Trang chủ » Chưa phân loại » QUẢN LÝ DƯỢC VÀ THỰC PHẨM

QUẢN LÝ DƯỢC VÀ THỰC PHẨM

QUẢN LÝ THUỐC & THỰC PHẨM:

                 TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ NƯỚC!

                               Trần Bá Thoại

     An toàn thực phẩm mấy năm qua luôn luôn ở mức báo động: thực phẩm giả, thiếu phẩm chất, không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, nhiễm độc chất, cho phụ gia nhiều, chứa chất bảo quản độc hại, quá “đát” vẫn tuồn ra xử dụng…. Trong lãnh vực khám&chữa bệnh, rải rác những vi phạm y tế xảy ra nhiều nơi, có những trường hợp nghiêm trọng gây chết người, đặc biệt mấy ngày vừa qua nổi cộm lên việc quá nhiều phòng khám đông y Trung Quốc trên toàn quốc sai phạm: chuyên môn, y đức….bị người dân, báo chí phanh phui và thanh tra y tế vào cuộc xác nhận.

      Thuốc chữa bệnh và thực phẩm là hai vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏevà tính mạng người dân, không chỉ hiện tại trước mắt mà còn những di hại về lâu về dài.  Do đó, hiện nay ở nhiều quốc gia trên thế giới, có thành lập những cơ quan chuyên trách về an toàn dược phẩm và thực phẩm. WHO có Trung tâm giám sát Uppsala; EU có Cơ quan dược Châu Âu (EMEA); Hoa Kỳ có Cơ quan quản lý dược và thực phẩm (FDA), Trung Quốc có Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Trung Quốc (SFDA)…và Việt Nam ta có Cục Quản lý Dược. Nhiệm vụ của các cơ quan này là giám sát việc sử dụng thuốc cả trước lẫn sau khi  đã cho lưu hành trên thị trường. 

     Nhìn lại nước ta hiện nay: Dù cũng có Cục Quản lý dược, Cục Quản lý khám&Chữa bệnh, Cục Vệ sinh&An toàn thực phẩm…nhưng nói chung đều hoạt động yếu kém, lỏng lẽo và bất cập… Việc không xử lý kịp thời các sai sót của phòng khám Tây y, việc dung túng cho hành vi bất hảo của các phòng khám đông y Trung Quốc đã quá lâu, phạm vi quá “rộng” và xảy ra quá nhiều nơi. Việc chỉ kiểm tra khi báo, đài, dân chúng lên tiếng râm ran…cho thấy nhà chức trách đã “tắc trách”, không chu toàn nhiệm vụ của mình.

      Phải chỉ rõ ra rằng, tất cả những bất cập và tha hóa trong ngành y nước ta lâu nay là do sai lầm ở quản lý vĩ mô của ngành y tế, chứ không phải chỉ sai sót nhỏ ở góc độ vi mô của cá nhân, cơ sở hành nghề và lại càng không phải trách nhiệm của người dân đen.

      Dân chúng thật sự chỉ là người tiêu dùng, họ phải được quyền và có quyền yên tâm mua những thứ đã được “cho lưu hành”, vì họ đã đóng thuế để nhà nước trả lương cho các viên chức nhà nước chịu trách nhiệm thay mặt họ “kiểm tra an toàn hợp lý dược phẩm và thực phẩm”, nhà chức trách không thể đơn giản nghĩ rằng: lên phương tiện truyền thông hướng dẫn cách không mua nhầm “đồ dỏm”, cách nhận ra thực phẩm quá hạn, thuốc cấm lưu hành…là coi như xong “bổn phận”, là tròn “trách nhiệm” được giao.