PHẢN BIỆN,
PHẢN ĐỐI, PHẢN KHÁNG VÀ PHẢN ĐỘNG!
Trần Bá Thoại
Sáng nay vào Bauxite Việt Nam, đọc bài “Từ miếng võ bẩn, xin có đôi điều tản mạn về chuyện phản biện”, xin góp thêm đôi điều về phản biện.
Theo ý nghĩa rất đúng đắn và tốt đẹp, phản biện là một công cụ, một “vũ khí”, một trách nhiệm…của người trí thức để tiếp cận chân lý ngõ hầu giải quyết được những bức xúc, tồn tại của xã hội. Do đó, muốn phản biện tốt, người phản biện ngoài cái “ ắt có” là một tầm hiểu biết, kiến thức, kinh nghiệm.. về vấn đề đang bàn luận mà còn phải “cần đủ” là cái tâm tôn trọng sự thật, dân chủ và công khai.
Ở Việt Nam chúng ta, đặc biệt trong giới “chức sắc”, hình như có thói quen không thích nghe phản biện -“ trực ngôn, nghịch nhĩ ”, “mèo khen mèo dài đuôi”, “mẹ hát con khen”… Và vì quen được khen nịnh, tung hê, tâng bốc.. cho nên khi đưa ra một đề án, công trình nào đó, các vị “phụ mẫu chi dân” này cũng “khư khư” tự cho mình là đã có quy hoạch, tính toán (không biết đúng sai)….và cứ ai phản biện thì đầu tiên là phản kháng, chống đối lại….và nếu bị “bí nước” thì sẵn sàng chụp cho cái mũ quá nguy hiểm là “phản động”:…nào là không thấy con đường phát triển, đi ngược trào lưu tiến bộ và cuối cùng là “đi ngược lại lợi ích đất nước, nhân dân”… là đương nhiên phần thắng thuộc về các quan chức.
Phó Thủ Tướng, Bộ Trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Luận án Tiến sĩ phải có “cái mới”, nhưng không cho định nghĩa cái mới là thế nào. GS.TS Nguyễn Văn Tuấn (Viện Garvan, Australia) đã phân tích rất hay về cái mới: Cái mới trong nghiên cứu khoa học là sự liên kết giữa ý tưởng và phương pháp, hay là một cách hệ thống dữ liệu để xây dựng nên những giả thuyết, suy luận và kết luận. GS Tuấn cũng đưa ra 4 trường hợp: (1) Dữ liệu mới + ý tưởng mới hay cách diễn giải mới, (2) Dữ liệu mới + ý tưởng cũ, (3) Dữ liệu cũ + ý tưởng mới hay cách diễn giải mới và (4) Dữ liệu cũ + ý tưởng cũ. Như vậy chỉ trường hợp (4) là không mới.
Gần đây hai vấn đề “quốc kế dân sinh” là thủy điện và điện hạt nhân được đặt lên “bàn mổ”. Theo tôi có hai vấn đề lớn cần phản biện một là Thủy điện có làm lũ chồng lên lũ không? và hai là Điện hạt nhân chi phí đầu tư quá tốn kém hay nguy cơ rò rỉ, tai nạn phóng xạ? Rất tiếc là vừa qua những ý kiến phản biện cực kỳ chí lý của các nhà khoa học đầu ngành, có uy tín, những chuyên gia tầm cỡ “quốc tế” chưa được lắng nghe và phản hồi. Thật ra cũng có những trò phản biện “a dua”, dân chủ “bịp” chẳng còn lừa được ai.