NẮNG CHÓI MỜ “CỬA SỔ” !
Nước ta miền nhiệt đới, mùa hè nắng nóng chói chang. Nắng đẹp, nắng ấm… nhưng ánh nắng gay gắt mùa hè với chùm tia tử ngoại (UV) trong nó cũng mang đến những tác hại cho những cơ quan bị chiếu trực tiếp như da, tóc và đặc biệt lên mắt, cửa sổ tâm hồn, gây ra một số bệnh lý nguy hại.
Ngoài bị chói lòa và mệt mỏi mắt tức thời, mắt người tiếp xúc ánh nắng hè chói chang nhiều quá có thể bị bỏng mắt do ánh sáng mạnh cấp tính Các dấu hiệu bỏng mắt thường xuất hiện từ 6 đến 10 giờ sau khi tiếp xúc ánh sáng chói: bệnh nhân đau mắt dữ dội, chảy nước mắt dàn giụa, mắt sợ ánh sáng, mi mắt và kết mạc phù nề, co quắp mi. Soi dưới sinh hiển vi thấy giác mạc kém bóng láng và có nhiều chấm bắt màu fluorescin thể hiện tình trạng giác mạc bị viêm cấp dạng chấm nông. Chấn thương do ánh sáng là những trường hợp mắt bị phù ở điểm vàng (hoàng điểm), mức độ phù tùy thuộc thời gian và cường độ ánh nắng: nhẹ có thể tự phục hồi, nặng có thể để lại sẹo vĩnh viễn.
Nếu tiếp xúc dài ngày với cường độ ánh sáng lớn thì về lâu về dài có thể bị 3 bệnh: (1) đục thủy tinh thể, bệnh đục thủy tinh thể còn gọi là cườm mắt, bệnh thường gặp ở người già, tỷ lệ bệnh này nhiều hơn với những người trẻ phải tiếp xúc ánh sáng chói như thợ hàn, thợ kim hoàn dùng đèn xì không che chắn tốt hoặc làm việc dưới ánh nắng hè gay gắt, (2) bệnh mộng thịt mắt, bệnh nhân có màng thịt mọc ra che khuất một phần giác mạc ảnh hưởng lên thị lực và (3) thoái hóa võng mạc (đáy mắt) các chấn thương mắt do ánh sáng, vùng điểm vàng có thể bị tổn thương gây sẹo hoặc thoái hóa sau này.
Tất cả các biến chứng cấp hay mạn tính trên đều có thể phòng ngừa quá dễ dàng, với biện pháp đơn giản: mang mắt kiếng thích hợp. Kính râm ngoài tác dụng như món hàng thời trang, còn có tác dụng bảo vệ mắt chống tia tử ngoại có trong ánh sáng. Với những chủng loại kính râm “tiêu chuẩn”, với lớp chất bảo vệ đặc biệt có thể ngăn chăn 99-100% tia cực tím. Cần lưu ý là kính “polarized” chỉ có khả năng ngăn chói mắt nhưng không có tác dụng ngăn cản tia tử ngoai. Cần hết sức lưu ý là nếu chúng ta mang kính râm “dỏm”, mắt chúng ta vừa không được bảo vệ vừa tổn hại nhiều hơn, lý do là các kính râm dỏm này thật sự chỉ là kính “đen”, không có lớp cản tia tử ngoại, chỉ cản sáng và theo sinh lý học khi mắt bị thiếu sáng thì đồng tử (con ngươi) sẽ mở rông để tiếp xúc thêm ánh sang theo phản xạ, do đó càng hại thêm. Một loại kính khá thông dụng hiện nay là kính đổi màu, có độ sậm màu sắc thay đổi theo cường độ ánh sáng: trời càng sáng càng kính càng sậm màu và ngược lại do đó chúng ta cứ thoải mái mang kính thường xuyên. Ngoài tia tử ngoại hiện nay tác hại của tia sáng “xanh” đang được bàn cãi, nhiều ý kiến cho rằng tia xanh còn độc hại hơn cả tia UV.
Tóm lại mang kính râm là một biện pháp đơn giản nhưng hữu hiệu để bảo vệ mắt mùa hè. Người tiêu dùng cần chọn được kính “chuẩn” để xử dụng, như chuẩn Mỹ ANSI Z 80.3- 2008, chuẩn Autralia AS 1067 hay chuẩn Âu Châu EN 1836:2005. Cần có bác sĩ chuyên khoa mắt tư vấn, cửa hàng tín nhiệm để chọn được kính tốt vì mang kính “dỏm” sẽ nguy hại nhiều lần hơn so với không mang gì !!!
Ảnh: Khám mắt tại Bệnh viện Đà Nẵng (ảnh T.B.Thoại)