Trang chủ » BÀN LUẬN » RỐI LOẠN CƯƠNG DƯƠNG: HƠN 1/3 NAM GIỚI MẮC PHẢI, HƠN 1/2 QUÝ ÔNG CÓ LẦN TRẢI QUA !

RỐI LOẠN CƯƠNG DƯƠNG: HƠN 1/3 NAM GIỚI MẮC PHẢI, HƠN 1/2 QUÝ ÔNG CÓ LẦN TRẢI QUA !

    I. LỜI MỞ

   Rối loạn cương dương, “bất lực”, là tình trạng bệnh lý của quá trình cương cứng dương vật. Bệnh có thể xảy ra đột xuất hoặc thường xuyên.

  Tấn suất rối loạn cương dương nhiều nước trên thế giới cho thấy, trung  bình 1/3 nam giới mắc phải và hơn 50 % quý ông trải qua chứng bệnh “khó nói” này.  May mắn là chúng ta còn có nhiều cách để khắc phục.

         

    Bài viết cung cấp những thông tin y học cơ bản về chứng bệnh “nhạy cảm” này.

    II. TỔNG QUAN

   1. ĐỊNH DANH

  Rối loạn cương dương (erectile dysfunction, erectile disorder, ED), còn gọi là liệt dương (impotence)  là rối loạn chức năng tình dục ở nam giới, trong đó dương vật không cương cứng lên được hoặc không đủ cương cứng để thực hiện quá trình giao hợp.

    Có 2 loại rối loạn cương dương: 

   * Rối loạn cương dương nguyên phát: là bệnh nhân chưa từng đạt được hoặc duy trì sự cương cứng dương vật.

    * Rối loạn cương dương thứ phát: là dương vật bệnh nhân cương cứng bình thường, nhưng một thời điểm nào đó lại không đạt được độ cứng mong muốn.

    2. DẤU HIÊU

    Bốn dấu hiệu chính của rối loạn cương dương gồm:

    * Giảm, mất  ham muốn tình dục (libido). Dương vật mềm không đáp ứng nhu cầu sinh lý bình thường của bạn tình.

   * Vẫn có ham muốn, nhưng khi tiếp xúc với bạn tình dù có kích thích nhưng dương vật không thể cương cứng được.

   * Dương vật cương cứng thất thường không theo nhu cầu của bạn nam.

   * Dương vật có cương cứng nhưng không đáp ứng đủ thời gian để quan hệ tình dục. Thậm chí, có trường hợp mới đưa dương vật vào cửa mình phụ nữ thì mềm nhũn ra, hưng phấn biến mất.

    3. DƯƠNG VẬT CƯƠNG CỨNG THẾ NÀO ?

     Khi ham muốn tình dục bị kích thích qua thị giác, xúc giác, khứu giác, thính giác….xung động được truyền về não bộ, tại đây sẽ phát tín hiệu đến trung tâm gây cương ở tuỷ sống, sau đó, các tín hiệu được gửi tiếp đến mô cương nằm trong hai thể hang qua các sợi thần kinh thể hang. Những tín hiệu này sẽ điều khiến các động mạch cung cấp máu cho dương vật giãn rộng tăng lượng máu vào các xoang máu trong thể hang. Đồng thời, các tĩnh mạch đi kèm lại bị chèn ép, máu đi vào các xoang thể hang bị giữ lại và dương vật sẽ cương cứng lên.

                           

     Sau khi con người đạt được cực khoái và xuất tinh, hệ thần kinh giao cảm được kích thích, các động mạch co lại các tĩnh giãn ra, máu trong các thể hang thoát ra dần, dương vật bớt cương cứng và từ từ xìu xuống.

    4. NGUYÊN NHÂN

  Rối loạn cương dương thứ phát thường liên quan đến rối loạn của các nhóm yếu tố: mạch máu, thần kinh, tâm lý, hormone và thuốc sử dụng. Rối loạn cương dương nguyên phát tỉ lệ thấp, do bất thường cơ thể bẩm sinh.

             

    Các nguyên nhân thực thể gây rối loạn cương dương gồm:

  * Các bệnh lý hạn chế dòng máu đến dương vật như: bệnh tim mạch, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì…Phổ biến nhất là xơ vữa động mạch thể hang, do hút thuốc lá và đái tháo đường.

  * Các bệnh lý làm giảm sự dẫn truyền thần kinh từ hệ thần kinh trung ương đến dương vật như: bệnh xơ cứng rải rác, Parkinson, bệnh lý ở tủy sống, các bệnh thần kinh ngoại biên, thần kinh tự động.

   * Các rối loạn nội tiết: giảm testosterone máu (mãn dục nam), tăng prolactin, suy giáp…

  * Biến chứng của các phẫu thuật vùng chậu như ung thư tuyến tiền liệt, cắt bỏ bàng quang triệt để; phẫu thuật ung thư trực tràng…

   * Chấn thương: sọ não, tủy sống, xương chậu…

   * Phản ứng phụ của một số thuốc điều trị như huyết áp, lợi tiểu, chống loạn nhịp, chống trầm cảm, an thần…

    * Stress, trầm cảm….

    * Chèn nén, tác động vùng chậu kéo dài, như đạp xe quá nhiều

     4. ĐIỀU TRỊ

      * Điều trị các nguyên nhân cơ bản như thay đổi lối sống, bỏ hút thuốc lá. giảm rượu bia… và các bệnh lý kèm như trầm cảm. đái tháo đường, béo phì, tim mạch 

      * Phương pháp không xâm lấn như dùng Vòng đai co thắt (cho người không duy trì được cương cứng đủ lâu) hoặc dùng Thiết bị hút chân không để kéo máu vào thể hang dương vật rồi đặt vòng đai co thắt tại gốc dương vật để duy trì sự cương cứng. .

     * Điều trị bằng thuốc,

              + Thường dùng thuốc ức chế phosphodiesterase đường uống (Viadra, Levitra…). Các thuốc này kiểm soát sự giãn cơ trơn khiến máu khó thoát ra khỏi thể hang giúp sự cương cứng lâu hơn. Hiệu quả  từ 60 – 80%.   

                 

              + Prostaglandin E1 tiêm nội hang hoặc đặt niệu đạo (Alprostadil), tự sử dụng bằng tiêm vào thể hang dương vật hoặc đặt niệu đạo, có thể cương cứng với thời gian trung bình là 30’ đến 1 tiếng. 

       * Nếu các phương pháp điều trị khác thất bại, có thể xem xét chỉ định phẫu thuật thay vật hang nhân tạo.

    5. PHÒNG NGỪA

        * Ăn uống điều độ, sinh hoạt lành mạnh, không lạm dụng phim ảnh khiêu dâm kích dục.

        * Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng thức uống có cồn.

        * Duy trì sức khỏe bằng hoạt động thể chất, thể dục, thể thao.

        * Lạc quan, hạn chế buồn phiền lo âu.

        * Tìm kiếm sự đồng cảm từ bạn tình.

         * Khám, tư vấn khi có nghi vấn để có biện pháp can thiệp kịp thời.

     III. ĐÔI LỜI BÀN LUẬN

   Rối loạn cương dương là bệnh lý nam giới có từ đời xưa và đang ngày càng phổ biến trong đời sống phát triển hiện đại. Cũng như thế giới, tại Việt Nam, tình trạng rối loạn cương dương ngày càng phổ biến và ngày càng có xu hướng trẻ hóa, nam giới ở độ tuổi 18-20 cũng có nguy cơ mắc bệnh, và xu hướng gia tăng.  

  Dù không là bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng, nhưng rối loạn cương dương ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống cũng như bản lĩnh, niềm tự tin của cánh đàn ông. Do đó, cần được lưu tâm xử lý đúng mức.

  Vì rối loạn cương dương có nhiều yếu tố phối hợp như tim mạch, nội tiết-chuyển hóa, thần kinh, tâm thần, cho nên điều chỉnh lối sống và điều trị những bệnh nền là rất quan trọng để ngăn ngừa và điều trị .

   IV. THAM KHẢO

[1] Erectile Dysfunction

https://www.clevelandclinicmeded.com/medicalpubs/diseasemanagement/endocrinology/erectile-dysfunction/

[2] Erectile Dysfunction

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/erectile-dysfunction/symptoms-causes/syc-20355776#:~:text=Erectile%20dysfunction%2C%20also%20known%20as,that%20you%20are%20not%20alone.

[3] Erectile Dysfunction

https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/erectile-dysfunction

[4] Erectile Dysfunction

https://www.nhs.uk/conditions/erection-problems-erectile-dysfunction/

[5] What’s to know about erectile dysfunction?

https://www.medicalnewstoday.com/articles/5702

[6] Erectile Dysfunction Common? Stats, Causes, and Treatment

https://www.healthline.com/health/how-common-is-ed

[7]The global prevalence of erectile dysfunction: a review

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31267639/

[8] Prevalence and Risk Factors for Erectile Dysfunction in the US

https://www.amjmed.com/article/S0002-9343(06)00689-9/fulltext

[9] Overview of ED Prevalence in the UK

Erectile Dysfunction Statistics, Facts & Figures in the UK in 2021

[10] Mayo Clinic Explains Erectile Dysfunction

 [11] Erectile Dysfunction Causes and Treatments 

         TS.BS Trần Bá Thoại

   Uỷ viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM