Trang chủ » Chưa phân loại » NỐI VÒNG TAY LỚN: KHÁT VỌNG VIỆT NAM !!!

NỐI VÒNG TAY LỚN: KHÁT VỌNG VIỆT NAM !!!

CẦN “NỐI VÒNG TAY LỚN”

Đã 35 năm từ ngày thống nhất đất nước. Chúng ta đã “bình thường hoá” quan hệ với Mỹ, kẻ thù cũ, nhưng chính người Việt với nhau thì “hình như có nói, chưa làm”…

Tại sao chúng ta không hoá giải hận thù, xoá bỏ thành kiến, tị hiềm … cùng nhau “nối vòng” tay lớn, để xây dựng nước… Định hướng xã hội là trách nhiệm của nhà cầm quyền. Có lẽ các ông “nhà nước” hoặc còn “thù  dai”, hoặc quá sợ “diễn biến hoà bình” hay nhiều thứ “tưởng tượng” khác..

 Cũng may, hơn 10 năm gần đây, người Việt Nam  nói chung (quan chức lẫn thường dân) đã thường dùng bài “Nối vòng tay lớn ” trong các liên hoan, hội nghị ..thay cho những bài trước đó. Hy vọng đây là phản ảnh của khát vọng hoà hợp, hoà giải của dân ta. 

Xin giới thiệu các bài viết “cùng tâm trạng” trên mạng….

Trần Bá Thoại  

 CÙNG TRỊNH HOÁ GIẢI HẬN THÙ, HOÀ HỢP DÂN TỘC

Tác giả: Nguyễn Hữu Thái

Bài đã được xuất bản.: 30/04/2010 06:00 GMT+7

Tiếng hát Trịnh Công Sơn đã có tác dụng tạo được một nhịp cầu nối liền những người Việt ở các phía đối nghịch xích lại gần nhau. Một quá trình hóa giải hận thù, hòa hợp đang hình thành và vẫn còn tiếp diễn…

Giờ đây, đã hơn 30 năm qua. Trong phút giây thiêng liêng kỷ niệm 30 năm lịch sử này, sao cứ tưởng như vẫn còn nghe đâu đây tiếng hát của anh: “Trời rộng, bàn tay ta nắm, nối trọn một vòng Việt Nam…”

Vậy mà sự kiện này cũng có không ít người xuyên tạc. Trịnh Công Sơn (TCS) buồn và đắng cay cho cái bi kịch cuộc đời trước những ấu trĩ đó. Anh tâm sự với một người bạn từng hiểu và giúp đỡ tinh thần anh nhiều. Người này khuyên TCS: “Đừng buồn nữa vì dù sao tiếng hát Sơn cũng đã đi vào lịch sử, mà lịch sử thì đâu có chờ đợi ai!”

Tiếng hát hòa hợp dân tộc

Lần đầu tiên tôi nghe những bài hát phản chiến của TCS khi ở tù ra bị đưa thẳng vào quân trường Quang Trung cuối năm 1967. Người bạn học cũ bấy giờ đang sáng tác nhạc, xuất sắc nhất là loạt bài Ca khúc da vàng. “Tôi có người yêu chết trận Pleime. Tôi có người yêu ở chiến khu Đ chết trận Đồng Xoài…”

Những lời ca bi thảm của ca sĩ Khánh Ly trong những đêm quân trường vang lên rờn rợn như từ nhà mồ làm tình cảnh những người như chúng tôi càng thê lương và rã rời hơn.

Cùng học với nhau một năm thì Sơn thi rớt tú tài I và biến đâu mất. Tôi còn giữ tấm hình lưu niệm nhỏ trao đổi nhau khi rời ghế nhà trường năm ấy. Một thanh niên điển trai, khỏe mạnh lạc quan nhìn về tương lai. Khác với hình ảnh hiện nay của Sơn, gầy ốm, tiều tụy.

Nghe nói bấy giờ anh cũng đang trốn lính, sống phiêu bạt. Tôi không ngờ người bạn học thời trung học nay lại sáng tác được những lời ca xúc động lòng người đến như vậy. Trước khi vào tù, tôi có thoáng nghe mấy bài tình ca của anh, nhưng lại không để ý lắm vì tôi đã từ bỏ những ca khúc yêu đương lãng mạn và tìm về những bài ca gây sự phấn khích đấu tranh.

Trong những năm chiến tranh, các băng cát xét hàng loạt bài nói về tình yêu, chiến tranh và thân phận con người của TCS đã thực sự có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm miền Nam và có tác dụng gây ý thức chán ghét chiến tranh.

Tôi vẫn nghĩ có lẽ chưa có ai ở miền Nam lại nói lên được thân phận của lớp thanh niên chúng tôi bằng TCS qua những ca khúc ngày càng mang tính chống chiến tranh, chống ngoại xâm. Tôi chưa gặp lại TCS trong những năm này, nhưng vợ tôi khi còn sinh viên lại chơi thân với anh do hoạt động trong phong trào hòa bình và thúc đẩy anh sáng tác ca khúc phản chiến, tổ chức cho anh trình diễn trong tập thể sinh viên. Cuộc chiến đã đẩy chúng tôi mỗi người một ngã, không biết ngày mai sẽ ra sao đây?

Đối với TCS, văn hóa luôn là số 1, cho nên anh chỉ đơn giản là hiện thân của tâm hồn Việt Nam sống sót sau chiến tranh, nhất  định không rời bỏ quê hương và đồng bào mình, không muốn phân biệt đối xử với ai. Anh luôn sáng tác với một tấm lòng mong muốn mọi người nhanh chóng vượt qua khó khăn và những chấn thương chiến tranh, tìm ra được tiếng nói hòa giải lẫn nhau giữa những con người Việt để cùng bảo vệ cái ‘Hồn dân tộc’ vẫn mãi tồn tại sau chiến tranh.

Anh đã xác định thế đứng của mình là không ra đi khi nói: “Trong các bài hát tôi đều kêu gọi hòa bình, thống nhất. Làm sao tôi có thể nghĩ đến chuyện ra đi!”

Và cũng xác định quan niệm đứng trên mãnh đất quê hương để sáng tác: “Nếu tôi ra nước ngoài, tôi không viết được. Không thể trồng một cây Việt Nam trên đất Mỹ hay Pháp được!”

Thật vậy, những ca khúc TCS sáng tác sau chiến tranh đã nói lên thân phận con người sống sót sau chấn thương chiến tranh, tình yêu quê hương và ý hướng hòa giải dân tộc: Em còn nhớ hay em đã quên, Huyền thoại mẹ, Đời gọi em biết bao lần, Chiều trên quê hương tôi, Em ở nông trường em ra biên giới, Chiếc lá thu phai, và cả Nhớ mùa thu Hà Nội, Thành phố mùa xuân, Tình khúc Ơ bai, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui…

Vào thời điểm khó khăn sau chiến tranh đó mà TCS vẫn rất nhân bản khi nói về con người Việt: “Văn hóa Việt Nam vẫn tồn tại. Chiến tranh cùng những hậu quả chỉ làm đổ vở vật chất. Nhưng linh hồn vẫn sống…”

Và anh xác định tính cách nhân ái của người mình: “Người Việt Nam dễ tha thứ. Họ thừa khả năng quên đi những kỷ kiệm không hay…” Điều đó thực hiện ngay nơi chính bản thân anh, một người Việt: “Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi”(Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui).

Di hại của chấn thương chiến tranh thật ghê gớm, kéo dài hàng mấy thập kỷ sau ngày ngưng tiếng súng.

Nhưng nhân dân Việt Nam dù đứng trong phía nào của các phe đối nghịch nhau đây đó trong và ngoài nước đều cất tiếng hát TCS để được “ru dỗ” mình trong những cơn hoảng loạn tinh thần, bế tắc của giai đoạn khó khăn đó.

Đây là một sự kiện lạ lùng có một không hai trong lịch sử Việt Nam lẫn của cả thế giới. Dần dần tiếng hát đó đã có tác dụng tạo được một nhịp cầu nối liền những người Việt ở các phía đối nghịch xích lại gần nhau. Một quá trình hóa giải hận thù, hòa hợp đang hình thành và vẫn còn tiếp diễn…

TCS đã là một phần trong cuộc sống của chúng tôi rồi…

Sau ngày giải phóng, chúng tôi gặp gỡ nhau thường xuyên hơn do gắn bó với nhau qua phong trào “Ca khúc chính trị” của Hội trí thức yêu nước. Anh cùng Phạm Trọng Cầu, Trương Thìn, Trần Long Ẩn, Hoàng Hiệp, Thanh Hải, Miên Đức Thắng… là những cái đinh trong phong trào văn nghệ sôi nổi này.

Sau 1995, tôi gặp Trịnh thường xuyên, cùng nhau ngồi ôn lại thời học cũ, nói với nhau về những người bạn chung, nay ở đâu, ai còn ai mất. Và nhất là nghe con trai tôi- Thái Hoà cùng Jennifer Thomas hát những ca khúc mới của anh.

Tôi nhớ mãi sau ngày giải phóng, loạt ca khúc chính trị của anh dẫu tích cực cách mấy cũng bị xuyên tạc và phê phán nghiệt ngã, cuối cùng người ta mới hiểu ra.

Lần cuối gặp gỡ TCS khi tôi cùng giáo sư Trần Văn Khê đến thăm anh ở nhà đường Duy Tân cũ năm 1998. Họ đều nhiều bệnh và mãi tâm sự nói với nhau về căn bệnh chung là tiểu đường. Sơn đã gầy yếu quá và chỉ mấy năm sau là anh vĩnh viễn ra đi, để lại một gia tài âm nhạc thật to lớn.

Không ai ngờ người bạn bình thường ngày nào đó là một tài năng văn nghệ mà có lẽ hàng trăm năm đất nước mới sản sinh được một người. Chúng tôi vẫn gọi TCS là Nguyễn Du của thế kỷ 20.

Mối tâm giao giữa TCS cùng tôi và gia đình chúng tôi khởi đầu từ tình bạn thời học sinh, sinh viên rồi kinh qua những năm thao thức và trăn trở thời  tuổi trẻ đấu tranh Sài Gòn. Nhưng trên hết có lẽ là tác động của âm nhạc TCS, nó đã trở thành một phần trong cuộc sống và hoạt động của chúng tôi rồi…

Riêng đối với tôi, sự kiện cùng TCS hát bài Nối vòng tay lớn vào trưa ngày 30/4/1975 tại đài phát thanh Sài Gòn không những có một ý nghĩa đặc biệt đón chào ngày hòa bình thống nhất đất nước mà cũng đánh dấu bước khởi đầu cuộc hành trình mới sau chiến tranh của thế hệ chúng tôi trong công cuộc làm lành vết thương chiến tranh, hòa giải dân tộc.

 

CHẤP NHẬN CÁI KHÁC BIỆT ĐỂ HOÀ HỢP ,HOÀ GIẢI 

Tác giả: Ly Lam (DNSGCT)

Bài đã được xuất bản.: 1 giờ trước

“Tôi hình dung nước ta trước năm 1975 giống như một ngôi nhà lớn, dột lỗ chỗ khắp nơi, khiến nhiều người sống trong đó bị dột. Những người trong nhà chia làm hai nhóm, một bên đòi phá nhà đi để xây cái mới, bên kia cho rằng “không cần, dột chỗ nào thì che chỗ đó lại là được rồi”. Bên đề nghị phá nhà đa phần là những người thực sự bị dột, nhưng cũng có nhiều người chẳng bị dột mà chỉ nghĩ rằng nếu làm nhà mới sẽ tốt hơn nhà cũ. Bên kia cũng vậy, nhiều người không muốn phá vì bản thân không bị dột và có người dù đang ở chỗ dột nhưng suy nghĩ “che chỗ dột là được rồi, phá nhà ra xây lại chắc gì đã tốt hơn”- Ông Phan Chánh Dưỡng nói.

LTS: Những ngày tháng Tư, dù ít dù nhiều, trong tâm trí của mỗi người Việt Nam, đặc biệt là những người từng sống trong thời khắc lịch sử 30/4/1975, đều nhớ về giai đoạn khó quên ấy. Sau niềm vui thống nhất, non sông về một mối, những người Việt chung dòng máu đỏ da vàng, sống trong cùng một đất nước đã phải đối mặt với những xung đột, mâu thuẫn, xuất phát từ sự khác biệt về ý thức hệ và tâm lý cũng như hệ quả của việc “thắng – thua”, không dễ gì hòa hợp. Với những người lòng nặng trĩu hận thù rời khỏi đất nước trong giai đoạn này để định cư tại nhiều nước trên thế giới, chủ yếu là Hoa Kỳ, hình thành nên một bộ phận người Việt hải ngoại, thì làm thế nào để hòa giải sự cách biệt, thù hận lại càng không đơn giản…

Thực ra, ước muốn hòa giải, hòa hợp dân tộc của chúng ta từng được đặt ra từ khi đất nước còn chưa thống nhất, ngay sau hiệp định Paris (1973), với việc ra đời của Hội đồng Hòa giải Hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần để lo tổ chức tổng tuyển cử, tái lập hòa bình. Những năm sau Đổi mới, nhiều vị lãnh đạo đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này.

Thế nhưng, 35 năm sau ngày đất nước thống nhất, dù chúng ta đã có những bước tiến dài trong việc hòa hợp, hòa giải nhờ vào những chính sách, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, được đặt ra trong nghị quyết của Đảng từ 1986 đến nay, thì quá khứ dường như vẫn chưa hoàn toàn được khép lại. Có những khúc mắc nào khiến cho tất cả “con rồng cháu tiên” vẫn chưa nhìn cùng một hướng để chung tay xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, là niềm tự hào của mọi con dân Việt, dù ở trong nước hay nước ngoài?

Mong muốn giải đáp phần nào câu hỏi này, Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần đã tổ chức một cuộc tọa đàm tại Press Café vào một chiều tháng Tư, với sự tham dự của bảy khách mời từng là chứng nhân lịch sử của giai đoạn 30/4/1975 trong những cương vị khác nhau.

Đó là kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn, người cao tuổi nhất, anh lính Điện Biên năm xưa, năm 1975 vào Nam với mục đích tiếp quản. Là ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, năm 1975 là Phó Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam. Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm những năm trước 1975 là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, một trong những lãnh tụ của phong trào đấu tranh đô thị ở miền Nam.

Ba người – luật sư Nguyễn Ngọc Bích, chuyên viên kinh tế Huỳnh Bửu Sơn và giảng viên Chương trình Fulbright Phan Chánh Dưỡng trước năm 1975 là những công viên chức, giáo viên của chế độ cũ. Sau 1975, luật sư Bích đi học tập cải tạo trong 12 năm, còn ông Sơn và ông Dưỡng sớm làm việc trong chế độ mới. Họ gặp nhau khi cùng sinh hoạt chung trong nhóm nghiên cứu kinh tế Thứ Sáu.

Người cuối cùng, trẻ nhất, là ông Trần Sĩ Chương, sang Mỹ du học từ năm 1973, chứng kiến sự kiện 30/4/1975 từ nước Mỹ. Ông Chương là một chuyên gia kinh tế sống và làm việc nhiều năm ở xứ người. Từ đầu những năm 1990 đến nay, ông rất tích cực trong việc giúp đất nước hội nhập kinh tế với bên ngoài, làm cầu nối giao thương cho các doanh nhân Mỹ – Việt.

Vì sao phải hòa hợp, hòa giải? chuyện “thắng – thua” và đấu tranh giai cấp

Không khí thân tình, vui vẻ và cởi mở đến ngay từ đầu. Luật sư Nguyễn Ngọc Bích khi được mọi người mời “đi trước” đã dí dỏm: “Nếu không có dịp ngồi với nhau như thế này, thì khi ông Bích tình cờ gặp ông Đằng, ông Mẫm ở đâu đó, rất có thể chúng ta chỉ đứng xa mà nhìn thôi, chứ không thể cùng chia sẻ với nhau những trải nghiệm, suy nghĩ về một vấn đề lớn của đất nước như hôm nay”. Mọi người cười xòa. Ông Bích lại hóm hỉnh “nếu”: “Nếu cuộc nói chuyện này lùi lại ba mươi lăm năm, chắc chắn anh Đằng, anh Mẫm hay anh Huấn sẽ là người nói, còn chúng tôi sẽ phải ngồi yên mà nghe. Nay các anh vui vẻ cho tôi nói trước, chứng tỏ chúng ta đã hiểu nhau, quý nhau, thực sự hòa hợp. Đây là dịp tốt để chúng ta chia sẻ những suy nghĩ, mong mọi người cũng sẽ đạt được sự hòa hợp như vậy”.

Đi vào vấn đề, ông Bích cho rằng có một thực tế là có những người Việt ra đi năm 1975 vẫn mơ về một nước Việt Nam giống như trước, nên chỉ trích nhà nước hiện nay dựa trên điều họ mơ ước đó. Với những người này, rất khó có một sự hòa giải. Về mặt vật chất họ thật đầy đủ nhưng chính vì thế mà sự đau khổ về mặt tinh thần của họ chẳng hề nguôi. Và bao lâu cái sau còn thì nguyên nhân gây ra nó sẽ không bao giờ mất. Với họ, mọi sự hòa hợp, hòa giải đều vô ý nghĩa.  Nhưng lớp người này sẽ ngày càng ít đi. Một lớp người khác, theo ông Bích, chỉ mong một nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh khiến họ có thể hãnh diện. Chúng ta có cơ hội để hòa giải với họ. Rồi có những người còn tích cực hơn, luôn tìm cơ hội để góp sức mình cho đất nước. Riêng với thế hệ sinh ra và lớn lên sau 1975, thì tuyệt đại đa số không quan tâm đến chính trị, nên không cần đặt nặng chuyện hòa giải. Về sự hòa hợp giữa những người trong nước, ông Bích nói:

– Tôi cho rằng cách xử sự với người bại trận là thiếu độ lượng. Mãi tới sau Đổi mới, tình trạng này mới giảm dần. Theo tôi, hòa hợp dân tộc phải do người chiến thắng chủ động tiến hành, trước hết là hòa hợp với người đã khuất. Thế nhưng chúng ta làm việc này chậm quá. Mãi gần đây chúng ta mới dân sự hóa nghĩa trang Biên Hòa, nơi chôn cất tử sĩ Việt Nam cộng hòa.

Ông Lê Hiếu Đằng lắng nghe rất chăm chú, rồi tiếp lời: “Như anh Bích nói, nếu như rất nhiều người chiến bại vẫn mơ về một thể chế như chế độ cũ, thì trong số những người chiến thắng, cũng có người không đặt lợi ích dân tộc lên trên, do đó chuyện hòa giải, hòa hợp vẫn chưa đi vào thực chất. Hàng chục năm sau ngày đất nước thống nhất rồi mà đó đây vẫn còn tình trạng kỳ thị, dò xét đối với những người từng làm việc cho chế độ cũ”. Lặng đi một chút, ông nói:

– Tôi cho rằng câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phản ánh một thực tế rất nhân văn, rằng “ngày 30/4 đến, có một triệu người vui, nhưng cũng có một triệu người buồn”. Có người không hài lòng với câu nói này, nhưng phải thừa nhận rằng chính vì có thực tại khách quan đó mới có chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc chứ? Trong thời chiến tranh, biết bao gia đình có anh em, cha con ở hai chiến tuyến khác nhau? Phải đặt lợi ích đất nước lên trên, xem hòa giải, hòa hợp dân tộc là động lực để đoàn kết mọi người, xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, như di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nếu như cách đặt vấn đề của luật sư Nguyễn Ngọc Bích có chút trách móc của “người bên kia”, thì kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn cũng sâu sắc không kém, khi bắt đầu phản biện. Ông nói: “Anh Bích cho rằng người chiến thắng thiếu độ lượng vào thời điểm ấy, theo tôi, là chỉ thấy được tính đấu tranh dân tộc mà không thấy được tính đấu tranh giai cấp. Chiến thắng năm 1975 chỉ là một nửa chặng đường, hoàn thành mục tiêu thống nhất đất nước. Mục tiêu sau đó của chúng ta là xóa đi phương thức sản xuất cũ để xây dựng phương thức sản xuất mới. Muốn xây dựng được, phải có những con người mới, nên “chúng tôi” (ông Huấn cười hóm hỉnh) không chỉ đưa anh đi cải tạo, học tập, mà còn tiến hành cải tạo tư sản, hợp tác hóa nông nghiệp…

Mọi người đều cười thú vị. Ông Huấn phân tích tiếp:

– Thời điểm ấy, Việt Nam đang ở trong một vòng xoáy mang tính nhân loại; không khí ấy, quan điểm ấy đã ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động của chúng ta. Hai cuộc đấu tranh chống Pháp và Mỹ được tiến hành dưới nhãn quan của đấu tranh giai cấp, chúng ta là một bộ phận trong cuộc đấu tranh giai cấp trên toàn thế giới. Vì vậy, giải phóng miền Nam thì đâu đã xong, người chiến thắng còn phải đập tan lực lượng đối kháng, cải tạo nông nghiệp, cải tạo tư sản,… Kêu gọi sự độ lượng khi ấy có nghĩa là chỉ nhìn cuộc đấu tranh dưới góc độ “hai phe, hai miền”, mà không thấy rằng đó chỉ là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp.

Ông Huấn làm mặt nghiêm, nhìn ông Bích: “Nên chúng tôi phải cải tạo các anh”, nhưng rồi lập tức tủm tỉm cười: “Giờ chúng ta ngồi đây, không giai cấp, Bắc Nam gì cả, tôi xin uống với anh một ly” và đưa ly lên. Diễn tiến ấy đã tạo nên những tiếng cười vui vẻ.

Bởi vậy, ông Huấn trở lại vấn đề, nếu nhìn lại, tôi cũng đồng cảm với những gì anh Bích nói, nhưng trong không gian lịch sử đó, hoàn cảnh đó, theo tôi là khó thể khác được. Nước ta có vị trí địa chính trị quá đẹp, đặt chân vào thì có thể khống chế cả châu Á, nên bị các thế lực hùng mạnh giằng xé, tranh chấp. Việc chúng ta phải đối đầu là không tránh khỏi, chứ không phải tại miền Bắc miền Nam không hòa hợp.

Chuyện lớn hơn: hòa hợp cả dân tộc cho mục tiêu phát triển đất nước. Sự thiện tâm và thành ý

Ông Huỳnh Bửu Sơn tỏ ra rất tâm đắc với những phân tích của ông Huấn. Ông thành thật:

– Phân tích của anh Huấn quá sâu sắc, lý giải được vì sao chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc của chúng ta lại gặp khó khăn như thế. Đúng là người chiến thắng không phải không biết chuyện cần phải bao dung, độ lượng. Biết nhưng không làm được, vì vướng phải vấn đề giai cấp. Đối với phần còn lại của thế giới, chúng ta rất dễ dàng nói câu “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, vì chúng ta không phải cải tạo họ, nhưng với người cùng một nước thì chưa phải như thế.

Dù vậy, theo ông Sơn, với người dân bình thường trong cộng đồng, có lẽ không ai cần phải nói thêm gì cả, họ đã ngồi lại với nhau, vui vẻ. Có thể lúc đầu cũng có bất đồng quan điểm, nhưng dần dần năm tháng đã xóa nhòa đi. Ông nói tiếp: “Chúng ta chỉ nghĩ rằng phải ngồi lại để đóng góp chút gì cho đất nước. Chúng ta cùng ngồi đây là đã có sự hòa hợp. Lớp trẻ trong nước cũng như hải ngoại không còn coi nặng chuyện ngăn cách, thắng thua; sự giao lưu giữa họ với nhau là rất tự nhiên, không còn chia rẽ, phân biệt. Với góc nhìn ấy, thì sự hòa giải, hòa hợp thắng – thua ngày xưa không còn là vấn đề nữa. Vấn đề bây giờ là phải cho giới trẻ nói riêng, mọi người nói chung một mục tiêu chung – sự cường thịnh của đất nước, của cộng đồng dân tộc – để kết nối họ lại với nhau”.

Mọi người cũng đồng tình với quan điểm này, bởi suy cho cùng, đích đến của việc hòa hợp, hòa giải dân tộc chính là tạo sự đồng thuận để phát triển đất nước. Thế nhưng, theo ông Lê Hiếu Đằng, rất nhiều điều chúng ta còn làm chưa tốt, trong đó có khâu nhân sự, tổ chức cán bộ, mà đó chính là cái gốc của vấn đề hòa hợp. Ông Đằng nhấn mạnh:

– Chúng ta phải đặt quyền lợi đất nước lên trên, thực hiện quyết liệt nhiều chính sách, đặc biệt là đãi ngộ trí thức, trọng dụng trí thức ngoài đảng. Nếu không, khó mà huy động được đội ngũ trí thức, chuyên gia có tấm lòng với đất nước, trong cũng như ngoài nước.

Ông Huỳnh Tấn Mẫm từ đầu buổi đến giờ có vẻ suy tư và khi được mọi người hỏi, ông cười, tự nhận mình là người có nhiều trăn trở và trắc trở. Thời trai trẻ, ông một lòng đấu tranh cho lý tưởng, nhưng không ít điều diễn ra sau đó đã nằm ngoài sự hình dung của ông. Sau khi chia sẻ sự đồng tình với ông Đằng, ông bổ sung: “Tôi thấy cơ chế chung của mình còn khắc nghiệt quá, lại tạo điều kiện cho thành phần cơ hội lập phe phái phát triển. Ở nhiều nơi, phải là con anh Ba, chú Sáu, gốc Củ Chi, Bến Tre… mới được tin tưởng đưa vào tổ chức tiến cử lên nhanh; phải là lãnh đạo đoàn mới lên lãnh đạo đảng, chính quyền… Từ những sự tiến thân kiểu như vậy, mới có những kẻ cơ hội gia nhập đội ngũ của đảng, khiến thành phần không cơ hội trong đảng phải lùi ra, chán nản, hoặc bỏ đi làm công việc khác. Nếu cơ chế này không thay đổi, rất khó có được sự hòa hợp hòa giải rộng rãi, bền vững”. Ông Mẫm cho rằng đừng tưởng những việc nhỏ không thể có tác động lớn. Ngay trong một phường, nhiều đảng viên ngồi họp cho có lệ, rất nhiều điều họ biết – cán bộ nào tham nhũng, hống hách, quyền hành… nhưng họ không dám đấu tranh. Ông Mẫm nói tiếp:

– Cái im lặng này thật đáng sợ! Họ sợ bị trù dập, quy chụp, đấu tranh không được bảo vệ còn bị ảnh hưởng đến lý lịch của mình và con cháu,… Ngay trong phường của tôi, có người được bầu vào hội đồng nhân dân mà không biết về pháp lý, hành chính, bởi không hề được học có hệ thống về hành chánh pháp lý, nhưng vẫn được đưa vào làm công việc đó. Chính cơ chế siết chặt ấy khiến những trí thức bên ngoài không thể tham gia vào việc điều hành đất nước.

Với những việc lớn như nhân sự lãnh đạo như vậy thì ông Trần Sĩ Chương chỉ là người ngoại đạo. Bởi vậy, khi tham gia vấn đề, ông bắt đầu bằng việc cho rằng nhu cầu và bản chất của hòa hợp, hòa giải sẽ biến đổi theo thời gian và không gian. Cho nên lý do của vấn đề hòa hợp, hòa giải như vào năm 1975 là không còn nặng nề như trước nữa. Ông nói: “Hòa giải là một nhu cầu tất yếu, để các thành phần xã hội có thể xóa đi khoảng cách, để đến được với nhau, để cùng hợp tác vì lợi ích chung. Nhưng tôi nhìn nhận vấn đề hòa giải ở một khía cạnh khác. Như các anh đã nói, chúng ta chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh, và biến cố 1975 là quá lớn với bất cứ đất nước nào, đặc biệt lại được làm đậm thêm bởi việc có những người phải vượt biển ra đi. Nhưng đã ba mươi lăm năm rồi, chuyện xưa ngày càng lu mờ. Tôi nghĩ việc hòa hợp, hòa giải bây giờ không phải là vấn đề ý thức hệ nữa, mà phải có thiện tâm và thành ý. Vậy mà khi Nhà nước thể hiện được sự thiện tâm thì có lúc lại thiếu đi thành ý hay được hiểu là không có thành ý, vì lời nói và hành động không đi đôi với nhau. Đấy chính là vấn đề của chúng ta ngày nay, giữa người Việt với nhau. Thiếu sự thiện tâm thì khó thể nghĩ tốt về nhau, cùng nhau hướng về một mục tiêu chung. Không có thành ý sẽ không tạo được lòng tin; không có lòng tin sẽ tạo ra khoảng cách. Tôi nghĩ vấn đề hòa hợp, hòa giải là một vấn đề chung của xã hội hiện nay, chứ không hẳn chỉ với những người đã bỏ xứ ra đi”.

Để dẫn chứng, ông Chương đưa ra vài ví dụ về những gì chúng ta chưa làm tốt trong công tác Việt kiều. Khi Chủ tịch nước qua Mỹ nói chuyện với kiều bào, điều đọng lại trong họ là “Việt kiều có quyền mua nhà”. Thế nhưng, thực tế không dễ như vậy, khi đến nay cả nước mới chỉ có hơn 100 Việt kiều mua được nhà. Rồi khi đặt vấn đề miễn visa cho Việt kiều, thì thực ra lại làm cho việc đó trở nên khó khăn hơn. Ông Chương kết luận:

– Tôi lần đầu tiên vào một văn phòng Ủy ban người Việt ở nước ngoài, thấy băng-rôn “Người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc”, thì thấy rằng chủ trương này quá hay, nhưng làm sao để lời nói và hành động khớp với nhau thì chưa có! Nhưng nếu nhìn lại thì vấn đề này đối với Việt kiều cũng không phải là một hoàn cảnh cá biệt. Biết bao chủ trương tốt, hoàn toàn đúng đắn – từ bảo vệ môi trường, đến giáo dục, y tế,… ngay trong nước – nhưng kết quả lại chưa được tốt vì gặp nhiều vấn đề trong việc triển khai. Chủ trương, lời hứa, cam kết nếu được triển khai đúng đắn, với thành ý, thì sẽ là một tiền đề quan trọng cho sự hòa hợp, hòa giải, chứ không phải vấn đề ngày 30/4 nữa.

Xây dựng ngôi nhà chung – đất nước

Dường như trước bất cứ một hiện tượng, hoàn cảnh xã hội nào, ông Phan Chánh Dưỡng cũng có thể hình tượng hóa thành một sự việc dễ thấy, dễ hình dung, và lần này cũng vậy. Cuối buổi tọa đàm, ông mới lên tiếng:

– Tôi hình dung nước ta trước năm 1975 giống như một ngôi nhà lớn, dột lỗ chỗ khắp nơi, khiến nhiều người sống trong đó bị dột. Những người trong nhà chia làm hai nhóm, một bên đòi phá nhà đi để xây cái mới, bên kia cho rằng “không cần, dột chỗ nào thì che chỗ đó lại là được rồi”. Bên đề nghị phá nhà đa phần là những người thực sự bị dột, nhưng cũng có nhiều người chẳng bị dột mà chỉ nghĩ rằng nếu làm nhà mới sẽ tốt hơn nhà cũ. Bên kia cũng vậy, nhiều người không muốn phá vì bản thân không bị dột và có người dù đang ở chỗ dột nhưng suy nghĩ “che chỗ dột là được rồi, phá nhà ra xây lại chắc gì đã tốt hơn”.

Ông nói tiếp: “Ở đây, chúng ta không đề cập nguyên nhân vì sao nhà lại dột. Tôi không đi sâu vào ý thức hệ, và cho rằng năm 1975 là tận cùng của sự dột và bên đòi phá nhà để xây mới đã chiến thắng. Thời gian đầu, những ai thuộc bên “không phá nhà” không được tham gia xây nhà mới. Những người xây nhà bắt đầu tiến hành xây dựng và nghĩ rằng sẽ xây được một nhà lầu to đẹp. Một thời gian sau, thấy nhà dựng lên không được như ý mà muốn xây cho đẹp hơn thì không đủ lực, họ nghĩ trong những thành viên của ngôi nhà trước đây, ắt có nhiều người có khả năng xây được nhà đẹp, nên mới nói rằng “có ông nào muốn cùng xây ngôi nhà mới này không?”. Vậy là bắt đầu hòa hợp, một cách từ từ. Việc chung tay xây dựng ngôi nhà – đất nước là động lực tạo nên sự hòa hợp. Động lực vì cái nhà, chứ không còn vì bên này bên kia gì cả. Từ từ cơm áo gạo tiền khá hơn, cái nhà đã xây xong, không còn dột nữa, khá hơn cái nhà cũ trước đây rất nhiều”.

Ông Huỳnh Bửu Sơn tán thưởng sự ví von của ông Dưỡng bằng cách góp thêm ý: “Vấn đề hôm nay là liệu những người đang xây nhà có hòa hợp với mục tiêu chung là xây một ngôi nhà thật đẹp, thật tốt cho mọi người cùng ở hay không. Và điều quan trọng hơn, người chủ đầu tư phải sử dụng công nhân giỏi, mời được kiến trúc sư, kỹ sư giỏi, người quản lý, phụ trách vật tư tận tâm, trung thực… thì mới xây được căn nhà đẹp, bền vững. Được vậy thì mọi người trong căn nhà đều hưởng lợi”.

Và để kết luận, ông Sơn cho rằng hòa hợp, hòa giải không phải xóa bỏ cái khác biệt, mà là chấp nhận cái khác biệt. Đó là yếu tố cần thiết để xây dựng được một sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân tộc, trong đó Nhà nước và người dân có sự tín nhiệm với nhau và cùng hành động vì quyền lợi tối thượng của đất nước và dân tộc.

Câu chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc nhân ngày 30/4 đã kết thúc trong niềm hy vọng về một sự đồng thuận của dân tộc, như là kết quả của một sự hòa hợp thật sự. Được như vậy, ngôi nhà chung – đất nước sẽ ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn.

Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

 

BAO DUNG VÀ HOÀ HỢP- NHÌN TỪ DÂN TRÍ VÀ HỘI NHẬP

Tác giả: Nguyễn Hoàng

Bài đã được xuất bản.: 29/04/2010 13:00 GMT+7

Nếu không tranh thủ đoàn kết, cùng nhau xây dựng đất nước thì làm sao tránh được nghèo nàn lạc hậu, làm sao tránh được vị thế của nước nhược tiểu.

*Vì sao bây giờ mới nói được công khai?

Cuộc chiến đã qua 35 năm, Việt Nam đã  lo xong cuộc hòa giải với các cựu thù, biến họ và ta trở thành những đối tác tin cậy, đối tác chiến lược.

Vậy mà tiến trình hòa hợp giữa người Việt với nhau lại diễn ra một cách chậm chạp hơn nhiều.

Người Mỹ đã rất ngạc nhiên về sự vô tư niềm nở của người Việt đối với họ sau cuộc chiến. Nhưng họ sẽ không sao hiểu được sự thù hận chưa thề hòa hợp giữa người Việt với nhau sau bấy nhiêu năm.

Đây có thể là một biểu hiện của trình độ dân trí thấp, của sự chậm phát triển về nhận thức của người Việt chúng ta trong một giai đoạn mà thế giới đã có những bước tiến vượt bậc về nhận thức.

Sau quyền con người, thế giới đã nói đến quyền của tự nhiên. Theo tinh thần hội nhập và toàn cầu hóa, ở châu Âu, nơi phát sinh ra hai cuộc chiến tranh thế giới cận đại, các nước cựu thù với những nền văn hóa rực rỡ khác nhau đã nhất thể hóa trong một EU rộng lớn.

Ngày nay trước nhu cầu của đạo lý nhân văn và sự phát triển, trước những vấn nạn mà chủ quyền quốc gia và sinh mạng của ngư dân bị đe dọa trên  biển Đông, trước những vấn đề lớn về kinh tế xã hội như tam nông, giáo dục, kinh tế quốc doanh, nhập siêu, lạm phát, vv.…báo chí gần đây nói nhiều đến nhu cầu phải bước qua thù hận, tiến hành hòa hợp dân tộc, tạo thêm sức mạnh cho đất nước vượt qua các thách thức của thời đại mà VN đang phải hội nhập và phát triển.

Công bằng mà nói, VN đã làm được nhiều việc cho  hòa hợp.

Song kết quả quan trọng nhất đến nay có lẽ  lại là sự nhận thức và dân trí.  Cách đây 5 năm, chỉ có cố Thủ tướng Võ văn Kiệt mới dám nói về ngày 30/4 như sau: “Đó là ngày có hàng triệu người vui và có hàng triệu người buồn”, trong khi công luận trong nước thuần túy nói về niềm vui chiến thắng

Ngày nay khi trưởng thành hơn trong nhận thức, chúng ta đã vượt qua được rất nhiều định kiến để hôm nay đồng bào mình hai phía đến được với nhau,  biết nghe ý kiến của  nhau và nói được với nhau.

Mới đây tác giả Hiệu Minh đặt vấn đề thẳng thắn hơn: Nếu không biết hóa giải hận thù, xóa bỏ những định kiến cá nhân, không biết tạm gác ý thức hệ xa lạ sang một bên để đặt quyền lợi dân tộc lên trên, thì chính người đang sống đã vô ơn những người đã khuất”.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng nói: “Để phát triển đất nước, cần sự đóng góp tích cực của mọi người Việt Nam, trong nước và ngoài nước, không phân biệt quan điểm, chính kiến”. Theo bà: “…không lý do gì, người cùng một dân tộc, cùng một Tổ quốc, mà không thể hòa hợp, đoàn kết với nhau để xây dựng tương lai cho đất nước mình”. Rất nhiều ý kiến đã tán đồng quan điểm này.

Vậy tại sao cái lý do rất đơn giản, rất yêu nước thương nòi này, người Việt ta bây giờ mới nói ra được công khai với nhau? Có lẽ có những nguyên nhân sâu hơn, dài hơn trong tâm thức, trong lịch sử và văn hóa của người Việt. Đây chính là điều mà chúng ta rất cần phân tích và suy nghĩ.

**Triết lý buồn về tính cách Việt và câu chuyện hội nhập

Chúng ta phần lớn đều biết câu chuyện triết lý buồn:

“Một người Việt Nam thì không thua một người Nhật, nhưng 3 người Việt Nam thì chắc chắn thua 3 người Nhật” hay

“Một người Việt Nam rơi xuống hố thì sẽ tìm cách lên được nhưng 3 người Việt Nam rơi xuống hố thì sẽ không ai lên được”.

Nhìn vào thực tế  trong quá khứ và hiện tại, sự thiếu kết dính, tính không hợp tác của người Việt, đầu óc cục bộ địa phương đến vị kỷ, cách nhìn nhận các vấn đề xã hội đầy định kiến áp đặt  chủ quan theo tư duy duy cảm  (người Việt mình nghĩ bụng mà!) không thể làm cơ sở cho sự đoàn kết và phát triển, đang thể hiện khắp nơi, ở khắp các cộng đồng người Việt trong và ngoài nước.

Hàng nghìn năm qua, VN đã không phát triển được bởi chính những ràng buộc này. Trong thời bình, nếu không tranh thủ đoàn kết, cùng nhau xây dựng đất nước thì làm sao tránh được nghèo nàn lạc hậu, làm sao tránh được vị thế của nước nhược tiểu. Vấn đề hòa hợp dân tộc chính là để người Việt cùng đi tới một nhận thức mới về cách thể hiện lòng yêu nước, không chỉ là xóa đi các thù hận, mà còn là nâng cao dân trí, học bài học phát triển và hội nhập trên nền tảng của giải pháp “hai bên đều thắng”.

Thắng cho mình và cho con cháu về công cuộc chấn hưng đất nước trong thời bình là không hề đơn giản bởi trong tâm thức và dân trí người Việt còn khá nhiều vấn đề bất cập cần được đổi mới và nâng cấp cho ngang bằng với các dân tộc văn minh khác.

Nói cách khác, cùng với việc hội nhập thế giới, để phát huy sức mạnh của nhân dân Việt Nam, cần một sự tự hội nhập từ trong lòng đất nước, giữa những người Việt mình với nhau.

Bởi nếu thiếu một căn bản của sự đồng thuận và hợp tác, các hướng quyền lợi và trách nhiệm chuyển động hỗn loạn sẽ gây ra xung đột. Chúng ta sẽ triệt tiêu các cố gắng của nhau, các nhóm lợi ích sẽ có cơ hội đặt họ lên trên quyền lợi của cộng đồng và Việt Nam sẽ dễ rơi vào nguy cơ tụt hậu.

Việt Nam đang bắt đầu một tiến trình quan trọng và đúng hướng. Đó là hòa hợp dân tộc trên cơ sở nhận thức lại quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong tiến trình này, vai trò của  nhà Nguyễn, tư tưởng nâng cao dân trí của  Phan Chu Trinh v.v… đã được đánh giá đúng đắn, khách quan hơn.

Cái được lớn nhất cũng lại là nhận thức và góp phần nâng cao dân trí cho chính người Việt đương đại, tiền đề quan trọng cho sự vươn lên của Việt Nam hôm nay. Tinh thần bao dung và hòa hợp không chỉ là vấn đề của một thời kỳ, để giải quyết mâu thuẫn trong giai đoạn lịch sử cận đại đã chia rẽ dân tộc thành hai bên đối nghịch.

Đây chính là nội hàm quan trọng của dân trí, của hội nhập và phát triển của một dân tộc, một đất nước.

HOÀ HỢP HOÀ GIẢI VÀ BÀI HỌC LỊCH SỬ 145 NĂM TRƯỚC: NGÀY TOÀN THẮNG CỦA QUÂN ĐỘI MIỀN BẮC NƯỚC MỸ TRONG CUỘCCHIẾN TRANH NAM BẮC.

Đăng bởi bxvnpost on 29/04/2010

Hồ Thế Y – Hoàng Hưng

Sau khi bài “35 năm quá dài” của nhà văn Dạ Ngân đưa lên mạng Bauxite Việt Nam (28/4/2010), vài người bạn thấy trong lời bình có nhắc đến cách đối xử của quân đội miền Bắc thắng trận với quân đội miền Nam bại trận trong nội chiến Mỹ, gọi điện đến người viết đề nghị nói rõ chuyện này. Để cho ngắn gọn, tôi xin trích dịch một đoạn trong đề mục “American Civil War” (Nội chiến Mỹ) trong Wikipedia (Lạ một cái, Wikipedia bản tiếng Việt đề mục này đã bỏ hết phần tương ứng, không hiểu vì sao? Hay nó cũng là một sản phẩm “lề phải”, nên phải “lờ lớ lơ”, vì phần này có những chi tiết rất “nhạy cảm”, cụ thể là rất chạnh lòng người Việt (cả hai phía trong cuộc chiến Bắc – Nam) – Hoàng Hưng.

Ai cũng biết ông Hồ Chí Minh từng mượn một đoạn trong Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ nói lên quyền được sống và quyền tự do của con người để đem vào Tuyên ngôn độc lập 2-9-1045. Tiếc rằng ông không còn sống thêm mươi năm nữa để có dịp áp dụng những kinh nghiệm quý giá của những người con nước Mỹ ưu tú, có tầm mắt nhìn xa trông rộng, đã chủ trương hòa giải thật lòng trong cuộc chiến tranh Nam Bắc Mỹ hồi thế kỷ XIX, cho cuộc giải giáp quân đội Việt Nam Cộng hòa thất trận ngày 30-4-1975. Nếu được thế may ra nỗi đau chia rẽ dằng dặc 35 năm – và chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt – của cộng đồng dân tộc Việt đã có thể rút ngắn, và chắc hẳn Việt Nam ngày nay đã trở nên một khối hùng mạnh sánh vai được với Singaporre, Nam Hàn hoặc Thái Lan chứ không trong tình thế ngổn ngang trăm mối như hiện tại.

Dưới đây, chúng tôi xin đăng bài dịch của bạn Hoàng Hưng đi kèm với bài bàn về hòa giải hòa hợp giữa người Việt với nhau của bạn Hồ Thế Y gửi từ Cộng hòa liên bang Đức.

Bauxite Việt Nam

 

Ngày 9 tháng 4 năm 1865, Tướng Robert E.Lee chỉ huy một cánh quân chủ lực của Liên bang Mỹ (miền Nam) gửi thư xin hàng đến Tướng Ulysses S. Grant Tổng tư lệnh quân đội của Hợp chủng quốc Mỹ (miền Bắc).

Grant nhận được thư trong khi đang trên đường công tác ở tuyến sau, và lập tức chứng nhức nửa đầu của ông tiêu tan khi ông đọc thư. Ông liền phúc đáp là sẽ lên tuyến trước để gặp Lee, và để cho viên bại tướng tùy ý chọn địa điểm gặp gỡ, cũng như địa điểm sẽ diễn ra lễ đầu hàng.

Lúc 8 giờ sáng, Lee cưỡi ngựa đi gặp Grant, có ba sĩ quan phụ tá đi cùng, trong lúc mặt trận vẫn còn tiếng súng nổ. Trên đường, ông nhận được thư của Grant, và hai người trao đổi điệp văn suốt trong nhiều giờ, trước khi một lệnh ngừng bắn được thi hành, và Grant nhận được yêu cầu bàn thảo về các điều khoản đầu hàng.

Vận một bộ quân phục trắng tinh, Lee đợi người chiến thắng. Grant đến trong bộ quân phục và đôi ủng còn dính đầy bùn chiến địa, không mang theo vũ khí tùy thân, chỉ có những tua vai đã xỉn màu cho biết cấp hàm của ông. Đây là cuộc tái ngộ đầu tiên của hai người sau gần 20 năm. Tướng Grant bỗng thấy khó khăn khi đi vào việc, nên phải mất một lúc chuyện trò về cuộc gặp gỡ trước trong cuộc chiến Mỹ – Mehico rồi chính Lee là người chủ động đưa câu chuyện trở về mục đích cuộc gặp hôm nay.

Grant đưa ra những điều khoản như ông đã đề nghị trước đó:

“ Hồ sơ của tất cả các sĩ quan và binh sĩ (quân miền Nam – ND) phải được sao lại, một bộ giao cho viên sĩ quan do tôi chỉ định, một bộ được giữ lại bởi sĩ quan (hoặc các sĩ quan) do ông chỉ định. Các sĩ quan phải đích thân tuyên hứa không cầm vũ khí chống lại Chính phủ HCQ cho đến khi được chuyển đổi hợp thức, và mỗi viên chỉ huy đại đội hay trung đoàn phải ký một bản tuyên bố tương tự cho binh lính dưới quyền. Vũ khí, pháo và tài sản công phải giữ lại và sắp xếp, và giao cho viên sĩ quan do tôi bổ nhiệm tiếp nhận. Trong đó không bao gồm vũ khí tùy thân của các sĩ quan, cũng như ngựa hay hành lý riêng của họ. Sau khi hoàn thành những việc trên, mọi sĩ quan và binh sĩ sẽ được phép trở về nhà, không bị sách nhiễu bởi nhà chức trách HCQ chừng nào họ giữ lời hứa và tôn trọng các luật lệ có hiệu lực tại nơi cư trú”.

Các điều khoản khoan dung hết mức Lee có thể hy vọng. Quân binh của ông sẽ không bị bỏ tù hay truy tố vì tội làm phản. Thêm nữa, Grant còn cho phép những kẻ bại trận đem về nhà số lừa ngựa của họ để kịp trồng cấy vụ xuân, và cung cấp cho Lee lương thực để cứu đội quân đói khát của ông ta. Lee nói rằng việc đó tác động rất tích cực đến người của ông, góp phần lớn vào sự hòa giải đất nước.

Khi Lee ra khỏi nhà và lên ngựa đi, quân binh của Grant reo hò mừng chiến thắng, nhưng Grant lập tức hạ lệnh cho họ ngừng lại. Ông nói: “Tôi lập tức gửi lệnh để chấm dứt việc này. Giờ đây người của Liên bang (miền Nam – ND) là người cùng một nước, chúng ta không muốn hân hoan trước sự suy sụp của họ”.

Ngày 12/4/1865, lễ đầu hàng chính thức được tổ chức, Tướng Joshua L. Chamberlain được HCQ (miền Bắc) trao trách nhiệm chỉ huy lễ. Buổi lễ được ông ghi lại với những chi tiết cảm động. Ông coi đó “không gì khác hơn là một cuộc diễu binh”.

Đoàn quân “thất trận” được ông miêu tả đầy trân trọng:

“Trước mặt chúng tôi, trong vẻ khiêm cung tự hào, đứng đó là hiện thân của tính cách trượng phu: những người đàn ông mà không nhọc nhằn đau khổ, không chết chóc tai ương hay nỗi tuyệt vọng nào có thể bẻ cong quyết tâm của họ; giờ đây, đứng trước mặt chúng tôi, gày gò, tàn tạ, đói khát, nhưng đứng thẳng, mắt nhìn thẳng vào mắt chúng tôi, đánh thức những ký ức đã buộc chặt chúng tôi với nhau như không thể có gì buộc chặt hơn  – có thể nào những trượng phu như thế lại không được hoan nghênh trở về trong lòng HCQ đã được thử thách và bảo đảm đến vậy?”

Còn thái độ của những người chiến thắng? “Phía chúng tôi, không thêm một tiếng kèn, hay hồi trống; không reo hò, không một tiếng nói ra hay thì thầm về niềm vinh quang phù phiếm… mà chỉ một sự im lặng kính cẩn, nín thở, như trong một lễ tang!”

Ngày hôm ấy, 27.805 quân binh Liên bang diễu qua và hạ vũ khí của họ xuống.

HH dịch

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

HOÀ HỢP HOÀ GIẢI?!

Hồ Thể Y

Những lời tâm huyết sau đây của GS Nguyễn Huệ Chi là động cơ cho tôi viết lên những tâm tình đã chất chứa suốt 35 năm nay (xin trích):

“Không nói giữa người Mỹ và người Việt Nam mà giữa người Việt với nhau, biết là cùng ruột rà máu mủ, từ một bọc mà ra, quan hệ giữa từng con người hay từng nhóm với nhau thì sau 35 năm tưởng không còn gì ngăn trở, nhưng một bức tường vô hình vẫn cứ sừng sững khi hai cộng đồng muốn tìm đến với nhau. Thiết tưởng, ở đây, vẫn chưa có một lực đẩy để người ta náo nức ùa lên phá tan bức tường vô hình và vô lối kia đi. Ai tạo nên được lực đẩy này nếu không là người lèo lái con thuyền đất nước. Nói như Lão Tử “Tự tri giả anh, tự thắng giả hùng”, xem ra vẫn rất khó tìm được một bộ sậu nguyên thủ có cái bản lĩnh tự tri và tự thắng”.

Năm 1965 tôi sang CHLB Đức du học, bị “phong trào phản chiến” của sinh viên, học sinh, trí thức từ Tây Âu đến Bắc Mỹ lôi cuốn, bắt đầu theo dõi các vấn đề th[fi cuộc và các chủ thuyết chính trị! Nhất là tôi quan tâm tới tốc độ xây dựng đất nước của người Đức sau Chiến tranh thế giới II. Sự việc làm tôi suy nghĩ rất nhiều là: Chính sách biên chế của nước Đức (Ent – Nazifizierung) từ tháng Giêng 1946, sau Hiệp ước Postdam của tứ cường, lưu dụng hầu như toàn bộ trí thức, chuyên gia, công nhân và cả quân nhân vào guồng máy xây dựng đất nước. Tôi hiểu tại sao, sau Thế chiến thứ II hầu như toàn bộ người dân “gốc Đức” từ Đông Âu di tản sang CHLB Đức!

Lịch sử lặp lại, năm 1990 sau khi thống nhất, nước Đức thi hành Chính sách biên chế Mật vụ (EntStasifizierung), loại bỏ toàn bộ những ai đã cộng tác với Cơ quan Mật vụ – Điềm chỉ ra khỏi các Cơ quan nhà nước, ngoài ra hầu như tất cả được lưu dụng, đối xử (tương đối) công bằng! Bà Thủ tướng Angela Merkel là một thí dụ.

Mỗi tối trước khi đi ngủ tôi thường ngâm nga ru mình:

“Trăm năm trong cõi người ta…

Những điều trông thấy ngẫm mà  đớn đau…”

Đi đây, đi đó, được sống và trải nghiệm, thấy rằng 35 năm qua tuy ngắn mà vô cùng dài trong vũ đài Olympic: dân giàu, nước mạnh. “Nẫu lòng” thương cho số phận “dân tộc Việt Nam” mình long đong, bao nhiêu xương máu đều trôi sông!

30 tháng Tư nay lại đến! Một loạt bài trên blog, trên web kêu gọi “hòa giải hòa hợp” (chưa nói đến báo chí “lề phải”)! Cuộc sống có bao nhiêu “sự tình cờ” để đàm tiếu về nhân tình! Câu hỏi “Mình là ai” (Liêu Thái, http://www.boxitvn.net/bai/3189) cũng là câu tôi đã tự hỏi mình 42 năm về trước!

Hòa giải hòa hợp? Anh phải tử tế với dân tộc của anh trước đã!!! Bao nhiêu thanh niên phải trải nghiệm cuộc đời trong lao tù để hiểu được cái ý nghĩa của “Tự do Dân chủ”, tên tuổi tôi không cần phải nêu ra!

Lịch sử đã cuốn phăng cái ngông cuồng của kẻ thắng trận, của những kẻ điên rồ như Hitler, Stalin, Mao… mặc chiếc áo chủ nghĩa này nọ, khích động tư tưởng dân tộc cực đoan để xây dựng chế độ độc tài phe đảng!!! Hành động như thế nào để thực sự hòa giài hòa hợp, để nức lòng người Việt khắp năm châu?! Một câu hỏi để các Anh Chị chúng ta, trong và ngoài nước, mỗi người tự trả lời.

CHLB Đức, tháng 4-2010

H. T. Y.

HD Mạng Bauxite Việt Nam biên tập