LIỆT TỐI THỨ BẢY: HAY GẶP ĐẤY !
TS B.S TRẦN BÁ THOẠI (Bệnh viện ĐÀ NẴNG)
* Lai lịch một cái tên: Ngày cuối tuần anh dẫn nàng đi pinic, sau một ngày leo núi, dã ngoại…mỏi, mệt đến lúc phải nghỉ ngơi, thư giãn. Sau ăn là uống, người bia kẻ rượu tinh thần thoải mái, cơ bắp giãn ra. Chàng nằm ngữa ngắm nhìn trời xanh còn nàng kê đầu lên cánh tay chàng làm đệm gối. Khối cân cơ, vốn săn chắc để bảo vệ những cấu trúc mềm mại như mạch máu và dây thần kinh phía dưới, nay đang giãn lỏng vì bia rượu lại bị đè nén do sức nặng của cái đầu người yêu; thế là dây thần kinh quay bị chèn ép và liệt tối Thứ Bảy phát sinh. Thật ra từ tiếng Anh của hội chứng này có thể là hai từ đồng âm và cũng hơi đồng nghĩa là Saturday night palsy (say rượu tối Thứ Bảy) hoặc là Saturnine palsy (ngộ độc chì); hai tình huống đều gây ra do chèn ép, tổn thương dây thần kinh quay và điều lý thú là thần Saturn của La mã lại là thần nông nghiệp.
* Vì đâu nên nổi liệt này: Liệt tối Thứ Bảy thật ra là hậu quả của chèn ép nhánh thần kinh quay, những nguyên nhân gây chèn ép dây thần kinh này gồm (1) liệt do chèn ở nách (liệt do nạng gỗ),(2) liệt do ngộ độc rượu ( say xỉn),(3) liệt sau gây mê vắt tay tréo qua bàn mổ,(4) do gãy xương cánh tay và (5) hội chứng chèn ép “dây thần kinh liên cốt sau” ( PIN).
* Dấu hiệu nhận biết liệt tối Thứ Bảy. Tùy theo vị trí bị chèn ép sẽ có những dấu chứng hơi khác nhau về mức độ và vị trí: Yếu các cơ co, duỗi ở cánh tay. Cổ tay và ngón tay rũ cụp xuống ( cụp cổ cò). Yếu các cơ khép trong và cơ duỗi. Mất cảm giác ở cánh tay và mu bàn tay phía tổn thương.
* Thái độ người bệnh thế nào? Nếu chỉ liệt tối Thứ Bảy đơn thuần do rượu hay do đè ép cơ học tiến triển thường rất tốt. Nhưng rất cần thận trọng với liệt do những nguyên nhân khác đặc biệt liệt do hội chứng chèn ép “dây thần kinh liên cốt sau” vì liệt loại này khó có khả năng tự phục hồi được. Do đó người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để được khám lâm sàng, làm một số thủ thuật xét nghiệm thăm dò cần thiết như đo điện cơ, chụp MRI cánh tay… và tư vấn cụ thể.
* Những phương pháp chữa trị hiện nay: về nội khoa có thể dùng các thuốc “hướng thần kinh” như vitamin B1, B6, B12, Methyl coban….về ngoại phẫu thuật chuyển gân ( tendon tranfers), nẹp nâng xương, hệ thống kéo dãn đàn hồi, châm cứu… được xử dụng và cho kết quả khả quan.