Trang chủ » Chưa phân loại » SAI PHẠM, SAI SÓT, THIẾU SÓT, TAI BIẾN VÀ RỦI RO

SAI PHẠM, SAI SÓT, THIẾU SÓT, TAI BIẾN VÀ RỦI RO

   SAI PHẠM, SAI SÓT, THIẾU SÓT, TAI BIẾN VÀ RỦI RO

               Trần Bá Thoại

     Hôm nay nhân đọc thông tin trên nhiều nhật báo về vấn đề một số bệnh viện “buộc” bệnh nhân hoặc thân nhân ký giấy CAM KẾT PHẪU THUẬT với nội dung chính là “không kiện cáo khi có tai biến”…và sau đó có đưa ý kiến cho rằng làm giấy cam kết là cách phía y tế “né tránh trách nhiệm”. Còn nhớ cách đây không lâu, cũng trên báo Tuổi trẻ đăng một tin của nhà báo Thùy Dương với cái “tít” rất căng “Đi mổ u nang, bị cắt buồng trứng”, với cái đề bài như vậy ai cũng hiểu nó đồng nghĩa việc kết tội các phẫu thuật viên đã cắt nhầm. Thật sự đây là một trường hợp khối u nang đã ăn vào toàn bộ buồng trứng bên phải của bệnh nhân. Chính Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản quốc tế Sài Gòn thừa nhận là có thiếu sót là “tiền trảm hậu tấu” !!!!! Nhưng cũng xin thưa rằng việc phát hiện khối u nang có xu hướng “ung thư hóa” này xảy ra trong phòng mổ; chẳng lẽ đóng bụng lại chờ bệnh nhân “hết thuốc mê” rồi hỏi ý kiến hay ngưng cuộc phẫu thuật để xin ý kiến thân nhân.

   Điều muốn bàn ở đây là vấn đề từ ngữ. Rõ ràng bác sĩ, phẫu thuật viên phải chịu trách nhiệm về những sai phạm, sai sót và thiếu sót của mình cả do khách quan lẫn do chủ quan. Nhưng cũng nên công bằng và có lòng bao dung với những tai biến, rủi ro ngoài ý muốn của phẫu thuật viên và bác sĩ điều trị….Tôi làm việc cũng lâu năm trong nghề y, xin viết lại lời các vị Thầy cao niên dạy chúng tôi lúc mới tập tễnh vào học năm thứ nhất Y khoa: “Trong nghề y chẳng có cái gì là luôn luôn và cũng chẳng có cái gì là không thể xảy ra cả” (ni jamais ni toujours). Có những bệnh nhân hôm nay còn khá khỏe mạnh, sáng mai đã bị tai nạn, tai biến… lại có những tình huống tưởng chết trăm phần nhưng lại “sống nhăn”…

   Mong những người ngoài ngành thông hiểu và đồng cảm với ngành y: khó khăn nhiều và bất trắc cũng lắm!!!  

Thứ Ba, 02/02/2010, 05:20 (GMT+7)

BỊ TAI BIẾN KHÔNG ĐƯỢC KHIẾU NẠI!

TT – Một số bệnh viện đã buộc bệnh nhân phải ký cam kết như thế trước khi được bác sĩ thực hiện phẫu thuật, thủ thuật, gây mê hồi sức.

Bộ Y tế có quy định các loại mẫu hồ sơ bệnh án cần thiết sử dụng trong bệnh viện (quyết định 4069-2001/QĐ-BYT), trong đó mẫu MS:03/BV-01 là mẫu “giấy cam đoan chấp thuận phẫu thuật, thủ thuật và gây mê hồi sức”. Theo mẫu này, bệnh nhân hoặc thân nhân người bệnh cam kết: “Sau khi nghe bác sĩ… là… cho biết tình trạng bệnh của bệnh nhân…, những nguy hiểm của bệnh nếu không thực hiện phẫu thuật và những rủi ro có thể xảy ra do bệnh lý, do tiến hành phẫu thuật, tôi tự nguyện cam đoan đồng ý (hoặc không đồng ý) xin phẫu thuật và để giấy này làm bằng”.

Tuy nhiên, không phải bệnh viện nào cũng thực hiện đúng mẫu giấy cam đoan này.

Điều khoản ngặt nghèo!

Ông P.V.B. là một cán bộ hưu trí ở TP.HCM, có thẻ bảo hiểm y tế và đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM). Vừa qua, ông bị bệnh phải vào viện điều trị và được bác sĩ chỉ định mổ nội soi. Sau buổi gặp gỡ giữa bác sĩ và các thành viên trong gia đình, bác sĩ đã đưa cho ông P.V.B. bản “cam kết phẫu thuật”. Đọc xong ông  cảm thấy bị sốc do điều khoản cam kết quá ngặt nghèo.

Theo bản “cam kết phẫu thuật” do Bệnh viện Thống Nhất biên soạn, bác sĩ điều trị cam kết rằng: “Tôi đã giới thiệu những thông tin liên quan đến cuộc phẫu thuật cho người bệnh, đặc biệt về chẩn đoán bệnh, chỉ định phẫu thuật, phương pháp vô cảm, phương pháp phẫu thuật dự kiến. Tôi đã thông báo mức độ thành công của cuộc phẫu thuật, những tình huống và nguy cơ có thể xảy ra trong và sau mổ, biến chứng sau phẫu thuật cho người bệnh. Tôi cam kết phục vụ người bệnh bằng lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc cùng với tất cả sự hiểu biết về chuyên môn và phương tiện hiện có của bệnh viện”.

Về phía bệnh nhân hoặc thân nhân lời cam kết như sau: “Tôi đã được bác sĩ giải thích mọi chi tiết cho cuộc phẫu thuật, những nguy cơ và những thay đổi ngoài dự kiến có thể xảy ra trong phẫu thuật, mức độ thành công, tôi đã hiểu được lý do phẫu thuật và đồng ý để các bác sĩ phẫu thuật cho người bệnh. Tôi đã đọc bản cam kết với tinh thần hoàn toàn minh mẫn và hiểu biết. Tôi thật sự thông suốt tất cả các vấn đề mà bác sĩ đã giải thích về tiến trình phẫu thuật. Tôi cam kết sẽ không khiếu nại gì về phía bác sĩ và bệnh viện nếu có tai biến xảy ra. Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm với quyết định đồng ý cho bác sĩ phẫu thuật cho người bệnh”.

Cả nhà ông P.V.B. đã không đồng ý ký bản cam kết này. Ông B. cho rằng bệnh viện đưa thêm điều kiện “cam kết sẽ không khiếu nại gì về phía bác sĩ và bệnh viện nếu có tai biến xảy ra” là trái với y đức, có tính bức bách bệnh nhân và gia đình họ trong giờ phút đối diện với cái chết.

Ông đề xuất bác sĩ điều trị và bác sĩ trưởng khoa bỏ điều kiện này thì được trả lời là “không có quyền mổ nếu bản cam kết không đúng yêu cầu của bệnh viện”. Theo ông B., một vị trong ban giám đốc bệnh viện cũng trả lời ông là không thể giải quyết thay đổi điều kiện và nội dung của bản cam kết đó.

Ở đâu cũng vậy!

Vì sao bệnh viện lại buộc bệnh nhân phải cam kết không được khiếu nại nếu có tai biến xảy ra? Ông Đỗ Kim Quế – phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất – nói: “Đây là quy định chung, ở đâu cũng vậy. Quy định của bệnh viện đã có từ rất lâu. Mẫu cam kết phẫu thuật này do một lãnh đạo cũ của bệnh viện biên soạn”. Ông Đỗ Kim Quế còn khẳng định và kể tên một số bệnh viện khác cũng yêu cầu bệnh nhân phải cam kết tương tự.

Phó giám đốc một bệnh viện chuyên khoa ở TP.HCM cho biết mẫu cam kết của Bộ Y tế là đầy đủ, chặt chẽ và hợp lý. Tuy nhiên, một số bệnh viện không thực hiện theo mẫu này và thường bổ sung câu “cam kết nếu có tai biến xảy ra thì không được khiếu nại”. Ở bệnh viện ông cũng vậy, dù nhiều bác sĩ đều thấy yêu cầu cam kết như vậy là vô lý, là “ép” bệnh nhân vào thế bí vì trong tình huống sức khỏe ngặt nghèo ai cũng phải ký cam kết và không dám có ý kiến.

Bác sĩ ngoại khoa của một bệnh viện lớn khác còn khẳng định do phần lớn bệnh nhân đọc cam kết rồi chậc lưỡi cho qua, còn bệnh viện chưa thấy ai khiếu nại gì nên vẫn tiếp tục đẩy trách nhiệm về phía người bệnh. Với cam kết này, bệnh viện luôn “cầm chắc” người nhà bệnh nhân sẽ không dám khiếu nại. Như thế, tai biến cho người bệnh là do bệnh lý hay sai sót chuyên môn kỹ thuật sẽ không được rút kinh nghiệm nghiêm túc, xem xét thấu đáo để thầy thuốc có bài học thực tế trong nghề nghiệp của mình.

Không thể né trách nhiệm

Theo luật sư Lê Đình Phạt (Đoàn luật sư TP.HCM), không có quy định nào buộc bệnh nhân hoặc thân nhân không được quyền khiếu nại khi có rủi ro hay tai biến xảy ra sau khi phẫu thuật, thủ thuật. Các bệnh viện yêu cầu cam kết như vậy là để né tránh trách nhiệm của mình, tuy nhiên việc làm nói trên chỉ có giá trị về mặt tâm lý với chính bệnh nhân hoặc thân nhân đã ký cam kết đó, làm họ nghĩ rằng không thể khiếu nại được.

Luật sư Lê Đình Phạt nói nếu bị tai biến do sai phạm, vi phạm nghiệp vụ chuyên môn của bác sĩ, y tá… trong quá trình phẫu thuật thì bệnh nhân và thân nhân vẫn có quyền khởi kiện để yêu cầu bệnh viện bồi thường thiệt hại, theo Bộ luật dân sự.

LÊ THANH HÀ