Trang chủ » Chưa phân loại » NỖI ĐAU TOÀN CẦU HOÁ

NỖI ĐAU TOÀN CẦU HOÁ

NỖI ĐAU TOÀN CẦU HOÁ

 Hiệu Minh

 Cách đây 800 năm, vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn tung bay trên cát thảo nguyên Mongolia và chinh phục tất cả các bộ lạc trong vùng Trung Á bao gồm một phần của Trung Quốc vì họ thường xuyên xung đột với nhau, cướp phá và giết người man rợ. Quốc gia Mongolia hùng mạnh được lập nên bởi sự thần phục của nước nhỏ chư hầu.

 Người hùng vĩ đại đó đã chinh phục cả Trung Quốc, tràn sang nước Nhật, xuống phương Nam, đưa quân sang thành Baghdad và san phẳng thành phố này. Rồi những kỵ sỹ có thể ngồi trên lưng ngựa, vừa phi nước đại vừa bắn, bách phát bách trúng, giúp cho Thành Cát Tư Hãn thống trị thế giới.

 Họ không hề biết đã tham gia vào công cuộc “toàn cầu hóa” version 1.0, trong đó những công dân chỉ “thuộc” về nước Mongolia.

 Người Mongolia tự hào về Thành Cát Tư Hãn. Tên “Khan” được gắn cho những gì đẹp đẽ và huy hoàng nhất. Người Việt ta có tôn vị vua này là thánh sống không? Chắc là không. Người Trung Quốc cũng thế. Người Trung Đông hay châu Âu ghê sợ lính Mongolia man rợ.

 Vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên có đế quốc La Mã (Imperium Romanum) có vùng đất rộng lớn bao quanh quanh Địa Trung Hải ngày nay. Chiến binh La Mã cũng tàn bạo không kém. Vó ngựa và kiếm của họ đã làm bao đầu rơi máu chảy ở khắp châu Âu và châu Phi.

 Người Italia có tự hào về Augustus hay Ceasar không? Chắc là có vì họ từng làm bá chủ một châu lục. Nhưng kẻ bị thần phục có ca ngợi Ceasar? Hoàn toàn không. Vì Ceasar là kẻ giết người.

 Cách đây gần thế kỷ có người Đức tự cho mình là thượng đẳng, người Nhật tự phong mình là anh cả da vàng, để rồi gây ra chiến tranh thế giới thứ 2, nhằm chiếm ngôi bá chủ hoàn cầu.

 Hàng trăm triệu người chết vì ý muốn áp đặt thứ văn minh thượng đẳng hay anh cả lên các dân tộc khác.

 Những miền đất có xích xe tăng của Đức nghiến nát, kiếm Samuraj của Nhật chặt đầu người ngọt xớt trong suốt thế chiến có mang ơn người chiếm đóng hay không?

 Trong trường hợp này, không những kẻ bị chiếm đóng căm thù, mà chính những kẻ đi gây tội ác cũng tự thấy nhục nhã, vì những ý tưởng điên rồ.

 Từ ngàn năm, những cuộc chinh phạt đẫm máu của phương Bắc xuống phương Nam trong đó có Việt Nam, gây ra biết bao cảnh đầu rơi, chia li và tan nát.

 Trong cuộc chiến tranh Mỹ-Việt có tất cả các ông lớn tham gia. Chính họ (Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô) ép hai phía Việt nam phải chia đôi đất nước. Rồi các vị này ngồi chơi ván cờ “chiến tranh lạnh”, “hiệu ứng domino” hay “bành trướng chủ nghĩa cộng sản” mà Việt Nam là con tốt trên bàn cờ đó.

 Có nên hiểu đây là tình quốc tế hữu nghị kiểu XHCN để rồi theo lời khuyên như của một Tiến sỹ viết trên BBC “Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc, chia sẻ nguồn gốc văn hóa và tư tưởng, và nhận được khá nhiều ân huệ từ Trung Quốc trong suốt hơn 20 năm chiến tranh (1950-1975)”.

 Những đế chế từ xa xưa đến bây giờ đều muốn chinh phục các nước nhỏ và bắt họ phải thần phục, thậm chí giết cả một dân tộc để đồng hóa.

 Mỗi thời đại đều có cách chiếm hữu lãnh thổ khác nhau. Thời trung cổ hay phong kiến, ai mạnh có quyền chiếm hữu tất cả.

 Nhưng ngày nay kiểu dùng sức mạnh đã qua rồi. Họ dùng kế toàn cầu hóa ver 2.0 mà các công dân không thuộc về quốc gia nào để cho ông lớn ngồi trên kiếm lời.

 Sự xâm lược được thực hiện văn minh hơn, bởi văn hóa, bởi sức mạnh mềm, bởi hàng hóa chất lượng cao và kể cả tiền cho vay nặng lãi dưới danh nghĩa ODA (vốn vay phát triển).

 Tỉnh táo một chút sẽ nhận ra đó cũng là xích sắt xe tăng, vó ngựa và kiếm samuraj, xâm lược tinh tế. Chả có ai mang món lợi đến vì tình quốc tế cao cả như người cộng sản ấu trĩ vẫn thường hiểu. Quốc gia giỏi là phải biết sống năng động trong bối cảnh đó để phát triển.

 Mối nguy hiểm trong tiến trình này là một thanh niên sống trong thế giới hội nhập hỗn mang, đầy cạm bẫy, lại không biết mình thuộc vào dân tộc nào.

 Sinh ra tại Việt Nam, nói và viết tiếng Việt rất giỏi, được đào tạo bài bản bên Mỹ, do nghiên cứu sử thế giới sâu sắc, một hôm bàng hoàng nhận ra như một tiến sỹ nọ “Người dân Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc, Vua của Việt Nam cũng khởi tổ từ người Trung Quốc, coi vua Trung Quốc như anh như cha… từ Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, hay Lý Công Uẩn, rồi các gia tộc họ Trần, Lê, Nguyễn..”, mà không hiểu rằng đó là do chính sách xâm lược mà ra.

 Rồi bà đặt câu hỏi “Chúng ta đã bao giờ tự hỏi mình xem lịch sử Việt Nam mà chúng ta học có đúng là lịch sử không?”.

 Có người đùa vui, người “giỏi” Sử ta như thế, sau khi tu nghiệp bên Mỹ, sẽ về Việt Nam, đến khoa Sử của Đại học Hà nội để giảng dạy sử cho “chính thống”.

 Sự ngấm dần về “văn hóa và tư tưởng” của lối sống hội nhập đã sinh ra những con người phi dân tộc tính, đứng giữa nga ba đường, không biết mình thuộc về quốc gia nào. Không phải tây, chẳng phải Việt Nam, không phải quê nhà mà cũng chẳng phải tỉnh ta.

 Quay đi thấy Tây hay Mỹ, cần phải coi họ là nước mẹ, vì mình ăn học và đang lĩnh lương nơi đây.

 Nhìn sang nước Trung Hoa vĩ đại đang trỗi dậy, cảm thấy mình quá bé nhỏ và tự nhiên thấy mình như con đẻ của người ta. Sự yếu đuối cũng là điều dễ hiểu.

 Ngắm quê hương chỉ thấy toàn một lũ thanh niên hay đám bloggers điên cuồng theo “chủ nghĩa dân tộc mù quáng đôi khi cũng tai hại không kém gì chủ nghĩa bành trướng đế quốc” như lời tiến sỹ nọ.

 Thật ra hiểu như trên không có gì lạ, cũng không ít người đồng cảm. Đó cũng là một sản phẩm tất yếu của tiến trình các nước hòa nhập, tốt hay xấu, tùy theo từng góc độ.

 Nhưng với một dân tộc sau hàng ngàn năm bị đô hộ, hàng triệu người ngã xuống trong mấy cuộc chiến gần đây, trong bối cảnh sắp đến 35 năm kỷ niệm ngày hết tiếng bom rơi, trong lòng kẻ ở người đi còn bao nỗi ngổn ngang, thì thông điệp của bài báo định gửi gì cho ngày hòa giải dân tộc.

 Kết thúc bài viết, xin trích một phản hồi của một bạn đọc trên BBC “Tinh thần vong bản mới đáng lo sợ. Một công dân không có tinh thần dân tộc thì đó là một công dân tồi”.

 Có lẽ người công dân ấy không thuộc về quốc gia nào và không biết yêu ai, dù hiểu biết đầy người. Có tri thức tầm vóc mà vẫn mù quáng về dân tộc tính mới thật sự tai hại cho nhân loại.

 Hiệu Minh.