ĐAU NỬA ĐẦU: LẮM KIỂU !
TS.BS Trần Bá Thoại (Bệnh viện ĐÀ NẴNG)
Đau đầu là một dấu chứng hay gặp trong y khoa.Tính chất đau đầu nhiều lúc là chìa khóa giúp bác sĩ định hướng, thậm chí chẩn được bệnh. Khi bị đau đầu cần để ý 7 điểm để tìm bệnh sử: (1) vị trí đau và hướng lan,(2) thời gian đau kéo dài bao lâu,(3) tần suất cơn đau,(4) tính chất của đau, (5) mức độ cơn đau,(6) tiến triển của cơn đau đầu và (7) các dấu hiệu kết hợp với các chức năng khác. Đau đầu có thể khu trú hay lan tỏa và cũng có thể đau do bệnh lý ở bên trong hay phía ngoài sọ não. Đau đầu nguồn gốc trong sọ não thường do kéo dãn hay dịch chuyển các mạch máu hoặc các dây thần kinh; còn đau đầu bên ngoài sọ não là do viêm nhiễm hoặc chèn ép từ các tổ chức lân cận bên ngoài hộp sọ. Một dạng đau đầu hay gặp là chứng bệnh “đau nửa đầu” (migraine); bệnh có tên như thế vì thường chỉ bị đau một bên (nửa đầu), hiếm khi đau cả hai bên cùng một lúc.
Nguyên nhân đau nửa đầu cho đến hiện nay y học cũng chưa biết thật tường tận. Người ta ghi nhận có sự rối loạn “co và giãn” của các mạch máu ở trong não bộ gây ra cơn đau này. Những nghiên cứu gần đây cho rằng đau nửa đầu là do sự thay đổi hoạt động của các tế bào thần kinh (neurone) có liên quan với chất trung gian dẫn truyền thần kinh serotonin. Đau nửa đầu có liên quan đến yếu tố di truyền và gia đình. Đến 80 phần trăm người bệnh đau nửa đầu trong gia đình nhiều người cùng bị mắc bệnh.
Những nguyên do khởi phát cơn đau nửa đầu được ghi nhận là: (1) thiếu hoặc mất ngủ, (2) đói ăn hoặc ăn uống thất thường, (3) uống nhiều cà phê, trà, rượu, nước trái cây, (4) hút thuốc lá, (5) ăn quá nhiều sôcôla, bơ, trái cây, (6) stress hoặc bức xúc lo âu, (7) tiếp xúc, làm việc trong môi trường chói ánh sáng, âm thanh cường độ cao, (8) thay đổi cân bằng hócmôn của phụ nữ trong kinh kỳ, (9) thay đổi thời tiết đột ngột và (10) một số loại thuốc, hóa chất (như thuốc chống đau thắt ngực, khói xe hơi…).
Thường đau nửa đầu có các dấu hiệu báo trước như (1) rối loạn thị giác: mắt thấy “đom đóm” hoặc những điểm đen “ruồi bay”, nhìn lòe nhòe, mờ mắt, không thấy đường trong tích tắc…(2) chóng mặt (3) nhận thức lẫn lộn (4) nói ngọng (5) tê cứng tay chân hay dị cảm như kiến bò chân tay…nhưng cũng có khi đau nửa đầu bột phát đột ngột chẳng thấy dấu gợi ý gì.
Trước cơn đau nửa đầu cần được chẩn đoán rõ ràng nguyên nhân với những bằng chứng xác thực (evidence based), đặc biệt khi mới bị “khởi phát lần đầu”. Ngoài thăm khám lâm sàng cũng cần kiểm tra huyết áp, khám mắt, khám tai mũi họng, làm một số xét nghiệm máu, chụp CT hay MRI, đo điện não và có khi cũng phải chọc dò kiểm tra nước tủy sống thêm để chính xác và không bỏ sót.
Điều trị đau nửa đầu gồm có hai phần: dùng thuốc giảm đau và thuốc ngừa các yếu tố khởi phát đau.Hiện nay người ta cũng có thử châm cứu, massage, vật lý trị liệu, thư giãn (biofeedback), dùng cây thuốc, khoáng chất và vitamin.