Trang chủ » Chưa phân loại » PHẢN BIỆN, PHẢN ĐỐI..PHẢN ĐỘNG (tiếp theo)

PHẢN BIỆN, PHẢN ĐỐI..PHẢN ĐỘNG (tiếp theo)

HÔN NHÂN CẬN HUYẾT

      & ĐỀ ÁN KHÔNG CÓ PHẢN BIỆN

    Từ hôn nhân cận huyết

    Những người có bà con, họ hàng gần kết hôn với nhau gọi là “hôn nhân cận huyết”. Y học đã chứng minh rõ ràng rằng những cuộc hôn nhân cận huyết như thế này sẽ cho ra đời những đứa con dị dạng hoặc có những bệnh di truyền như: loạn sắc, mù màu, bạch tạng, da vảy cá….Người ta cũng ghi nhận ở những nhóm thổ dân, người thiểu số…vì thường không có nhiều cơ hội để giao tiếp rộng, nên ít khi được kết hôn rông rãi mà chỉ quanh quẩn “cưới” nhau trong cộng đồng bó hẹp của mình và việc hôn nhân cận huyết cũng đã xảy ra. Thống kê y học cho thấy ở những nhóm người này tỷ lệ mắc bệnh di truyền, bẩm sinh rất cao.

   Vì sao hôn nhân cận huyết dễ gây bệnh di truyền bẩm sinh? Câu trả lời đơn giản: con người có khoảng 500 đến 600 nghìn gene, các gene lặn tuy chưa gây bệnh, nhưng vẫn tồn tại, được di truyền từ đời này sang đời khác và hôn nhân cận huyết là cơ hội để các gene lặn bệnh lý này tổ hợp lại và gây bệnh.

   * Một minh chứng rõ ràng và kinh điển về tác hại của hôn nhân cận huyết là sự diệt vong của vương triều dòng họ Habsburg. Dòng họ này cai trị nhiều thế kỷ một vùng đất rộng lớn ở châu Âu, bao gồm vùng Bohemia, Áo, Hungary và Tây Ban Nha. Do sợ quyền lực của mình rơi vào tay các dòng họ khác; triều đại Habsburg ra quy định các thành viên trong hoàng gia chỉ được kết hôn với người trong họ với nhau, hôn nhân cận huyết. Than ôi, cũng chính kiểu hôn nhân cận huyết này để lại hậu quả khốc liệt về sau; đến đời cuối cùng của dòng họ này, vua Charles Đệ nhị, chính là đỉnh điểm hậu quả của kiểu hôn nhân tai hại này. Vua Charles Đệ nhị thấp bé, ốm yếu, còi cọc và mắc nhiều bệnh tật: đến 4 tuổi mới biết nói, đến 8 tuổi mới biết đi, nhà vua không thể có con cái, đau ốm liên miên và chết khi mới có 39 tuổi. Thống kê cho thấy trong khi tỷ lệ sống sót của trẻ sơ sinh của Tây Ban Nha thời đó là hơn 80% thì dòng họ “vua chúa” Habsburg này chỉ đạt 60% và một nửa số trẻ sinh ra sẽ chết trước 10 tuổi.

   * Trong cuốn sách Trăm năm cô đơn của mình, nhà văn nổi tiếng người Colombia Gabriel Garcia Marquez đã “hư cấu” rất khoa học hậu quả của hôn nhân “cận huyết”. Dòng họ Accadio đã “loạn luân” với nhau, những đứa trẻ ra đời càng về sau càng suy thoái đến độ bị “mọc đuôi” như loài heo lợn.

 * Hiện nay ở nước ta, trong cộng đồng một số nhóm sắc tộc thiểu số cả phía Bắc, phía tây Quảng Bình và trên Tây Nguyên vẫn còn nhiều nhóm sắc tộc thiểu số: Rục (sắc tộc Chứt), Dao, Lô Lô, Khơ Mú, Xinh Mun, Pu Péo,Cờ Lao, La Hủ, Si La… vẫn tồn tại hiện tượng hôn nhân cận huyết. Trong một số nhóm thiểu số này lại có thêm 2 hủ tục nguy hại là “nối nòi” và “tảo hôn”. Nối nòi tức là khi người vợ hoặc người chồng bị chết, gia đình và dòng họ người bị chết phải có nhiệm vụ tìm người để thay thế. Theo hủ tục nối nòi này, người vợ có quyền lấy anh, em, chú, bác, cậu ..khi chồng mất và ngược lại chồng có quyền lấy cô, dì, bác, chị, em…khi vợ mất.   

  * Trong xây dựng, người ta nhận thấy đống đá sỏi có cùng kích cở bao giờ cũng chiếm nhiều thể tích, nhiều khe hở và có nhiều khoảng trống nhất.

  * Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, USA (United States of America), là một tập hợp đa sắc tộc nhiều châu lục họp lại, do đó nước Mỹ quy tụ được nhiều nền văn hóa khác nhau và đương nhiên tập trung được những nhà khoa học ưu tú, những nhân tố tích cực giúp xã hội Hoa Kỳ tiến bộ và văn minh nhất trên thế giới.Hằng năm rất nhiều công trình khoa học giá trị, nhiều giải thưởng Nobel vào tay các các nhà nghiên cứu khoa học của quốc gia này.

   Đến những đề án không cần phản biện

  Tôi thường ví các kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi”, “mẹ hát con khen”, “mèo khen mèo dài đuôi”…vô hình dung cũng là một kiểu hôn nhân cận huyết không hơn không kém. Thiết nghĩ rằng một xã hội với vô số những đề án, đường lối, chính sách do một nhóm người tự đưa ra và tự chấp nhận, tự cổ vũ, tự khen ngợi… kiểu “cận huyết” như thế, thì chắc chắn sẽ mắc nhiều lỗi và có nhiều sai lầm. Các cụ ngày xưa rất có lý khi đã răn dạy: “Có kẻ thù thông minh hơn là có bạn ngu dốt”. Mà với một đất nước, một dân tộc thì đường lối, chính sách là bậc vĩ mô, “sai một ly sẽ đi cả dặm”.

    Mong rằng cấp lãnh đạo, giới chức sắc cần nghiêm túc và thật lòng khi thăm dò ý dân, hòa nhã nghiêm túc khi nghe dân phản biện.