THUỐC LÁ RẺ, SỮA ĐẮT: TRẺ LỚN SAO NỔI!
TS.BS Trần Bá Thoại (bệnh viện Đà Nẵng)
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì giá thuốc lá được chia làm 6 mức: mức1: trên 5 đôla /gói; mức 2: 4 – 4,99; mức 3: 3 – 3,99; mức 4: 2 – 2,99; mức 5:1-1,99 và mức 6: dưới 1. Giá thuốc lá ở Việt Nam chúng ta thuộc mức 5. Thuốc lá rẻ những người rỗi rãnh, thất nghiệp, người nghèo lại thường hút nhiều hơn; đặc biệt ở nước ta vì chưa có luật nên trẻ em cũng hút thuốc lá…hậu quả là ngoài phải tiêu tốn tiền mua thuốc lá còn tốn tiền chữa bệnh do thuốc lá gây ra. Bố mẹ hút thuốc sẽ ảnh hưởng sức khỏe và hạnh phúc của con cái: tài chánh gia đình bị thâm thủng, sẽ thiếu tiền ăn, tiền học phí, mua sách vở…và một điều cực kỳ nguy hại mà đa số phụ huynh có hút thuốc không để ý là đứa trẻ hít khói thuốc “thụ động” (second-hand smoker) hoàn toàn bị bệnh do thuốc lá (thậm chí bị nặng hơn) như người trực tiếp hút thuốc.
Ngược lại về sữa, hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN xác định dân ta tuy rất nghèo nhưng đang phải uống sữa với giá cao nhất thế giới. Khi lương thấp và giá sữa cao thì chắc chắn trẻ em chúng ta không thể có đủ thức ăn, sữa uống theo yêu cầu. Từ lâu y học đã chỉ rõ ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là việc “uống sữa” lên sự phát triển cả thể chất và tinh thần đứa trẻ. Vào thập niên 40 của thế kỷ trước người Nhật rất “lùn”, nhưng nhờ chương trình cải tạo dinh dưỡng cho thế hệ trẻ, cụ thể là quốc sách “Bữa ăn trưa học đường” trong đó chú trọng uống sữa, đến nay người Nhật thuộc loại cao nhất châu Á. Tại Indonesia có khoảng 600 ngàn trẻ em tuổi đi học được nhận sữa bò miễn phí và khoảng 400 ngàn trẻ khác được nhận sữa đậu nành. Thái Lan cũng có chương trình phát sữa miễn phí cho học sinh tương tự. Tại diễn đàn “Quyền uống sữa của trẻ em Việt Nam” do Quỹ “Một triệu ly sữa cho trẻ em nghèo Việt Nam” tổ chức ngày 30/7/08 tai TP.Hồ Chí Minh, PGS.TS Lê thị Hợp P.Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia chỉ rõ: Nguyên nhân của tỷ lệ suy dinh dưỡng còi cọc của chúng ta còn cao chủ yếu là do khẩu phần ăn của trẻ em quá thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là quá thiếu khẩu phần sữa trong bữa ăn hằng ngày. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoa , CNK Dinh dưỡng bệnh viện Nhi đồng1 thì chúng ta đang dùng sữa ít nhất thế giới chỉ 6 lít/người/ năm.
Theo số liệu năm 2007 của Viện Dinh dưỡng quốc gia thì tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi (còi cọc) quá cao 33,9% chung cho toàn quốc và vùng sâu vùng xa cao đến 45%. Trên tạp chí y học nổi tiếng Lancet số dành cho hội thảo suy dinh dưỡng 17/1/2008 tại Hà Nội, tỉ lệ trẻ em Việt Nam chúng ta suy dinh dưỡng và thiếu vi chất cao nhất thế giới. Mặc dù chính phủ đã rất nổ lực, nhưng cho đến đầu năm 2009 này WHO vẫn còn cảnh báo tỉ lệ suy dinh dưỡng của trẻ emViệt Nam còn rất cao (2,6 triệu cháu) và cứ 3 cháu lại có một bị còi cọc (vừa thấp lùn vừa nhỏ bé). Có một quan niệm hết sức sai lầm của nhiều bậc phụ huynh là ráng chạy theo các mác sữa đắt tiền, sữa được quảng cáo tiếp thị quá mức, mà không để ý đến tài chính eo hẹp. Thực phẩm nói chung và sữa thì ngoài chất lượng còn phải đảm bảo có đủ số lượng, trẻ không thể lớn chỉ với vài muỗng sữa đắt tiền mỗi ngày.
Người viết bài mong chuyển tải một ý: Chúng ta có thể và đủ sức phòng ngừa và điều trị suy dinh dưỡng cho con em mình bằng chính “nội lực”. Phụ huynh chủ động không hoặc bỏ hút thuốc lá, mua đủ sữa tốt, “hợp lý” cho trẻ em (sữa nội cũng tốt) là hai biện pháp tích cực để lo cho cái “….thế giới ngày mai” của chúng ta.