Phông nền blog của tôi là đoạn sông Bồ chảy qua làng Phú Lễ, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Mới mấy năm trước còn “thơ mộng” như thế này. Nhưng do xây đập làm thuỷ điện, hiện nay phía thượng lưu đã khô cạn, “trơ đáy”… Theo các vị bô lão hiện tượng này chưa từng thấy cả mấy chục năm qua…
Điều đáng buồn là trong khi dân đang lo “sốt vó”, mất ăn mất ngủ thì nhà chức trách lại chủ yếu “họp bàn” xem ai trách nhiệm rồi hứa hẹn…thể hiện một thói quen ” MAKENO” (mặc kệ nó) kinh điển của cán bộ ta !!!!
Sông Bồ đoạn qua quê tôi, làng Phú Lễ, xã Quảng Phú , huyện Quảng Điền (2009)
Lòng sông Bồ tại thôn Lại Bằng, xã Hương Vân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế . Sông cạn nên lòng sông trở thành công trường khai thác cát sạn. Ảnh THÁI LỘC (2010)
Thứ Sáu, 16/04/2010, 06:50 (GMT+7)
SÔNG BỒ CẠN VÌ HẠN VÀ THUỶ ĐIỆN
TT – Sông Bồ vốn là nguồn cung cấp nước chính cho hơn 7.000ha đồng ruộng thuộc ba huyện Phong Điền, Hương Trà và Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, hiện đã bị cạn kiệt trơ đáy, trở thành bãi khai thác cát sạn.
Một công nhân (ở thôn Sơn Công, xã Hương Vân, huyện Hương Trà) đang khai thác cát dưới lòng sông Bồ cho biết: “Từ xưa tới nay đây là lần đầu tiên sông Bồ trơ đáy và trở thành bãi khai thác cát đá lý tưởng như thế này”. Theo phó chủ tịch UBND xã Phong Sơn (huyện Phong Điền) Nguyễn Bá Nam: “Chưa bao giờ chúng tôi phải vật lộn tìm nguồn nước tưới cho vụ đông xuân như hiện nay nhưng cũng không đủ nước”. Một trong những điều lo lắng lớn nhất của chính quyền và người dân các vùng ven sông Bồ là sẽ bị cạn kiệt nước cho vụ hè thu tới (vào tháng 6, 7).
Ông Nguyễn Xuân – chủ tịch UBND xã Hương Vân – cho rằng nếu không có biện pháp thì ruộng đồng xã này coi như chịu chết. Ông Nguyễn Bá Nam lo lắng: “Chúng tôi đang lo hàng loạt hộ của xã sẽ tái nghèo, bởi hạn nặng đang treo lơ lửng trên đầu đối với 480ha lúa vụ hè thu của xã sắp tới”.
Liên quan đến tình trạng khô hạn trên, theo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, ngày 27-12-2009 Nhà máy thủy điện Hương Điền – thuộc Công ty CP đầu tư HD – đã tự ý chặn nút cống dẫn dòng công trình mà không thông báo với chính quyền cũng như người dân để chủ động tích nước cho đồng ruộng. Tỉnh đã tổ chức kiểm tra đồng thời có văn bản yêu cầu dừng ngay việc chặn dòng nhưng chỉ là việc đã rồi, bởi cống chặn dòng đã được khóa vĩnh viễn bằng bêtông.
Tại cuộc họp ngày 2-1-2010, phía Công ty HD hứa sẽ trả lại nước sau 40-50 ngày khi cao trình lòng hồ đạt 34m, ngang ngưỡng tràn vào cống dẫn của tổ máy phát điện. Thế nhưng đến đầu tháng 4 mực nước chỉ mới ngang mức 33m và với tình hình khô hạn chung như hiện nay, đến hết tháng 4 mực nước lòng hồ chưa chắc đạt ngưỡng nói trên.
Trong cuộc họp với lãnh đạo tỉnh và các địa phương ven sông Bồ tháng 2-2010, phía Công ty HD cũng đã cam kết nếu chưa tích đủ nước vẫn sẽ đảm bảo cho đồng ruộng phía hạ lưu vào vụ hè thu tới bằng các cách như: bơm nước từ lòng hồ qua thân đập đổ ra sông hoặc hợp đồng với hồ Hòa Mỹ dẫn nước về tưới. Ồng Trần Kim Thành, PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế , khẳng định: “Nếu phía công ty HD không làm đúng như cam kết, tỉnh sẽ có biện pháp cưỡng chế, chứ không phải muốn làm gì thì làm”. Tuy vậy, theo khẳng định của một vị lãnh đạo Công ty Quản lý và khai thác thủy lợi Thừa Thiên – Huế, hồ Hòa Mỹ khó đáp ứng đủ nước tưới theo hợp đồng đã ký trước đây với các xã Phong Xuân, Phong Mỹ và một phần nhỏ của xã Phong Sơn vì điều kiện thời tiết đang được dự báo sẽ hạn nặng. Do đó khó có thể thừa nước để “vươn tay” cứu các đồng ruộng khác.
Ông Hồ Ngọc Phú, nguyên giám đốc Sở Thủy lợi Thừa Thiên – Huế, băn khoăn: “Liệu có bỏ nổi hàng chục tỉ đồng để đầu tư hệ thống thủy lợi đáp ứng dẫn nước từ hồ Hòa Mỹ về ven sông Bồ như phía Công ty HD đã nói hay không? Còn nếu bơm nước từ lòng hồ qua thân đập thì phải lắp đặt bao nhiêu máy bơm mới đủ? Đầu tư như thế sẽ tốn tiền tỉ, ai chịu hay phía thủy điện có bỏ ra được hay không?”.
THÁI LỘC