưới da như thay đổi màu sắc (đỏ thẫm hoặc xanh tím), người bệnh hay bị tê bì cẳng chân và bàn chân.
  • Giai đoạn 5 (C5): xuất hiện các vết loét có thể tự lành trong vài tuần nhưng thường xuyên tái phát
  • Giai đoạn 6 (C6): các tổn thương loét trên da không thể lành có thể ăn sâu vào tổ chức cơ bên dưới hoặc gây hoại tử lan rộng ra xung quanh.

     IV. NGUYÊN NHÂN

   Động mạch mang máu từ tim đến các bộ phận còn lại của cơ thể, và tĩnh mạch đưa máu từ các bộ phận còn lại của cơ thể trở về tim. Máu trở về tim nhờ sự co bóp của các cơ chung quanh, hoạt động như máy bơm, và các van tĩnh mạch ở chân giữ máu chống lại trọng lực, các van tĩnh mạch này mở ra khi máu chảy về tim, sau đó đóng lại để ngăn máu chảy ngược trở lại.

   Nếu các van này yếu hoặc bị hỏng, máu có thể chảy ngược trở lại và ứ đọng trong tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch bị giãn hoặc xoắn dẫn đến bệnh giãn tĩnh mạch..

     V. YẾU TỐ NGUY CƠ

  1. Hai yếu tố nguy cơ chính 

  * Tiền sử gia đình. Nếu các thành viên khác trong gia đình bị giãn tĩnh mạch, thì khả năng bạn cũng bị giãn tĩnh mạch sẽ cao hơn.
  * Béo phì. Thừa cân gây thêm áp lực lên tĩnh mạch.

     2. Những yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ

   * Tuổi tác. Lão hóa gây hao mòn các van trong tĩnh mạch giúp kiểm soát lưu lượng máu. Theo thời gian, sự hao mòn đó khiến các van cho phép một số máu chảy ngược trở lại tĩnh mạch, nơi máu tích tụ.
   * Giới tính. Phụ nữ có nhiều khả năng mắc tình trạng này hơn. Hormone có xu hướng làm giãn thành tĩnh mạch. Vì vậy, những thay đổi về hormone trước kỳ kinh nguyệt hoặc trong thời kỳ mang thai hoặc mãn kinh có thể là một yếu tố. Các phương pháp điều trị bằng hormone, chẳng hạn như thuốc tránh thai, có thể làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch.
   * Mang thai. Trong thời kỳ mang thai, lượng máu trong cơ thể tăng lên. Sự thay đổi này hỗ trợ em bé đang phát triển nhưng cũng có thể làm cho các tĩnh mạch ở chân to hơn.
   * Đứng hoặc ngồi trong thời gian dài. Vận động giúp máu lưu thông.

      VI. BIẾN CHỨNG

   Biến chứng của giãn tĩnh mạch rất hiếm gặp, bao gồm:

  * Loét. Các vết loét đau có thể hình thành trên da gần tĩnh mạch giãn, chủ yếu là gần mắt cá chân. Một đốm đổi màu trên da thường bắt đầu trước khi hình thành vết loét.
  * Cục máu đông. Đôi khi, các tĩnh mạch sâu bên trong chân trở nên to hơn. Chúng có thể gây đau và sưng chân.
  * Chảy máu. Hiếm khi, các tĩnh mạch gần da bị vỡ.
  * Sưng phù chân.

    VII. NGĂN NGỪA 

   Cải thiện lưu lượng máu và trương lực cơ có thể làm giảm nguy cơ bị giãn tĩnh mạch. Những cách điều trị cảm giác khó chịu do giãn tĩnh mạch cũng có thể giúp ngăn ngừa chúng:

* Không đi giày cao gót hoặc tất bó, ngoại trừ tất nén.
* Thay đổi cách ngồi hoặc đứng thường xuyên.
* Tập thể dục.
* Nâng cao chân khi ngồi hoặc nằm.
* Duy trì cân nặng hợp lý.

     VII. ĐIỀU TRỊ

    Tùy theo giai đoạn, thời gian tiến triển và các biến chứng kèm theo, các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chân khác nhau.

  1. Điều trị nội khoa

    Phương pháp điều trị nội khoa thường đem lại hiệu quả điều trị cao khi suy giãn tĩnh mạch chân ở giai đoạn đầu, tiến triển chậm. Một số loại thuốc được chỉ định như:

  • Thuốc gia tăng sức bền thành mạch.
  • Thuốc chống hình thành huyết khối.

  2. Thay đổi lối sống

  Việc thay đổi chế độ sống và sinh hoạt có thể làm giảm các triệu chứng gây khó chịu của bệnh và giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng. Người bệnh có thể thực hiện:

  • Kê cao chân khi ngủ để giúp máu được trở về tim dễ dàng hơn.
  • Tránh giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài.
  • Thực hiện động tác gấp duỗi cẳng chân nếu phải đứng và ngồi làm việc lâu.
  • Giảm cân khoa học theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng với người béo phì, thừa cân.

   3. Dùng bí tất (vớ) y khoa

   Ngoài ra, người bệnh có thể dùng vở y khoa để gia tăng hiệu quả điều trị bệnh. Các loại vớ y khoa thường có mức độ bó sát nhất định vào cẳng chân, vùng đùi giúp hỗ trợ việc tuần hoàn máu, giảm áp lực cho tĩnh mạch.

    4. Phẫu thuật

   Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cho người bệnh suy giãn tĩnh mạch chân nặng gây vỡ tĩnh mạch, chảy máu hoặc xuất hiện vết loét không lành. Một số phương pháp có thể sử dụng:

  • Tiêm xơ tĩnh mạch.
  • Laser nội tĩnh mạch.
  • Sử dụng sóng cao tần vào búi tĩnh mạch.
  • Phẫu thuật sửa van, loại bỏ các túi tĩnh mạch giãn hoặc tạo hình tĩnh mạch qua da.

VIII. THAM KHẢO

[1]  Varicose veins

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/varicose-veins/symptoms-causes/syc-20350643

[2] Varicose Veins in the Legs: The Diagnosis and Management

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25535637/

[3]  Varicose veins

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4722-varicose-veins

[4]  Varicose Veins and Lower Extremity Venous Insufficiency

https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC5886767/

[5]  Varicose veins

https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/varicose-veins

[6] SUY GIÃN TĨNH MẠCH | Đừng đợi tới khi cấp cứu

[7] Dấu hiệu cảnh báo suy giãn tĩnh mạch | TS.BS Trần Thanh Vỹ

[8] Suy giãn tĩnh mạch chi dưới: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị | Tâm Anh

[9] Suy giãn tĩnh mạch chân có cách nào ngăn chặn? | Bệnh viện Bình Dân

    TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM