I. LỜI MỞ
Theo thống kê, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam, có 6 bệnh về đường hô hấp. Trong đó RSV là một trong những nguyên nhân chính gây nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ dưới 2 tuổi.
Nhiễm virus hợp bào hô hấp (respiratory syncytial virus RSV) là một nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Nhiễm virus RSV này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm tiểu phế quản và suy hô hấp cấp tính, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
II. TẦN SUẤT, ĐƯỜNG LÂY BỆNH
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm có hơn 3,6 triệu ca nhập viện và khoảng 100.000 ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi do RSV. Thống kê y tế cho thấy, có đến 60% trẻ mắc trước 1 tuổi và đến 90% trẻ đã nhiễm RSV khi được 2 tuổi và có nguy cơ tái nhiễm nhiều lần. Nhiễm RSV thường lan rộng vào mùa mưa, khoảng tháng 6 đến tháng 11.
Đường lây của virus hợp bào hô hấp RSV chủ yếu thông qua quá trình tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, dịch nước bọt hoặc từ tay của người mang virus. Thời gian virus RSV có thể tồn tại trong đường hô hấp của cả người bệnh lẫn người mang virus mà không có triệu chứng là trong khoảng 2 tuần. Đối với trường hợp người suy giảm miễn dịch, virus có thể tồn tại trong khoảng thời gian lên tới 6 tuần.
III. TRIỆU CHỨNG NHIỄM RSV
Sau 1-2 ngày nhiễm virus RSV, trẻ thường xuất hiện triệu chứng tương tự cảm cúm như ho, chảy mũi trong và sốt. Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5, bệnh có khả năng diễn biến nặng hơn với các triệu chứng như tắc nghẹt mũi, khó thở, ho nhiều, nôn sau ho, bú kém và quấy khóc. Tuy nhiên, sau ngày thứ 6-7, bệnh bắt đầu thuyên giảm và thường khỏi hoàn toàn trong 2 tuần.
Trong trường hợp nặng, bệnh có thể tiến triển nhanh, cần thở máy hoặc gây tử vong. Một số trẻ có thể phát triển viêm tiểu phế quản, viêm phổi gây suy giảm chức năng hô hấp nặng. Với trẻ bị suyễn, nhiễm RSV có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn.
IV. CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH RSV
Sau khi phát hiện các chứng lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh của trẻ, thầy thuốc dựa vào xét nghiệm để các định chẩn đoán. Các xét nghiệm phổ biến bao gồm:
- Test nhanh tìm kháng nguyên và kiểm tra dịch hầu họng: Có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trên 90%, giúp phát hiện virus RSV một cách hiệu quả;
- Xét nghiệm PCR Có độ đặc hiệu rất cao 98% đồng thời có phát hiện thêm nhiều căn nguyên khác nếu có.
V. ĐIỀU TRỊ NHIỄM RSV
Hiện nay, không có thuốc đặc trị tình trạng nhiễm RSV ở trẻ. Điều trị chủ yếu tập trung vào việc giảm nhẹ các triệu chứng, hỗ trợ hô hấp và điều trị các biến chứng, cụ thể như sau:
- Bù dịch cho trẻ bằng cách cho trẻ uống nước/sữa nhiều hơn để bổ sung phần nước và điện giải đã mất đồng thời giúp làm loãng dịch đờm và làm dịu cơn ho của trẻ. Nếu trẻ không uống được, bác sĩ có thể chỉ định truyền dịch;
- Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp trẻ bị sốt cao;
- Rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch chuyên dụng;
- Sử dụng máy tạo độ ẩm có thể giúp làm dịu đường hô hấp, giúp trẻ thở dễ dàng hơn;
- Cho trẻ bú và ăn uống đầy đủ. Cung cấp đủ các chất dinh dưỡng theo lứa tuổi qua các bữa ăn hàng ngày;
- Điều trị biến chứng nếu có như viêm phổi, viêm phế quản…;
- Nếu tình trạng nặng, bác sĩ có thể chỉ định thở oxy qua ống mũi, CPAP hoặc thở máy.
VI. PHÒNG NGỪA
1. Vệ sinh cá nhân, môi trường
Có thể phòng ngừa nhiễm bệnh hiệu quả thông qua việc áp dụng lối sống vệ sinh, cụ thể như sau:
* Vệ sinh tay sạch sẽ: Sử dụng xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn chuyên dụng để vệ sinh tay sạch sẽ cho trẻ và cả người chăm sóc trẻ, lưu ý các thời điểm trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, hắt hơi hoặc xì mũi;
* Che miệng khi ho và hắt hơi: Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi là việc cần làm đối với trẻ cũng như những người xung quanh sẽ để ngăn ngừa vi khuẩn lây lan;
* Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh: Tránh để trẻ tiếp xúc với những người đang bị cảm lạnh, sốt hoặc có triệu chứng giống cúm. Nếu phải ra ngoài, hãy đảm bảo trẻ đeo khẩu trang chống khuẩn để bảo vệ sức khỏe của trẻ;
* Vệ sinh không gian sống: Thường xuyên lau dọn, khử khuẩn nhà cửa, khu vực vui chơi và các đồ chơi của trẻ để giảm thiểu vi khuẩn tồn tại trong môi trường xung quanh.
2. Vaccine ngừa RSV
Gần đây, nhiều loại vaccine RSV đã được phê duyệt và triển khai tại nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, Châu Âu, Canada và Úc.
Các loại vaccine RSV hiện có
* Arexvy (GSK): Đây là vaccine RSV đầu tiên được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt vào tháng 5 năm 2023 cho người từ 60 tuổi trở lên. Đến tháng 6 năm 2024, FDA mở rộng phê duyệt cho người từ 50 đến 59 tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh RSV. Arexvy cũng đã được phê duyệt tại hơn 40 quốc gia, bao gồm các nước Châu Âu, Nhật Bản và Canada.
* Abrysvo (Pfizer): Ban đầu được FDA phê duyệt vào tháng 5 năm 2023 cho người từ 60 tuổi trở lên, Abrysvo sau đó được mở rộng phê duyệt vào tháng 10 năm 2024 cho người từ 18 đến 59 tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh đường hô hấp dưới do RSV. Ngoài ra, vaccine này cũng được phê duyệt để tiêm cho phụ nữ mang thai từ 32 đến 36 tuần tuổi thai nhằm bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi RSV trong 6 tháng đầu đời.
* Mresvia (Moderna): Đây là vaccine RSV sử dụng công nghệ mRNA, được phê duyệt tại Hoa Kỳ vào tháng 5 năm 2024 và tại Liên minh Châu Âu vào tháng 8 năm 2024. Mresvia được chỉ định cho người từ 60 tuổi trở lên.
Đối tượng nên tiêm vaccine RSV
-
Người lớn tuổi: CDC Hoa Kỳ khuyến nghị tất cả người từ 75 tuổi trở lên nên tiêm vaccine RSV. Đối với người từ 60 đến 74 tuổi có nguy cơ cao (như mắc bệnh tim, phổi mãn tính hoặc sống trong viện dưỡng lão), cũng nên tiêm vaccine này.
-
Phụ nữ mang thai: Việc tiêm vaccine RSV trong tam cá nguyệt thứ ba (tuần 32–36) giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi RSV trong những tháng đầu đời.
-
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Ngoài việc tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh có thể được bảo vệ bằng cách tiêm kháng thể đơn dòng như Beyfortus hoặc Synagis, đặc biệt là những trẻ có nguy cơ cao.
3. Kháng thể đơn dòng (monoclonal antibodies)