Trang chủ » BÀN LUẬN » NHỚ NGỪA TRÁNH ĐỘT QUỴ KHI TRỜI TRỞ LẠNH !

NHỚ NGỪA TRÁNH ĐỘT QUỴ KHI TRỜI TRỞ LẠNH !

    I. LỜI MỞ

   Kết quả nhiều nghiên cứu dài hơi, đa trung tâm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh thường tăng từ 15% đến 30%, nhất là khi thời tiết lạnh đột xuất hay rét đậm, rét hại. Đột quỵ khi  trời trở lạnh dễ xảy hơn với những người có các bệnh kèm, và cũng dễ tái phát hơn ở người  có tiền sử bị đột quỵ,tai biến.

  Mặc dù chúng ta không thể làm gì để thay đổi thời tiết, nhưng bạn có thể cắt giảm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Một vài nghiên cứu kho học nghiêm túc cho thấy, đến 80% trường hợp đột quỵ có thể phòng ngừa [1]; [6].

   II. VÌ SAO ĐỘT QUỴ DỄ XẢY RA KHI TRỜI RÉT LẠNH 

  Nhiệt độ cơ thể, thân nhiệt, của con người luôn ổ định ở mức 37o C nhờ trung khu thần kinh điều hoà ở não bộ khiến sự sinh nhiệt và tiêu nhiệt cân bằng.

   Trong môi trường quá lạnh hoặc quá nóng, những điều chỉnh sinh lý để duy trì thân nhiệt ổn định lại trở thành thách thức đối với những người mắc bệnh tim mạch hoặc có nguy cơ đột quỵ. Cụ thể, trời lanh, nhiệt độ không khí thấp hệ thần kinh trực giao cảm, hệ chiến đấu, có phản xạ tăng tiết các catecholamine như adrenaline và noradrenaline làm co các mạch máu ngoại vi để giữ ấm cơ thể sẽ khiến Nhịp tim tăng lên, Tăng huyết áp, Tim phải làm việc cật lực hơn, Tăng nguy cơ đông máu trong lòng mạch…cuối cùng cơn đột quỵ xảy ra.

   Đối với bệnh nhân có vấn đề về mạch vành, nhiệt độ thấp có thể dẫn tới các đợt thiếu máu cục bộ ở tim do cơ tim bị thiếu O2, gây các cơn đau thắt ngực, cơn đau tim cấp.

    Nhiệt độ môi trường giảm nhanh chóng khiến người suy tim đang ổn định bỗng đột ngột diễn biến xấu, tăng nguy cơ nhập viện và thậm chí tử vong.

    Với những người tăng huyết áp thời tiết thay đổi thất thường có thể làm huyết áp tăng cao hơn, dễ dẫn đến đột quỵ.

  III. CÁCH NGỪA ĐỘT QUỴ KHI TRỜI TRỞ LẠNH

   Người cao tuổi, bệnh tim mạch, bệnh mãn tính cần cảnh giác và phải cócác biện pháp ngừa tránh đột quỵ khá đơn giản và dễ thực hiện sau:

   1. Giữ ấm cơ thể và hạn chế tiếp xúc lạnh

  Sưởi ấm, mặc áo khoác, áo len, găng tay, bí tất, khăn quàng ..đầy đủ để không bị lạnh..

  Tránh ở ngoài trời lâu trong thời tiết lạnh. Nếu phải ra ngoài, bạn cần mặc ấm, nhiều lớp quần áo, che kín vùng đầu và bàn tay, đi tất và mang giày ấm.

         

    2. Không hoạt động quá sức

  Đừng cố gắng vận động, tập thể dục, quá gắng sức trong khí hậu lạnh. Ngay việc đi bộ nhanh hơn bình thường, kết hợp với gió lạnh thổi vào mặt và cơ thể, cũng được đánh giá là gắng sức. Thậm chí, chỉ ngồi yên ở ngoài trời lạnh cũng thúc đẩy bên trong cơ thể chúng ta phải hoạt động nhiều hơn bình thường nhằm giữ cho thân nhiệt được ổn định.

    3. Tránh để quá nóng

    Ngược lại với quá lạnh, quá nóng cũng là một yếu tố nguy cơ. Nhiệt độ cao sẽ làm cho các mạch máu đột ngột giãn ra, có nguy cơ dẫn đến hạ huyết áp.

   Mặc quá nhiều quần áo ấm trước khi hoạt động thể chất có thể khiến cơ thể bị nóng bứcvì không toả nhiệt được.Hoạt động khi  trời lạnh và thấy đổ mồ hôi nhiều là cơ thể đang quá nóng và có sự bất thường. Lúc này, hãy dừng việc đang làm và vào nhà nghỉ ngơi trong nhiệt độ thích hợp.

   4. Không lạm dụng rượu

  Uống rượu trước khi ra ngoài trời lạnh là việc làm nguy hiểm. Rượu làm giãn mạch máu da, khiến chúng ta cảm thấy ấm hơn trong khi nhiều cơ quan trong cơ thể lại bị mất nhiệt.

   5. Duy trì lối sống lành mạnh

   Cũng như nhiều bệnh lý khác, mọi người cần tránh những lối sống không tốt như bỏ hút thuốc lá, không ăn mặn muối, hạn chế đồ ngọt, thực phẩm siêu chế biến, năng tập thể dục hoặc vận động phù hợp, hạn chế xúc động hoặc stress, ăn uống đầy đủ, khoa học…

   6. Tuân thủ hướng dẫn, điều trị các bệnh nền, bệnh kèm

   Đặc biệt, các bệnh nhân cần dự phòng biến chứng tắc mạch não do rung nhĩ cần kiểm soát tốt tần số tim và ngăn cản sự hình thành huyết khối. Do đó, việc uống thuốc dự phòng phải đều đặn, theo đúng chỉ định và được bác sĩ chuyên khoa theo dõi thường xuyên. 

     IV. LỜI BÀN

   Tóm lại, người bị bệnh tim mạch hay có tiền sử đột quỵ phải luôn cảnh giác với biến chứng tắc mạch và nhiệt độ lạnh. Cần có chiến lược dự phòng cục máu đông, nguyên nhân chính gây nguy cơ đột quỵ trong môi trường lạnh.

   Ngoài ra, để tránh các biến chứng chứng đột quỵ, việc chăm sóc sức khỏe, duy trì chế độ dinh dưỡng, lối sống là việc làm rất cần thiết. Người bệnh nên khám sức khoẻ định kỳ và tuân thủ hướng dẫn của bac sĩ điều trị.

  Mặc dù chúng ta không thể làm gì để thay đổi thời tiết, nhưng bạn có thể cắt giảm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Một vài nghiên cứu kho học nghiêm túc cho thấy, đến 80% trường hợp đột quỵ có thể phòng ngừa [1]; [6].

  V. THAM KHẢO

[1] Cold weather increases risk of stroke, but there are steps you can take to protect yourself

https://www.nbcwashington.com/news/local/cold-weather-increases-risk-of-stroke-but-there-are-steps-you-can-take-to-protect-yourself/3495641/

[2] Winter Weather and Stroke Risk

https://uticaparkclinic.com/winter-weather-and-stroke-risk

[3] Precautions you should take to lower risk of brain stroke in winter

https://www.indiatoday.in/health/story/precautions-you-should-take-to-lower-risk-of-brain-stroke-in-winter-2314444-2022-12-28

[4] How to prevent a stroke this winter

https://www.nbcdfw.com/news/health/how-to-prevent-a-stroke-this-winter/3407355/

[5] Winter conditions can make the occurrence of a stroke more probable.

https://www.mclarenhealthplan.org/macombblog/homepage-blog/can-winter-and-freezing-temps-cause-more-strokes-1107

[6] Prevent a stroke this winter

           TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM